Con người sinh ra ở đời, ai cũng có nhiệm vụ. Một quốc gia có trăm quan văn, võ, mỗi người đều có nhiệm vụ. Một gia đình, ai nấy đều có bổn phận, lớn nhỏ có thứ tự, cha hiền con hiếu, em cung kính anh, vua thương dân, quan tận trung với vua, với nước. Nếu như làm đảo lộn nhiệm vụ của mỗi người thì cha không ra cha, con không ra con, vua quan trên dưới bất hòa, trách nhiệm vợ chồng, anh em cũng đảo lộn. Như thế, một quốc gia không thể nào được thái bình, đời sống gia đình sẽ không được hạnh phúc, an vui.
Thuở xưa, có một con rắn sống trong rừng. Có lúc nó bò đến đám cỏ um tùm rậm rạp. Có khi nó bò ra đồng trống tìm thức ăn. Cuộc sống của nó rất tự do thoải mái. Một hôm, đuôi nói với đầu:
– Này anh! Mỗi ngày anh muốn đi phía đông thì tôi phải theo anh đi phía đông, anh muốn đi phía tây thì tôi phải theo anh đi phía tây. Xưa nay, anh không hề bàn bạc với tôi điều gì, lúc gặp thức ăn ngon cũng chỉ mình anh hưởng hết, tôi chẳng có phần. Như thế, thật là bất công!
Đầu rắn nói:
– Chú có cách gì không? Ai bảo chú làm phần đuôi?
Đuôi rắn tức giận quát to:
– Anh câm mồm! Trời ban cho tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Anh xem kìa! Ánh sáng mặt trời chiếu khắp mặt đất, có đối xử bất công một chút nào không?
– Chú nói như vậy còn gì ý nghĩa phận làm em?
– Nhiều năm nay anh dành đi trước, nay phải đổi cho tôi đi trước mới công bằng.
– Vậy là chú muốn đi trước phải không?
– Rất đúng!
– Chú có mắt không? Có biết đường đi không?
– Đây là việc của tôi, không cần anh phải lo.
Đầu thấy đuôi tranh cãi vô lý, nhưng đành phải thuận theo, nói:
– Thôi được! Chú muốn đi trước thì cứ đi!
Do đó, đuôi rắn đi trước. Vì nó không thấy đường nên cố sức bò về phía trước; gặp những chỗ gập ghềnh, nó dốc hết sức lực để trườn lên; bò đến bên hầm lửa, nó cũng không biết. Cuối cùng, nó lao xuống hầm, bị lửa thiêu chết và đầu rắn cũng chung số phận.
Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Sống trong xã hội, mỗi người đều có nhiệm vụ, nghề nghiệp của mình. Một quốc gia đều có trăm quan văn võ, chia ra các cấp ban ngành, ai nấy đều làm việc tròn bổn phận của mình để lo cho nước, cho dân. Tục ngữ có câu: “Mỗi người đều phát huy hết tài năng của mình, và phát huy hết tác dụng của sự vật” thì con người mới có thể hạnh phúc an vui, thế giới mới hòa bình. Nếu chúng ta trên dưới ganh tỵ với nhau, tranh giành, hãm hại lẫn nhau thì nhân loại mãi mãi không có ngày an vui. Điều đáng quý nhất là mỗi người phải tự hiểu rõ mình, tự mình có khả năng làm việc gì thì nên làm việc đó. Nếu việc nào mình không biết thì phải học, cố gắng vươn lên hoàn thiện bản thân mình. Còn như kẻ bất tài cứng đầu cố chấp không biết mà làm càn, người tài giỏi không chịu làm, đều là bất hạnh cho xã hội.
Mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm. Chúng ta cố gắng học hỏi làm việc tốt, phát huy ưu điểm, bỏ lần khuyết điểm, là người thành công. Người cố chấp sĩ diện thì không thể nào làm được người tài giỏi, chẳng những hại mình mà còn hại người khác. Tại sao có người tài và người bất tài? Chúng tôi nói xa một chút là nhiều đời nhiều kiếp từ quá khứ đến nay, có liên quan đến thói xấu đã huân tập; nói gần là có liên quan sự lười biếng và nỗ lực học tập. Vì thế, người giỏi phát huy tài năng của mình, người bình thường cố gắng học hỏi vươn lên. Chúng ta học Phật cũng như vậy.
Nếu bất cứ việc gì, chúng ta cũng cầu trời, cầu thần; tuy có thể an ủi tinh thần, nhưng không thể lấy đó làm cứu cánh. Phật, thần, trời có thể làm chỗ dựa an ủi tinh thần cho chúng ta. Người làm thầy giáo là người mẫu mực để chúng ta học hỏi, chứ không thể bất cứ việc gì cũng ỷ lại thầy. Người yêu thương chúng ta nhất là cha mẹ, người truyền trao cho chúng ta kiến thức và học vấn là thầy giáo, họ nâng đỡ chúng ta, nhưng không thể thành công lập nghiệp thay chúng ta. Chúng ta muốn thành công, muốn làm nên việc lớn đều phải dựa vào chính mình. Nếu như tất cả mọi việc chúng ta đều dựa vào cha mẹ thì chẳng những là người yếu hèn mà cơ hội thành công rất ít.
Hay nói cách khác, kẻ tự đại tự kiêu thì không thể nào làm được việc lớn. Hoặc bất cứ việc gì cũng không chịu nghe theo người tài năng đức hạnh, lại còn ganh tỵ với họ thì tự mình chuốc lấy thất bại. Bởi vì, chúng ta làm việc chung với mọi người, tất cả mọi việc đều phải dựa vào lý trí phán xét để tiến thân. Cho nên, người học Phật là học trí tuệ, giác ngộ, đức hạnh. Cuộc sống hằng ngày luôn xảy ra chuyện người tranh quyền đoạt lợi. Giới sĩ, nông, công, thương cũng vì danh lợi. Người tài tự cho mình giỏi dùng mưu trí tranh chiếm danh lợi. Kẻ ác dùng thủ đoạn tinh vi hại người lợi mình để được danh lợi. “Điều thiện như cây tùng xanh, điều ác như hoa nở rộ; hiện tại tùng không bằng hoa. Một sớm tuyết sương rơi xuống, chỉ thấy tùng xanh không thấy hoa”. Kẻ lừa đảo luôn giành lấy danh lợi trước mắt. Người lương thiện tính chuyện danh lợi lâu dài.
Bậc cổ đức dạy: “Đường xa mới biết ngựa hay, sống lâu mới biết đổi thay lòng người”. Người sống có phép tắc và giữ đạo đức sẽ có cuộc sống yên vui, hạnh phúc lâu dài. Điều đáng quý nhất ở thế gian là tự biết rõ mình, khả năng mình làm được việc gì thì cố gắng làm việc đó. Việc mình làm chưa được thì học từ từ, chắc chắn thiết thực. Chúng ta làm được một phần là tính một phần, làm không được thì nhường lại cho người hiền tài, không biết làm mà làm càn thì chỉ phá hỏng việc. Như kẻ cố chấp nói: “Thà làm hư, chứ không biết thì người ta khinh”, “thà làm ngọc vỡ chứ không làm ngói lành”. Người này là tội nhân của xã hội.
Bậc hiền tài ở đời, làm lợi mình lợi người; kẻ ngu si làm hại mình hại người; giống như danh lợi làm sao ra sức tranh giành mà được? Bậc cổ đức nói: “Có thành tựu thực tế thì có danh tiếng tương ưng”. Chúng ta cũng có thể nói: “Có thành tựu thực tế thì có danh lợi tương ưng”. Chúng ta cố gắng làm việc một phần thì được một phần, đây là danh ngôn rất hợp lý. Vì thế, danh lợi đổi bằng mồ hôi và nước mắt mới là thật; còn như tính toán, tranh đoạt mà được là không thật. Cho nên, người hiền tài biết nhìn xa trông rộng; kẻ ngu si tham lợi trước mắt. Như thế mà thôi.
(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)