Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Hùng Khanh (Võ Đình Cường): Mục đích và lịch trình tiến triển của Gia đình Phật tử – P1

I. MỤC ĐÍCH:

Nói một cách tổng quát và nôm na thì Gia đình Phật tử có mục đích đào luyện con em thành những con người có đạo đức, thấm nhuần tinh thần Phật giáo. Nhưng dựa vào các văn kiện căn bản, như trong các nội quy của Tổ chức này chúng ta thấy có nhiều sự thay đổi trong mục đích theo từng giai đoạn. Những sự thay đổi ấy đã tuần tự đi từ phạm vi rộng rãi đến phạm vi hẹp hòi, trong khi ấy thì phong trào Gia đình Phật tử đi từ phạm vi hẹp hòi đến phạm vi rộng rãi. Để nhận rõ cái mâu thuẫn này, chúng ta hãy tuần tự điểm lại lịch trình tiến triển của Gia đình Phật tử song song với những giai đoạn mà mục đích đã được sửa đổi. 

II. LỊCH TRÌNH TIẾN TRIỂN CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ:

1) Giai đoạn sơ khởi.

Khi mới ra đời vào năm 1941 tổ chức này có cái tên là Gia đình Phật hóa phổ, cái tên do người sáng lập là cư sĩ Tâm Minh đặt ra. Ông Tâm Minh đã dựa vào cách tổ chức Liên gia ở Nhật và các xu hướng tồn cỗ, phát huy những giá trị cổ điển trong nền văn minh Á đông nói chung và Việt Nam nói riêng, cái xu hướng có mục đích đánh thức tinh thần dân tộc và lòng ái quốc của ta trong giai đoạn thế chiến thứ hai. Ông nhận thấy sự sụp đổ của chủ nghĩa cá nhân, tây phương, mà chính người Việt Nam ta trong giai đoạn ấy cũng đang mù quáng theo đà với sự cổ vũ khua chuông, gõ mõ của nhóm Tự lực văn đoàn; nhưng ông cũng nhận thấy chủ nghĩa đại gia đình của Khổng giáo cũng không thể đứng vững trong xã hội của thế kỷ hai mươi nữa. Cái Tổ chức cứng đờ với những tôn ti, trật tự máy móc, hình thức ấy đã bị phá vỡ bởi làn sóng văn minh tây phương. 

Vậy thì làm thế nào cho trong gia đình, con người không quá cá nhân, ích kỷ chỉ nghĩ đến mình, nhưng cũng không phải đau khổ, hy sinh hạnh phúc mình cho cái hình thức tôn ti trật tự cứng đờ, thiếu sinh khí, thiếu tình cảm hồn nhiên? Chỉ có một cách là mượn lại hình thức đại gia đình, nhưng thà cho có một sinh khí mới là tinh thần Đạo Phật, trong ấy, mỗi phần tử đều tắm gội trong hào quang của trí tuệ và giòng suối của từ bi trong đại gia đình mới này, tất cả các phần tử không phải được hàn gắn, cố kết, thông cảm qua huyết thống, qua tinh thần gia tộc, như trong gia đình cũ, mà qua Phật tánh. Châm ngôn của đại gia đình mới này là hòa thuận, tin yêu, vui vẻ. Thực hiện được ba điểm chính ấy là thực hiện được hạnh phúc của gia đình. 

Dựa lên tinh thần nói trên, thành phần của đại gia đình mới này không phải chỉ gồm có những người cùng một huyết thống, giòng họ, mà còn gồm có những người trong thôn xóm, láng giềng cùng tin Phật và cũng mong muốn tạo hạnh phúc cho nhau, ngõ hầu thực hiện một đời sống chung tốt đẹp, hiền hòa hơn trước. Đã gọi là gia đình thì tất không hạn tuổi tác, những ông bà cụ già đầu bạc cũng cùng sum họp, quây quần với những – mái đầu xanh, những hài nhi măn sữa. 

Những kiểu gia đình mới này đã được xây dựng lần đầu tiên vào khoảng 1941 ở Huế. Đó là những Gia đình Phật hóa phổ có cái tên là Tâm Minh, Thanh Tịnh, Tâm Lạc, Sum Đoàn… Những gia đình này quy tụ được một số thanh niên nam nữ học sinh, sinh viên và tri thức ở Huế. Những ngày chủ nhật, ngày lễ ở ngoài đời hay trong đạo, những ngày sinh nhật của các Gia trưởng, họ họp nhau để lễ Phật, nghe thuyết pháp, trình diễn văn nghệ, ăn chơi với một tính cách đây đạo vị, hay đi du ngoạn, cắm trại… Họ khuyên bảo nhau sách tấn nhau tu hành học hỏi, và làm việc thiện. 

Mục đích đầu tiên của Gia đình Phật hóa phổ là xây dựng hạnh phúc gia đình và cải tạo xã hội trên nền tảng Phật giáo. 

Những Gia đình Phật hóa phổ ấy sinh hoạt một cách êm đẹp cho đến ngày quân đội Nhật đảo chảnh. Từ đấy những biến cố chính trị dồn dập xảy ra và làm tan rã tất cả những tổ chức đoàn thể đã xây dựng từ trước. Gia đình Phật hóa phổ cũng ở trong tình trạng ấy. 

2) Giai đoạn phục hồi:

Một năm sau ngày chiến tranh Việt Pháp bùng nổ, một số Phật tử hồi cư về Huế, nghĩ đến chuyện bắt tay xây dựng lại những gì đã bị đổ nát trong lãnh vực Phật giáo: Sửa sang lại chùa Từ Đàm, đặt văn phòng của Hội Phật học, bắt liên lạc với các tỉnh, kết tập hội viên… Nhưng hội viên còn e ngại sự khủng bố của quân đội Pháp ở các vùng bị chiếm, nên ít dám tụ họp dù là tụ họp tại chùa để lễ Phật. Cái gương thầy Trí Thuyên bị bắn, Thượng Tọa Đôn Hậu bị bắt bớ và ngược đãi một cách quá phũ phàng làm cho giới Phật tử e dè và chán ghét quân đội viễn chinh Pháp. Nhưng không lẽ không làm gì cả? Một số Phật tử cốt cán, trong ấy người có công lớn là thầy Thích Minh Châu, nghĩ đến một hình thức hiền lành nhất để kết hợp Phật tử và truyền bá đạo Phật là mở những nhóm hội học và diễn giảng cho thanh thiếu niên học sinh. Lớp học đầu tiên ở tại trường Thượng tử, hay ở nhà các đạo hữu ở trong Hoàng thành như Đạo hữu Hoàng Mộng Lương, Phan Cảnh Tú. Những học viên đầu tiên trong các nhóm ấy là những con chim bạt gió từ bốn phương bay về, khao khát một chút yên tĩnh tâm hồn, một chút tình thương giữa cái xã hội đảo điên thủ hằn đầy tang tóc và ác độc mà họ đang sống sót trong khi những người thân yêu của họ đã chết rồi, hay đang sống dở? Nhưng nghe và học không cũng chưa đủ. Phải cho họ làm một việc gì phải để cho họ áp dụng những điều họ đã học, phải cho họ cái vinh hạnh thấy mình hữu ích, có trách nhiệm, mới có thể giữ họ lại được với Đạo, không thì họ sẽ đi theo tiếng gọi khác.

Do đó, hình thức Gia đình Phật hóa phổ được dựng lên, trong ấy họ là những người anh, người chị, những người huynh trưởng để dìu dắt các đàn em thơ dại, đang run rẩy, xơ xác trong cơn gió lốc của thời đại. 

Gia đình đầu tiên được thành lập sau ngày hồi cư là Gia đình Phật hóa phổ Hướng thiện, mà vị Gia trưởng là Đạo hữu Phan Cảnh Tú ở kiệt hai đường Âm Hồn trong Thành Nội (Huế). Hình thức và sinh hoạt của Gia đình này không khác gì các gia đình Phật hóa phổ trước thời chiến tranh Việt Pháp, nghĩa là chưa tổ chức thành đội, chúng, đoàn, chưa có đồng phục, chưa có nội qui rõ ràng. Đó là một nhóm người ô hợp: già, trẻ sáng lập Hội viên của Hội Phật học, hay chưa vào hội, thanh niên Phật tử cũ, Hướng đạo sinh, đoàn viên Phật học Đức dục, học sinh công chức…, chứ không thuần nhất như những thành phần trong các Gia đình Phật hóa phổ hồi tiền chiến. Nếu có một điểm giống nhau giữa những hạng người phức tạp ấy, đó là ý nguyện thiết tha muốn được sống bên nhau, nâng đỡ nhau tạo thành một bầu không khí dễ thở đầy đạo vị hợp thành một hòn đảo an lành giữa biển đời giông tố.

Như thế mục đích sự phục hồi Gia đình Phật hóa phổ trong giai đoạn này cũng đã có đôi phần sai khác với mục đích đầu tiên của sự thành lập Gia đình Phật hóa phổ do Đạo hữu Tâm Minh đề xướng lên vậy. 

3) Giai đoạn cải tổ sâu xa.

Trong giai đoạn phục hồi sau ngày hồi cư, như chúng ta đã thấy trong đoạn trước, tánh cách đại gia đình đã không được hoàn toàn nguyên vẹn như giai đoạn sơ thời, trong thời kỳ tiền chiến thứ 2 nữa. Các thành phần trong đại gia đình này không còn thuần nhất là trí thức và tiểu tư sản thành thị như trước nữa. Nó gồm đủ hạng người, đủ tâm trạng, đủ khuynh hướng. Có thể nói đây là một nhóm người tụ họp dưới một mái nhà để thực hiện cái nhu cầu tin tưởng về Đạo Phật của mình, để cùng nương tựa vào nhau, giúp đỡ nhau sống trong một khung cảnh từ hòa đặc biệt. Cái tinh thần đại gia đình ở đây đã bị pha trộn vào một phần các tinh thần xã hội. Những phần tử hoạt động đắc lực ở trong các gia đình này có xu hướng tổ chức thanh niên, tổ chức giáo dục hơn là tổ chức thành đại gia đình với mục đích xây dựng những gia đình kiểu mẫu như thời kỳ đầu. Do đó, họ tổ chức thành đội, thành đoàn, sắp đặt sự sinh hoạt trong gia đình theo hạng tuổi: thanh, thiếu, đồng niên, và chia ra nam, nữ, chứ không luộm thuộm già, trẻ trai gái chung lộn như trước nữa. Khi đã chia thành đoàn, đội, chúng, tất nhiên phải nghĩ đến đồng phục, huy hiệu, cờ… Tóm lại là những hình thức cần thiết của một tổ chức thanh niên. Và cũng vì là một tổ chức thanh niên, nên các vị lão thành, ông bà, cha mẹ, chú bác không còn hội họp với con cháu như trước nữa. Từ đây chỉ còn lại một bác Gia trưởng là người chủ tinh thần của gia đình Phật hóa phổ. Chúng tôi gọi là “chủ tinh thần” vì vị Gia trưởng này chỉ có tánh cách tượng trưng cho gia đình, chứ mọi công việc, từ sắp đặt cho đến huấn luyện, đều do một nhóm huynh trưởng trông coi cả. 

Các tổ chức Gia đình này được hưởng ứng ở Đà lạt, Hà nội và Hải  phòng, rồi dần dần lan ra các tỉnh ở Trung việt như Quảng Trị, Quảng nam, Khánh hòa, Phan rang, Phan thiết… 

4) Giai đoạn thay đổi danh hiệu.

Năm 1951 sau khi ở Trung, Nam, Bắc đều hưởng ứng phong trào thanh lập Gia đình Phật hóa phổ, nhưng tài liệu còn thiếu thốn và ý chí cũng như đường lối có vài điểm chưa thống nhất, nên ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa phổ Trung Việt đề nghị triệu tập một Hội nghị Huynh Trưởng Toàn Quốc để xác định tinh thần, mục đích và hình thức của tổ chức này. Hội nghị này đã thu thập được rất nhiều kết quả tốt đẹp. Đồng phục, huy hiệu, mục đích đã được duy nhất từ Bắc đến Nam; đường lối đối nội cũng như đối ngoại được xác nhận một cách minh bạch. Tài liệu học tập được trao đổi và phổ cập khắp nơi. Mặc dù lúc ấy, Phật Giáo Việt Nam chưa được thống nhất, mà Gia đình Phật hóa phổ đã thực hiện một cách hoàn toàn sự thống nhất từ tinh thần cho đến hình thức. Và mặc dù ba tập đoàn cư sĩ còn nằm riêng rẽ và có một đời sống hoàn toàn độc lập, thế mà Gia đình Phật hóa phổ là những tổ chức nằm dưới sự quản trị của các tập đoàn ấy, lại liên lạc mật thiết với nhau và cùng chịu một sự hướng dẫn chung của một nhóm lãnh đạo cốt cán của Gia đình. Sự hướng dẫn này được thi hành qua giấy tờ thì ít, mà qua tinh thần thông cảm, qua lý tưởng, qua sự cảm phục nhau thì nhiều. Một vài bằng chứng cụ thể sau đây có thể chứng minh sự thông cảm, phục thiện và nhân nhượng của các cấp lãnh đạo trong sự thực hiện thống nhất thật sự Gia đình Phật hóa phổ. 

a) Hồi ấy, cấp lãnh đạo Gia đình ở Bắc Việt muốn theo sát đường lối, tinh thần và hình thức của ban Hướng dẫn Trung Việt, nên đã dựa theo nội lệ của Gia đình Trung việt đề xin chính phủ duyệt y tổ chức của mình. Danh hiệu trong bản nội lệ ấy là: Gia đình Phật hóa phổ. Nội lệ vừa được duyệt y xong vài tháng thì Hội nghị Huynh trưởng Gia đình toàn quốc được triệu tập tại Huế. Trong hội nghị này có đề nghị sửa đổi danh hiệu Gia đình Phật hóa phổ ra Gia đình Phật tử. Nhận thấy sự hợp lý của đề nghị này, anh em đại biểu Bắc Việt hoan hỷ tán thành, không một chút phàn nàn hay tự ái, mặc dù trước kia họ đã dùng danh từ ấy để gọi tổ chức của họ, nhưng sau vì muốn tổ chức Gia đình được thống nhất, họ đã đổi lại là Gia đình Phật hóa phổ, và như thế là họ lại phải xin sửa đổi danh hiệu lại một lần nữa trong vòng có mấy tháng thôi. 

b) Ở Đà lạt, và khi mới thành lập gia đình tài liệu chưa đầy đủ, sự liên lạc với cấp lãnh đạo ở Huế, vì thời cuộc, chưa được chặt chẽ, nên anh em Huynh Trưởng ở đây đã mặc đồng phục với áo chemise tay dài, quần dài và khăn quàng. Nhưng để đồng phục được duy nhất trong toàn quốc, anh chị em Gia đình Phật hóa phổ Đà lạt đã hoan hỷ cắt bớt cánh tay… áo, cắt cụt ống quần dài và bỏ khăn quàng ra, mặc dù làm như thế là họ sẽ bị lạnh lẽo nhiều hơn trong một miền luôn luôn lạnh lẽo, mưa gió. 

– Cái tinh thần hy sinh cho thống nhất ấy thật đáng làm gương cho những người lớn, những tổ chức lớn, mặc dù các người lớn và tổ chức lớn ấy bao giờ cũng xem Gia đình Phật tử là một bọn con nít, làm việc con nít. Cái câu “hậu sanh khả úy” đáng được áp dụng cho “bọn con nít” ấy lắm. Tiếc thay! người lớn, người già trong các tổ chức lớn và già lại cứ thấy họ là “hậu sanh” mà không bao giờ thấy họ là “khả úy”. Nguyên nhân vì đâu? Chúng tôi sẽ đề cập trong một số sau. 


Xem tiếp Phần II

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ