Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Hùng Khanh (Võ Đình Cường): Mục đích và lịch trình tiến triển của Gia đình Phật tử – P2

Mặc dù loạt bài này đang nói về lịch trình tiến triển của Gia đình Phật tử, nhưng vì trong số trước, trong khi bàn đến sự hy sinh và thiện chí của các cấp lãnh đạo GĐPT địa phương để thực hiện sự thống nhất phong trào, chúng tôi có hẹn sẽ bàn đến lý do vì sao GĐPT bị các người lớn, hội lớn trong Tổng hội xem rẻ, xem khinh, nên trong số này, chúng tôi xin giữ lời hứa, tạm gác vấn đề lịch trình tiến triển của GĐPT để đi sâu vào những lý do đã làm cho Gia đình Phật tử không được trọng nể. 

I) Nhận xét tình trạng

Chúng tôi đã từng nghe nhiều anh chị em cốt cán của GĐPT thở ra với chúng tôi: Em còn ở lại với GĐPT là vì lý tưởng, vì tình thương đối với các em, chứ không thì đã lìa xa Gia đình Phật tử lâu rồi. 

Có chị trưởng cố cựu đã rơi nước mắt mà kể lể: “Em có phải là con nít nữa đâu. Ở trong hội, thì em cũng là ban viên ban Trị sự. Ở ngoài đời, em có thua sút ai đâu. Thế mà khi mặc áo lam vào, đi với các em Phật tử, là người lớn trong hội nhìn em với con mắt khác ngay. Họ xem em cũng như bọn con nít, đối xử như đối xử với con em họ”.

Có anh huynh trưởng lại bảo: “Làm một người huynh trưởng phải nhịn nhục nhiều lắm mới được, và sẵn sàng để nghe các bác la mắng”. Một ban viên ban Trị sự chi hội kia đã mắng các em: “Tụi bây ăn bám vào chi hội, tao sai mà tụi bây không làm, thì tao đuổi đầu đi hết!!!”. Thật là bi thảm! Có nhiều thanh niên tri thức rất muốn đến với Gia đình. Họ là những người có địa vị trong xã hội, vì thấy lý tưởng của Gia đình Phật tử tốt đẹp mà muốn tham gia hoạt động. Nhưng khi đến với Gia đình, họ bị ban viên ban Trị sự đối xử thế nào không biết mà họ nhận thấy mất hết cả tư cách là một huynh trưởng, một người đã đến tuổi trưởng thành và hiểu biết. Chúng tôi không có ý yêu cầu những người ấy được đối xử một cách đặc biệt, không muốn Hội tân bốc họ, vì như thế cũng không hay ho gì, đã đến chùa thì nên để chức tước phẩm hàm ở ngoài cửa. Nhưng ít ra, cũng đừng nên thấy rằng vì họ chơi với con nít, nên họ cũng là con nít; đừng nên nghĩ rằng vì tổ chức Gia đình Phật tử nằm trong nách hội, nên những người ở trong Gia đình cũng phải nằm trong nách những ban viên của Hội. 

II) Lý do của thảm trạng nói trên: 

A – Về phía những người có trách nhiệm trong hội.

Phải thẳng thắn mà nói ngay rằng ở trong ban trị sự các cấp, và nhất là ở các khuôn hay chi hội, có một số đông ban viên không hiểu gì về Gia đình Phật tử hết. Họ không hiểu mục đích của gia đình, cũng không tổ chức, hoạt động, phương pháp giáo dục của gia đình, nên tưởng các em vào Gia đình thì cũng như các Đạo hữu vào hội, vào để tu như họ, làm việc như họ, mình làm gì thì bắt các em làm nấy. Thậm chí có nhiều người có trách nhiệm trong các ban Trị sự mà không bao giờ thấy (thấy chứ chưa nói là đọc) Nội quy của GĐPT là thế nào. Có người bướng đến nỗi nói xua đùa: Nội quy của tụi bây đặt ra thì tụi bây theo, chứ ăn thua gì đến Hội, đến chúng tao? 

Câu nói thật đã làm xấu hổ lây cho toàn thể những ai có trách nhiệm trong Hội! Có người lại nghĩ rằng mình lớn và lại ở trong cấp bậc đàn anh của Hội thì có quyền sai sử các đoàn viên GĐPT, bắt họ phải tuân theo ý muốn của mình, như kiểu trong đại gia đình, Cha Chú nói thì con cháu phải nghe. Họ quên rằng Gia đình Phật tử là một tổ chức như một hội, có điều lệ, có chương trình hoạt động, có tôn ti trật tự; họ đâu có quyền sai bảo ngang như sai bảo con em ở nhà được. Mặc dù các đoàn sinh là con em hội viên cả đấy, nhưng khi những người con em ấy đã mặc áo lam, đã đến hội họp ở đoàn, thì họ là những đoàn sinh, chịu mệnh lệnh của anh hay chị đoàn trưởng; và những anh hay chị đoàn này lại chịu mệnh lệnh của ban Huynh trưởng hay ban Hướng dẫn. Chính ban Hướng dẫn mới có quyền trực tiếp điều khiển Gia đình Phật tử, và trực tiếp chịu trách nhiệm về Gia đình Phật tử, Một tổ chức nào cũng thế, tất phải tuân theo một trật tự nào đó mới tồn tại và sinh hoạt điều hòa được. Nếu mệnh lệnh không duy nhất, nếu ai cũng có quyền ra mệnh lệnh, nhất là những người vô thẩm quyền, vô trách nhiệm cũng ra mệnh lệnh, tổ chức ấy trở thành một giỏ cua.

B – Về phía những Huynh trưởng của Gia đình Phật tử.

Phải công nhận rằng hiện nay có một số rất đông Huynh trưởng không cân xứng với trách vụ mình, Có người chưa đủ tuổi làm Huynh trưởng; Có người chưa có một chút kinh nghiệm nào ở đời và ở Gia đình Phật tử; Có người chưa đọc hết nội quy của Gia đình Phật tử: Có người chưa thuộc mục đích và điều luật của Gia đình; Có người thiếu khả năng, có người thiếu tác phong của một người Huynh trưởng. Do đó, Gia đình Phật tử không được xem trọng. Kinh nghiệm cho thấy rằng ở đâu có những Huynh trưởng đứng đắn, có đạo đức, thì ở đó Gia đình Phật tử được trọng nể. Sự nhận xét này, tất nhiên không đúng hơn, nhưng cũng đúng rất nhiều trường hợp. 

Một lý do khác làm cho các Ban trị sự xem thường Gia đình Phật tử là sự ỷ lại quá nhiều của các ban Huynh trưởng các cấp Trị sự. Bất luận một việc gì của Gia đình Phật tử, nhất là về vấn đề tài chính, những người Huynh trưởng ấy cũng cầu cứu đến ban Trị sự. Từ y phục, cho đến xa phí, sự chi tiêu trong khi đi cắm trại… nhất nhất họ đều kêu gọi đến sự giúp đỡ của ban Trị sự. Có người lại đặt ra cả một ban Bảo trợ, và ban Bảo trợ này trở lại chỉ huy Gia đình Phật tử! Điều này không có gì đáng lấy làm lạ: Khi người ta đã bỏ tiền ra, tất nhiên người ta phải kiểm soát chứ! Ai còn lạ gì mãnh lực sai khiến của đồng tiền. Khi đã hoàn toàn nhờ và đến tài chánh của người khác, thì thôi đừng nói đến chuyện tự do và tự lập!

Cho nên, đoàn trưởng muốn người ta trọng nễ Gia đình mình, thì trước tiên phải lìa bỏ tánh ỷ lại, phải tập tành tự lập, tự túc cho mình và cho các em mình; hãy cố gắng giúp đỡ người khác và đừng hy vọng người khác giúp mình. Chúng tôi không thể không chua xót mỗi khi nhận thấy có những Huynh trưởng, vì muốn được vừa lòng ban Trị sự, đã đàn áp đàn em của mình, đến nỗi làm cho chúng mất hết cả tự tín, tự trọng, để một ngày kia chúng trở thành những con vật không có xương sống! Nếu sứ mạng giáo dục con em, thế hệ ngày mai của Phật tử, mà đi đến tình trạng ấy, thì thà đừng có Gia đình Phật tử còn hơn!

(Theo thuvienphatviet.com)

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ