Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Như Tâm Nguyễn Khắc Từ: Xây dựng Gia đình Phật tử

Danh hiệu “Gia đình Phật tử” không còn lạ lùng gì đối với quần chúng. Tổ chức Gia đình Phật tử cũng không chỉ nằm gọn trong thành thị và được xây dựng bởi một lớp trí thức và tiểu tư sản đô thành của thời 1940 nữa. Sắc “Lam” đã tô thắm ruộng đồng thôn dã, sắc “Lam” đã hòa nhịp với núi rừng cao nguyên. Và Sắc “Lam” cũng thoa dịu vàng son chói lọi chốn đô thành hoa lệ.

Bên cạnh ái nữ của một “phụ mẫu chi dân”, là con của một chị “bán cháo nghèo nàn”. Sau lưng một “sinh viên đại học” là một anh chàng “tay búa tay đe”. Nếu chú đoàn sinh bán đậu phụng rang đóng cọc thì bạn đồng đội con nhà triệu phú phải chăng đây. Dưới lá cờ Sen trắng. Tất cả đều trung thành với di chúc của Đức Từ Phụ: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, không có giai cấp trong máu cùng đỏ, tất cả đều bình đẳng trước Như Lai…”. Trong hàng ngũ áo lam, đoàn sinh không những chỉ “tử hải giai huynh đệ” mà còn là “con chung một nhà”. Đàn con mỗi ngày một đông và tổ chức mỗi ngày một rầm rộ. Nguyên nhân thành lập, lịch trình tiến triển của tổ chức đã được anh Hùng Khanh tỉ mỉ trình bày lâu nay trong tạp chí Liên Hoa.

Ngày nay, Gia đình Phật tử đã là một hiện tượng của xã hội. Sự phát triển mau lẹ đã làm cho những ai nặng trách nhiệm về tổ chức phải lo âu. “Xây dựng Gia đình” là những chữ đầu môi trong các hội nghị. Nhìn những nét mặt lo lắng, nghe những lời phát biểu chân thành, chứng kiến những cuộc đối thoại hăng chát của tuổi đôi mươi, ai nỡ nghi ngờ thiện chí xây dựng của hai mươi năm hoạt động (1940-1960)! Hai mươi năm qua, Gia đình Phật tử đã đem đến những gì cho xã hội, đã đặt những viên gạch nào lên tòa nhà Phật Giáo, đã un đúc cho đoàn sinh một nếp sống ra sao? Con số hàng vạn đoàn sinh “không miễn cưỡng” có đáng làm cho chúng ta hãnh diện?

Tôi, kẻ đến muộn màng với tổ chức, thủ phận em út đâu dám múa rìu qua mắt thợ? Qua những trở ngại của 6 năm lăn lộn với Đoàn em, chen vai thích cảnh với các anh chị Huynh trưởng, tôi xin ghi lại vài điều cảm nghĩ chân thành, gọi là chút quà mọn làm duyên.

CHÚNG TA THIẾU MỘT NỀN TẢNG LÝ THUYẾT

Thiếu một nền tảng lý thuyết? 8 vạn 4 nghìn pháp môn chứa đựng trong ba tạng kinh điển đồ sộ. 49 năm thuyết pháp của Đức Thích Ca chưa đủ để tạo nên một vạn lý trường thành của lý thuyết hay sao? Muốn làm người thì “Tam quy ngũ giới”; muốn thành Trời thì hành “Thập thiện”; khao khát La Hán, Thanh Văn thì đã có “Tứ đế, thập nhị nhân duyên”; hoài vọng Bồ tát, xin mời bước lên đường “Lục độ”. Cả một con đường thông suốt từ Ma vương Quỷ sứ đến giác ngộ giải thoát, ai muốn chọn lựa vào trạm nào thì chọn, tự do. Cái hệ thống tu hành ấy chưa đầy đủ nấc thang để trèo ư!

“Đời Ngài là một biển cả, mà múc nước, con chỉ có hai bàn tay!”

Chính giáo lý của Đức Phật thì mênh mông mà sức người thì có hạn. Đứng trước những món ăn toàn là cao lương mỹ vị, biết chọn món nào khi đang đói? Biết chọn món nào cho hợp tỷ vị, cho ăn nhịp sinh lý và tâm lý của từng lớp tuổi? Nếu vô ý chọn bừa chọn bãi, thì “lợi bất cập hại”. Mục đích của Gia đình còn in đậm nét, chương trình học tập từng trang, từng quyển, nhưng phương pháp huấn luyện thì còn thiếu. Lý thuyết nào đẻ ra phương pháp cho từng ngành cũng chưa được đề ra. Mạnh ai nấy chạy. May ra, gặp Trưởng có ít vốn liếng về kỹ thuật, có thấm nhuần đôi chút phương pháp điều khiển, có óc suy tầm nghiên cứu thì Gia đình ấy khá. Hướng Đạo còn có “The wolf cub’s handbook” cho Sói, “Scouting for boys” cho Thiếu, “Rovering to succès” cho Tráng và “Aids to Scout Mastership” cho Huynh trưởng để làm căn bản lý thuyết cho tổ chức. Chúng ta không thể nào rút trong đời hoạt động, trong giáo pháp của Đức Phật để lập những căn bản lý thuyết cho các ngành Gia đình Phật tử hay sao?

Chúng tôi xin thiết tha kêu gọi những vị tiên phong, những sáng lập viên phong trào khai sơn phá thạch cho. Có thế, đường lối hoạt động và phương pháp giáo dục của Gia đình Phật tử mới được duy nhất và khỏi sa đường lạc nẻo.

THIẾU Ý THỨC LÚC ĐẾN VỚI GIA ĐÌNH

Khoan nói đến đoàn sinh. Phải chú trọng đến cấp điều khiển. Động cơ nào đã thúc đẩy các anh chị đến với Gia đình? Đã tự đặt mình trong vai trò lãnh đạo? Sở dĩ phải đề cặp đến cấp điều khiển vì chắc những Anh, những Chị đã đắn đo nhiều khi bước vào ngưỡng cửa Gia đình khi đã chọn cho đời mình một nếp sống.

Có phải chăng vì muốn cải tạo một thế hệ thanh thiếu niên đang lăn xuống dốc?

Phải chăng muốn sống một đời sống ý nghĩa hợp với năng lực dồi dào của tuổi thanh xuân?

Phải chăng vì thấy cuộc đời đen tối mà muốn hướng về ánh sáng Giải thoát qua tự giác và giác tha?

Phải chăng?… Phải chăng?…

Tôi không dám vơ đũa cả nắm. Tôi cũng không dám phủ nhận thiện tâm của các Anh, Chị đầy nhiệt huyết. Tôi chỉ muốn nói đến những anh, chị khi vui thì đến, khi buồn thì đi. Hợp với ý mình thì hăng hái xông pha, nhưng bất đồng ý là bỏ bê công việc, và bỏ luôn cả “đàn em thơ dại, chưa hết run rẩy, xơ xác trong cơn gió lốc của thời đại”. (Theo ý của Anh Hùng Khanh – Liên Hoa số 2 trang 58).

Oan uổng thay là đoàn em tôi. Các em thơ ngây măng sữa mong đến đoàn để vui, để học và để bắt chước đàn anh. Thì than ôi! Các em đã ngơ ngác gặp sự phản bội: tôi đau lòng khi nghe các em mếu máo than phiền anh kia nghỉ họp; tôi xót xa khi nhìn thấy các em sụt sùi vì chị nọ không đến đoàn để các em bơ vơ, xao xác như gà mất mẹ!

Còn những ai đây; lúc Gia đình thịnh vượng thì hăng hái đến lúc Gia đình suy yếu thì ngoảnh mặt làm lơ? Còn những ai đây lúc sóng lặng thuyền êm thì hò thì hét, đến lúc gai góc mọc lên chơm chởm thì rút lui trật tự vì bận việc gia đình vì hoàn cảnh bắt buộc? Vì và vì…???

Tôi còn muốn nhìn thẳng vào ai đến với gia đình với hậu ý không được sạch trong, với tâm hồn đen tối với ý nghĩ tìm nơi dung thân và tỏ ra ta đây đã nằm vào một đoàn thể.

Một lần nữa, tôi chắp tay cầu khẩn những vị hữu trách vạch rõ phổ biến tinh thần và sứ mạng để soi sáng tư tưởng hành vi và lời nói của hàng Huynh trưởng đang lăm le và đã đến với Gia đình.

CHƯA THỰC SỰ SỐNG VỚI LÝ TƯỞNG

Lý tưởng giáo dục của Jean Jacques Rousseau đẹp đẽ đến thế, sao con của ông ta lại đem gởi vào ký nhi viện? Hay ông ta muốn thực hiện câu: “Fais ce que je dis et ne fais pas ce que je fais? (Làm những điều ta nói và đừng làm những điều ta làm). Chúa Jésus đã phán: “Ai đánh mày má bên phải, thì đưa má bên trái…” hoặc “Phải thương yêu kẻ thù…” hay “Mày đừng giết…”.

Lời Chúa phán nhân từ thế kia, sao lại có những “Saint Barthélémy”, những “guerre de cent ans”? Đời của Đức Phật là hình ảnh của “DĨ THÂN TÁC CHÚNG”, sao ta lại không TRI HÀNH HỢP NHẤT?

Một lý thuyết, một lý tưởng dù có đẹp đẽ, có khơi gợi bao nhiêu mà chỉ nằm trong trừu tượng, thì cũng trở nên vô ích cho đời sống mà thôi.

Giáo lý Đức Phật có phải làm ra để lồng vào tủ gương, để đứng xa mà nhìn đâu? Ngài đã thực hành để rồi thành Phật. Không ai đòi hỏi phải thực hành tất cả nhưng phải cố gắng thực hành. Lý tưởng Gia đình Phật tử thật đẹp đẽ, thật sáng ngời. Nhưng đem áp dụng vào đời sống hằng ngày thì chưa được phổ quát dù những điều tối thiểu.

Đâu đây văng vẳng tiếng than phiền hờn oán vì nói một đường mà làm một nẻo. Đâu đây, những mỉm cười chua chát, những cái nhìn khinh khi trước những hành động trái với tinh thần Phật tử?

Ai dám cho con em đến với Gia đình, ai dám đặt tin cậy vào một tổ chức giáo dục, ròng có lý thuyết? Có hãnh diện gì với một số lượng khổng lồ mà chất lượng thì rỗng không?

Một vạn lời hô hào bác ái từ bi không bằng hình ảnh của vị Sa môn chịu bị đánh chết còn hơn khai cho con ngỗng nuốt hột trai! (Chuyện thầy Tỳ kheo với con ngỗng).

Một triệu trang giấy lập luận về từ bi phải được hướng dẫn bằng trí tuệ, không chắc khai ngộ mau chóng bằng chiếc giày của Đức Thích Ca nện lên con nai đang mon men ăn cỏ tại Tịnh Xá Trúc Lâm. Ngài đánh nai, để bảo vệ đời sống con nai trong tương lai.

Con nhà Tông không giống lông cũng phải giống cánh. Phải ướp hoa sôi, hoa hường vào trà cho thơm cho ngát.

Lần thứ ba, tôi cúi đầu van lơn những ai nặng vì nghĩa vụ mau mau mở ra những chiến dịch, những phong trào thưc hiện lý tưởng vào đời sống.

Có người đã la lớn: “Kỹ nguyên này lá kỹ nguyên của tàn bạo”, những bản thống kê thiếu nhi phạm pháp đến kinh hồn. Những vụ giết người, cướp của, hiếp đáp nhan nhản trên báo chí. Sau tiếng “Thanh, Thiếu niên S.O.S”, chuông đã gióng, trống đã giục. Người ta đã tìm nguyên nhân: Có người đổ lỗi cho chiến tranh, có kẻ đặt trách nhiệm vào cha mẹ, có nơi bảo đó là đồ đệ của St Germain des Prés, là đệ tử của Francoise Sagen!

Có cơ quan ngôn luận đề nghị nâng đỡ các đoàn thể giáo dục thanh niên, trong đó có Gia đình Phật tử, để cứu vãn tình trạng bi đát của hàng ngũ Thanh, Thiếu nhi.

Gia đình Phật tử phải làm được những gì để ứng phó với nhu cầu hiện tại và đáp lại sự mong ước của quần chúng.

Một con én không làm nên nỗi một mùa xuân, nhưng trăm hoa đua nở có thể làm đẹp không gian và ngạt ngào hương thơm ngây ngất.

[Tạp chí Liên Hoa, số 6]

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ