- TỔNG QUÁT ĐỊA THẾ
‘‘ Thương anh em cũng muốn về
Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam giang’’
Phải chăng địa thế Tỉnh Quảng Trị chúng ta đã gây nên một ấn tượng kinh hoàng trong người khách xuyên Việt?
Truông nhà Hồ, phá Tam Giang nằm án ngự phía Bắc và phía Nam tỉnh Quảng Trị, nơi mà những bọn thổ phỉ thường hay lợi dụng địa thế hoang vắng để cướp phá kẻ đi đường.
Truông nhà Hồ ngày nay nằm bên kia bờ vĩ tuyến từ Hồ Xá đến Trung Lương, chấm dứt bởi dòng sông Bắc Hải chạy ngang, mà hậu quả của miền đất cát hoang vu không trôi lan sang bờ bên này vĩ tuyến.
Bên này sông, vùng tiền tuyến giữa hai miền sơn cước và hạ hạn là một thung lũng nhỏ đất cát cằn cỏi, nằm giữa những đống cát trắng xóa chạy theo bờ biển, song song với những đồi đất đỏ thẩm của miền thượng nguyên quận Gio Linh.
Đó là quận Trung Lương, một quận lỵ khai sinh bởi hiệp ước Geneve, diện tích quá 8 cây số vuông (vùng phi quân sự) sống trong một chế độ kiểm soát đặc biệt, dân chúng nghèo nàn.
Xuôi về Nam, tiếp theo đó là quận Gio Linh cũng là miền đất núi đồi đất đỏ, phía trên là thượng nguyên rồi qua một bãi cát hoang vu (truông chợ Cầu hay truông Hà Thanh) người ta đi xuống một vùng đồng bằng nhỏ, đất cát nằm giữa hai nhánh sông Cửa Việt và Cửa Tùng, dọc theo đường Quốc lộ qua hết ba dốc (Gia Liêm, Hà Thượng, Hà Trung) đến Hà Thanh quãng dài khoảng năm cây số, hai bên nhà cửa tồi tàn nhà tranh lụp xụp, chúng ta thấy rõ sức sống điển hình của dân chúng quận Gio Linh.
Càng xuôi về Nam, địa thế có phần đặc biệt hơn giữa hai miền Thượng Nguyên của nhánh sông Cam Lộ và Thạch Hãn, núi rừng trùng điệp rộng lớn lên tận biên giới Lào là quận Cam Lộ, Hướng Hóa và Ba Lòng mà dân cư rất thưa thớt, người Kinh lẫn với người Thượng, chuyên sống về rừng núi.
Dưới hạ lưu vùng đồng bằng tương đối rộng và phì nhiêu, dân cư đông đúc là hai quận Triệu Phong và Hải Lăng, hai vựa lúa cũng là nguồn của nhân dân toàn Tỉnh.
Chấm dứt địa thế Quảng Trị là con sông Ô Lâu (mà một nhánh xuyên về nội địa Tỉnh Thừa Thiên rồi đến phá Tam Giang). Bắt nguồn từ Thác La phía Tây Mỹ Chánh, con sông hiện nay vẫn mang một địa danh Chàm (Châu Ô).