Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Chương III – Cuộc đấu tranh cho 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ Quảng Trị & Sự tham gia của đoàn viên GĐPT tại Quảng Trị

Chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã được các cán bộ tay sai thực hiện đủ mọi hình thức và đủ mọi mánh khóe khắp các địa phương trong toàn quốc.

Đâu đâu Phật giáo đồ nói chung, đoàn viên GĐPT nói riêng cũng đều bị cảnh đàn áp, bắt bớ, đánh đập, tù tội, lưu đày…

Tuy nhiên tất cả mọi thủ đoạn đều có vẽ ngấm ngầm được che dấu dưới nhiều âm mưu, và cho đến ngày Phật Đản 2507, chính quyền Ngô Đình Diệm mới công khai tiêu diệt Phật giáo qua công điện triệt hạ giáo kỳ.

Chính đó là động cơ cuối cùng đã thúc bách Phật giáo đứng lên đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng để bảo vệ những quyền tự do căn bản của dân tộc.

Trong những phong trào đòi hỏi những nguyện vọng chính đáng ấy, Phật giáo đồ Quảng Trị cũng như đoàn viên GĐPT đã đóng góp 1 phần xương máu không ít để bảo vệ lá cờ thiêng liêng quốc tế.

Chúng tôi có thể nói lên được rằng nhờ sự đồng tâm nhất trí của đoàn thể Phật giáo đồ cũng như sự tham gia tích cực của đoàn viên GĐPT Tỉnh nhà trong công cuộc đòi hỏi nguyện vọng ấy mà phật giáo Quảng Trị đã có những hoạt động đáng kể trong phong trào chung toàn quốc.

Đi sâu vào tính chất lãnh đạo và điều khiển của phong trào đấu tranh của Phật giáo Tỉnh nhà, vai trò của GĐPT đã thể hiện bản sắc thanh niên Tỉnh nhà. Chính vì vậy mà mở đầu cho công cuộc đấu tranh của Phật giáo đồ Quảng Trị, chúng tôi phải kể đến tinh thần trại họp bạn Tất-Đạt- Đa 2507 của GĐPT Quảng Trị.

TINH THẦN ĐẤU TRANH ƯƠM MẦM

Sáng ngày 14 tháng 4 Quý Mão, khu trại Tất Đạt Đa đã rộn rịp đoàn sinh cờ Phật giáo to tướng lá cờ 6m x 4m ngạo nghễ trên kỳ đài cao chót vót 36m.

Trong lúc đó trại chùa Tỉnh hội đã xôn xao vì công điện cấm treo cờ Phật giáo. Công điện này bản chính của toà Tỉnh trưởng được chuyển qua cho đạo hữu Trưởng ban hướng dẫn đọc. Tuy nhiên công điện này chưa được áp dụng, ngoại trừ các cơ sở chính quyền tại Quảng Trị. Cờ Phật giáo tại chùa và các tư gia vẫn để nguyên chưa triệt hạ. Chính quyền sợ những phản ứng của dân chúng, nhất là khi gần 6000 trại sinh đang cắm trại tại bên kia thị xã.

Ông Nguyễn Quốc Quỳnh Tỉnh trưởng Quảng Trị đã áp dụng một chính sách mềm dẻo và cực kỳ khôn ngoan: Ông này bỏ đi nghĩ mát tại Mỹ Thuỷ và trao quyền giải quyết cho 2 ông Phó tỉnh trưởng người Phật tử, để 2 ông này thương lượng với Ban trị sự Tỉnh hội. Sự tránh mặt cốt để dò xét thái độ và phản ứng của Ban trị sự Tỉnh hội và các Phật tử trong Tỉnh.

Mãi đến sáng hôm sau (15 tháng 4) ông mới có một quyết định: ông chỉ yêu cầu hạ cờ Phật giáo tại kỳ đài khu trại họp bạn xuống và thay thế vào cờ quốc gia, còn việc treo cờ tại chùa Tỉnh hội và các tư gia ở thị xã ông không đã động đến. Ở thôn quê công điện cấm treo cờ Phật giáo vẫn được đánh về các chính quyền địa phương và bắt buộc thi hành triệt để, vì vậy một số các khuôn hội không giám thượng giáo kỳ tại trụ sở chính.

Trước quyết định đó, Tỉnh hội phải phái đoàn đạo hữu Phan Văn Thố qua gặp đồng chí Trưởng ban để truyền đạt ý kiến của Tỉnh hội: “Nếu cờ Phật giáo không được thay thế bằng cờ quốc gia thì ban trị sự Tỉnh hội sẽ không tham dự lễ khai mạc”.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng với anh trại trưởng và sau đó ban trại trưởng quyết định hạ cờ.

Giây hồi hộp chớ đợi, vì mãi đến phút chót của lễ khai mạc, cờ Phật giáo mới được hạ xuống, và quốc kỳ mới được thượng lên.

Lá cờ quốc gia cở 1m20 x 2m00 không cân đối vời kỳ dài gây một cảm giác khó chịu. Một lần nửa ông Tỉnh trưởng yêu cầu thay thế bằng một lá cờ khác lớn hơn những đạo hữu Trưởng ban xác nhận là lá cờ cỡ to nhất mượn tại ty công chánh Quảng Trị.

Với những phản ứng ngấm ngầm, lễ khai mạc trại khai diễn trong không khí khó thở.

“….Gần đây Ngô Tổng thống chủ trương một nền giáo dục đấu tranh, và trong GĐPT tinh thần đấu tranh đã là một sự thật hiện hoàn toàn.

Con người luôn luôn phải đặt trong một tình trạng đấu tranh thường trực:

Đấu tranh bản thân giữa 2 nẻo thiện ác, và đặc biệt trong thời đại chúng ta, tất các giá trị đều bị đảo lộn trên căn bản, và những tiêu chuẩn về tuyệt đối chưa được xác định.

Đấu tranh giữa con người và hoàn cảnh ngoại giới, đem sức lực bé bỏng của mình để chiến thắng thiên nhiên, đoạt quyền tạo hoá.

Quan niệm đấu tranh mà biểu tượng duy nhất là cuộc đấu tranh của đức Phật Thích Ca Mâu Ni khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề và thật hiện qua cuộc đời hành đạo của Ngài”.

Chính trong quan niệm của TINH THẦN GIÁO DỤC ĐẤU TRANH mà trại họp bạn này được tổ chức:

Các trại sinh phải đương đầu với nắng cháy mưa sa, với núi sông gò bãi, phải tự chiến thắng mình để chiến thắng thiên nhiên, phải tự khắc phục mình để sống theo nguyên tắc lục hoà, một nguyên tắc xã hội biểu hiện tinh thần Phật Giáo trên phương diện áp dụng.

Nêu trên lý thuyết, Phật Giáo với Giáo lý Từ Bi – Hỷ Xả, khởi điểm từ nhận thức Vô Ngã để kiến tạo một đời sống hoà hợp, chỉ trong phạm vi thực tiển xã hội, nguyên tắc lục hoà mà chúng tôi nêu lên là thể hiện của tinh thần thực tiển Phật Giáo.

Trại họp bạn này, ngoài tính cách cúng dường ngày trọng đại của Phật giáo đồ còn là sự biểu dương của ý chí thực hiện từ phạm vi lý thuyết sang cương lĩnh thực hành của giáo pháp lục hoà trong thực hiện hoàn cảnh xã hội chúng ta ngày nay.

Đó chính là mục đích tinh thần của trại họp bạn Tất Đạt Đa mà chúng tôi hân hạnh được giới thiệu cùng toàn thể quý vị hôm nay…”

                                                                      ( Trích diển văn khai mạc)

Đặt lại tinh thần và ý niệm đấu tranh, thật ra Ban Hướng Dẫn chỉ đặt lên tiếng nói cần thiết trong một hoàn cảnh bắt buộc mà thôi.

Chiều nay Rằm, lúc 3 giờ chiều, thượng toạ Thiện Minh và phái đoàn Ban Hướng Dẫn Trung Phần cùng đoàn sinh viên Phật Tử Huế ra thăm trại họp bạn.

Trước khi phái đoàn ra đến Quảng Trị, hình như ông Tỉnh trưởng sợ những phản ứng mà phái đoàn Huế có thể nhân cơ hội để kích thích tinh thần đấu tranh của Phật Tử, nên nêu yêu cầu Ban trại trưởng thượng thêm đạo kỳ phía dưới quốc kỳ.

Và lúc thượng toạ Thiện Minh đến, cờ Phật giáo lại được thượng lên, lá cờ Phật giáo to tướng, kiêu hãnh, phất phơ gây nên một hiện tượng không kém kỳ quặc, oái oăm là sự to nhỏ trời vực giữa hai lá quốc kỳ và đạo kỳ.

Phật tử Quảng Trị vẫn được hãnh diện khi nhìn lên kỳ đài và tự hào cho biểu tượng tôn giáo của mình.

Trong cuộc viếng thăm, đại biểu của Tổng hội và Ban Hướng Dẫn Trung Phần cũng chưa đề cập đến thái độ và lập trường của Phật giáo đối với vấn đề triệt hạ Phật giáo kỳ.

Vào khoảng 12 giờ trưa hôm 16, một Huynh trưởng quen biết ở Thừa Thiên ra báo tin về 8 Phật tử ở Thừa Thiên bị bắn chết tại đài phát thanh Huế. Trước tin đó, Ban Hướng Dẫn phái anh Lữ Thượng Công vào thỉnh thị ý kiến của Thượng toạ Trí Quang, Hội trưởng Tổng hội PGVN tại Trung Phần.

Trong khi đợi lệnh của Thượng tọa ở Huế ra, anh Trại trưởng chấp thuận ghi vào chương trình trại một lễ truy điệu cho các Phật tử bị chết. Buổi lễ cử hành vào lúc 10 giờ tối ngày 16.

LỄ TRUY NIỆM

Trước khi cử hành lễ truy niệm, trại vẫn sinh hoạt bình thường. Cuộc vui xổ số vẫn hào hứng, tuy nhiên không khí trại đã rất nặng nề.

Hệ thống phòng thủ khu trại đã được tăng cường. Quanh khu trại, cứ 10 thước có một trại sinh cầm gậy đứng gác. Chỉ trừ đại lộ chính là nơi được tự do lưu thông, còn các nẽo khác đều bị cấm di chuyển. Người ta tưởng chừng như bất hạnh có một kẽ nào có âm mưu quấy rối, kẽ ấy sẽ không tài nào thoát nổi.

Bên ngoài, hàng trăm nhân viên cảnh sát chiến đấu được phép qua khu trại. Một số thiết giáp xa được huy động túc trực tại Cầu Ga Quảng Trị.

Thiên hạ hiếu kỳ sẵn sàng đổ dồn qua khu trại. Tại Thị xã dư luận được tung ra “6.000 trại sinh đang chuẩn bị biểu tình chống chính phủ. Thành phố rục rịch chuẩn bị….”

Vào khoảng 10 giờ đêm cuộc vui xổ số chấm dứt. Một sự im lặng nặng nề chờ đợi. Bỗng nhiên, trên khán đài giăng lên một biểu ngữ rất lớn:

“THÀNH KÍNH TƯỞNG NIỆM ANH LINH CÁC PHẬT TỬ ĐÃ BỎ MÌNH TẠI ĐÀI PHÁT THANH HUẾ”.

Anh Trại trưởng, trước máy ghi âm, đọc to câu khẩu hiệu và nhường lời lại cho anh Trưởng Ban Hướng Dẫn khai mạc buổi lễ.

Anh nói: “Tôi hết sức đau đớn khi phải báo tin cho tất cả trại sinh thân mến của chúng ta rằng 8 Phật tử đã bỏ mình tại đài phát thanh Huế đã bảo vệ cho Đạo kỳ Phật giáo. 8 Phật tử thân thích ruột thịt trong hàng ngũ áo Lam của chúng ta đã hy sinh. Máu chảy ruột mềm. Máu của chúng ta đã chảy cả chúng ta phải chịu đau đớn trong niềm đau thương chung.

Trong niềm yêu thương lý tưởng, hôm nay chúng ta làm lễ truy điệu và để tang cho anh em đồng đạo của chúng ta, cái tang chung của toàn thể đoàn sinh GĐPT Việt Nam…”.

Anh trình bày rất nhiều nhưng dè dặt, nhất là chưa minh xác lập trường và đối tượng đấu tranh.

Sau cáo lễ cầu siêu bằng nghi lễ đơn giản, trại sinh nhận băng tang và được lệnh “Im lặng tuyệt đối khi trở về trại”.

Giải thích về thái độ im lặng này anh nói:

“Im lặng không phải là bỏ qua mọi vấn đề, im lặng là một phương thức rèn luyện ý chí, là đưa những cảm niệm uất hận lắng sâu vào tận đáy tâm can để gợi lên những cảnh tượng của đầu rơi máu chảy, thịt nát xương tan, những hình ảnh đau đớn của đồng bạn chúng ta để cảm thông những xót xa mà anh em chúng ta phải chịu…”

Không khí trại trở nên ghê sợ, vì trong sự im lặng đã chất chứa một sự gì bí mật chưa phát hiện. Hàng vạn người đến xem cũng bị lây ảnh hưởng tinh thần của trại sinh. Họ im lặng giải tán.

… MỘT CUỘC TIẾP XÚC

Khi các trại sinh im lặng trở về trại, một cuộc tiếp xúc giữa ông Phó ty trưởng cảnh sát đặc biệt và anh Trưởng Ban Hướng Dẫn được diễn ra tại bãi cát trước khu trại. Một cuộc tiếp xúc bất ngờ, bán chính thức giữa một nhân vật khét tiếng nằm giữa lực lượng cảnh sát chiến đấu với một vị nắm giữ tinh thần của GĐPT làm cho toàn thể trại sinh lo lắng đề phòng.

Cuộc tiếp xúc không có gì gay cấn, tuy nhiên ấn tượng của vụ đàn áp ở Huế khiến Trại phải tăng cường sự phòng vệ cho mình.

Công tác thanh soát nội bộ cũng được thực hiện chu đáo.

Nữa giờ sau khi viên Phó Ty trưởng cảnh sát ra về, giữa sự im lặng nặng nề, một hồi còi cấp cứu bổng vang lên. Toàn khu trại tự nhiên vùng dậy. Trại sinh Nam Nữ, đùi, gậy sẵn sàng xô nhau chạy. Cát bụi trong đêm tung lên mù mịt. Người ta tưởng chừng cuộc khởi loạn bắt đầu….

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ