Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Lược sử GĐPT Quảng Trị – Tài liệu sưu tầm của anh Tâm Hướng Lê Bá Chí

I/ DUYÊN KHỞI

Theo đà chấn hưng Phật Giáo khắp các quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam một phong trào được phát khởi vào năm 1920 và dần đến thành lập các hội Phật học ở Trung- Nam –Bắc.

Tại Trung kỳ Hội A Nan Phật học được thành lập 1932 mà hội quán là Chùa Từ Đàm rồi từ đó lan dần ra các Tỉnh miền Trung trong đó có Quảng Trị.

Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị được sơ khởi thành hình năm 1936 và đến năm 1937 mới chính thức thành lập dưới danh nghĩa A Nan Phật Học Hội Quảng Trị ( Do cụ Nguyễn Viết Hiệu làm hội trưởng )

Trong lúc này có một số cư sĩ, tại Quảng Trị cũng muốn đứng ra quy tụ giới thanh niên học hỏi giáo lý và giúp sức cho hội nhưng chưa có cơ hội.

Đến khi tại Trung Phần, năm 1940 Đoàn Phật Học Đức Dục được thành lập do sáng kiến của cư sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám ảnh hưởng bởi phong trào ấy, chính là sự trợ duyên dẫn đến việc thành lập tổ chức tại Quảng Trị.

II/ CÁC THỜI KỲ TIẾN TRIỂN

Gia đình Phật tử Quảng Trị từ lúc sơ khởi với đoàn Đồng Ấu rồi tiến đến thành lập một vài đơn vị, thành lập BĐH. Từ con số một vài đơn vị lên đến hàng chục, rồi có lúc lên đến 200, thời gian hơn 20 năm qua chúng tôi có thể chia thành các thời kỳ sau :

  1. Thời kỳ sơ khởi :

Giai đoạn 1: Thành lập đoàn Đồng Ấu ảnh hưởng của đoàn Phật học Đức Dục (tại Huế) các đoàn Thanh niên Phật tử, Hướng Đạo Phật tử, Đồng Ấu Phật tử và Gia đình Phật Hóa Phổ dần dần được ra đời, tại Huế trong những năm 1941, 1942, 1943 . Trong thời gian này, tại Quảng Trị sơ khởi được thành lập là đoàn Đồng Ấu Quảng Trị (Đoàn này do cư sĩ Nguyễn Hữu Ba đứng ra điều khiển) và hoạt động cho đến năm 1945 thì bị tan rã bởi biến cố chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ mạnh.

Giai đoạn 2 : Tái lập đoàn Đồng Ấu đến 1947 tình hình an ninh tại Thị xã tạm ổn, đoàn Đồng Ấu được tái lập (Thời kỳ này cụ Nguyễn Tăng Mỹ làm hội trưởng) và do đạo hữu Ngô Ngọc Kiếm (là Gia trưởng GĐPT Đệ Tam, và đạo Ủy cư sĩ Ban Đại Diện GHPGVNTN Quảng Trị) hướng dẫn và tiến đến thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ và Gia đình Phật Tử sau này.

Giai đoạn 3 : Hình thành GĐPT, Đại hội toàn Quốc năm 1951 tại Từ Đàm ( Huế) Gia đình Phật Hóa Phổ được đổi danh hiệu là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, tại Quảng Trị GĐPT được thành lập đầu tiên là GĐPT Quảng Thiện đặt trực tiếp tại Tỉnh Sự do HTr Phan Văn Hy (bác sỹ) điều khiển. Sau đó không lâu tại chi hội Đông Hà GĐPT Phước Tuệ được tổ chức (do anh Trần Quang Toản và Trần Đình Hội). Tại Hải Lăng GĐPT Hải Thiện được thành hình (Do anh Tư Đồ Minh, Ngô Doan, Phan Bích và Trần Thị Đóa )

  1. Thành lập Ban Hướng Dẫn đầu tiên:

Năm 1953 một cuộc họp mặt 3 đơn vị Quảng Thiện – Phước Tuệ và Hải Thiện được tổ chức và ban hướng dẫn đầu tiên được thành lập do anh NGUYỄN DUY PHÙNG là Trưởng ban (Anh Nguyễn Duy Phùng đã từ trần năm 1965 tại Sài Gòn do bệnh đau gan) Các ban viên cộng tác : Trần Quang Toản, Tư Đồ Minh.

  1. Hoạt động của những năm kế tiếp:

Năm 1953, ngoài 3 đơn vị kể trên, các gia đình sau đây đã được ra đời : Minh Châu (Cam Lộ), Chơn Lạc (Đệ Nhị), Kinh Đạo (Đệ Nhất), Tịnh Giác (Đệ Tứ), Kinh Thiện (Đệ Tam), Chánh Thiện (Đệ Ngũ)

Trong thời gian này, đã tổ chức Trại Huấn luyện HTr lục hòa (1953) Trại Tứ Ân (1954) Trại Htr Thiện Thệ (1955). Đồng thời có một số anh chị dự Trại Kiều Trần Như tại Huế.

Tháng 8/1955, Đại hội III HTr toàn Quốc tổ chức tại Đà Lạt, Quảng Trị đã tham dự với thành phần: Nguyễn Duy Phùng, Trần Quang Toản, Tư Đồ Minh, Nguyễn Văn Châu.

Anh Nguyễn Duy Phùng vẫn được tín nhiệm trong chức vụ Trưởng ban.

Phong trào ngày càng lan rộng. Tính đến cuối năm 1956, toàn Tỉnh Quảng Trị đã lên 43 đơn vị gia đình và cũng từ đây danh hiệu GĐPT được điều chỉnh lấy tên địa phương làm danh hiệu gia đình.

Trong năm này (1956) đã tổ chức liên tiếp 4 Trại Huấn luyện :

  • Trai HLHT tại Hà My, Trại HLHT tại Đông Hà
  • Trại HLHT tại Kim Thạch, Trại ĐCT tại Diên Thọ

BHD cũng đã tham dự Đại hội hội thảo HTr liên Tỉnh Miền trung

Năm 1957, Gia đình Phật tử Quảng Trị lại phát triển mạnh, nhiều gia đình được thành lập thêm một số đáng kể 30 đơn vị, nâng tổng số GĐ trong Tỉnh lên 78 đơn vị (Công cuộc phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng nay một phần lớn nhờ công đức của Đại Đức Giảng Sư Thiên – Đức – Minh Hội trưởng đã phát triển mạnh thành nhiều khuôn hội ).

Trong năm 1957, một biến cố lớn đến với GĐPT Quảng Trị, Anh Nguyễn Duy Phùng (Trưởng Ban Hướng Dẫn) bị áp lực của Chính quyền buộc phải thôi việc (tháng 10/1957) cho nên sau đó một cuộc họp thu hẹp đã mời anh Phan Quang Minh XLTV trưởng ban.

Trong những ngày cuối năm 1957 một Trại HLHT cũng được tổ chức tại Diên Thọ (do anh Tư Đồ Minh làm trại trưởng)

Năm 1958 nhiều ban viên Ban Hướng Dẫn bị thuyên chuyển hoặc đi xa như anh Nguyễn Duy Phùng (đổi đi PleyKu), anh Nguyễn Văn Châu (nhập ngũ), anh nguyễn Ga (thuyên chuyển vào Huế). Một Đại hội được tổ chức vào đầu năm này để bầu lại BHD mới, mà chức vụ trưởng ban do một vị Phó hội trưởng đứng ra đảm trách : Bác Đặng Đình Trác (dược sĩ).

Một Trại HL được tổ chức tại Long Hưng vào tháng 4/1958 (do anh Tư Đồ Minh làm trại trưởng) và khóa Phật pháp Trung Thiện từ 11-15/8/1958 do thầy Thiện Châu thuyết giảng. Năm này trong Tỉnh lại thành lập thêm 24 đơn vị, nâng tổng số GĐPT lên 102 đơn vị. Cũng trong năm này BHD đã gởi 6 trại sinh đi dự trại Tịnh – Hạnh (cấp 2) tại Huế do BHD Trung Phần tổ chức.

Năm 1959, một Đại hội được tổ chức vào tháng 4/1959 BHD mới bầu anh Nguyễn Đức Cự được Đại hội cử vào chức vụ Trưởng ban (Anh Nguyễn Đức Cự bị mất tích trong biến cố Mậu thân 1968 tai Huế) và mời Bác Đặng Đình Trác trong chức vụ Cố vấn.

Phật Đản PL-2503 (1959) một Trại họp bạn ngành Thiếu được tổ chức tại bãi cát Nhan Biều (bên bờ sông Thạch Hãn) khá quy mô. Năm này trong Tỉnh lại được thành lập thêm 16 đơn vị .

Năm 1960, Đại hội toàn Tỉnh lại được triệu tập vào tháng 2/1960, công cử lại thành phần BHD, anh Nguyễn Đức Cự lại được tín nhiệm trong chức vụ trưởng ban.

Hoạt động của GĐPT Quảng Trị lúc này đã lan tràn khắp nơi trong Tỉnh gồm 150 đơn vị. Trong năm này các công tác đề ra là xây dựng cơ sở chuẩn bị trại họp bạn ngành thiếu toàn quốc tại Nha Trang (trại này sau không được chính quyền cho phép, nên đình chỉ).

BHD cũng đã tổ chức Trại HLHT tại Cổ Thành (anh Nguyễn Văn Châu trại trưởng) công tác thăm viếng kiểm tra toàn Tỉnh 124 đơn vị đã được thực hiện. Như vậy đã nắm vững tình hình GĐPT Tỉnh nhà như sau :

  • Về Huynh trưởng : 1.157 HTr (6 cấp tín, 35 cấp tập và 1.116 HTr chưa xếp cấp)
  • Về Đoàn sinh :       9.505 Đs   (Nam PT: 707, Nữ PT: 925, Thiếu niên: 2.259, Thiếu nữ: 2.532, Oanh Nam: 1.541, Oanh Nữ: 1.591)
  • Số lượng Gia đình :   124 đơn vị chính thức, tạm thành lập 44, đang tổ chức 15).

Năm 1961, một Đại-Hội toàn tỉnh vào tháng 3 với 105 đơn vị tham dự 241 đại biểu, công cử thành phần BHD mới và chức vụ trưởng ban là anh Nguyễn Đức Thương (đương Kim trưởng Ban Hướng – Dẫn Quảng Trị). Năm nay một trại họp bạn HT ngành Thiếu được tổ chức tại Mỹ Thủy (Hải Lăng) vào tháng 5/61 danh hiệu “A-DỤC” với gần 1.000 trại sinh. Song song với công tác này, một trại huấn luyện HT cấp I tại Hà Xá và công cuộc kiểm tra đợt 2 cũng được thực hiện trong năm.

Năm 1962, Anh nguyên trưởng ban Nguyễn Đức Thương nhập ngũ, đại hội lại được tổ chức vào đầu năm để bầu lại BHD mới, anh Nguyễn Khắc Ủy được công cử vào chức vụ trưởng ban.

Năm nay theo kế hoạch thi vượt bậc toàn phần của Trung Phần tại Quảng Trị đã tổ chức các trại thi tại Mỹ Chánh, Hội Yên, Trà Trì, Hà Xá, Bích La Đông, Bồ Bản, Cam Vủ, Lâm Xuân, Lan Đỉnh (9 địa điểm qui tụ cả thảy trên 2.000 đoàn sinh dự thi).

Các trại huấn luyện HT tập sự tại Gio Linh (70 trại sinh), Bồ Bản (134 trại sinh) và trại cấp I tại Hà Xá (37 trại sinh) cũng được tổ chức trong năm.

Một công tác khác không kém phần quan trọng là việc xây dựng trường Tiểu Học Bồ Đề tại Diên Sanh (do BHD đứng ra tổ chức) với chủ trương một đoàn viên một viên gạch.

Năm 1963, Đại Hội Huynh trưởng được tổ chức vào dịp tết Quý Mão trong một Đại Hội quy tụ khá nhiều HT thâm niên và nòng cốt của Quảng Trị. Anh Nguyễn Khắc Ủy lại tiếp tục được tín nhiệm trong chức Trưởng ban

Công tác nổi bậc nhất trong năm là tổ chức trại họp bạn ngành Thiếu toàn tỉnh (có một số đơn vị có ngành Oanh) trong dịp Phật Đản 2507.

Trại quy tụ trên 4.000 trại sinh với nhiều kiến trúc, kỳ đài, cổng trại. Trại họp bạn này là một trại họp bạn lịch sử và chính lễ Phật Đản này GH đã phát khởi một cuộc vận động chống bạo quyền tôn giáo Nhà Ngô (ngay khi được tin cuộc tàn sát tại Huế, Ban HD và Ban quản trại đã tổ chức một buổi lễ cài băng tang cho các Phật tử đã bị chết trong đêm trăng rằm, buổi lễ đã gieo vào lòng trại sinh một nỗi ngậm ngùi chua xót, ức nghẹn và tất cả đã dốc lòng cầu nguyện trong tâm tư, một bầu không khi u buồn lặng lẽ, hoàn toàn im lặng không một tiếng động, tạo thành một khung cảnh nghiêm trọng).Từ đây giáo hội cũng như Gia Đình Phật Tử lại dồn lực cho công cuộc vận động đòi hỏi bình đẳng tôn giáo…….

Năm 1964, GHPGVNTN ra đời, Đại Hội toàn quốc GĐPT được tổ chức tại Sài Gòn vào tháng 6/64 trong sự thống nhất với danh nghĩa là Gia Đình Phật Tử Việt Nam, GĐPT đã đổi mới ít nhiều về nội quy – quy chế HT, hình thức, nhất là về thành phần chức vụ các BHD được ấn định lại để tăng năng hiệu hoạt động. Tại Quảng Trị một Đại Hội được triệu tập để công cử thành phần BHD mà anh Tư Đồ Minh được tín nhiệm vào chức vụ trưởng ban. Đáng lẽ Đại Hội toàn quốc được tổ chức để bầu lại BHD vào đầu năm 1966, nhưng vì những biến cố thời cuộc nhất là biến cố của Giáo Hội nên nhiệm kì phải kéo dài tới tháng 12/68.

Trong khoảng thời gian này, các công tác đã thực hiện được gồm có:

  • Ấn hành đăc sản Ưu Đàm Phật Đản 2513.
  • Trại họp bạn PĐ thật quy mô và kiến trúc mỹ thuật (1964).
  • Tổ chức trại A-Dục 4/64 – Lộc Uyển 11/64.
  • Tổ chức trại A-Dục 5/65 – Lộc Uyển 12/65.
  • Tổ chức triển lãm văn nghệ xuất gia (1965).
  • Trại Huyền Trang 1/66 tại La Vang.
  • Trại A-Dục 6/66 – Lộc Uyển 12/66 – Lộc Uyển 14/67

Trong năm 1967 cũng đã tổ chức 2 trại tình thương giúp đồng bào di dân từ quận Trung Lương – Gio Linh lên khu định cư Cam Lộ (khu định cư Trung-Gio). Mặc dầu BHD nhiệm kì 64 vẫn tiếp tục nhưng anh Trưởng ban bị đày đi côn đảo nên anh Trần Quang Toản phó trưởng ban XLTV cho đến Đại Hội.

Năm 1968, Đại Hội tháng 12/68 đã công cử lại thành phần BHD mà chức vụ trưởng ban lại do anh Nguyễn Đức Thương đảm nhiệm.

Thời gian này đã thực hiện:

  • Lộc Uyển 15/69 (31 trại sinh) Trại trưởng Lê Bá Chí
  • A-Dục 7/69 (64 trại sinh) Anh Nguyễn Đức Thương trại trưởng
  • Ấn hành đặc san Phật Đản 2513
  • Tổ chức liên tiếp 5 trại tình thương Hà Tây, Gia Đẳng,
  • Lương Điền, Hà Thanh, Bình An.

Năm 1970, Đại Hội được tổ chức vào tháng 3/70, anh Nguyễn Đức Thương lại được tín nhiệm trong chức vụ Trưởng ban.

Trong năm 1970 BHD đã thực hiện nhiều đợt cứu trợ HT và ĐS cũng như thực hiện công tác xã hội. Năm nay cũng đã tổ chưc 2 trại huấn luyện A-Dục 8/70 và Lộc Uyển 16/70.

Năm 1971, GĐPT Quảng Trị đã tổ chức hai đêm văn nghệ tại rạp Kim Châu để lấy quỹ sung vào công tác cứu trợ và xây dựng cơ sở đã tổ chức 2 trại HT/HT Lộc Uyển 17/71 (anh Hồ Xuân Lộc trại trưởng). Và trại A-Dục 9/71 (anh Lê Bá Chí trại trưởng).

Năm nay trong dịp Phật Đản GĐPT Quảng Trị tại vùng 4 Triệu Phong đã bị ngộ độc nặng nề với số HT và ĐS ngộ độc lên tới 300. Đây là một hành vi của một bọn người trong một âm mưu chèn ép GĐPT vùng 4 Triệu Phong cắm trại tại Gia Lộ đã nhận lấy một cách thảm khốc (cho đến bây giờ còn nhiều HT và Đs vẫn mang lấy bệnh tật một cách đau khổ).

Năm 1972, là năm đau thương thương của Gia Đình Phật Tử ở Quảng Trị phải rời bỏ quê hương làng mạc ruộng nương lánh nạn khắp nơi kể từ tháng 3/72 vì biến cố chiến tranh khốc liệt). Đây là giai đoạn chuyển biến quan trong của GĐPT tỉnh nhà…Văn phòng tạm của BHD phải dời về Huế (chùa Điệu Đế) rồi vào Đà Nẵng (chùa Tỉnh Giáo Hội). Dù vậy hoạt động của GĐPT vẫn cố gắng thực hiện trong cảnh khốn khổ. Sau những phút bàng hoàng giao động các trại tạm cư của nhiều đơn vị GĐPT tính cách phục hồi sinh hoạt đã được tổ chức lần lượt. Tính đến cuối năm 1972 hầu hết 34 trại tạm cư Đà Nẵng, 4 trại tạm cư ở Huế và 2 trại ở Chu Lai (Quảng Tín) đều có sự hiện diện bóng dáng của các đơn vị GĐPT. BHD Quảng Trị đã phải vất vả lắm mới điều hành và kiểm soát được các gia đình ở khắp các trại tạm cư và tỉnh nhà.

Năm 1973, GĐPT Quảng Trị sau gần một năm hoạt động ráo riết trong hoàn cảnh chật vật và thiếu thốn mọi phương tiện, đã ổn định được tình hình sinh hoạt GĐPT ở các trại tạm cư theo bảng thống kê của văn phòng Tổng thư ký BHD Quảng Trị ghi nhận được 1.000 HTr và 5.000 đoàn sinh đang trú tại các trại tạm cư . Nhiệm kỳ của BHD đã chấm dứt từ tháng 6/1972 nhưng vì hoàn cảnh lánh cư tỵ nạn nên chưa thể tổ chức lại Đại hội bầu BHD mới được, trong thời gian này anh Nguyễn Đức Thương đang tạm trú tại Nha Trang nên anh phó trưởng ban ngành nam Nguyễn Lam XLTV.

Trước nhu cầu tình hình sinh hoạt GĐPT Tỉnh nhà BHD GĐPT Quảng Trị buộc lòng phải tổ chức Đại hội HTr GĐPT Quảng Trị tại trung tâm tạm cư Hòa Tiên (Đà Nẵng) một trại tạm cư do BHD TƯ thiết lập và bảo trợ với sự yểm trợ của Cơ quan Viện Đại Học Vạn Hạnh…. Đại hội này là một Đại hội lịch sử lưu vong, được tổ chức vào ngày 31/12/72 và 1/1/73 với 229 đại biểu đại diện cho 96 đơn vị (nguyên quán) và tạm cư. Đại hội sau 2 ngày hội họp có BHD/ TƯ tham dự và chủ tọa đã công cử lại thành phần như sau :

– Trưởng ban

– Phó trưởng ban

– Phó trưởng ban nữ

– Tổng thư ký

– Phó tổng thư ký

– Thủ quỹ

– UV Nội vụ

– UV Nghiên Huấn

– UV Tu thư

– UV Tổ Kiểm

– UV HĐTN-XH

– UV Văn nghệ

– UV Doanh tế

– UV Nam PT

– UV Nữ PT

– UV Thiếu Nam

– UV Thiếu Nữ

– UV Oanh Nam

– UV Oanh Nữ

– Đại diện quận Mai Lĩnh

– Đại diện quận Triệu Phong

– Đại diện quận Đông Hà

– Đại diện quận Gio Linh

– Đại diện quận Cam Lộ

– Đại diện quận Hải Lăng

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

:

Nguyễn Đức Thương

Nguyễn Lam

Phạm Thị Na

Nguyễn Thường

Lê Noản Thái – Văn Nồng

Nguyễn Văn Bái

Lê Bá Chí

Phạm Như Cân

Nguyễn Văn Thi

Hồ Xuân Lộc

Nguyên Hải

Hoàng Cảnh Dã

Trương Đăng Trung

Nguyễn Tôn Luỹ

Nguyễn Thị Các

Sử Thành

Diệp Thị Cân

Lê Quang Thế, phụ tá Phan Lớn

Lê Thị Diệu

Nguyễn Văn Bái

Tăng Thế Đinh

Nguyễn Văn Thi

Nguyễn Đức Nga

Lê Minh Túc

Lê Quang Tiệp

Các công tác đã thực hiện được kể từ đầu nhiệm kỳ 1973 và hoạt động thanh niên xã hội, mở khoá huấn nghệ cắt may miễn phí 3 tháng từ tháng 3/1973 đến tháng 5/1973 (do UVĐH Vạn Hạnh yểm trợ)

  • Tổ chức 3 trại tình thương giúp đồng bào hồi cư thuộc quận Hải Lăng
  • Mặc dầu là nạn nhân chiến cuộc vẫn đóng góp giúp GĐPT Quảng Nam trong cơn bão lụt vừa qua.
  • Về tổ chức thăm viếng: thực hiện thăm viếng chấn chỉnh các gia đình hồi cư tái sinh hoạt và các GĐ tại các tạm cư.
  • Về huấn luyện đã tổ chức:
  • Trại Lộc Uyển 18/73 trong tháng 6/73 quy tụ 144 trại sinh
  • Trại A Dục 10/73 trong tháng 5/73 quy tụ 72 trại sinh
  • 3 trại Đội Chúng trưởng Anoma-Nilien 22, 23, 24/1973 trong tháng 7/73 quy tụ 226 trại sinh (1 trại tổ chức tại Văn Quỹ – Quảng Trị, 2 trại khác tổ chức tại Đà Nẵng).
  • Về các hoạt động chúng tôi còn ghi nhận được, BHD đã tham dự đại hội toàn quốc tại Đà Nẵng với 14 đại biểu chính thức, đã tổ chức 1 cuộc hội thảo Huynh trưởng ngành Nữ mà chị Phó trưởng ban ngành Nữ toàn quốc đã chủ toạ và ban những lời chỉ bảo. Đồng thời một sự kiện và cũng quan trọng nữa là GĐPT đã được đón tiếp trưởng BHD GĐPT Việt Nam cùng phái đoàn thăm viếng tại trại tạm cư Hoà Khánh vào tháng 3/73, cũng như đón tiếp đại biểu toàn quốc tại chùa Mỹ Chánh – Quảng Trị.
  • Công tác đang còn tiếp diễn với GĐPT Quảng Trị.Huynh trưởng cấp Dũng Tâm Hướng Lê Bá Chí (chống gậy)

KẾT LUẬN

GĐPT Quảng Trị ra đời ngót trên 20 năm, trong khoảng thời gian ấy đã đào tạo biết bao Huynh trưởng và đoàn sinh. Đến nay người còn kẻ mất, nhưng với tinh thần và ý chí sẵn có của người nối tiếp sứ mệnh của tổ chức; luôn luôn cố gắng hoạt động và hướng đến tổ chức theo đúng đường lối GĐPT Việt Nam.

Nhìn vào quá khứ GĐPT Quảng Trị đã tiến mạnh một vài đơn vị tại thị xã, đã lan dần và phát triển đến hồi cực thịnh lên 215 đơn vị (1961-1962) và cũng có lúc chịu ảnh hưởng thời cuộc và biến cố xuống còn 49 đơn vị(1968) rồi trải qua trong cơn chiến tranh khốc liệt (1972) GĐPT chỉ còn lại vài chục song thân trong trại tạm cư, và đến nay theo nhịp độ hồi cư, GĐPT dần dần tái hoạt động lại trên quê hương đau khổ.

Đã biết rằng trong tương lai, nếp sinh hoạt và mức độ tiến triển không bằng những năm xưa kia, vì một số Huynh trưởng và đoàn sinh di dân vào Nam lập nghiệp, một số đã bị kẹt lại ngoài kia, nhưng với số Huynh trưởng và đoàn sinh còn lại chắc chắn với tinh thần sẵn có với đường hướng đã vạch định hoạt động trong những ngày tới cũng sẽ đạt đến kết quả khiêm tốn đáng kể. Do đó chúng tôi vẫn vững tin vào tương lai của GĐPT Quảng Trị ./.

Previous article
Next article

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ