Thiên khảo luận này trình bày một lối nhìn tổ chức Gia đình Phật tử như một thực tại xã hội. Đặt tổ chức này thành một đối tượng nghiên cứu, chúng tôi mang kỳ vọng nâng cao giá trị của một phong trào giáo dục thanh, thiếu nhi đã phát sinh từ trong một hoàn cảnh nhất định về lịch sử cũng như xã hội, thành một thực thể hợp nhất hiện đã và đang mang nhiều nhiệm vụ: chính trị, xã hội, văn hóa và cả kinh tế nữa.
Quan niệm rằng một tổ chức muốn tồn tại vững bền, điều kiện tiên quyết là sinh hoạt phải đặt trên những nền tảng lý thuyết cũng như thực hành vững chãi.
Gia đình Phật tử có mặt trên đất nước đau thương này đã được ngót 20 năm. Hai mươi năm mang nặng ưu tư rướm máu của dân tộc. Qua những biến cố lịch sử dồn dập, Gia đình Phật tử đã trưởng thành trong kinh nghiệm xương máu và nước mắt. Không một ai có tâm thành, có chí hướng lại có thể nhìn tổ chức này như một lớp phù hoa hay một công cụ giai đoạn được. Phải đặt tổ chức này đúng vào vị trí lịch sử và xã hội chính đáng. Thái độ ấy, tâm hướng ấy sẽ bảo đảm cho gia đình, cho xã hội, cho đất nước một lối thoát trong tình trạng bế tắc và bi đát của cơn khủng hoảng luân lý, xã hội hiện tại.
Từ khi nền Phật giáo Việt Nam được thống nhất. Bản HIẾN CHƯƠNG của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra đời, trong Tổng vụ Thanh niên đã ghi rõ là có 5 hình thức tổ chức: Sinh viên Phật tử, Hướng đạo Phật giáo, Thanh niên Phật tử, Học sinh Phật tử và Gia đình Phật tử. Trên căn bản phân phối thành phần, mỗi đoàn thể trên chỉ có thể quy tụ những đoàn viên thuộc giới của mình. Trái lại, Gia đình Phật tử là một tổ chức gồm đủ mọi lớp tuổi, mọi đẳng cấp xã hội, mọi giới, mọi nghề. Tất cả những thứ bậc của thế gian đều bị xóa nhòa để dung hợp thành một khối mạnh mẽ. Gia đình Phật tử không căn cứ vào các giá trị thế gian như danh vọng, địa vị, tiền tài để lập thang điểm mà chỉ nhắm một tiêu chuẩn duy nhất là ĐẠO HẠNH và KHẢ NĂNG ĐIỀU KHIỂN. Cho nên trong thành phần Huynh trưởng đã có đủ: trí thức, thợ thuyền, quân nhân, công chức v.v… và cấp bậc Huynh trưởng được hoạch định rõ ràng, đủ bảo đảm cho một trật tự tất yếu của đoàn thể. Về đoàn sinh, Gia đình Phật tử có đủ: học sinh, sinh viên, thiếu nhi, nông thôn, lao động. Tất cả mọi lớp người ấy hòa đồng trong màu ÁO LAM, một màu sắc trầm lặng mà sâu sắc tượng trưng cho tinh thần hùng lực nhưng trầm tĩnh của tổ chức này.
Một tổ chức gồm thành phần phức tạp như vậy, tự nó không dựa vào một uy quyền nào, không có một tài lực nào mà vẫn lớn mạnh thì lẽ đương nhiên không ai có quyền coi thường được. Hơn nữa, một khi đã tôn trọng mà không đặt thành đối tượng nghiên cứu thì đó là một thiếu sót cơ hồ có thể mang lại nhiều hậu quả không đẹp cho tổ chức và cả cho Giáo hội nữa.
Trước đây, anh Nguyễn Khắc Từ một Huynh trưởng thâm niên, hiện nay là Ủy viên Tổ chức và Kiểm soát trong Ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử Việt Nam, có cho xuất bản cuốn CƯƠNG YẾU GÐPT, đã giới thiệu cho đại chúng biết qua về cơ cấu tổ chức của Gia đình Phật tử. Cuốn sách ấy đã giúp nhiều cho mọi người trong việc tìm biết. Và cho tới nay, dù số đoàn viên đã lên tới hàng trăm ngàn, chưa kể tới các anh chị em cựu đoàn viên đã phải xa Gia Đình để đảm nhiệm các trách vụ xã hội, Gia đình Phật tử vẫn chưa được đặt thành đối tượng khảo cứu trên quan điểm LỊCH SỬ và XÃ HỘI.
Bởi nhận định ấy, chúng tôi không quản kiến thức hẹp hòi, kinh nghiệm nông cạn, sẽ xin cố gắng đặt thành vấn đề. Còn việc giải đáp tất nhiên là phải trông cậy vào tinh thần xây dựng chung của toàn thể đoàn viên Gia đình Phật tử cũng như của các bậc trưởng thượng vốn hằng lưu tâm tới sự sinh tồn của tổ chức.
Gia đình Phật tử là một tổ chức GIÁO DỤC Thanh, Thiếu nhi, không phải bằng phương pháp kinh viện hay độc đoán. Đây là một phương pháp thực tiễn chú trọng vào GIÁO LÝ, VĂN NGHỆ và HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN XÃ HỘI. Muốn đạt được mục đích ấy, vấn đề lý thuyết căn bản phải được đặt ra. Ta không thể quan niệm một cách dung dị rằng: mỗi khi Gia đình Phật tử đã là một tập thể Phật giáo thì nhất nhất phải tuân theo giáo pháp sẵn có và cứ ứng dụng phương pháp cổ truyền. Pháp môn tu học phổ biến nhất trong hàng Giáo hội của ta hiện nay là Pháp môn tịnh độ. Phương pháp tu chứng này trọng về nội tâm thanh tĩnh, thoát ly ngoại cảnh để tuyệt đối. Đem phương pháp ấy ứng dụng vào việc đào luyện cho cả một tập thể thanh, thiếu nhi hằng mấy chục vạn người là một điều tối ư phiền tạp. Cho nên, cứu cánh dù đã thế, phương thế thực hiện vẫn phải chuyển hóa cho phù hợp với bản chất hiếu động của tuổi trẻ. Hơn nữa, hiện nay không ai còn mê muội tách rời thế-nhất-quán của Phật giáo với Dân tộc. Người bạn trẻ áo lam hôm nay cùng phụng sự một nhiệm vụ kép: Tổ quốc và Giáo hội. Vậy muốn hoàn thành nhiệm vụ ấy, hàng ngũ Thanh thiếu nhi Phật tử phải được hướng dẫn trên căn bản lý thuyết thích hợp và một chương trình hoạt động thực tế. Lý thuyết vững thì hoạt động mới hữu hiệu, hoạt động mạnh thì lý thuyết thêm chặt chẽ.
Vả chăng, Gia đình Phật tử là một tổ chức kết nạp đủ mọi thành phần xã hội nên ta không thể nhất thời đồng hóa mọi cá nhân ấy thành một mẫu người đồng nhất, một sự đồng nhất không đáng mong ước. Như thế, vấn đề rõ ràng nhất là phải quan niệm khối người ấy là một tập thể xã hội có ý thức chung, một sinh hoạt chung. Qua những cơn dao động lịch sử, khối người ấy tự có một sức mạnh, một sự hy sinh gắn liền với yêu cầu lịch sử và hoàn cảnh xã hội.
Do đó, thiên khảo luận sẽ gồm 4 đề mục chính:
- Phác họa bối cảnh lịch sử xã hội đã tạo cơ hội cho sự hình thành của Gia đình Phật tử.
- Trình bày những nét chính về quá trình phát triển của Gia đình Phật tử.
- Khái lược về hệ thống tổ chức và lãnh đạo hiện nay của Gia đình Phật tử.
- Ý niệm viễn kiến về sự tiến triển của Gia đình Phật tử khởi từ hiện tại.
- Thử bàn về nhiệm vụ lịch sử, xã hội của Gia đình Phật tử trong sứ mệnh hộ pháp và cứu quốc.
Để cho mộng tưởng trên có thể thành tựu, soạn giả tha thiết mong mỏi được nhận lời giáo huấn của quý anh chị em đoàn viên, quý độc giả hầu cho công việc chung này khỏi bị lãng quên trong hiu quạnh.
Và ngay từ bây giờ, chúng tôi thành khẩn ghi ân Thượng tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh đồng thời là Cố vấn Giáo lý tiên khởi của Gia đình Phật tử và anh Võ Đình Cường, Trưởng Ban Hướng dẫn Trung ương cùng nhiều anh chị Huynh trưởng kỳ cựu khác đã giúp nhiều ý kiến và tài liệu xác đáng để viết lên tập này. Hy vọng rồi đây soạn giả còn được lĩnh giáo thêm nhiều lời dạy của các bạn bốn phương.
NGƯỜI ÁO LAM
Saigon 1964