Từ khi mới thành lập (1950), Gia đình Phật tử đã mở đầu bằng sự hiện diện của Ban Hướng dẫn Thừa Thiên với thành phần đơn giản:
Trưởng ban, Phó trưởng ban, Thư ký, Thủ quỹ, Ủy viên các ngành Thiếu nam, Thiếu nữ, Đồng niên, Đồng nữ.
Não bộ ấy đã cải tiến vào năm 1961, trong Đại hội Huynh trưởng toàn quốc lần thứ ba, thêm chức vụ Ủy viên Tu thư.
Sau mùa Pháp nạn 1963, nhịp với trào dâng mãnh liệt của Phật giáo đồ, với sự thành lập của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Gia đình Phật tử thực hiện thống nhất với số lượng 100.000 đoàn viên tập họp dưới một cơ quan chỉ đạo duy nhất là Ban Hướng dẫn Trung ương trực tiếp điều khiển 42 Ban Hướng dẫn Tỉnh với thành phần và nhiệm vụ như sau:
Trưởng Ban Hướng dẫn
- Điều động: Điều khiển hoạt động toàn Ban. Hướng dẫn mọi sinh hoạt trong Ban để đạt những mục tiêu ấn định.
- Đối ngoại: Liên lạc, tiếp xúc với các cơ quan trong Giáo hội, các cơ quan chính quyền, các cơ quan bạn, các tổ chức xã hội về mọi vấn đề liên quan đến việc tổ chức hoạt động Gia đình Phật tử.
Hai Phó Trưởng Ban ngành Nam, Nữ
- Điều động: Điều khiển hoạt động các ngành liên hệ. Hoạch định chương trình, kế hoạch hoạt động thuộc phạm vi các ngành trực thuộc.
- Phối hợp: Phối hợp hoạt động các ngành để kế hoạch, đường lối chung được thi hành chu toàn.
Tổng Thư ký, hai Phó Tổng Thư ký
- Phối hợp: Phối hợp hoạt động tổng quát. Liên lạc thường xuyên với các Ban viên để theo dõi các biến chuyển về tình hình, sự tiến triển chung của toàn Ban – Đề nghị các biện pháp thích ứng lên Trưởng ban.
- Hành chánh tổng quát: Phụ trách các việc có tính cách hành chánh nhất là các vấn đề liên quan đến nhiều Ban viên.
- Điều hành các phương thức: Quản trị hồ sơ, kiểm soát báo cáo, kiểm soát mẫu in.
- Văn phòng: Kiểm điểm hồ sơ trình ký – Tiếp nhận văn thư, chọn lọc tài liệu, soạn thảo mục lục, lưu trữ văn thư tài liệu.
- Theo dõi việc giải quyết các văn thư đến và các dự thảo văn thư đệ ký.
- Trông lo các thư từ của Trưởng ban.
- Linh tinh: Trông lo các công tác nội bộ: mua sắm, quản trị vật liệu, văn phòng phẩm và các công tác do Trưởng ban giao phó.
- Tiếp tân, hướng dẫn quan khách.
- Đảm nhiệm mọi công tác không thuộc phạm vi của các Ban viên khác, chưa được liệt kê ở trên.
Thủ quỹ
- Bảo thủ: Bảo thủ hiện kim – Thông tri tình hình chi thu theo định kỳ.
Ủy viên Nội vụ và Điều hành
Quản trị chỉ danh (lập sách tịch) nhân viên, cán bộ – Quản trị chỉ số (số lượng) các hạng nhân sự khác.
- Nhân sự: Nghiên cứu, soạn thảo các văn kiện nguyên tắc về nhân sự.
- Giải quyết các trường hợp liên quan đến tình trạng hành chánh và pháp lý về nhân sự.
- Điều hành: Phụ trách mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện Nội quy và quy chế Huynh trưởng Gia đình Phật tử.
- An ninh: Trông coi về an ninh, nhất là an ninh nội bộ.
Theo dõi tình hình chung, lập hệ thống sưu tầm; nhận định, tập trung tin tức. Soạn thảo kế hoạch đề phòng.
Ủy viên Nghiên huấn
- Nghiên cứu: Nghiên cứu chương trình tu học các ngành (phối hợp với Ủy viên liên hệ). Nghiên cứu chương trình, kế hoạch tổng quát về huấn luyện.
- Huấn luyện: Đặt kế hoạch và soạn thảo chương trình huấn luyện.
- Soạn thảo tài liệu, phổ biến kinh nghiệm về huấn luyện.
- Tổ chức các lớp huấn luyện cấp Trung Ương.
- Theo dõi việc huấn luyện – Kiểm tra nhân số được thụ huấn và kết quả các khóa huấn luyện.
Ủy viên văn nghệ
Ủy viên Hoạt động Thanh niên Xã hội
- Nghiên cứu: Nghiên cứu đường lối, vị trí của ngành chuyên môn.
- Soạn thảo: Soạn thảo tài liệu tu học theo chương trình đã định.
Ủy viên Tu thư
- Sưu tầm, biên soạn, ấn loát: Sưu tầm tài liệu – Khảo cứu – dịch thuật kinh sách.
- Biên soạn sách tạp chí giáo khoa (phối hợp với các Ủy viên liên hệ).
- Thiết lập thư viện.
- Trông lo việc ấn loát – Giải quyết các việc kỹ thuật ấn loát.
- Nghiên cứu hệ thống mậu dịch hữu hiệu (phối hợp với Ủy viên doanh tế).
Ủy viên Doanh tế
- Tổ chức: Nghiên cứu, tổ chức về kinh doanh tài chánh.
- Tổ chức các cơ sở sản xuất, phát hành… mọi thức cần thiết trong Gia đình Phật tử.
Sáu Ủy viên ngành Nam, Nữ, Thanh, Thiếu, Nhi
- Điều khiển: Điều khiển toàn ngành – Hướng dẫn mọi sinh hoạt của ngành để đạt mục tiêu ấn định. Ấn định sinh hoạt định kỳ – Tổ chức thi đua
- Tổ chức: Nghiên cứu và tổ chức các việc quản trị, huấn luyện, họp bạn, thi lên của ngành (phối hợp với Ủy viên liên hệ).
- Nghiên cứu: Nghiên cứu chương trình tu học của ngành soạn thảo các tài liệu tu học (phối hợp với các Ủy viên liên hệ).
Ủy viên Tổ kiểm
Trực tiếp tiếp xúc các địa phương, xúc tiến việc tổ chức các cơ cấu Gia đình Phật tử.
- Tổ chức: Theo dõi sinh hoạt chung, nhất là sinh hoạt Gia đình Phật tử nông thôn
- Soạn thảo các kế hoạch tổ chức thích ứng.
- Kiểm tra: Kiểm tra sinh hoạt các tổ chức Gia đình Phật tử.
- Điều tra, kiểm soát các đơn vị theo chỉ thị của Trưởng ban.
- Đúc kết các nhận xét đã thu nhập trong lúc kiểm tra- soạn thảo biện pháp chấn chỉnh.
Sáu Đại diện Miền
- Đôn đốc đại diện: Đôn đốc kiểm soát và báo cáo tình hình hoạt động các Tỉnh trong Miền.
- Liên lạc với Đại diện Miền Giáo hội Phật giáo Việt Nam để giải quyết các vấn đề liên quan đến Gia đình Phật tử.
- Thay mặt Trưởng ban, dự các lễ lượt trong Tỉnh hay liên tỉnh.
- Đôn đốc các Trại liên tỉnh trong Miền.
- Thi hành các nhiệm vụ khi được Trưởng ban ủy nhiệm.
Ý NGHĨA MỘT SỰ ĐỔI MỚI
Tham chiếu thành phần Ban Hướng dẫn và phân định nhiệm vụ, các anh chị em đang ở cấp lãnh đạo cần nhận định rõ về ý nghĩa của sự cải tiến trên. Một khi tổ chức đã tiến từ đơn vị Tỉnh, vượt qua đơn vị Miền và Phần để tiến tới Toàn quốc thì mọi hình thức điều hành “tiểu công nghiệp” đều trở nên vô hiệu. Việc cải tiến này đã được ban nghiên cứu tham luận rất nhiều thời gian trước khi đem trình trước Đại hội 1964. Tuy nhiên, thay vì các đại biểu trong tiểu ban Nội quy của Đại hội đã hiểu rất rõ sự quan hệ của một thành phần mới mẻ trên, trong Đại hội vẫn còn nhiều đơn vị chưa thấm nhuần được ý nghĩa của sự đổi mới đó. Chứng cớ là sau một năm làm việc (tính tới ngày 23 tháng 7 năm 1965, Hội thảo cấp Hướng dẫn toàn quốc họp tại chùa Dược Sư, Gia Định), Ban Hướng dẫn Trung ương đã gặp nhiều trở ngại trong việc lãnh đạo. Truy nguyên ra thì không ngoài lý do đa số cấp hướng dẫn địa phương chưa ý thức được tầm cấp bách và hữu hiệu của sự cải tiến nên đã tạo ra một thế mâu thuẫn là thay vì tập họp để thống nhất thì một vài địa phương cốt cán đã tạo cô lập vào lề lối làm việc cũ. Tuy nhiên, sau khi trở về Thủ đô tham dự cuộc Hội thảo các cấp hướng dẫn toàn quốc chuẩn bị cho Đại hội Thanh niên Phật giáo Thế giới, chúng ta cần một lần nữa nhận định cho rõ thêm các lợi điểm trong cơ quan chỉ đạo của Gia đình Phật tử.
PHÂN QUYỀN HỢP LÝ
Trước nay, tùy theo địa phương, khi một anh chị trưởng nào được bầu làm Trưởng Ban Hướng dẫn thì nỗi lo sợ đầu tiên là “trăm dâu đổ đầu tằm”. Việc lớn việc nhỏ, việc trong việc ngoài, trăm ngàn công việc, trăm ngàn trách nhiệm đều đổ dồn về cho “cá nhân xuất sắc” đó. Lề lối ấy, tâm lý ấy hay thì có ít mà dở lại quá nhiều.
Nếu gặp một vị có tài đức lưỡng toàn thì Gia đình Phật tử tiến triển mạnh. Nhưng không chóng thì chầy, vị đó khó mà tránh được tâm lý “anh hùng cá nhân”. Còn gì mỉa mai bằng tim óc của một đoàn thể lại quy tụ vào một người. Cái cảnh “nhất chiến công thành vạn cốt khô!” làm gì có trong Gia đình Phật tử lãnh đạo quá bận rộn “việc nhà, việc nước” thì lập tức mọi công tác đều bị đình chỉ. Chẳng lẽ, cứ mỗi lúc lại triệu tập Đại hội Huynh trưởng toàn tỉnh, toàn quốc để điều chỉnh ngay được sao?
Cho nên, việc phân quyền rất cần thiết. Nếu chịu khó nghiên cứu thật kỹ về cả hai mặt tổ chức và thực hiện của thành phần Ban Hướng dẫn, chúng ta sẽ thấy một khi nhân duyên cụ túc thì đó là bộ óc tinh diệu nhất của một đoàn thể thanh niên. Thế nhưng, một điều đáng lưu ý là một khi các cấp lãnh đạo chưa chịu hiểu rõ sự quan hệ của tổ chức, mỗi một Ban viên chưa hiểu hay cố tình không muốn hiểu thành phần và chức vụ của mình thì sự bế tắc sẽ đến ngay. Phải hiểu rõ toàn Ban là một bộ máy lớn. Từ Trưởng ban, Phó trưởng ban cho tới các Ban viên, Đại diện, Ủy viên, mỗi vị là một bộ phận thiết yếu đảm nhiệm một công tác riêng biệt. Nếu có một bộ phận yếu ớt thì công năng của toàn thể sẽ sai lệch lập tức. Chúng ta ai cũng hướng về thống nhất và chính hai tiếng thống nhất đã là một ám ảnh đáng phàn nàn.
Biên giả nghĩ rằng: Một khi đã là anh chị em trong Gia đình áo lam, Hoa sen trắng thì mọi sự đã thống nhất rồi. Hãy nhìn qua các đoàn thể thanh niên quốc tế: Hướng đạo, Cộng sản v.v… họ có phân biệt màu da, chủng tộc, địa lý không? Ở đâu cũng một tâm hồn. Sao ta không nhớ lời đức Phật: “Không thể nào có sự chia rẽ khi máu mọi người đều đỏ, nước mắt mọi người đều mặn”. Nếu có khác thì chỉ có khác về sinh hoạt. Vì bị ám ảnh bởi hư danh mà ta gặp trở ngại trong vấn đề nhân sự.
Nói như thế, không có nghĩa là buộc các Ban viên Ban Hướng dẫn đều phải có mặt ở Trung ương. Nhưng dù ở địa phương nào Ban viên cũng phải hoạt động đều với Trung ương, với các tỉnh và báo cáo thường xuyên về ngành và các tỉnh đã phối hợp. Thành ra, phải công nhận giữa thiện chí và thực hiện có thể xảy ra mâu thuẫn.
Các trở ngại ấy sẽ đưa tới thảm cảnh thiếu thông cảm và hiểu lầm không thể tránh được. Tuy nhiên, dù gặp trở ngại nào vấn đề phân quyền hợp lý cũng vẫn phải được duy trì, củng cố!
NHẬN RÕ NHIỆM VỤ
Để duy trì cũng cố tổ chức, quý vị Ban viên các Ban Hướng dẫn cần giữ đúng vị trí công tác của mình.
Ngoài các nhiệm vụ chính đã ghi trong Nội quy xin các anh chị nghĩ tới các việc sau:
ĐỐI VỚI TRUNG ƯƠNG
- Trưởng Ban Hướng dẫn Tỉnh liên lạc thường xuyên với anh Trưởng Ban Hướng dẫn Trung ương và Ban thường vụ ít ra mỗi tháng một lần (xin chú ý tới công dụng của “thư riêng mà nói việc chung” rất cần thiết cho các vấn đề nội bộ và đối ngoại, nhất là trong lúc này).
Thực hiện công việc hành chánh theo quy ước mới.
- Phó Trưởng ban liên lạc với các Trưởng ban và Phó trưởng ban các Tỉnh để phối hợp trao đổi kinh nghiệm của các Tỉnh mạnh cho các Tỉnh yếu học hỏi.
- Đại diện Miền: Xin giữ đúng vị trí, đôn đốc, kiểm soát.
- Ủy viên liên lạc với các Ủy viên Trung ương để hiểu rõ công tác và liên lạc với các Ủy viên của Ban Hướng dẫn các Tỉnh bạn để thu thập kinh nghiệm.
- Quý anh chị em Huynh trưởng cần bắt cầu liên lạc giữa anh chị em Huynh trưởng khác khắp toàn quốc.
ĐỐI VỚI ĐỊA PHƯƠNG
Các Ban viên Hướng dẫn Tỉnh cần thực hiện cho được “công tác báo cáo” theo thể thức mới rất giản tiện, ít tốn thì giờ mà Ban Hướng dẫn Trung ương đã gởi chỉ thị, dự án và mẫu in tới. Mỗi Ban viên làm công việc của riêng mình thì không có gì nặng nhọc và khó khăn. Làm thế nào mỗi tháng Hội nghị của Ban Hướng dẫn Trung ương đều có báo cáo của toàn quốc.
Mỗi một sự canh tân nào cũng cần nhiều sửa chữa. Tuy nhiên, chúng ta phải nhất tâm thực hiện cho bằng được những điều Đại hội đã chấp thuận. Xin chớ ngồi ở địa phương mà lên tiếng trách móc trung ương bày vẽ chuyện này chuyện nọ. Bây giờ ai cũng hiểu rằng: Trung ương là óc, mà địa phương là tay. Óc không có tay là óc rỗng, tay không có óc thì tay buông. Có điều nhờ có óc mà người ta biết mình có tay, chứ tự hai bàn tay không thể nào biết là mình có óc.
Khi Nội quy ghi rõ thành phần Ủy viên của Ban Hướng dẫn Tỉnh cũng giống với Trung ương là vì quan niệm Trung ương chỉ là trung tâm quy tụ ảnh hưởng 42 khối óc của 42 Ban Hướng dẫn Tỉnh. Công việc của Trung ương là tạo đề án và cấp Tỉnh cố gắng thực hiện đề án cho đầy đủ. Tại sao anh chị em khắp nơi lại không có quyền dự vào Trung ương bằng cách gởi các dự án về? Tại sao địa phương lại chỉ chờ đợi dự án của Trung ương rồi lại phiền trách là Trung ương chỉ lo lý thuyết? Mọi lý thuyết không được thi hành đều là lý thuyết suông, mọi hành động không có lý thuyết chỉ đạo đều dễ lệch lạc.
Cần hiểu rõ:
Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam không phải chỉ gồm có các anh chị em ở Trung ương mà gồm toàn thể:
43 Trưởng ban
86 Phó Trưởng ban
6 Đại diện Miền và 731 Ủy viên và Thường vụ.
Nếu toàn thể tám trăm sáu mươi sáu nhân viên Ban Hướng dẫn cùng nhất tâm điều khiển 7676 Huynh trưởng và ngót 100.000 đoàn sinh thì kết quả sẽ tốt đẹp tới mức nào?
Trưởng Ban Hướng dẫn và Ban viên Ban Hướng dẫn Trung ương chỉ có thể làm việc hữu hiệu nếu nhận được thường xuyên các báo cáo của các Ban Hướng dẫn Tỉnh và các Ủy viên liên hệ mỗi tháng một lần vào ngày 15. Một vài người trong chúng ta thường cho rằng ảnh hưởng của “ngoại cảnh” đã làm cho nội bộ của ta lủng củng. Nhưng tại sao ta không nghĩ ngược lại “vì chúng chưa nhất trí nên ngoại cảnh mới khuấy rối được chúng ta”. Không có sự thống nhất nào đẹp hơn thống nhất lý tưởng và hành động.
Trong tư trào hiện đại hóa Phật giáo, mọi quy mô cố hữu phải cải tạo. Sự cải tạo nào mà không đem tới vài hy sinh và đau đớn. Ta cần biết rằng Gia đình Phật tử là một tổ chức tiến bộ và cần tiến bộ mãi.
CƠ CẤU TỔ CHỨC MIỀN
Trước kia, khi nền Phật giáo chưa thống nhất về hành chánh; Bắc Việt có Hội Việt Nam Phật giáo, Trung Việt có Hội An Nam Phật học, Nam Việt có Hội Phật học Nam Việt là những tổ chức cư sĩ đã thành lập từ thời Pháp thuộc. Chư vị Tăng ni trực thuộc vào các tông phái với giáo chế, giáo điển tùy thuộc vào Pháp môn tu học. Từ năm 1951, Phật giáo Việt Nam ra đời trong cơ cấu Phật giáo thế giới thì một sự thống nhất Tinh thần đã thực hiện. Kể từ sau hiệp nghị Genève 1954, non sông cách trở, tại miền Nam Việt Nam, tổ chức Phật giáo có thêm hội Việt Nam Phật giáo (Cư sĩ di cư) và Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam (Tăng ni di cư). Là con của các hội trong buổi đầu, các Gia đình Phật tử lệ thuộc vào cơ cấu hành chánh của mỗi hội: Và đương nhiên Gia đình Phật tử cũng tủi thẹn với số kiếp cây “tầm gửi”.
Năm 1963, sau ngày Phật giáo Việt Nam thống nhất, Viện Hóa đạo là cơ quan hành chánh của Phật giáo đã xóa bỏ các hình thức tập đoàn và phân quyền theo hệ thống Miền.
Toàn quốc Việt Nam có bảy Miền:
- Vạn Hạnh (Bắc Trung nguyên Trung phần)
- Liễu Quán (Nam Trung nguyên Trung phần)
- Khuông Việt (Cao nguyên Trung phần)
- Khánh Hòa (Miền Đông Nam phần)
- Huệ Quang (Miền Tây Nam phần)
- Quảng Đức (Thủ Đô Saigon), (trực thuộc Viện Hóa đạo. Gia đình Phật tử trực thuộc Ban Hướng dẫn Trung ương)
- Vĩnh Nghiêm (Miền tưởng niệm một nửa phần đất bị phân chia)
Trong cơ cấu ấy, Gia đình Phật tử, một tổ chức trong Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa đạo cũng phải dựa vào kiến trúc địa lý và tinh thần ấy.
Cơ quan lãnh đạo tối cao của Gia đình Phật tử là Ban Hướng dẫn Trung ương điều khiển trực tiếp các Tỉnh liên hệ.
Tại mỗi Miền có vị Đại diện Miền giữ vai trò đôn đốc và phối hợp.
Đại diện Miền là sự hiện diện của Ban Hướng dẫn Trung ương tại Miền liên hệ. Là gạch nối giữa cấp Tỉnh với Trung Ương.
“Đại diện Miền nằm trong thành phần Ban Hướng dẫn Trung ương do Đại hội Gia đình Phật tử toàn quốc bầu cử.
Đại diện Miền có trọn quyền lựa chọn: Một Thư ký và một Thủ quỹ”.[6]
Nhiệm vụ Đại diện Miền cũng đã xác định:
- Đại diện Miền thay mặt cho Ban Hướng dẫn Trung ương Gia đình Phật tử để đôn đốc, kiểm soát, báo cáo tình hình hoạt động của Gia đình Phật tử trong các Tỉnh thuộc Miền của mình vào tuần lễ cuối của mỗi tam cá nguyệt lên Ban Hướng dẫn Trung ương.
- Liên lạc với vị Đại diện Giáo hội PGVNTN để thông hiểu tình hình Phật sự chung trong Miền và giải quyết các vấn đề có liên quan tới Gia đình Phật tử.
- Đại diện cho Ban Hướng dẫn Trung ương trong các lễ lượt do các Gia đình Phật tử trong Tỉnh hay Liên tỉnh tổ chức.
- Đôn đốc các Trại cấp Tỉnh trong Miền.[7]
Đọc qua thành phần và nhiệm vụ của mỗi Ban Đại diện như trên hẳn ta cũng thấy Đại diện Miền giữ trọng trách to tát chứ không phải là “tượng trưng” như có người lầm tưởng.
ĐẠI DIỆN MIỀN LÀ GẠCH NỐI GIỮA TRUNG ƯƠNG VỚI TỈNH
Nếu Trung ương là não bộ thì các Đại diện Miền là hệ thần kinh. Tinh thần và hoạt động của Trung ương đã nhờ các anh mà tuần hoàn khắp các đơn vị. Đại diện Miền, trong giai đoạn sơ khởi của thành phần thống nhất đã làm nổi bật tinh thần của Trung ương. Tại Miền Vạn Hạnh, anh Lương Hoàng Chuẩn đã phối hợp với địa phương xúc tiến công việc tu chỉnh nội bộ và góp phần hữu hiệu vào công việc cứu trợ các Miền bị lụt. Anh Trần Ngọc Giao, Miền Liễu Quán đã vượt qua nhiều khó khăn tình thế, nối liền sự liên lạc giữa các miền đau khổ nhất Việt Nam: Miền chiến tranh, Miền bão lụt kinh khủng nhất. Anh Mã Thành Cưng đã lưu chuyển khắp Miền Khánh Hòa để tu chỉnh nội bộ và khai sinh cho nhiều Ban Hướng dẫn Tỉnh, nhiều Gia đình, một công việc khai phá đầy gian khổ. Anh Nguyễn Thanh Quang tại Miền Huệ Quang, vượt qua sông Vàm Cỏ tiến về miền biên giới Việt Miên, một miền đậm màu tín ngưỡng, miền của đa thần, mảnh đất phì nhiêu của “mê tín dị đoan”. Và anh Nguyễn Châu, Đại diện Miền Khuông Việt đầy “đèo dốc cheo leo”. Miền Vĩnh Nghiêm, miền tinh thần cũng đang chịu cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nhưng dù trong địa vực nào, các anh Đại diện Miền cũng nêu cao tinh thần phục vụ rất đáng cảm phục. Dù trong Nội quy xác nhận công tác báo cáo “3 tháng một kỳ”, các anh vẫn đi họp đều háng tháng và thay mặt cho Tỉnh để làm báo cáo.
Nhờ sự thăm viếng và đôn đốc thường xuyên của Đại diện Miền mà các chỉ thị, dự án của Trung ương đều được phổ biến nhanh chóng và theo dõi mọi thực hiện một cách hữu hiệu. Mỗi tháng, tại Hội nghị Ban Hướng dẫn Trung ương, mỗi bản báo cáo của Đại diện Miền là một tổng hợp các nét chính yếu về sinh hoạt của địa phương giúp cho Ban Hướng dẫn Trung ương giải quyết nhanh chóng được nhu yếu của từng Miền. Tuy nhiên trọng điểm của các bản báo cáo cũng cần phải đi sâu vào chi tiết công tác để sau này Ban Hướng dẫn còn đối chiếu với các bản báo cáo của Tỉnh trong trường hợp có những mâu thuẫn không may xảy ra.
ĐẠI DIỆN MIỀN LÀ BIỂU TƯỢNG CHO ĐỊA PHƯƠNG TÍNH
Sự phân chia ra sáu miền địa lý không phải là một sự ngẫu nhiên. Dù trong trường hợp nào, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam vẫn là gốc của Gia đình Phật tử. So về thâm niên và khả năng thì Miền này có tuổi đạo cao nhất. Tại Miền này thành phần các Ban Hướng dẫn Tỉnh rất vững và nhờ sự thuần nhất của Giáo hội nên sự phát triển có bề thuận lợi hơn các Miền khác. Phải nói là nhiệm vụ của Đại diện Miền Vạn Hạnh rất khó khăn trên kế hoạch, và dễ dàng về thực hiện. Vì sao vậy? Lý do là mỗi Tỉnh đều có đủ sức tự lực cánh sinh. Trái lại Miền Khánh Hòa lại là Miền mới khai phá. Trong tất cả các tỉnh miền Đông, chỉ có Biên Hòa là tương đối có cơ sở hơn cả. Nhưng còn những tỉnh khác, cho tới nay sự phát triển vẫn còn gặp nhiều gian khổ. Miền Khuông Việt có Đà Lạt là vì sao cao nguyên. Nhưng đường sá cách trở, sự liên lạc với các tỉnh gặp trở ngại nhiều về di chuyển. Miền Huệ Quang với những cánh đồng phì nhiêu, bát ngát báo hiệu một tương lai rực rỡ. Người thanh niên ở đây, đô thị cũng như nông thôn vẫn còn giữ nếp sống đơn thuần dù khói lửa chiến chinh đã gây nhiều xáo trộn. Miền Liễu Quán mỏi mòn vì chiến tranh và thiên tai thủy hạn, nhưng vẫn theo kịp Miền Vạn Hạnh đàn anh. Riêng Miền Quảng Đức thủ đô náo nhiệt, hoa lệ, trung tâm của mọi biến chuyển chính trị đã tạo nên một không khí hỗn độn cần phải nhiều thời gian mới ổn định được. Lý do giản dị là phong trào bành trướng mạnh trong biển người hơn hai triệu mà Huynh trưởng của ta không có đủ để cung ứng cho việc điều hành. Dù sao, hy vọng sâu xa nhất của mọi người là một ngày kia: Mỗi một Miền, mỗi một Tỉnh, mỗi một Gia đình đều lấy được sự quân bình về khả năng, kỷ luật cũng như tinh thần Đạo. Rất mong các anh Đại diện Miền luôn luôn thành khẩn học tập lẫn nhau để thấy rõ ưu điểm của Miền bạn đem bồi bổ cho khuyết điểm của Miền mình thì cơ thể Gia đình Phật tử mới khỏi nạn đui, què, mẻ, sứt như các đoàn thể khác.
ĐẠI DIỆN MIỀN LÀ NHÀ KỸ THUẬT, KẾ HOẠCH
Một dự án của Ban Hướng dẫn Trung ương đề ra không bao giờ nhắm cho một Miền riêng biệt. Chính các Đại diện Miền phải tính toán việc thích nghi dự án đó cho phù hợp với địa phương. Đó cũng là ý nghĩa của cuộc bầu cử riêng từng miền trong Đại hội 1963. Chính các Tỉnh liên hệ ở mỗi miền bầu lên vị Đại diện. Ban Hướng dẫn Trung ương sẽ nhờ quý anh Đại diện nghiên cứu tình hình của địa phương để phối hợp công tác cho hợp lý. Có nơi, các anh Đại diện Miền lại phải kiêm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng dẫn. Đó chỉ là giải pháp tạm thời cần phải tu chỉnh.
Tại một vài Miền, vì tình trạng chuyển tiếp, một vài sáng kiến vượt bực của Đại diện Miền đã được Ban Hướng dẫn Trung ương tạm thời chấp thuận. Tuy nhiên, theo đúng Nội quy, công tác không thể thay thế hẳn Trung ương, cũng như không nên bỏ qua việc hội ý với các Ban Hướng dẫn Tỉnh. Một vị Đại diện có thiện chí và chân tài lúc nào cũng cố gắng phản ảnh cho rõ được nhu yếu của địa phương và phổ biến cho đầy đủ chỉ thị của Trung ương. Quan niệm rằng:
Chân giá trị của một người lãnh đạo, của người cán bộ không phải ở chức vụ hay quyền hạn mà chính ở ý hướng của cá nhân và thành quả của đoàn thể.
Đoàn thể chỉ huy cá nhân phụ trách bao giờ cũng là phương châm thực hiện tinh thần bình đẳng của chúng ta. Ta đi vào đạo với tín ngưỡng với tự do chứ không phải bằng đam mê hay danh lợi.
Nhờ thiện chí và năng lực của Đại diện Miền mà đầu óc tập đoàn, thành kiến “tiểu vương” sẽ dần dần bị dẹp bỏ nhường lối cho hương sen tỏa ngát vang lừng.
CƠ CẤU TỔ CHỨC TỈNH
Trong Nội quy Gia đình Phật tử, Ban Hướng dẫn Tỉnh có thành phần như sau:
– Trưởng Ban Hướng dẫn
– Phó Trưởng Ban Hướng dẫn (phụ trách ngành Nam)
– Phó Trưởng Ban Hướng dẫn (phụ trách ngành Nữ)
– Thư ký
– Thủ quỹ
– Và các Ủy viên giống như Ban Hướng dẫn Trung ương. Bên cạnh Ban Hướng dẫn có Ban Cố vấn Giáo lý.
*
“Nhiệm vụ của Trưởng Ban Hướng dẫn Tỉnh là điều động toàn Ban Hướng dẫn, thi hành chỉ thị của trung ương, điều khiển và kiểm soát các Gia đình Phật tử trong tỉnh”.
Với một nhiệm vụ như vậy, trách nhiệm của Trưởng Ban Hướng dẫn rất lớn.
ĐỐI VỚI BAN ĐẠI DIỆN GIÁO HỘI TỈNH
Trưởng Ban Hướng dẫn trực tiếp điều khiển mọi công tác địa phương mình. Trưởng Ban Hướng dẫn Tỉnh không phải do Ban Hướng dẫn Trung ương đề cử mà phải do Đại hội Huynh trưởng toàn Tỉnh bầu lên với đa số. Thế thì Trưởng Ban Hướng dẫn Tỉnh, trước tiên là phát xuất từ giới Huynh trưởng địa phương mà lên. Cho tới nay, chưa hề có hiện tượng một cá nhân không phải là Huynh trưởng thâm niên được đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Hướng dẫn. Đó là môt ựu điểm của tổ chức Gia đình Phật tử. Anh Trưởng ban phải là người nổi bật nhất trong giới Huynh trưởng tại Tỉnh nhà về Đức cũng như về Tài. Tại các Miền, hầu hết các Trưởng ban đều có thành tích và thâm niên cao trọng trong Gia đình Phật tử. Nhờ đó, dù gặp phong ba bão tố, thuyền nhà vẫn được chèo chống thẳng lối không hề nao núng. Tuy nhiên, trước nay, ở trong hệ thống các tập đoàn, được sự nâng đỡ tinh thần cũng như vật chất, công tác của các Ban Hướng dẫn Tỉnh được các Tỉnh Hội giúp đỡ rất nhiều. Ngày nay Gia đình Phật tử trực tiếp liên lạc với Ban Hướng dẫn Trung ương nên tại nhiều Tỉnh, sự bảo trợ ấy trở nên eo hẹp. Trong hoàn cảnh đó, tại một vài Tỉnh, nhờ sự giao tiếp khéo léo của Trưởng ban, mọi sự vẫn điều hòa. Nhưng tại nhiều Tỉnh sơ khởi, một vài lủng củng về liên lạc đã có xảy ra. Cái khó khăn của các Ban Hướng dẫn Tỉnh là làm sao tạo thông cảm được với Đặc ủy Thanh niên và với Giáo hội. Thông cảm không có nghĩa là lệ thuộc để cầu mong một sự giúp đỡ. Các Tỉnh Giáo hội cần ý thức rõ một lần chót: Gia đình Phật tử là tổ chức có mục đích giáo dục Thanh thiếu nhi Phật tử chứ không phải là một sự tô điểm cho Giáo hội. Con đường Gia đình Phật tử đang đi tới là Thống Nhất và Độc Lập. Độc lập không có nghĩa là phân ly với Giáo hội mà chỉ giữ đúng vị trí, đúng danh dự của mình. Về tinh thần, việc nghiên huấn phải luôn luôn phổ biến tinh thần Tự tập. Về doanh tế, cố gắng có sự Tự túc. Mọi sự giúp đỡ đều cần thiết nhưng ta không thể để sự giúp đỡ ấy trở thành một sự ràng buộc.
ĐỐI VỚI HUYNH TRƯỞNG TẠI TỈNH NHÀ
Đả phá thành kiến địa phương, Gia đình Phật tử đã xóa dần biên cách giữa các gia đình cá nhân để đi vào sự hòa đồng của đoàn thể. Bây giờ, Ban Hướng dẫn Tỉnh lại phải tác động tinh thần nhất trí của Gia đình Phật tử Việt Nam. Người Huynh trưởng hôm nay không thể chỉ biết tới mình, Gia đình mình, Tỉnh mình, Miền mình, mà phải nghĩ tới cả Gia đình Phật tử Việt Nam. Những sự cách biệt về địa lý, về cơ cấu không phải là cách biệt thật sự. Phát triển cho Tỉnh nhà mạnh mẽ là góp phần vào việc chung. Trước kia, ta đã bực bội trong vỏ tập đoàn. Nay đã vươn ra thì lại có người muốn ngập ngừng, chùn bước. Hãy thúc đẩy anh chị em đi tới. Ta phải tỉnh giấc mơ êm đềm cũ. Một gia đình ấm cúng, một địa vực nhiều kỷ niệm mến yêu. Ta sống trong tình thương bằng cách mở rộng tình thương. Không thể có cái tâm trạng ôm ấp, nâng niu những điều đã có mà quên đại sự. Mỗi Huynh trưởng dù ở thành thị hay nông thôn, dù ở miền Nam hay phương Bắc đều phải nhớ đến nhau mà tâm niệm đến sự nhất trí. Làm sao cho một Huynh trưởng tại một làng quê hẻo lánh cũng biết là Gia đình Phật tử không hề quên anh, quên chị. Công việc ấy chỉ có Ban Hướng dẫn Tỉnh mới làm được. Các Ban Hướng dẫn Tỉnh đã sống trong lòng của anh chị em Tỉnh nhà. Sự gặp gỡ thường xuyên có thể hiểu được hoàn cảnh, sinh hoạt, ước vọng của mỗi anh chị em. Ban Hướng dẫn Tỉnh sẽ chuyển đến Trung ương những điều hiểu biết do Tỉnh đã thu thập trên trường kinh nghiệm. Ta không thể sống các cảnh phong kiến như một người nông dân ngày xưa, có khi trọn đời không hề thấy vị quan đầu Tỉnh. Cái không khí cảm động diễn ra mỗi khi có Đại hội đã chứng tỏ anh chị em trong Gia đình Phật tử luôn luôn khao khát được gần nhau. Ngoài vấn đề tình cảm, các Huynh trưởng, nhất là tại miền Nam, cần được thông suốt đường lối giáo dục và tinh thần kỷ luật của Gia đình Phật tử. Đa số anh chị em Huynh trưởng đều nghèo về vật chất. Những kế hoạch tương trợ tưởng cũng nên nghĩ tới. Một số anh chị em đã ra khỏi tổ chức vì quá bận bịu về việc mưu sinh. Đó không phải là việc đáng trách mà chính là vì ta thiếu một kế hoạch tương trợ hữu hiệu. Mong rằng, cấp Hướng Dẫn Tỉnh lưu ý tới yếu điểm đó.
ĐỐI VỚI BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG
Ai cũng biết Ban Hướng dẫn Trung ương gồm đa số anh chị em cựu Huynh trưởng. Những người đang nắm giữ sinh mệnh của Gia đình Phật tử tại các Tỉnh đều quá bận rộn về việc Tỉnh nên không thể tham gia vào Trung ương. Cho nên, nếu thành khẩn với mình, ta phải nhận rằng có một số anh chị em đã hiểu lầm rằng Trung ương đã không đi sát với sinh hoạt hiện tại. Sự ngộ nhận ấy bắt nguồn từ nhiều lý do: Thứ nhất là một số anh chị em vẫn sinh hoạt đều đặn với Gia đình nên có tâm lý là “phải cầm đoàn thì mới thực sự hoạt động”. Lý do thứ hai là các công tác, các dự án do Trung ương đề ra phần nhiều đều khác hay có khi ngược hẳn với nếp sinh hoạt sẵn có mà anh chị em chưa thông hiểu được tính cách quan trọng cấp bách, và hữu hiệu của nó. Những cuộc hội thảo liên tiếp do các Đại diện Miền tổ chức đều nhắm mục đích xóa bỏ những thành kiến đó. Đối với điểm này, thái độ dứt khoát của Ban Hướng dẫn Tỉnh thật cần thiết. Mỗi khi tiếp nhận một dự án, một sự cải cách, thiết tưởng anh chị em sẽ cố gắng nghiên cứu thật kỹ. Phải thấu triỆt các ưu điểm. Nếu có thắc mắc thì xin chất vấn Ban Hướng dẫn Trung ương. Sau đó, một khi đem ra phổ biến thì phải đứng vững trên lập trường chung mà bênh vực, giải thích cho cặn kẽ. Ngược lại Ban Hướng dẫn Trung ương yêu cầu đặt nặng “công tác báo cáo” sau khi đã thực hiện được một phần hay toàn phần. Ban Hướng dẫn Trung ương sẽ theo dõi từng trường hợp để đối chiếu, phối hiệp kiểm điểm để xúc tiến hoặc sửa chữa. Đâu đâu cũng một việc, ở đâu cũng một nhà. Chức vụ hay công tác chỉ có giá trị ở thiện chí và đã có thiện chí thì mọi trở ngại đều trở thành bèo bọt.
ĐỐI VỚI CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Trong suốt 20 năm hoạt động từ 1947 cho tới 1963, Gia đình Phật tử không hề có sự liên hệ với các chính quyền. Sau tháng 11 năm 1964, Ngô triều bị lật đổ, tại một vài địa phương các đại diện chính quyền đã tỏ thiện chí muốn giúp đỡ một vài phương tiện cho Giáo hội Việt Nam Thống Nhất. Đôi khi, có sự nghênh tiếp một vị trong cấp lãnh đạo Giáo hội, chính quyền đã trang bị những hình thức dành riêng cho các nhân vật cao cấp trong chính quyền. Tại một vài nơi, đã có những vị từ chối sự đón tiếp rầm rộ ấy. Tại một vài nơi khác, có những vị không nỡ từ chối, hay đã vui lòng tiếp nhận như một nghi lễ “ngoại giao”.
Qua sự kiện đó, những Phật tử bị đàn áp đã lâu nay cũng tự thấy thỏa mãn vì không còn bị coi rẻ. Nhưng những người có tầm nhìn xa, xét rộng lại thấy khó chịu và lo sợ cho các hậu quả xấu có thể tác dụng trong tâm lý quần chúng gây ra nhiều sự hiểu lầm và xuyên tạc. Đương nhiên, là người Phật tử không có quyền ủng hộ hay đả đảo một ai. Và cũng vì thế mà ta không có quyền ỷ lại hay lợi dụng những sự đãi ngộ đó. Vẫn biết trong cấp lãnh đạo chính quyền cũng có nhiều Phật tử thành tâm muốn bày tỏ thiện tâm, thiện chí. Tuy nhiên người Phật tử trong chính quyền không thể dùng các điều kiện sẵn có để mưu việc riêng tư, dù là việc của Giáo hội. Mỗi một cá nhân đều có quyền và có bổn phận hộ trì đạo pháp. Nhưng các hình thức hộ trì phải hợp lý và hợp tình. Trong ý nghĩa đó, Gia đình Phật tử không thể cầu mong hay ỷ lại vào các điều kiện chung của nhân dân, Gia đình Phật tử vốn rất nghèo về vật chất. Ngay như Ban Hướng dẫn Trung ương cũng vất vả lắm mới có đủ điều kiện hoạt động khi chưa nhận được sự đóng góp của địa phương. Cho nên các Ban Hướng dẫn Tỉnh cũng có nhiệm vụ tự túc, tự lực được phần nào hay phần đó. Mọi sự giao thiệp và tiếp nhận với chính quyền đều phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi chấp nhận. Ta không thể theo kẻ khác để “đi xin” từng khúc củi, từng thước sắt, từng bao xi măng hay “bao thầu” các khoản cứu trợ để về xây dựng Gia đình. Tinh thần tự túc cần phổ biến kỹ càng tới mỗi Huynh trưởng. Đã có những cán bộ chính trị, những chiến sĩ khi đảm trách một nhiệm vụ với hai bàn tay trắng, vẫn cố gắng tự tạo lấy điều kiện hoạt động. Và họ đã thành công. Một vài anh chị em Huynh trưởng chưa quen với tinh thần tự lập thường hay chờ đợi sự tương trợ của cấp trên. Làm như thế rất dễ sa vào cảnh bị lợi dụng. Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục và chỉ là một tổ chức giáo dục. Ban Hướng dẫn không thể nào cung ứng đầy đủ mọi nhu cầu cho địa phương. Chỉ khi nào, dự án doanh tế được phát triển đầy đủ thì sự phối hợp tài sản mới được sử dụng và phân chia hợp lý. Trong giai đoạn sơ khởi này, mọi sự giao tiếp với chính quyền chỉ có mục đích giữ gìn hòa khí… nếu cần… để cho sinh hoạt khỏi bị cản trở chứ không thể trông cậy ở kết quả vật chất của các cuộc giao tiếp ấy. Gia đình Phật tử bây giờ rất chú tâm tới Hoạt động Xã hội để đi sâu vào lòng quần chúng. Trong công cuộc cứu trợ thủy tai, Gia đình Phật tử đã tỏ cho chính quyền và quần chúng biết là chúng ta đi đúng… con đường vì đạo, vì đời mà không vì uy quyền hay tư lợi. Một tổ chức dựa vào chính quyền sẽ sụp đổ theo chính quyền khi có sự thay đổi. Tôn chỉ của Gia đình Phật tử không cho phép ai hành sự như thế.
ĐỐI VỚI QUẦN CHÚNG
Quần chúng ở đây phải hiểu theo hai nghĩa: Một là nhân dân, hai là đại chúng Phật tử.
ĐỐI VỚI NHÂN DÂN, Gia đình Phật tử không thể có sự ly khai hay đi ngược với ước vọng quần chúng. Đã một thời Gia đình Phật tử gò mình vào trong hoạt động đoàn thể: Tụng niệm, họp đoàn, học chuyên môn văn nghệ, gia chánh rồi đi cắm trại nghỉ mát riêng với nhau. Nếp sinh hoạt đó quả nhiên đã tự cô lập và tách rời quần chúng. Đi xa hơn, nó có thể trở thành một tổ chức không liên hệ gì với nhân dân, và nhân dân cũng không thấy cần khuyến khích hay ủng hộ. Sau những cuộc vận động vừa qua, chỗ đứng hòa đồng của Gia đình Phật tử rất tốt đẹp. Nhờ các công cuộc cứu trợ “không ai làm nổi”, Gia đình Phật tử đã lấy được cảm tình và tin tưởng của quần chúng. Ở đây, vai trò của Ban Hướng dẫn Tỉnh thật rất trọng đại. Tại địa phương, Ban Hướng dẫn Tỉnh hiểu rõ sinh hoạt và ước vọng của quần chúng rất cặn kẽ. Họ muốn gì? Họ mơ ước những gì? Họ sinh sống ra sao? Tại sao lại có các sinh hoạt và ước vọng đó? Chỉ có các Ban Hướng dẫn Tỉnh mới có đủ thẩm quyền trả lời cặn kẽ sau nhiều lần trắc nghiệm. Hoạt động của Gia đình Phật tử nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết đó. Ban Hướng dẫn Trung ương với cái nhìn bao quát và lâu dài khó mà thấy rõ được cái sắc thái đặc biệt của địa phương nếu không nhờ các Ban Hướng dẫn Tỉnh tường trình, báo cáo. Những sự chăm sóc về y tế, giáo dục, nhu cầu sẽ giúp cho Gia đình Phật tử đi vào lòng dân tộc một cách liên tục và điều hòa. Làm thế nào đánh tan thành kiến “Gia đình Phật tử chỉ biết tu học mà không để ý gì tới đồng bào”!!! thỏa mãn được các yêu cầu tinh thần và vật chất của đồng bào là quan điểm nhân dân chân chính của đoàn viên Gia đình Phật tử.
VỚI CÁC CẤP GIÁO HỘI VÀ GIA ĐÌNH RIÊNG, HỌC ĐƯỜNG
Đối với Giáo hội gồm đa số các bậc trưởng thượng, Ban Hướng dẫn Tỉnh cần nêu rõ mục đích giáo dục của Gia đình Phật tử. Cho tới bây giờ, mặc dù ở miền Trung, mục đích Gia đình Phật tử đã được đa số cấp lãnh đạo Giáo hội thông hiểu. Nhưng tại miền Nam, những miền mới có Tỉnh Giáo hội, mục đích Gia đình Phật tử chưa được phổ biến ở lớp người lớn tuổi. Đối với họ, Gia đình Phật tử vẫn còn là vật trang trí, vật tô điểm cho rậm đám, cho xôm trò. Cần phải chỉ thẳng cho người lớn thấy rõ tổ chức và sinh hoạt đặc biệt của Gia đình Phật tử. Muốn tránh các cản trở của Giáo hội địa phương, các Ban Hướng dẫn Tỉnh, các Ban Chấp hành phải báo cáo cấp thời các trường hợp bất trắc để chờ Trung ương giải quyết, can thiệp với Viện Hóa đạo.
Theo quyết định số 0051/VT/TT của Viện Hóa đạo đề ngày 27.03.1965 thì Ban Hướng dẫn Trung ương và các Ban Hướng dẫn Tỉnh có đủ thẩm quyền quyết định mọi công việc điều hành của Gia đình Phật tử.
“Để công việc kiểm soát nội bộ và điều hành mọi công tác Phật sự theo đúng đường lối của Viện và Giáo hội, để thực thi Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hầu áp dụng đúng Nội quy của Gia đình Phật tử Việt Nam, Viện trân trọng lưu ý quý Ban những điểm cần thiết sau đây về việc thành lập Gia đình Phật tử tại Thủ đô cũng như các Tỉnh địa phương:
– Theo Nội quy của Gia đình Phật tử, mỗi Gia đình được phép thành lập phải hội đủ các điều kiện:
a)- Cần có một Gia trưởng (trên 30 tuổi) và hai Huynh trưởng đã dự khóa huấn luyện Huynh trưởng do Ban Hướng dẫn tổ chức.
b)- Có một ủy nhiệm thư cho phép thành lập hay một quyết định để thừa nhận chính thức Gia đình ấy thuộc Giáo hội do Ban Hướng dẫn Trung ương cấp.
Những văn kiện này luôn luôn phải gởi đến Ban Đại diện sở tại để tường và kiểm soát Phật sự. Nếu có trường hợp gia đình nào hoạt động mà thiếu hai điều kiện trên, thì Ban Đại diện sở tại phải thông báo cho Ban Hướng dẫn Trung ương biết để tiện kiểm soát nội bộ.
Trong việc thành lập Gia đình Phật tử địa phương mà gặp trở ngại khó khăn thì phải liên lạc ngay với văn phòng Ban Hướng dẫn Trung ương ở 223 Hiền Vương, Saigon để kịp thời giải quyết thỏa đáng.
– Tất cả gia đình muốn đệ trình thượng cấp một ý kiến gì, hoặc muốn tổ chức cắm trại, làm lễ ra mắt, cầu siêu, cầu an tại Việt Nam Quốc Tự đều phải qua hệ thống Ban Hướng dẫn Trung ương, tại các Giáo hội Tỉnh phải qua hệ thống Ban Hướng dẫn Tỉnh địa phương v.v… Mọi nguyện vọng không có sự chuyển đạt và ý kiến của Ban Hướng dẫn Trung ương cũng như địa phương sẽ không được Viện cứu xét và giao hoàn đương đơn”.
Đối với gia đình và học đường, các Ban Hướng dẫn Tỉnh cần tiếp xúc thường xuyên bằng cách này hay cách khác để duy trì sự hợp tác Học đường – Gia đình Phật tử – Gia đình. Ba không khí ấy phải có hỗ tương tác dụng trong việc giáo dục trẻ. Giáo là dạy. Dục là nuôi. Mục đích đó đòi hỏi sự hòa hợp cả Tinh thần lẫn Vật chất. Nhiều gia đình khi cho con đi học là phó mặc cho học đường, cho con vào đoàn là phó mặc cho Gia đình Phật tử. Cần lập các phiếu liên lạc để duy trì hòa khí giữa ba cơ sở: Gia đình, Học đường và Gia đình Phật tử. Đào tạo một người con ngoan, một học sinh ưu tú, một đoàn sinh gương mẫu để tiến tới việc hoàn thành một công dân xứng đáng cho Tổ quốc, một Phật tử thuần thành cho đạo pháp.
NHIỆM VỤ GIA TRƯỞNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI
Đơn vị của Gia đình Phật tử là GIA ĐÌNH. Trên hết là Gia trưởng thay mặt cho sáu đoàn: Nam Phật tử, Nữ Phật tử (cho thanh niên nam nữ trên 18 tuổi). Thiếu nam, Thiếu nữ (cho các thiếu niên nam nữ từ 13 đến 17 tuổi). Nam Oanh vũ, Nữ Oanh vũ (từ 6 đến 12 tuổi) trong việc đối ngoại. Mỗi đoàn có một Đoàn trưởng và một Đoàn phó phụ trách cả 4 đội (mỗi đội từ 8 đến 12 em). Cả sáu đoàn đặt dưới sự điều khiển của Liên Đoàn trưởng. Sự phân công trong công tác điều khiển Gia đình đã được Nội quy phân định như sau:
CẤP GIA ĐÌNH
Gia trưởng
– Vị này là một cư sĩ có uy tín trong Ban Đại diện Giáo hội cấp Xã, Phường hay Chi, Khuôn và hiểu biết về Gia đình Phật tử.
– Nếu Liên Đoàn trưởng, từ 25 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban Đại diện Giáo hội cấp Xã, Phường hay Chi, Khuôn thì nên kiêm chức vụ Gia trưởng.
– Nếu Gia đình Phật tử có thành lập Ban Bảo trợ thì Gia trưởng sẽ là một Ban viên trong Ban này.
– Thâu nhận đoàn sinh mới vào Gia đình.
– Thay mặt Ban Huynh trưởng về các công việc đối ngoại liên quan đến Gia đình Phật tử và không trái với Nội quy.
Liên Đoàn trưởng
– Điều động Ban Huynh trưởng.
– Thi hành chỉ thị của Ban Hướng dẫn Tỉnh.
– Tổ chức các lớp huấn luyện Đội hay Chúng trưởng trong Gia Đình để chuẩn bị dự các lớp huấn luyện của Ban Hướng dẫn Tỉnh.
– Tổ chức các trại, triển lãm văn nghệ và các công tác xã hội thuộc phạm vi Gia đình.
– Báo cáo sinh hoạt hàng tháng cho Ban Hướng dẫn Tỉnh.
Đoàn trưởng
– Thi hành quyết định của Ban Huynh trưởng, điều động và điều khiển Đoàn của mình với sự trợ tá của Đoàn phó.
– Hoạch định chương trình tu học và hoạt động hàng tháng và hàng tuần cho Đoàn.
– Tổ chức trại và du ngoạn của Đoàn (có sự chấp thuận của Liên Đoàn trưởng).
– Chịu trách nhiệm với Liên Đoàn trưởng.
Đội trưởng, Chúng trưởng
– Thi hành quyết định của Đoàn trưởng, điều khiển Đội hay Chúng của mình với sự trợ tá của Đội phó hay Chúng phó.
– Soạn chương trình sinh hoạt hàng tuần của Đội, Chúng (dựa theo chương trình của Đoàn).
– Chịu trách nhiệm với Đoàn trưởng.
VAI TRÒ GIA TRƯỞNG TRONG DĨ VÃNG
Trước năm 1950, quý Bác Gia trưởng đã là nhân vật quan trọng nhất trong việc điều hành Gia đình Phật Hóa Phổ và Gia đình Phật tử. Các tiếng xưng hô “bác cháu” thân mật nhưng không kém phần cung kính của đoàn sinh với các vị Gia trưởng đã biểu thị được lòng tôn kính của Gia đình Phật tử đối với các vị Gia trưởng tiên khởi: bác Đốc Thám (Lê Đình Thám), bác Nghè Tuân, bác Hương Tú, bác Phán Phiên v.v… Nghĩa là việc gì cũng hỏi Bác, việc gì cũng nhờ bác. Ba chữ “bác Gia trưởng” đã nói lên sự hiện diện của lớp Già trong lớp Trẻ.
Lúc bấy giờ, nhiệm vụ của Gia trưởng rất nặng nề. Nào là lo xin phép cho Gia đình đi đóng trại, nào là chạy tiền cho các em trang bị hoạt động. Nhưng vai trò “tình cảm” của Gia trưởng đã bắt đầu nhường chỗ cho Hoạt động từ khi cơ cấu Gia đình cải thiện với chức vụ Liên Đoàn trưởng. Đã một lần, quý vị Gia trưởng với vai trò trọng tài đã không theo kịp bước tiến của Phong trào nên một số đã rút lui hay có sự lủng củng giữa Ban Huynh trưởng và Gia trưởng. Lý do, Gia trưởng là quý vị “đạo hữu” do các Chi, Khuôn hội đề cử ra với nhiệm vụ “coi sóc bọn trẻ con cho nó đỡ quấy phá”. Cho nên, một khi tổ chức Gia đình Phật tử đã lớn mạnh thì vai trò quý vị lần lần mờ nhạt và có đại biểu đã đòi từ bỏ chức vị Gia trưởng trong cuộc Đại hội Huynh trưởng 1961 tại chùa Xá Lợi Saigon. Tuy nhiên, thái độ duy trì hay bác bỏ đều vội vã nếu ta không xét đủ các điều kiện kết hợp nhiệm vụ của Gia trưởng trong đơn vị Gia đình.
PHẢI CHĂNG GIA TRƯỞNG LÀ ĐẠI DIỆN CỦA GIÁO HỘI?
Cho tới nay, dù Gia đình Phật tử đã là một tổ chức độc lập trên tinh thần nhưng đa số các Bác Gia trưởng vẫn là các đạo hữu thuộc thành phần Giáo hội. Như vậy, Gia trưởng phải làm việc cho Giáo hội hay cho Gia đình Phật tử?
Nếu Gia trưởng là đại diện cho Giáo hội có bổn phận theo sát sinh hoạt Gia đình Phật tử để kiểm soát, hướng dẫn thì điều ấy đã trái với Nội quy. Vì, Gia trưởng là một chức vụ do Gia đình Phật tử đề ra chứ không phải là sáng kiến của Giáo hội. Gia trưởng phải là nhân viên của Ban Huynh trưởng Gia đình. Dù rằng, đã có những trường hợp, Gia trưởng do các Chi hội, Khuôn hội đề cử ra giúp đỡ cho Gia đình Phật tử. Sự kiện ấy cũng không đủ bảo đảm là Gia trưởng phải làm việc cho Giáo hội. Thật ra, Gia trưởng chỉ là bậc Niên Trưởng của đơn vị Gia đình. Gia trưởng có thể là đạo hữu giàu lòng thương yêu tuổi trẻ.
Gia trưởng cũng có thể là Liên Đoàn trưởng đã trên 30 tuổi. Dù ở xuất xứ nào, Gia trưởng bắt buộc phải là người thông suốt Đường lối Giáo dục của Gia đình Phật tử. Trong Nội quy đã ghi rõ nhiệm vụ đối ngoại của Gia trưởng và là biểu tượng liên kết tinh thần của Gia đình Phật tử với các Ban Đại diện Giáo hội. Tắt lại, Gia trưởng phải là người của Gia đình Phật tử và hoạt động vì Gia đình Phật tử. Cương vị của Gia trưởng đã sáng tỏ như vậy.
GIA TRƯỞNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN TẠI
Vấn đề sở dĩ được đặt ra là vì “lý do tình thế, một số Huynh trưởng nhất định sẽ phải lên đường vào quân ngũ”. Nạn khan hiếm Huynh trưởng đã diễn ra một lần vào khoảng 1952. Hồi đó số Gia đình còn ít và hạn tuổi đi lính cũng hẹp hơn bây giờ. Theo các quyết định mới đây của chính phủ, các thanh niên từ 25 tới 33 đều bắt buộc phải đi quân dịch. Trước nay, số người chưa trình diện quá nhiều nên việc truy tầm có lẽ sẽ chặt chẽ. Trước tình cảnh đó, Gia đình Phật tử tiên liệu ít nhất là một nửa số Huynh trưởng sẽ phải nhập ngũ. Cấp lãnh đạo Gia đình Phật tử sẽ có một khoảng trống rất lớn. Với 100.000 đoàn sinh đặt dưới sự điều khiển của 8.000 Huynh trưởng sẽ chỉ còn có 4.000 Huynh trưởng. Như vậy, một Huynh trưởng sẽ phải coi tối thiểu là 25 đoàn sinh, nghĩa là thay vì mỗi đoàn có một Đoàn trưởng và hai Đoàn phó thì nay chỉ còn có một mình. Sau nữa, Huynh trưởng còn lại ở ngoài lứa tuổi đi lính chắc sẽ kém phần hoạt động vì đa số lại bận bịu công vụ, mưu sinh hay thê tử.
Thực trạng này khiến Ban Hướng dẫn Trung ương phải nghĩ ngay tới kế hoạch huy động sự hợp tác giữa Gia trưởng với cấp Đội, Chúng trưởng. Về phương diện tâm lý, giữa Gia trưởng (trên 30 tuổi) và Đội, Chúng trưởng (dưới 18 tuổi) có một ít ngăn cách về tâm tưởng. Một đằng, người lớn trầm tĩnh, mang ít nhiều tính chất “đạo hữu” và thích gọi bằng “bác” hơn bằng “anh” (!). Đằng kia, là tuổi trẻ sôi động, bồng bột thích mạo hiểm. Vấn đề khó ở đây là Gia trưởng phải hiểu rõ trẻ để hướng dẫn trẻ, chứ không phải để theo trẻ hay chống trẻ. Và, để hoàn thành nhiệm vụ đó Gia trưởng phải có các điều kiện tối thiểu nào?
PHẢI HIỂU RÕ MỤC ĐÍCH TỔ CHỨC GIÁO DỤC CỦA GÐPT
Để giúp cho Gia trưởng hiểu rõ Mục đích và Tổ chức của Gia đình Phật tử, các Ban Hướng dẫn Tỉnh, các Đại diện Miền nên cấp tốc mở các lớp Hội thảo dành riêng cho Gia trưởng. Làm sao tạo được một hình thức tạm thời. “Gia trưởng là óc, Đội Chúng trưởng là tay” để giữ cho bước tiến của tổ chức được điều hòa. Trong những chương trước của tập biên khảo này, chúng tôi đã giới thiệu khá đủ về mục đích và tổ chức của Gia đình Phật tử. Quý anh chị em phụ trách các lớp Hội thảo chỉ cần đi sâu vào chi tiết và dự liệu cho việc ứng dụng hữu hiệu vào địa phương.
XÚC TIẾN KẾ HOẠCH SINH HOẠT “HÀNG ĐỘI TỰ TRỊ”
Đối với Đồng niên, kế hoạch này không thể thực hiện được. Các nữ Huynh trưởng có thể tạm đảm nhiệm các việc điều khiển. Đối với Nam, Nữ Phật tử và Thiếu niên nam nữ thì phải ứng dụng hàng đội tự trị (như một giải pháp cấp bách tạm thời). Nên biết thêm, tự trị không có nghĩa là Đội, Chúng trưởng có toàn quyền muốn đem Đội, Chúng đi họp đâu thì họp, làm việc gì thì làm mà chỉ thay thế anh trưởng để hợp tác với bác Gia trưởng để củng cố Gia đình. Không nên luyện cho Đội, Chúng trưởng các hành động vượt ra ngoài kỷ luật.
SAU HẾT, GIA TRƯỞNG PHẢI LÀ MỘT “ĐOÀN TRƯỞNG TOÀN DIỆN”
Mỗi Đoàn trưởng có mỗi nếp sinh hoạt riêng. Nếp sinh hoạt đó tùy thuộc nhiều đặc thái tâm lý, sinh lý. Gia trưởng là người hiểu được cơ cấu của mỗi Đoàn, từ Nam Phật tử, Thiếu nam, Nam Oanh vũ cho tới Nữ Phật tử, Thiếu nữ, Nữ Oanh vũ, sáu lớp người ấy đều phải thông suốt mới có thể nắm được. Đã đến lúc các Bác Gia trưởng phải trẻ lại, phải sống lại bằng cách đi vào hoạt động. Xin cứ tin rằng sau lưng các vị còn có nhiều người ủng hộ, nhiều người hưởng ứng.
Và giải pháp cấp thời này phải bắt đầu ngay giữa cơn lửa cháy dầu sôi này.
HÌNH ẢNH NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG
Trước khi bước sang vấn đề chính yếu là: “Bàn về nhiệm vụ lịch sử và xã hội của Gia đình Phật tử trong sứ mệnh hộ pháp và cứu quốc”, biên giả thấy có bổn phận phác họa hình ảnh của người Huynh trưởng lý tưởng. Phật giáo đề cao ngôi Tam Bảo, tôn sùng tăng chúng như các sứ giả của giác ngộ.
Gia đình Phật tử là một tổ chức tôn giáo, giáo dục thanh niên thì vấn đề nhân sự cũng phải đặt lên hàng đầu. Tăng chúng sa đọa thì Đạo phải suy tàn. Cán bộ non yếu thì phong trào phải tan rã.
Bài học Nho giáo tàn tạ, nho sĩ tan rã cách đây vẫn còn đó. Gia đình Phật tử tiến hay lùi, mạnh hay yếu, sống hay chết là do ở huynh trưởng. Hình ảnh ấy, có thể xây dựng trên “Mười điều tâm niệm của người Huynh trưởng”.
TÂM NIỆM THỨ NHẤT:
TIN VÀO ĐẠO – TIN VÀO GÐPT
Nguyên do thúc đẩy một đoàn sinh gia nhập Gia đình Phật tử thường tùy thuộc vào tình cảm hay hoàn cảnh. Đối với một Huynh trưởng, vấn đề không phải giản dị như thế. Có người vì mộ đạo, vì yêu đời. Có kẻ vì hiếu kỳ, vì hiếu động. Huynh trưởng Gia đình Phật tử có đủ mọi giới. Có anh là một chiến sĩ đã ghê tởm mùi máu, có chị là thiếu nữ chán cảnh khuê phòng, có người là nhà giáo ghét bỏ cái lối dạy học nhồi sọ, có bạn là thương gia ngán mùi danh lợi v.v… Thật là phức tạp. Con người khi chọn một nghề, không ít thì nhiều đã bị “khuynh hướng nội tâm” chi phối. Nếu tìm được một nghề thích hợp, vừa sống được, vừa thích thú thì có trở thành nghiệp dĩ. Như vậy nghề làm Huynh trưởng cũng đòi hỏi ít nhiều về “căn duyên” với Đạo. Căn duyên ấy phát hiện trên đức tin. Đức tin là sức mạnh tinh thần. Nó là nhiệt lượng của đời sống. Nó là lửa của tâm hồn. Một trăm thùng nước lã không đủ để tưới một cây, nhưng với một bát nước sôi đã có thể làm nên chuyện nóng bỏng. Đức tin của một Huynh trưởng không phải chỉ chôn giấu trong tâm tưởng, trong khấn nguyện mà phải thể hiện bằng hành động. Vì tin vào tính cách hằng cửu của Phật pháp mà người Huynh trưởng phải tâm niệm Gia đình Phật tử là một tổ chức trường cửu chứ không phải là giai đoạn. Rồi đây, sẽ có những anh chị em Đoàn trưởng Gia đình Phật tử trở thành cấp lãnh đạo Giáo hội; sẽ có các em đồng niên lớn lên làm công việc hướng dẫn. Cũng vì tính cách vĩnh cửu đó, Huynh trưởng phải triệt để tin tưởng vào sinh mệnh của Gia đình Phật tử. Đời sống của một Huynh trưởng không phải chỉ trong một tháng, một ngày hay một cơn ngẫu hứng, một cơ hội ồn ào. Sự cố gắng tự cường tự lực phải trở thành một tiềm lực của tâm hồn, Nó sẽ trở thành một sự đam mê mãnh liệt chi phối mọi khía cạnh của cuộc sống. Nếu đã có những triết gia đam mê suy tưởng đến để cho quạ làm tổ trên đầu, nếu đã có những nhà bác học mải mê với công cuộc khảo cứu trong phòng thí nghiệm, đến phải què quặt, nếu đã có những chiến sĩ quên mình cho dân tộc, nếu đã có các vị thánh tử đạo xả thân cho đạo pháp, thì Gia đình Phật tử phải có những Huynh trưởng coi “đời sống của đoàn thể là đời sống của chính mình”. Ta không cần phải thuyết minh dài dòng về hạnh chính kiến, chánh tín của Phật Tử mà chỉ cần thâm cảm đúng mức giá trị trường cửu của Gia đình Phật tử.
TÂM NIỆM THỨ HAI:
THÔNG SUỐT ĐƯỜNG LỐI GÐPT
Hy sinh cho lý tưởng thì phải hiểu lý tưởng. Đường lối Gia đình Phật tử là cứu cánh của công tác. Con đường đi tới của Gia đình Phật tử không phải là hoạt động cho cơ hội, cho hiện tại mà phải nhắm vào mục đích “trồng người”. Người Huynh trưởng không phải chỉ biết mặc áo lam, thổi còi tranh đấu mà quên mục đích giáo dục. Phải tìm hiểu rõ ràng con đường mình phải đi. Đi tới đâu? Đi để làm gì? Con đường tương lai của Gia đình Phật tử là đào tạo một thế hệ Phật giáo đồ mới khác với lớp “đạo hữu” hiện tại. Kể về công phu tu học của các đạo hữu hiện tại thì không phải là non kém, nhưng trong tương lai, khi mà nhân loại cứ tiến bộ “từng mười năm một rất nhanh”, rất chóng như bóng câu qua cửa sổ thì nếu không có sự cải tiến, nhất định con đường tu học phải bế tắc. Hiện nay, ở Tây phương, sức mạnh của văn minh cơ giới đã làm cho một số giáo điều Thiên chúa trở thành lỗi thời. Có người bảo tới năm 2000 thì tận thế. Có người nói khi nào nước Do Thái tái lập thì thế giới sẽ tận diệt. Thế mà cái dân tộc không lãnh thổ này đã dựng lại nước từ năm 1947. Những cố gắng của Giáo hội Thiên Chúa giáo về các Công đồng 1963-1964 là để nghiên cứu cách cải tiến việc truyền giáo và nếu cần cả kinh điển nữa. Công việc ấy có lẽ chậm rồi chăng? Riêng đối với Phật giáo, từ khi ngài Thái Hư phát động cuộc cách mệnh giáo chế, giáo lý, giáo sản, đã mang một gương mặt mới, một gương mặt tiến bộ mà không ngược với đạo pháp chân truyền. Cho nên Huynh trưởng Gia đình Phật tử bắt buộc phải hiểu rõ nguyên nhân phát sinh của Gia đình Phật tử. Quá trình phát triển từ khi thành lập cho tới hiện tại – Cơ cấu tổ chức và lãnh đạo của Gia đình Phật tử và nhất là phải nhận thức được sứ mệnh cao cả của mình. Có như thế thì công việc mới không đến nỗi phù du, mong manh như cánh hoa buổi sáng sẽ tàn rụi dần khi gặp cảnh chiều tà. Đường lối Gia đình Phật tử không đi ngược với đạo pháp, với Tổ quốc, với bước tiến hóa không ngừng của nhân loại. Mai đây, khi thế giới Phật giáo nhìn về chúng ta, họ sẽ phải ngạc nhiên vì chính ở tại nơi đất nước nghèo nàn, đau khổ này lại là nguồn phát sinh một phong trào tiềm ẩn cứu sống tương lai của Phật giáo.
TÂM NIỆM THỨ BA:
TRÁNH SỰ HUYỀN DỤ CỦA TÀ THUYẾT
Đời người là sự giằng co giữa các khuynh hướng thấp hèn và cao thượng. Con đường đi vào tội ác bao giờ cũng đầy hoa thơm cỏ lạ, đầy sức quyến rũ tình cảm của con người. Trái lại, con đường đạo thường quá ư đạm bạc, thanh tĩnh gần như khác với bản chất ngu muội của con người. Tà thuyết và chánh đạo cũng vậy. Uy lực của tà thuyết bao giờ cũng dễ lôi cuốn, dễ hấp dẫn. Nó làm thỏa mãn hiện tại. Nó mê hoặc trí óc con người. Nó vỗ về dục vọng, thú tính. Thế nhưng, một khi ánh đạo đã chiếu rọi vào tâm hồn, người ta sẽ cảm thấy giật mình sực tỉnh giấc mộng đời. Thật ra, ánh sáng chân lý bao giờ cũng chói chang khó chịu. Ngày xưa triết gia Piaton đã lấy một ví dụ rất thường để nói một ý rất cao: “Con người sống ở đời như ngồi trong hang đá, quay lưng ra ánh sáng và vui với cái bóng đen của sự vật, của chính mình. Ai cũng tưởng bóng ấy là thật. Đến khi được ra ánh sáng, người sẽ cảm thấy khó chịu và lại muốn rút vào ngồi trong cái hang đá ‘mát mẻ’ kia!”
Ta có thể lấy một ví dụ khác về “đời là bể khổ”. “Nếu ta gọi hạnh phúc là ánh sáng và đau khổ là bóng tối, thì khi ta đứng giữa nắng, ánh nắng càng rạng rỡ bao nhiêu, thì cái bóng đen của ta lại đen thẫm bấy nhiêu. Trong hạnh phúc bao giờ cũng đeo đẳng theo đau khổ. Trái lại, khi ánh mặt trời đã tắt thì trần gian không hề có ánh sáng nữa!”.
Đáng lẽ con người phải tìm ra ánh sáng thì mâu thuẫn thay! Vì quá sợ ánh sáng mà cứ ẩn núp vào bóng tối. Nếu có người đã thắp ngọn đèn thì đó chỉ là sự cố gắng nhỏ nhoi để tìm một chút hạnh phúc trong biển khổ mênh mông!
Nhưng thử hỏi có cây nến nào mà không hết, có ngọn đèn nào mà chẳng cạn dầu, có nguồn điện lực nào bất tận? Đời người chẳng qua là cây nến, là nén hương. Đốt nến, châm hương là mong để lại cho đời chút mùi thơm, chút ánh sáng. Nhưng khi hương thơm vừa tỏa ra, ánh sáng vừa le lói thì nhìn lại cây nến chỉ còn là đống xác và cây hương chỉ còn là một nắm tro tàn! Như thế, nếu ta không tìm cho đời mình một nghĩa sống bằng cách ngồi trong đêm thâu mà nhìn lên các vì sao để tìm ánh sáng trên vũ trụ vô cùng, thì cuộc đời sẽ mất dần đi một cách thê thảm và vô dụng như cây cỏ. Đạo Phật là ánh sáng trường cửu chưa bao giờ chói chang mà cũng chưa bao giờ ngừng tắt. Các lý thuyết sôi nổi nhất của Nietszche, của bao nhiêu nhà tư tưởng, nay chỉ còn lại giá trị của một chút dĩ vãng. Nhân loại càng tiến thì sức đào thải tự nhiên càng mạnh. Các tư tưởng truyền bá bằng vũ khí, cuồng tín và máu lửa bao giờ cũng chóng tiêu diệt dù có đem tới vài giải pháp cấp thời cho nhân sinh. Trí óc con người chỉ hướng về cái gì cụ thể, khả giác mà quên mọi sự siêu hình. Ta chưa từng thấy cái “không” sinh ra cái “có” mà chỉ thấy cái “hiện hữu” đi dần vào cõi “vô hình”. Tà thuyết chỉ cung cấp cho ta những gì “thấy được”, “biết được” mà không hề thỏa mãn nổi mối khắc khoải của tâm hồn về cái nhỏ bé của con người trước cái lớn mạnh của hư vô.
Người Huynh trưởng Gia đình Phật tử hôm nay phải luôn luôn chiêm nghiệm, suy tư để phân biệt chánh pháp với tà thuyết để mai sau khỏi phải khóc cho mình và cũng chớ để cho người khác phải khóc vì mình không sáng suốt.
TÂM NIỆM THỨ TƯ:
YÊU NGHỀ DẠY TRẺ (nhắm đúng đối tượng)
Yêu trẻ là yêu dĩ vãng của chính mình. Nếu có Huynh trưởng đã trải qua một thời thơ ấu đầy đau thương, bất hạnh thì nay phải cố gắng đừng để cho các em phải khổ như mình ngày xưa. Nếu có Huynh trưởng đã có một thiếu thời sung sướng thì cũng nên gắng cho các em được sung sướng như thời trước của mình. Có yêu trẻ, người Huynh trưởng mới chịu hiểu trẻ; buồn cái buồn trước trẻ, vui sau cái vui của trẻ. Bậc phụ huynh gương mẫu thường không nghĩ tới sự phụng dưỡng của con cái mai sau mà chỉ mong con tiếp tục thực hiện những ý nguyện dang dở của mình đã vì việc mưu sinh, vì cuộc đời ngắn ngủi đã không thực hiện được. Cha mẹ lựa cái tên đầy ý nghĩa để đặt cho con là cầu mong con thực hiện cái nội dung của tên gọi ấy. Những cái tên tốt đẹp của con trai, những cái tên dịu hiền của con gái đều gói trọn tình thương và kỳ vọng của bậc sinh thành với đàn hậu tiến. Vì nghĩ đến dĩ vãng mà phải lo tương lai. Người Huynh trưởng gương mẫu bắt buộc phải yêu thương, kính trọng tuổi trẻ của đời. Có yêu thương người Huynh trưởng mới quên hết nhọc nhằn mà hết lòng nhẫn nại huấn luyện cho các em trở thành người tốt. Lệ thường, người ta ai cũng coi con của mình trọng hơn con của người. Huynh trưởng phải vượt ra “nhi nữ thường tình” mà coi trẻ như là thân mình, như là con, em ruột của mình vậy. Có kính trọng tuổi trẻ, Huynh trưởng mới dồn hết tâm lực mình vào công tác giáo dục. Đời người cũng như một ngày: Tuổi trẻ là bình minh, tráng niên là trưa nắng và tuổi già là buổi tà. Trong không khí mát dịu trong lành đang lên của bình minh, tuổi trẻ, người vừa thức giấc sẽ thừa hưởng trọn vẹn cao đẹp của đời người. Đi với trẻ, ta sẽ trẻ lại, ta sẽ trẻ mãi không già. Nếu bạn đã chán cái ô nhục, thủ đoạn của cuộc đời thì hãy trở về yêu mến vẻ thanh khiết chân thành của trẻ. Đời ta cứ già cỗi nhưng hồn ta vẫn thơ ngây. Một vẻ thơ ngây đáng quý chứ không phải cái ngây ngô của những người già trước tuổi. Không yêu nghề dạy trẻ thì Huynh trưởng sẽ coi mọi công tác, mọi hoạt động giống với cực hình. Người đã không yêu trẻ, không yêu súc vật là người vô nhân đạo nhất. Người Huynh trưởng hãy nhìn thẳng vào các em, vào dĩ vãng của chính mình mà hăng hái hoạt động. Hãy làm sống lại tuổi thơ của mình bằng cách giúp cho trẻ vui sống trong Gia đình Phật tử.
TÂM NIỆM THỨ NĂM:
TRAU DỒI KIẾN THỨC (Hiểu rõ phương pháp)
Muốn phục vụ tuổi trẻ, Huynh trưởng phải nhìn thẳng vào Đối tượng mà thực hiện phương pháp giáo dục. Là một phương pháp chứng nghiệm, Gia đình Phật tử đòi hỏi Huynh trưởng phải có kiến thức chuyên môn và kiến thức tổng quát. Về chuyên môn thì phải tu học Phật pháp, nghiên cứu khoa tâm lý thiếu nhi và thành thạo các sinh hoạt ngành, các môn học đã ghi trong chương trình tu học của Gia đình Phật tử. Có học Phật pháp thì mới có chánh tín. Có học tâm lý thì mới vượt khỏi cái vỏ chủ quan cằn cỗi mà đi vào lòng trẻ. Có rành các ngành thì mới đáp ứng đúng với yêu cầu của mỗi giới: Nam, Nữ Phật tử, Thiếu nam, Thiếu nữ, Nam, Nữ Oanh vũ, mỗi ngành đều có một không khí sống riêng biệt. Có sành các môn học trong chương trình tu học mới xứng đáng làm người lãnh đạo Thanh, Thiếu, Nhi. Nhưng, kiến thức tổng quát lại còn cần hơn cả chuyên môn nữa. Hãy nhìn quanh mình. Trí óc nhân loại ngày một mở rộng. Đời sống ngày càng phức tạp. “Người là con vật xã hội”. Đời đâu phải là hoang đảo. Sự tiếp xúc với quần chúng đòi hỏi Huynh trưởng phải học hỏi không ngừng. Học không phải chỉ có sách, không phải chỉ ở ghế nhà trường. Người Huynh trưởng gương mẫu phải có học lực tổng quát về: Chính trị, Kinh tế, Xã hội, Triết học, Khoa học… và những phong tục, tập quán cố hữu của dân tộc. Điều đáng buồn là trước kia, có những Huynh trưởng chỉ ỷ y vào “tuổi thọ” của mình rồi chẳng chịu học hành. Để đến khi các em tiến bỏ xa mình thì lại đâm ra ghen ghét, đố kệ. Thế thì đâu đáng còn làm Huynh trưởng nữa. Ta học cho ta, ta học cho trẻ, học cho cả một thế hệ. Ta không có quyền làm dốt mình và cũng không có được quyền làm khổ kẻ khác vì sự dốt nát của mình. Nghe Einstein nói: “Cái biết con người là giọt nước. Cái không biết là đại dương”. Có nghĩ như vậy, rồi không chịu học nữa. Thật chẳng khác gì người bộ hành sắp chết khát mà khi bò tới bờ sông lại chẳng chịu uống vì nghĩ rằng “uống sao cho hết được nước sông!”.
TÂM NIỆM THỨ SÁU:
TUÂN KỶ LUẬT, CHỊU HUẤN LUYỆN
Đương nhiên, khi Huynh trưởng chưa thấu đạt được mục đích và quy củ của Gia đình Phật tử thì không thể tự mình tạo lấy kiến thức nên phải nhờ cậy vào sự huấn luyện của đàn anh. Muốn thụ huấn, Huynh trưởng tập sự cần phải chuẩn bị tinh thần kỷ luật. Có người hiểu lầm rằng kỷ luật trái ngược với tự do. Phải nên hiểu: “Tự do không phải là muốn làm gì thì làm, mà chính là tự mình chọn lấy một kỷ luật”.
Một hành vi bao giờ cũng gồm hai yếu tố: có ý thức và có tự do. Trước khi gia nhập vào Gia đình Phật tử, Huynh trưởng có ý thức để chọn lựa con đường lý tưởng của mình, Huynh trưởng có tự do chọn lựa. Không ai có quyền bắt buộc ai gia nhập Gia đình Phật tử. Chỉ khi nào, Huynh trưởng nhờ tự do và ý thức mà chọn lựa nề nếp Gia đình Phật tử thì tự nguyện ghép mình vào kỷ luật của Gia đình Phật tử. Nếu sau khi gia nhập hàng ngũ, Huynh trưởng nào vẫn bất tuân thượng lệnh, càn rỡ, hỗn xược, phóng túng tức là Huynh trưởng đó đã tự hủy hoại tự do, nghĩa là phủ nhận con đường mình đã tự do lựa chọn. Tuân theo kỷ luật là bảo vệ tự do. Do đó, mà các nhà ái quốc, một khi đã tự nguyện hiến thân cho Tổ quốc, các nhà tu hành một khi đã phát tâm cầu đạo thì mọi xiềng xích, mọi khổ hạnh đều trở thành yếu tố quyết định để luyện thép tinh thần và bảo vệ niềm tin. Có kỷ luật mới chịu huấn luyện. Bao giờ nếp sống đoàn thể cũng gần như trái ngược với đời sống riêng tư. Chịu huấn luyện là đặt mình dưới sự hướng dẫn của các anh chị trưởng. Những ngưòi ấy phần nhiều nếu chưa đạt được mức tinh diệu của nghề dạy trẻ thì cũng đã hy sinh nhiều cho quá trình phát triển Gia đình Phật tử. Phải tin vào lời dạy. Phải thực hiện cho đúng những điều đã học. Muốn tiếp nhận chu đáo những lời giảng dạy thì phải gạt bỏ mọi thành kiến sẵn có. Phải can đảm chịu “rửa óc” trước khi tiếp nhận tư tưởng mới. Tư tưởng là hoa, trí óc là bình. Muốn cho vẻ đẹp của tâm hồn được hoàn mỹ thì phải rửa bình xén lá sạch sẽ trước đã. Bình sạch, hoa tươi thì tự nhiên bình hoa phải đẹp, phải đáng yêu.
Ngoài việc huấn luyện của các Trại, các Bậc, Huynh trưỏng còn phải tự tu, tự luyện cho trí tuệ thêm sắc bén, tình cảm thêm dồi dào, hoạt động thêm nhanh nhẹn. Hãy tự mình tu luyện lấy mình. Sự hỗ trợ của khách quan chỉ là năng lực thúc đẩy. Hãy coi mình là tảng đá thô sơ mà nhờ sự huấn luyện trau chuốt sẽ có ngày trở thành pho tượng đẹp.
TÂM NIỆM THỨ BẢY:
PHÁT HUY SÁNG KIẾN
Về điều hành, Huynh trưởng phải triệt để tuân theo Nội quy. Nhưng không vì thế mà nói rằng Huynh trưởng, chỉ một mực bị gò bó vào tinh thần giáo điều, kinh viện. Gia đình Phật tử là một thực thể luôn luôn tiến bộ, Huynh trưởng phải tin rằng Gia đình Phật tử sẽ còn tiến và tiến xa mãi cho tới khi trở thành một “nề nếp giáo dục quốc gia và tôn giáo”. Muốn tiến thì phải vững. Muốn vững phải cải tiến. Việc cải tiến dựa vào sáng kiến của Huynh trưởng. Sáng kiến không chỉ là sản phẩm của tưởng tượng. Nó là hiện tượng đúc kết kinh nghiệm và làm phóng tỏa trí tuệ của cá nhân. Từ những ý tưởng mới nhỏ nhặt trong buổi họp đoàn cho tới quan điểm cá nhân trong hội nghị, cho tới các đề nghị, dự án đều phải được hình thành trong kinh nghiệm chỉ huy.
Không sáng kiến người ta sẽ thành thủ cựu. Thủ cựu là khư khư ôm lấy mớ kiến thức lỗi thời. Mà đã lỗi thời là tức thì phải bị đào thải. Sáng kiến không phải tự nhiên mà có. Nó là thành quả của suy tư, của hoạt động, của chuỗi kinh nghiệm đối phó với nghịch cảnh.
Người đời thường sợ nghịch cảnh, nhưng chính nghịch cảnh là môi trường tạo ra sáng kiến. Người thỏa mãn là người nghèo ý tưởng mới nhất. Gia đình Phật tử ngày một bành trướng mạnh đang cần tới rất nhiều sáng kiến cá nhân. Trên thực tế, một số đạo hữu đã hay chống đối Gia đình Phật tử. Họ chống, vì họ không đủ sức thấy được cái hay cái mới. Họ đã trở thành thủ cựu. Thủ cựu là vào nằm sẵn trong quan tài dù còn phải sống khổ rất lâu mới chết được. Sáng kiến còn là sản phẩm của sự giao tiếp thường xuyên. Một Huynh trưởng phải biết nghe sáng kiến của bạn. Một số người có cố tật là chỉ thích cái gì giống với mình và ghét cái gì khác với mình. Không phải chỉ về hình thức. Người ta còn loại bỏ tư tưởng kẻ khác một cách quá dễ dãi chỉ vì tư tưởng ấy không giống với “cái khung lý luận sẵn có của mình”. Nguy lắm! Làm như thế là tự đóng cửa tâm hồn, tự làm đui, làm điếc. Phải biết nghe những điều mới lạ. Phải biết nói những lời khác mình. Tất nhiên phải là những lời nói phải. Một Huynh trưởng không chịu phát huy sáng kiến là một cành củi khô giữa ngàn hoa Gia đình Phật tử.
TÂM NIỆM THỨ TÁM:
TỔ CHỨC ĐỜI SỐNG
Muốn phục vụ sứ mệnh một cách có hiệu quả thì Huynh trưởng phải biết tổ chức đời sống của riêng mình. Gia đình Phật tử cũng có những Huynh trưởng sống độc thân để phụng thờ lý tưởng nhưng đa số đều là những người đã có gia đình, có chức nghiệp. Để hy sinh trọn vẹn cho lý tưởng, Huynh trưởng phải có quy củ tổ chức gia đình cho hợp lý và chu đáo. Có hợp lý mới khỏi khổ sở vì cảnh “vợ con bệnh tật đói rách”. Có chu đáo mới khỏi cảnh gia đình lủng củng. Một người cha có lương tâm không thể để cho con dốt nát bệnh hoạn. Một người chồng xứng đáng không thể để cho vợ nhà bực dọc vì phải quán xuyến quá nhiều về việc mưu sinh. Một người con ngoan không thể cứ bỏ nhà đi mãi, chẳng lo học hành. Một người vợ hiền không thể bỏ bê con cái, bỏ mặc việc nhà để cứ lo việc xã hội. Cho nên, Huynh trưởng phải xếp đặt việc nhà thế nào cho hợp lý để cho “công tư vẹn cả đôi bề” mới hay. Biết bao nhiêu Huynh trưởng đã vì quá nghèo khổ phải ngừng hoạt động. Biết bao nhiêu Huynh trưởng vì quá giàu mà quên nhiệm vụ. Quá nghèo cũng hư mà quá giàu cũng hỏng. Vậy, vấn đề tổ chức gia đình cần phải lưu ý. Thì giờ, tiền bạc là hai yếu tố chính cần phải phân phối cho hợp lý. Người Nhật Bản thường chẳng đi phố vào đầu tháng. Người công chức Nhật Bản sau khi có đồng lương chia ra từng món tiêu pha nhất định: Tiền nhà, người làm, nhu cầu, tiền học cho con, cho tới tiền thuốc lá, tiền tiêu vặt đều bỏ vào các phong bì riêng biệt. Vào cuối tháng, nếu không có cảnh huống bất ngờ, thì họ mới đem số tiền còn dư mà đi mua sắm. Và, đúng lúc đó lại lãnh lương tháng sau. Cuộc đời trôi chảy êm đềm và khỏi “ăn hối lộ”. Trái lại, trong chúng ta biết bao người, đầu tháng lãnh lương, giữa tháng đi vay, cuối tháng trả nợ. Suốt đời chỉ có nợ là nợ. Thế thì làm sao còn đi họp được?
Đối với các bạn chưa có gia đình, chưa có nghề nghiệp, thì nhất định phải tính toán việc mưu sinh bảo đảm. Đời sống có bảo đảm thì mới rảnh óc, rảnh tay hoạt động được. Nếu không làm như thế, gia đình sẽ là một món nợ, và Gia đình Phật tử cũng là một trở ngại cho việc chạy tiền trả nợ nữa. Câu chuyện rất thực tế, nhưng vẫn là một kinh nghiệm đáng thực hành.
TÂM NIỆM THỨ CHÍN:
LÀM VIỆC CÓ KẾ HOẠCH
Người Huynh trưỏng gương mẫu phải phân biệt ba công việc: việc nhà, việc nước và việc Gia đình Phật tử. Đối với việc nhà, phải tổ chức sao cho “trong ấm ngoài êm”. Vợ chồng lục đục, con cái hư hỏng, tự sống cuộc đời vô tổ chức thì còn mong gì điều khiển được ai? Tổ chức riêng tư hợp lý và chu đáo là hoàn thành kế hoạch tề gia. Đối với việc nước tức là việc công, cũng phải chu đáo. Những Huynh trưởng thuộc thành phần công chức, quân nhân thường còn rất ít tự do cho hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, quân nhân và công chức cũng cần làm việc có kế hoạch để thu xếp sao cho thuận tiện để khỏi trở ngại cho việc điều khiển Gia đình Phật tử. Kế hoạch tề gia và kế hoạch công vụ phải nhắm vào viêc tạo điều kiện thuận lợi cho kế hoạch sinh hoạt Gia đình Phật tử. Từ anh Trưởng ban, anh chị Phó Trưởng ban, các anh chị em Ủy viên, các anh chị em Huynh trưởng nên có kế hoạch hoạt động rõ ràng. Phải bỏ cái tâm lý “gặp đâu làm đó” hay “làm sao xong thôi”. Mỗi một công việc đều phải có thống kê, có tiêu chuẩn. Muốn được thế, ta cần có trí xếp đặt khoa học. Tinh thần khoa học đòi hỏi một hệ thống rõ rệt nghĩa là có đối tượng, có phương pháp. Mỗi khi hành động phải nhắm rõ đối tượng. Ta làm cái gì, làm cho ai, làm với mục đích gì? Phải quan sát, phân tích đối tượng cho chu đáo. Rồi do sự đòi hỏi của đối tượng mà ấn định Phương pháp – tức là phải làm thế nào cho có kết quả. Phương pháp phải đích thực nghĩa là sát với thực tế, sát với đối tượng. Chẳng hạn, trong công tác xã hội. Trước hết, phải quan sát kỹ càng khu vực hoạt động. Lập thống kê nhân số, nhu cầu để ấn định công tác phải làm. Sau đó, dự trù phương pháp bằng cách đặt ra các Giả Thuyết. Sau khi bàn cãi, loại trừ các giả thuyết vô hiệu, chọn lựa giả thuyết nào bảo đảm nhất mới đem ra thực hiện. Khi thực hiện lại phải giữ vững Mục đích chớ cho sai lạc. Luôn luôn phải có công tác Kiểm nghiệm đi kèm để kịp thời thay đổi Điều kiện hoạt động cho thích hợp: Kế hoạch là con đường ngắn nhất để đi tới thành công. Phải bỏ lối làm việc luộm thuộm. Việc nào việc ấy phải phân minh. Không nên dồn nhiều công tác vào một người. Và chớ để nhiều người dồn vào một công tác trong khi bỏ ngõ các công tác khác. Cần luyện lấy bộ óc khoa học để xếp đặt công việc một cách hợp lý. Gia đình Phật tử từ lâu đã cố gắng thực hiện lề lối làm việc đó. Nhưng rất tiếc, cho tới nay vẫn có nhiều anh chị em Huynh trưởng chưa lãnh hội thấu đáo được tinh thần ấy. Vậy, hãy thận trọng đi vào công tác bằng Kế Hoạch.
TÂM NIỆM THỨ MƯỜI:
TÁC PHONG NGHIÊM CHỈNH
Tác phong gồm có năm yếu tố: trang phục, cử chỉ, ngôn ngữ, tư tưởng và hành động.
Hãy nhìn một vị minh sư: “Toàn thể con người của nhà sư là một bài thuyết pháp không lời”. Từ chiếc áo nâu đạm bạc mà hùng tráng, từ nét mặt trầm mặc mà chứa đựng, từ ngôn ngữ ôn tồn mà sâu sắc. Từng ấy yếu tố đủ chứng minh sự khác biệt giữa vị chân tu với một kẻ “thiếu tu” đội mũ tây, hút thuốc thơm, đi xe gắn máy phầm phập giữa chốn phồn hoa. Hình ảnh một Huynh trưởng cũng vậy. Từ cái áo lam trong sạch, không thiếu một hột nút chưa cài, từ cái huy hiệu hoa sen gắn rất ngay ngắn, đúng chỗ, từ chiếc mũ rộng vành cứng cáp, từ dáng điệu, ngôn ngữ cởi mở cho đến nụ cười chân thật, đôi mắt nhìn ngay; những yếu tố ấy kết hợp lại hình ảnh oai nghiêm của một Huynh trưởng. Hình thức tinh khiết biểu lộ một tinh thần thành khẩn và tích cực. Người Huynh trưởng chẳng bao giờ tin lời xuyên tạc mà quên đoàn thể, chẳng bao giờ có thái độ “tiền hậu bất nhất”. Bài học “bát chánh” có thể làm tiêu chuẩn tinh thần cho một Huynh trưởng. Chánh trí giúp cho Huynh trưởng hiểu rõ mục đích giáo dục và sứ mệnh hộ pháp, cứu quốc của Gia đình Phật tử. Chánh tưởng giúp chúng hiểu rõ đối tượng và phương pháp giáo dục. Chánh ngữ giúp chúng ta giữ được hòa khí giữa anh chị em cả trong khi thảo luận mọi việc chung. Chánh nghiệp giúp ta hăng hái xả thân cho hoạt động đoàn thể. Chánh mạng giúp ta bảo toàn Danh dự và Nhân phẩm của Huynh trưởng. Chánh niệm giúp ta ghi nhớ công lao các bậc thầy, các bậc đàn anh. Chánh định giúp ta khỏi sa vào âm mưu xuyên tạc của đối phương để vững lòng tin vào Gia đình Phật tử. Chánh tiến giúp người Huynh trưởng hăng hái phục vụ Gia đình Phật tử từng phút từng giây. Nếu một Huynh trưởng không giữ gìn lối phục sức nghiêm chỉnh, hành động minh chính và tư tưởng thành khẩn thì không những đã tự hại mà còn hủy hoại nhân cách của kẻ khác bằng các gương xấu. Người Huynh trưởng phải luôn luôn nghĩ rằng: vị tất các em đã chịu làm việc phải theo lời răn dạy của ta nhưng chắc chắn là chúng sẽ bắt chước các tác phong bê tha, cẩu thả của ta. Huynh trưởng phải nhìn vào cái hay của bạn mà bắt chước chớ không nên dựa vào lỗi lầm khuyết điểm của kẻ khác để làm bậy theo. Lẽ thường, khuyết điểm của quân tử bao giờ cũng là nguồn an ủi của tiểu nhân! Nhưng một khi đã gia nhập Gia đình Phật tử, đã đeo huy hiệu hoa sen trắng, lẽ nào ta lại chẳng muốn hóa thành Hoa Quân Tử?
*
Đọc tới đây, tất có anh chị em sẽ thắc mắc: “Có thể nào chúng ta tách rời hoạt động giáo dục của Gia đình Phật tử ra khỏi hoàn cảnh đất nước trong giai đoạn hiện tại, khi đất nước bị chia cắt bởi căm thù và máu lửa! khi tổ chức của tôn giáo còn lao đao, rạn nứt vì thành kiến và phá hoại?” Sứ mệnh đối với Tín ngưỡng và Tổ quốc buộc chúng ta có những nhận định chính xác về con đường đi tới của mình. Con đường ấy tất nhiên không thể vượt ra ngoài việc giải quyết hai vấn đề đó. Vì tha thiết với tiền đồ dân tộc, vì tin tưởng vào tương lai của Đạo giáo, biên giả sẽ cố gắng trình bày “một số ý kiến để làm nền tảng cho việc suy tư của mỗi đoàn viên, của các cuộc hội thảo Gia đình Phật tử”. Thật ra, bên trên chúng ta còn có các bậc trưởng thượng nên vấn đề đặt ra bắt buộc phải phù hợp với chính sách chung. Gia đình Phật tử là một tế bào trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Vì đang đứng dưới một mái chùa nên ta không thể tự xây ngôi nhà mới. Từ lâu chúng ta chờ đợi một chính sách chỉ mới là sự “thông cảm”. Đã gọi là “thông cảm” thì thiếu phân minh, thiếu dứt khoát đối với thanh niên. Cho nên, dù phạm thượng, chúng ta cũng sẽ cố gắng nêu lên vấn đề, nêu lên thiện chí phục vụ tôn giáo và Tổ quốc thì có lẽ chúng ta cũng chẳng đến nỗi phải mang tội lớn. Ngược lại, nếu Gia đình Phật tử không lên tiếng thì tội ấy còn nặng hơn nhiều. Thôi thì hãy làm theo lời đức Địa Tạng: “Ta không vào địa ngục thì ai vào?” Với niềm tin ấy, chúng ta sẽ bàn tới “Sứ mệnh Gia đình Phật tử”.
____________________
[6] Nội quy, Chương hai, Điều 5
[7] Nội quy, Chương hai, Điều 6