Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ hai, Tháng mười một 25, 2024
spot_img

Thiền Sư Chí Khả (1710 – 1744) Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang – Quảng Trị

Thiền sư Chí Khả (1710 – 1744)[1]
Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang – Quảng Trị

Tổ sư vốn người Trung Quốc, sinh trưởng trong một gia đình thâm tín Phật pháp. Lúc mang thai, bà mẹ mộng thấy một con chim Hạc từ ngọn núi phía nam bay lại, sau đó, Ngài được sinh ra, thân tướng khôi ngô, mày thanh mắt sáng.
Ấu thơ, Ngài thường được mẹ dẫn đến ngôi chùa trong làng tụng Kinh niệm Phật.
Năm lên 7 tuổi, Ngài mộng thấy con thuyền đưa Ngài đến vùng non xanh nước biếc, bốn bề là núi sông, cỏ cây và cát trắng, trước mặt là trái núi hình quả chuông cái mõ, sau lưng là ba dòng khe, nước trong xanh chảy về một mối, hiệp thành dòng sông chảy giữa đôi bờ cỏ cây sanh tốt và bãi cát trắng bao la liền giây với rặng núi kéo dài ra muôn dặm. Giữa cảnh thiên nhiên

hùng vĩ ấy hiện ra một ngôi chùa và một vị Thiền sư, lạ lùng thay là trong mộng mị, Ngài thấy vị Thiền sư ấy chính là mình chứ không ai khác.
Năm 12 tuổi, Ngài từ giã gia đình với quyết tâm rất mãnh liệt, theo đoàn thuyền buôn vượt biển đi về phía nam. Khi đoàn thuyền ghé vào cửa Thuận An thuộc đất Thuận Hóa, Ngài lên bờ và cảm thấy hân hoan như được về quê cũ. Ngài học tiếng Việt rất mau, thâm nhập phong tục tập quán của người Việt rất dễ. Ngài quyết chí đi tu và tìm đến kinh đô Huế học đạo với Tổ sư Liễu Quán.
Trong buổi sơ ngộ, Tổ sư Liễu Quán cầm lấy tay Ngài nói: “Thầy trò ta gặp nhau đây là do túc duyên từ kiếp trước” và đã thế độ cho Ngài với Pháp danh là Tế Pháp (?) tự Tánh Tu hiệu Chí Khả.
Sau 10 năm học đạo,  đến năm Quý Sửu (1733), Ngài được chính thức thọ Cụ túc giới và được tổ Liễu Quán cho vân du hóa đạo. Như có tiếng gọi từ kiếp xa xưa, Ngài lên đường đi ra phía huyện Hải Lăng, Quảng trị, bên bờ sông Vĩnh Định, dựng một thảo am và nghỉ lại đây ít lâu. Trong thời gian này Ngài đã độ được hơn 10 người xuất gia và rất nhiều Phật tử.
Ngài lại lên đường đi về phía thượng nguồn sông Vĩnh Định đến chổ hiệp lưu của hai sông: sông Vĩnh Định và sông Thạch Hãn. Ngài đã đến địa phận làng Ái Tử. Làng này, xưa có tên là thôn Mạc và là nơi đóng hành dinh đầu tiên của chúa Nguyễn Hoàng khi vào Nam (1558).
Thật là một điều nhiệm màu bất tư nghị. Phong cảnh nơi đây cũng có 3 dòng sông hiệp thủy, cũng có gò đất tọa thế như Voi nằm, liền giây với những gò đống nối tiếp Trường Sơn, tượng hình như chuông, như mõ: đúng là cảnh núi sông này, cảnh núi sông của

giấc mộng 15 năm trước. Ngài quyết định dựng một am tranh đặt tên là Tịnh Độ Am, tọa lạc trên gò đất có thế Voi nằm mà đến bây giờ vẫn còn gọi là xứ Bàu Voi thuộc làng Ái Tử, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Điều này trong bút ký của tổ Chí Khả còn ghi lại về địa cuộc của Tổ đình Tịnh Quang: “Tại xứ bàu Voi thấy có huyệt đất hình tượng con Voi như nằm xuống, như đứng dậy đời đời tồn tại không dứt”… Địa lý như vậy thật là điềm hiệu tốt lành, cho nên dầu trải qua binh lửa nhiều kỳ, Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang vẫn tồn tại và nay được Trùng Hưng.
Ngài dựng am Tịnh Độ từ năm nào thì nay chưa khảo chứng được, có khả năng là vào năm Ất Mão (1735) Vĩnh Hữu nguyên niên đời Lê Ý Tôn, tương ứng với năm thứ 11 chúa Nguyễn Phúc Trú. Đến năm Kỷ Mùi (1739) tức là năm Vĩnh Hựu thứ 5 đời Lê Ý Tôn, tương ứng với năm thứ 2 đời chúa Thế Tôn Nguyễn Phúc Khánh, chùa được Sắc tứ và đổi tên Tịnh Độ Am thành Sắc Tứ Tịnh Quang Tự.
Tổ Chí Khả chuyên trì kinh Pháp Hoa, mỗi lần tụng đến phẩm Dược Vương – thuật chuyện Bồ tát Dược Vương đốt một cánh tay để cúng dường chư Phật – thì lòng cảm khái vô cùng, thâm tín vào hạnh Bố thí Ba la mật.
Năm 34 tuổi, Ngài phát nguyện thiêu thân, thể hiện hùng tâm vô úy, hoằng nguyện cúng dường.
Sáng hôm đó, chiên đàn chất chín tầng cao, thiện tín bốn phương quy về cả vạn, ai nấy điều chứng kiến Tổ sư an nhiên thiền tọa trong lửa cháy ngút ngàn. Đúng là cảnh tượng thù thắng hoa sen nở trong biển lửa.
Trong “Cánh Hạc Non Nam” của Hòa thượng Trí Thủ, chỉ ghi Tổ sư là người China (Trung Quốc), không ghi quận huyện làng xã 

và năm sinh. Nhưng xét năm thọ giới Cụ túc của Tổ sư là năm Quý Sửu (1733) và năm Tổ sư qua Việt Nam lúc 12 tuổi cộng với 10 năm học đạo với Tổ sư Liễu Quán, thì năm sinh của Tổ sư có thể là năm Canh Thìn (1710). Do đó năm tự thiêu của Ngài là năm Giáp Tý (1744).


[1] Trích kỷ yếu lễ Khánh thành Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang Quảng Trị, ngày 18/2 năm Tân tỵ (12.3.2001) do Nguyên Ninh sưu tập.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ