Đạo Phật ra đời không ngoài mục đích ban cho chúng sanh niềm an lạc và hạnh phúc. Nhưng để tồn tại, chúng đệ tử cần biết giữ gìn và thực hiện theo lời dạy của Ngài. Trong số đệ tử của Đức Phật thời bấy giờ có một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh là Đại thí chủ và rất tín tâm. Đặc biệt ở đây, dù là cư sĩ nhưng vị ấy đã bước vào dòng Thánh Tu Đà Hoàn (Sotāpanno) ngay lần đầu gặp Phật, đó chính là Sudattā còn được gọi là Cấp Cô Độc, một thương gia trẻ rất giàu có ở thủ đô Sāvatthi xứ Kosala. Với tâm hạnh thương người ưa bố thí, ưa cứu giúp kẻ cùng khổ nên được người đời tặng cho ông với mỹ hiệu là Sudatta Nāthapindika hay còn gọi là Anāthapiṇḍika. Ông là người có hạnh Bố thí bậc nhất lúc bấy giờ. “Trải vàng mua đất”, đây là sự kiện hy hữu trong lịch sử, khiến người đời sau khi nhắc đến vai trò của cư sĩ trong buổi đầu Phật giáo đều nhắc đến Anāthapiṇḍika.
“Phật pháp xương minh do Tăng già hòa hợp
Thiền môn hưng thịnh do đàn việt tín tâm”.
Thực tế, vai trò của Phật tử rất quan trọng trong việc tồn tại đạo pháp. Khi nhắc đến đệ tử Phật, trước tiên ai cũng nghĩ đến những vị Thánh Tăng hay Thánh Ni mà ít ai nói đến người Phật tử đã cận kề Đức Phật suốt gần 30 năm. Với tinh thần vì Pháp nên đã quên đi bản ngã của chính mình, ông là Phật tử thuần thành tên là Sudatta, tức nam cư sĩ Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc), người có công rất lớn trong việc hộ trì chánh pháp và cũng là người được bước vào dòng Thánh Tu Đà Hoàn (Sotāpanno) khi còn là cư sĩ. Ông cũng là một trong những tấm gương sáng cho đàn hậu học noi theo. Mỗi khi nghĩ về Đức Phật cũng như sự tồn tại của Giáo đoàn, ta thấy hình ảnh của ông lại hiện hữu.
Đệ tử của Đức Phật có rất nhiều, mỗi người có một hạnh nguyện khác nhau. Nhưng Anāthapiṇḍika có tầm ảnh hưởng và quan trọng trong vai trò cư sĩ hộ pháp. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu dựa trên các nguồn tài liệu từ Kinh tạng Nikāya và một số tài liệu khác nhằm so sánh, đối chiếu để tìm ra những điểm nổi bật đúng với kinh điển ghi chép.
NHÂN DUYÊN ANĀTHAPINTAKA THEO PHẬT GIÁO
Nhân duyên Tu Đà Cấp Cô Độc được gặp Đức Phật và trở thành tín đồ là nhờ vào người em rể mà cũng là bạn thâm giao trong chuyện làm ăn. Một hôm trên đường đi, ông ghé thăm người em, mỗi khi ông đến họ niềm nở đón tiếp, nhưng lần này hình như sự hiện diện của ông không còn ý nghĩa hay quan trọng nữa, bởi gia đình bận lo chuyện sắp xếp thỉnh Phật và chư Tăng đến tư gia của họ. Điều đó làm ông càng ngạc nhiên và tò mò hơn nên đã quyết định ở lại và hy vọng gặp được vị Thánh nhân mà gia đình đều gọi là Đức Phật. Đêm đó, ông không ngủ được và mong trời mau sáng để diện kiến vị Phật mà ông chỉ nghe qua chứ chưa được gặp bao giờ. Nhưng Sudatta lại quá bất ngờ khi gặp Phật và ông đã đảnh lễ với lòng thành kính, lúc nghe Đức Phật khai thị ông liền giác ngộ và chứng quả Tu Đà Hoàn ngay lúc ấy. Với lòng thành kính nên Sudatta xin Phật được làm đệ tử của Ngài, xin thọ Tam quy và Ngũ giới trọn đời. Ông cũng thưa với Phật qua giáo hóa bên thành Xá Vệ (quê hương của ông), Phật bảo bên nước ấy không có tinh xá, tức thời ông liền tình nguyện về nước làm tinh xá. Ông nhắm được rừng cây của Thái tử Jeta (Kỳ Đà) liền hỏi mua, Thái tử muốn thử bụng ông nên bảo phải lấy vàng trải ra đất, trải được bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, Sudatta không ngần ngại liền lấy vàng trải ra đất. Thái tử Jeta thấy sự phát tâm của Sudatta quá mạnh khiến Thái tử ngưỡng mộ và muốn biết vị Thánh nhân mà Sudatta gọi bằng Phật đó là ai! Với tâm thành kính và lòng sinh hoan hỷ nên Thái tử đã phát tâm cúng dường vườn cây mà Thái tử yêu quý, cùng Sudattā xây dựng Tinh xá Jetavana (vườn Kỳ Viên). Đức Phật khen ngợi và tán thán. Sau khi hoàn mãn, ông thỉnh Phật cùng chư Tăng về trú ngụ để ông có cơ hội được đến thăm Đức Phật và nghe Pháp mỗi ngày.
ĐÓNG GÓP VÀ CÔNG HẠNH CỦA ANĀTHAPINTAKA
Sudattā đã dùng vàng trải đất để mua cho được khu vườn xây dựng Tịnh xá. Người đời ai cũng luôn xem tài sản là vật quý báu mà vàng lại là thứ có giá trị và quý hơn tất cả, thế nhưng Sudatta lại xem thường của cải mà chỉ nghĩ đến việc tạo ra niềm an vui cho mình hay người khác. Đức Phật đã dạy tiền bạc và tài sản chỉ là phương tiện sống của con người nói chung và hàng cư sĩ nói riêng. Với hàng cư sĩ, có được tài sản và sử dụng chúng hợp lý là hai trong bốn điều hạnh phúc mà Đức Phật đã dạy trong Kinh Tăng Chi: “Có bốn loại an lạc này, này gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội”. Với việc sống đúng theo những gì Đức Phật đã dạy, Sudatta xứng đáng là cư sĩ được Thế Tôn khen ngợi.
Xét về hạnh Bố thí
Sudata được xem là một trong những người hành Bố thí bậc nhất. Bố thí ấy xứng đáng là bố thí Ba-la-mật: “Bố thí với niềm tin trong sạch là những hành động phước và chỉ những sự bố thí như vậy mới gọi là bố thí Ba-la-mật”. Đây là tâm hạnh của một vị Bồ tát, tên của ông được lặp đi lặp lại trong nhiều bài kinh. “Bố thí” là một việc làm không phải ai cũng phát khởi, đôi khi sự phát khởi đó còn có ý niệm với sự mong cầu để được tiếng khen hay sự lợi dưỡng, cũng như mong cầu phước báu. Nhưng với Sudatta, ông bố thí không chấp vào sự bố thí hay mong cầu nên sẵn sàng lấy vàng ra mua đất xây cất Tịnh xá. Kinh Tăng Chi Đức Phật có dạy về sự bố thí: “Này các Tỳ kheo, sau khi bố thí với lòng tin chỗ nào, chỗ nào, quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú, tài sản sung mãn, đẹp trai, dễ ngó, có thành tín và thành tựu dung sắc thì thắng như hoa sen”. Như vậy, Sudatta đã thực hành được những gì Đức Phật đã dạy. Còn chúng ta ngày nay, đôi lúc làm việc bố thí nhưng còn kèm theo chấp chặt, hoặc không dám phát tâm dõng mãnh sẵn sàng bố thí.
Theo quan điểm của Phật giáo, tự thân có tài sản và tiền bạc chưa nói lên được điều gì mà thái độ cũng như cách hành xử của con người mới nói lên thực chất giá trị của tiền bạc và tài sản. Tài sản với người này có thể là bình thường, nhưng với người khác thì tài sản lại có giá trị dẫn đến sự an lạc và ngược lại có thể mang đến sự nguy hiểm hay đau khổ và bất an. Trong Kinh Tương Ưng, Đức Phật dạy: “…Các tài sản nếu không thọ dụng chơn chánh, sẽ đưa đến tổn giảm, không đưa đến thọ hưởng… Các tài sản được sử dụng chơn chánh, sẽ đưa đến thọ hưởng, không đưa đến tổn giảm”. Những gì Đức Phật đã dạy Sudatta đều sống và thực hành theo, ông xứng đáng là cư sĩ gương mẫu của hàng đệ tử Phật.
Sudatta Nāthapindika cũng có một gia đình ấm áp như bao người. Người vợ hiền của ông tên là Puññalakkhana, nghĩa là Nữ nhân phúc tướng. Trong gia đình, phu nhân luôn có được sự yêu thương của tất cả mọi người bởi tấm lòng bao dung nhân ái. Ông có bốn người con, ba gái và một trai. Tất cả đều theo sự hướng dẫn của cha mà trở thành những vị Phật tử thuần thành và xuất sắc. Riêng người con trai duy nhất của ông tên là Kāla (Hắc Tử), là người nối dõi của gia tộc họ Sudatta, nhưng lại ăn chơi và không mấy tin hiểu gì về Phật pháp. Kāla cưới người vợ giàu có tên là Sujātā, tính nết lại chưa được đẹp. Trong Kinh Tăng Chi chép rằng: “Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anāthapiṇḍika… … có người nói lớn tiếng ồn ào… có nàng dâu Sujātā (em gái của Visākhā) Nàng không vâng lời chồng,… Thế Tôn cho gọi nàng dâu Sujātā đến và dạy có bảy loại vợ này cho người đàn ông… Con thuộc hạng người nào? Bạch Thế Tôn, bắt đầu từ hôm nay, Thế Tôn hãy xem con là người vợ đối với chồng như người vợ nữ tỳ”. Từ đó, nàng hiền thục, tu dưỡng đạo đức nhờ sự giáo hóa của Đức Phật, còn chồng nàng (Kāla) cũng dần nghe lời dạy bảo của cha và cũng trở thành là Phật tử hộ trì chánh pháp, từ đấy gia đình ông Sudattā ngày càng hạnh phúc hơn, an vui hơn.
Xét về mặt Đạo
Sudatta là một người hộ pháp đắc lực cho Đức Phật cũng như Giáo đoàn của Ngài. Ông là người luôn nghiêm trì giới luật Phật dạy dành cho hàng tại gia và đặc biệt ông là người rất thành kính Đức Phật cũng như giáo lý của Ngài. Chỉ cần thấy điều gì liên quan đến Đức Phật là ông nghĩ ngay đến sự hiện diện của Đức Phật. Ông luôn phát tâm cúng dường đến chư Tăng mỗi ngày và giúp đỡ người nghèo khó. Trong Kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật dạy cho Sudatta: “Ở đây này gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì chúng Tỳ kheo với y, hộ trì chúng Tỳ kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỳ kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỳ kheo với dược phẩm trị bệnh”. Cho nên, ông đã phát tâm cúng dường tứ sự lo cho Đức Phật và chư Tăng mỗi ngày được đầy đủ để giữ gìn thân huệ mạng và nuôi lớn thân trí tuệ.
Thời gian cứ lặng lẽ trôi, vạn vật cũng dần đổi thay theo năm tháng, cho đến một ngày ông lại rơi vào tình cảnh nghèo khổ vì cho người mượn tiền không trả, vàng chôn gần sông Hằng bị cuốn trôi,… Với tâm thành kính nên ông vẫn cứ cúng dường và cũng ngần ngại khi cúng muỗng cháo (đã bị thiu) cho ngài Moggallāna (Mục Kiền Liên) đến khất thực. Ngài Moggallāna về thưa với Phật về sự nghèo khó của ông, từ đó Phật cho phép tu sĩ sau khi khất thực được phép chia sớt thức ăn cho người cư sĩ áo trắng nghèo khổ. Trong Nikaya có ghi tuy ông chưa chứng quả giải thoát nhưng đã đạt được Tín giải thoát nên chư Thiên rất cung kính.
Là một Phật tử với tấm lòng bao dung rộng lượng nên Sudatta còn hướng dẫn bạn bè theo Phật, cũng như Thái tử Jeta (Kỳ Đà) nhờ Sudatta mà biết đến Phật pháp và cũng trở thành người hộ trì Chánh pháp. Ông còn tán thán người làm công tên là Bất Hạnh Điểu đã giúp ông giữ gìn gia sản. Nhân chuyến đến thăm Đức Phật, ông đã thưa với Đức Phật về việc bọn cướp đã đến nhà lúc ông đi vắng, nhưng nhờ Bất Hạnh Điểu thông minh sáng dạ nên đã nghĩ ra được cách giữ gìn tài sản cho ông. Đức Phật dạy việc tán thán công đức lành của Tam bảo:
190.
“Ai quy y Đức Phật,
Chánh pháp và chư Tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế”.
192.
“Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau”.
Cũng chính nhờ có lòng tin ở người khác mà ông không bị mất tài sản. Bên cạnh đó Đức Phật còn dạy ông, nếu tâm tánh của một người còn chứa đầy tham vọng, thì tất cả hành động, lời nói và ý nghĩ của họ luôn luôn bị hoen ố! Một người như thế bị ái dục cuốn trôi, quay cuồng và khi hết tuổi thọ, họ sẽ nhận lãnh một cái kết vô cùng đen tối, phiền não. Cũng ví như một ngôi nhà, mà những phần nòng cốt, là cột kèo, đòn dông và các bức tường chính không được tu bổ, để hư hỏng đến mục nát, thì khi hết chịu đựng nổi, nó sẽ sụp đổ, như một đống rác trước cơn thác lũ vậy. Từ đó, ông càng tinh tấn hơn trong việc làm hướng thiện của mình.
Từ giã cuộc đời
Vô thường đến, con người cũng đổi thay, không ai tránh khỏi quy luật tuần hoàn, sanh – lão – bệnh – tử. Sudattā cũng không ngoại lệ, ông đã già, bị bệnh và muốn đến thăm Đức Phật với Tăng đoàn nhưng không đi được. Phật biết tâm niệm của ông muốn nhìn thấy ngài Upatissa (Xá Lợi Phất, hay còn gọi là Sāriputta) nên đã cho ngài Upatissa và Ānanda cùng đi đến thăm Sudatta. Trong chuyến thăm này, Upatissa đã nói cho ông nghe về bài pháp Vô Ngã, khuyên ông nên thực hành theo. Khi nghe xong bài pháp, ông bật khóc vì cảm động. Rồi Tôn giả Ānanda nói với Sudatta: Này cư sĩ, ông đang gượng lên mà sống hay chìm xuống (cõi chết)?… Thưa con đang chìm xuống cõi chết. “Dầu cho bậc Đạo sư được con hầu hạ đã lâu và dầu các vị Tỳ kheo tu tập ý lực, con chưa từng được nghe một thời thuyết pháp như vậy. Này cư sĩ, thuyết pháp… không nói cho hàng cư sĩ áo trắng… thuyết pháp như vậy chỉ nói cho hàng xuất gia. Vậy thưa Tôn giả Sāriputta, hãy thuyết pháp như vậy cho hàng cư sĩ áo trắng … bởi có những người… nếu không được nghe pháp, sẽ bị đọa lạc nhưng họ không thế biết được Chánh pháp”.
Sau khi Tôn giả Sāriputta và Tôn giả Ānanda ra đi không bao lâu thì Sudatta thân hoại mạng chung được sanh lên cõi Tusitā (Đâu Suất thiên). Rồi Thiên tử Cấp Cô Độc, trở về Tịnh xá thăm, khi đêm đã gần mãn, sau khi chói sáng toàn cảnh Jetavana (Kỳ Đà lâm) với dung sắc thù thắng đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn và làm bài kệ ca ngợi, cất tiếng hát tán thán công đức: Khúc thứ nhất ca ngợi tán thán công đức của Phật, khúc thứ hai ca ngợi lời thuyết pháp của chư Phật “diệu pháp chân lý”, khúc thứ ba ca ngợi sức mạnh của Tăng chúng tu tập, khúc thứ tư ca ngợi vẻ đẹp của khu vườn. Nhưng trong Tăng chúng không ai biết ông Sudatta đã chết và thưa với Phật về ánh sáng và lời tán thán kỳ diệu này. “Bạch Thế Tôn, có phải Thiên tử ấy là Anāthapiṇḍika?”. Đức Phật bảo đại chúng là Ta quán thấy Sudatta đã chết được tái sanh về cõi trời, do nhớ nơi này nên đã trở về thăm. Như vậy, sau khi Sudatta thỉnh cầu từ đó bài pháp Vô Ngã được thuyết giảng rộng rãi cho hàng cư sĩ áo trắng. Nhờ đó mà cư sĩ tại gia hiểu được lời Phật dạy sâu sắc hơn và hành trì đem lại lợi lạc lớn.
KẾT LUẬN
Cuộc đời của Anāthapindika là một cư sĩ mẫu mực. Vài nét sơ lược ở trên cũng đủ cho chúng ta thấy được rằng sự hiện hữu của Sudatta là niềm an vui hạnh phúc của nhiều người. Dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ nhưng tấm gương sáng Sudatta vẫn được chiếu soi. Với tâm hạnh Bố thí bậc nhất, xưa cũng như nay, hạnh nguyện Bố thí luôn song hành với tâm hành thiện ở một con người. Đức Phật là minh chứng cho bậc Đại Giác ngộ thì Suddata là minh chứng của bậc Đại Bố thí. Công việc phước thiện ông đã làm qua những câu chuyện mang đậm tính lịch sử cho ta thấy được một bức tranh nhân đạo của cuộc sống giai cấp ở Ấn Độ lúc ấy, tên ông được gắn liền với chiều dài lịch sử xưa cũng như nay. Trong xã hội hiện tại, cuộc sống của con người ngày càng được đầy đủ thì sự chạy theo phù phiếm xa hoa ngày càng nhiều, ít ai quan tâm lại chính mình đã sống và làm được gì có ích chưa. Nhờ sự hữu duyên con đã được biết đến nhân vật lịch sử qua kinh sách. Điều ấy càng khiến cho người viết bội phần ngưỡng mộ, thầm biết ơn những con người như Sudatta ở quá khứ hay những nhà đại thí chủ ở hiện tại, họ đã và đang đóng góp cho sự phát triển của Đạo Phật. Tuy thời gian trôi qua, nhưng hình ảnh của vị hộ pháp này luôn được tôn thờ và làm nơi di tích chiêm bái cho tất cả ai muốn tìm về cội nguồn lịch sử, một tấm gương mãi sáng soi cho đàn hậu học của bao thế hệ.
Thích Nữ An Hưng
Chú thích:
1. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ. Chương Ba. Phẩm Ba Kệ, Nxb. VNCPHVN, TP HCM, tr.201.
2. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương IV. Bốn Pháp, VII. Phẩm Nghiệp Công Đức, Nxb. Hồng Đức, tr.333.
3. Tỳ Khưu Minh Huệ (dịch, 2019), Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), Tập I, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.138.
4. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương II. Hai Pháp, Phẩm Bố Thí, Nxb. Hồng Đức, tr.85.
5. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương V Năm Pháp. Phẩm Tikaṇḍaki, Nxb. Hồng Đức, tr.624.
6. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 03, Kinh Tương Ưng, Thiên có kệ, Tương Ưng Kosala, Phẩm thứ hai, kinh Không Có Con Thứ Nhất, Nxb. Hồng Đức, tr.110.
7. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương VII – Bảy Pháp. Phẩm Không Tuyên Bố, Nxb. Hồng Đức, tr.874.
8. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương IV. Bốn Pháp, Phẩm Nguồn Sanh Phước, Nxb. Hồng Đức, tr.323.
9. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ 4, Phẩm Phẩm Apannaka 1. Chuyện Pháp Tối Thượng, Nxb. VNCPHVN TP. HCM, tr.13.
10. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 02, Kinh Trung Bộ, 143. Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, Nxb. Hồng Đức, tr.1083.
11. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 03, Kinh Tương Ưng, Thiên có kệ, Tương Ưng Chư Thiên, Phẩm Cấp Cô Độc, X. Kinh Anāthapiṇḍika, Nxb. Hồng Đức, tr.73.
Tài liệu tham khảo:
1. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2001), Kinh Tiểu Bộ, Nxb. VNCPHVN. TP HCM.
2. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. Hồng Đức.
3. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 02, Kinh Trung Bộ, Nxb Hồng Đức.
4. HT. Thích Minh Châu (dịch, 2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 03, Kinh Tương Ưng, Nxb. Hồng Đức.
5. Tỳ Khưu Minh Huệ (dịch, 2019), Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.
(Theo: phatssuonline.vn)