Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Chương I – Phật giáo Quảng Trị

3. ẢNH HƯỞNG VĂN HÓA

Nói đến văn hóa dân tộc thời ấy, chúng ta thấy rằng hai dân tộc Việt – Chàm đều chung một tôn giáo ‘‘Phật giáo”, Đạo Phật Bắc tông lan đến Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, trong lúc đạo Phật Nam tông lan sang Tích Lan – Miến Điện – Ai Lao và Chân Lạp (Cao Miên) và chính nơi đây (hai châu Ô Rí là nơi gặp gỡ).

Lịch sử Việt Nam còn ghi lại rằng trong một cuộc chinh phạt vua Trần đã bắt được một tù binh là một vị Thiền sư đảm một chức vị trọng yếu của nhà vua Chiêm, tuy nhiên vua Trần không coi vị ấy là một địch thủ, trái lại vua Trần còn cân nhắc vị Thiền sư ấy vào một chức vị quan trọng của triều đình.

Tinh thần văn hóa của Phật giáo không tạo sự phân cách, biệt xử và cũng chính vì tinh thần văn hóa ấy mà các cuộc chinh phạt của hai dân tộc bớt đi cái không khí hiếu chiến, hiếu sát vốn bao giờ cũng sẵn có của những kẻ đi chinh phục; Giả thử như hai dân tộc lại khác nhau về tín ngưỡng, chúng ta tưởng tượng cuộc chinh chiến sẽ tàn khốc đến độ nào.

Ảnh hưởng Phật giáo đến với tâm hồn dân chúng rất sâu xa, nhất ở thành phần đại chúng là cái thành phần ít tiêm nhiễm hay chi phối bởi các tư tưởng văn hóa khác. Những từ ngữ nhà Phật lại là những từ ngữ phổ thông, tiếng nói đầu lưỡi của dân chúng.

Những danh từ như: Tội nghiệp, tam bành lục tặc, chính là những từ ngữ Phật giáo lại phổ thông đến mức độ trở thành những tiếng nói dân tộc. Chữ Bụt mà chúng ta thường dùng chính là phiên âm của chữ Boudda (Phật Đà) nói theo Phạn ngữ.

Trên tư tưởng phân tích ảnh hưởng văn hóa của một triết hệ tôn giáo không gì hơn đi sâu vào tâm tư chất phác của quần chúng đối với cuộc sống có thể nhận thức một cách chính xác.

Ý thức về nhân quả, về nghiệp báo, về thiện ác thật là phổ thông ngay những bậc lão thành già cả ít học nhất. Tất cả các gia đình, dầu Nho giáo hay Lão giáo cứ đến ngày sóc vọng là thắp đèn nến hương hoa trên bàn thờ Ông bà để bái vọng vong linh tiên tổ. Ba cây hương cúng dường bàn Tổ phụ phải chăng là hình ảnh của ba cây hương cúng dường Tam Bảo: Phật- Pháp- Tăng.

Bốn lễ trước bàn thờ Tổ Tiên phải chăng là lễ Tứ Thân Phụ Mẫu. Tất cả giải thích nghi lễ chỉ có thể tìm thấy ở căn bản triết lý Tôn giáo của Phật mà thôi.

Do cá nhận xét trên chúng ta có thể kết luận rằng: Trước khi Nho giáo phát triển, Phật giáo là một tôn giáo của dân tộc, của quần chúng nhân dân mà trải qua các cuộc tiến phát của các văn hóa khác (Nho, Lão và các ảnh hưởng văn hóa Âu Tây) vẫn không có một nền văn hóa nào có thể tiêm nhiễm phổ cập sâu xa vào đại chúng như thế.

3.1 Văn Hóa Nho Giáo

Nho Giáo phát triển từ đời nào ?

Chắc không ai chối cải rằng Nho Giáo phát triển từ khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ miền Nam, mà bước đầu tiên là lập căn cứ Ái Tử và về sau (năm…).

Lại thiên độ vào Thuận Hóa (Kim Long, Thừa Thiên) công cụ cuộc Nam tiến của các Vua chúa Nguyễn kéo theo từng lớp Sĩ Phu – Nho Sĩ từ Bắc vào và liên kết với một số ít Sĩ Phu của địa phương để kết thêm vây cánh của mình.

Trên dàn chính trị vai trò của các Sĩ Phu là chủ yếu, tuy nhiên, trãi qua 500 năm truyền bá tinh thần Nho Giáo chỉ thấm nhuần một số ít Thượng lưu trí thức mà thôi, trong mỗi thôn xóm có nhiều lắm là vài ba vị Sĩ Phu giữ các cương vị nhiếp chính. Nhưng trong những vị Sĩ Phu kia, mấy ai được mang danh ‘‘Đạt nhân quân tử’’ họ chỉ biết lợi dụng vốn liếng văn hóa, cái học từ chương khoa cử để tiến địa vị thống trị.

Tệ cường hào phát sinh từ lớp Sĩ Phu vô học và tinh thần Nho Giáo ngày càng mất hẳn tính chất Nho phong Khổng Phu Tử.

3.2 Văn Hóa Lão Giáo

Tín đồ lão giáo ở Quảng Trị tương đối rất ít. Đó là một nhóm thầy phù thủy chuyên môn các việc bói toán trừ tà ma, làm phù làm phép, tổ chức những việc mê tín dị đoan dựa theo tinh thần học thuyết của Lão Tử.

Tín đồ Lão Giáo coi việc cúng quãy, trừ tà ma là nghề chuyên môn hơn xem học thuyết Lão trang như một triết lý hay phương châm của sự sống. Những kinh chú, phù thuật của nhóm Phù thủy này một số lấy trong các kinh chú của Phật giáo một số lấy ở phù phép tà thuật của các thầy Mo (thầy Mường) của người Chàm và một số khác lấy trong Đạo Đức kinh của Lão tử.

Đó là sự phá phách tất nhiên của những sự dung hợp kỳ quặc của những nền tín ngưỡng Phật Lão Chiêm Việt.

Lão giáo không có tổ chức thành đoàn thể, mặc dầu gần đây nhóm thầy cúng này đã tổ hợp thành Hội Lão Giáo, lấy chùa Sắc Tứ Thiên Tôn (Đầu Kênh – Triệu Phong) làm trụ sở của Tỉnh Hội và hội viên là những thầy cúng phù thủy.

3.3 Tinh Thần Văn Hóa Tam Giáo Đồng Nguyên

Như đã nói ở trên chúng ta thấy rằng trên phương tiện tín ngưỡng, tư tưởng quần chúng đã chịu một sự pha trộn của hai nền văn hóa Chiêm – Việt mà Nho – Phật – Lão đều biến thái thành một tín ngưỡng địa phương bao hàm tinh thần dân tộc. Trời, Phật, Tiên, Thánh, Tinh, Tà, Ma, Quỹ đều được công nhận trong đời sống tín ngưỡng quần chúng.

Người ta có thể tin rằng Thánh, Thần, Ma, Quỹ có thể bắt chết người, đồng thời vừa tin tưởng ở mệnh số (trời định) mà cũng là định nghiệp hay nghiệp lực của đời sống.

Trên hình thức thờ phụng thể hiện cho tinh thần Tam giáo đồng nguyên, chúng ta có thể tìm đến Chùa TAM THANH mà chỉ kể đến sự tích chùa, chúng ta cũng nhận thức rõ rệt tính cách đồng nguyên đó.

Sự tích chùa được ghi lại như sau :

Năm Nhâm Tuất (1572) nhân lúc Trịnh Kiểm mới mất con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng đánh nhau, nhà Mạc đem quân vào Thanh Hóa và sai tướng là Lập Đạo đem một đoàn quân 60 chiến thuyền đi theo đường biển vào đóng ở Hồ Xá và Tạng Uyển (Vĩnh Linh) rồi kéo binh đóng tại Trà Bát, Cát Dinh Làng Trà Liên ngày nay để đánh chiếm Kinh Đô của chúa Nguyễn đóng tại Cổ Thành ngày nay.

Chúa Nguyễn Hoàng đem binh đón đánh khi qua Làng Đầu Kênh thấy có một ngôi Miếu phong cảnh khác thường Ngài cho là nơi Linh địa và như cảm ứng một sự gì, Ngài bèn cho lính xuống bờ sông múc lên một bát nước và khấn rằng: “Nếu chuyến này tôi thắng giặc và sau này nhà Nguyễn được thống nhất giang sơn thì bát nước này sẽ khô ngay”. Khấn xong quả nhiên khô mất và về sau Chúa Nguyễn thắng được trận giặc đó. Vì vậy, mà Chúa sắc lập chùa Tam Thanh và sau này sắc phong là Sắc Tứ THIÊN TÔN tự.

Tại tả ngạn sông Trà Liên còn có một ngôi Miếu tên là TRÃO TRÃO tên của tiếng kêu của một con chim thường đi ăn đêm. Tục truyền rằng: khi lập Bạo kéo binh thuyền theo cửa Việt ngược lên Trà Liên và đóng quân lại tại nơi này thì bị chúa Nguyễn dùng mỹ nhân kế đang đêm đánh úp, lập Đạo thất trận nhảy xuống sông trốn thoát.

Vốn là một tay bơi lặn, quan quân chúa Nguyễn không tài nào tìm được. May nhờ có con chim Trão Trão cứ lúc Lập Bạo ngoi lên đến đâu thì bay theo đến đấy là kêu lên tiếng ‘‘trão trão” quan quân chúa Nguyễn cứ việc theo tiếng chim đến đấy tìm, quả nhiên bắt được Lập Bạo. Chúa Nguyễn cho đó là thần Điều và lập miếu trên bờ sông đó để thờ.

Chỉ chừng nấy thôi chưa đủ nói lên tinh thần Tam giáo đồng nguyên trong tâm tư Sĩ Phu thời đại. Đi sâu vào sự tô trí của chùa Tam Thanh, chúng ta mới thấy rõ vết tích tư tưởng này. Ngay chính điện có hai câu đối:

‘‘Phật thị tâm, mộ cổ thần chung khai tuệ giác

Thánh tức thiên, từ vân pháp vũ đọ sinh linh”

(Phật cũng là tâm, trông sớm chuông mai mỡ trí sáng

Thánh tức là trời, mâu từ mưa Pháp cứu sinh linh).

Phật ấy tự tâm, trời với thánh cũng đồng hóa lẫn nhau. Thật là một quan niệm hỗn tập mà Trời cũng không phải là một vị thượng đế hữu ngã, Trời, Thánh, Phật chỉ là một khái niệm – khái niệm tự Tâm.

Trên phương diện tín ngưỡng, Phật đã không phải là vị thánh linh trừu tượng, Phật giữ tính cách độc tôn của cái Tâm thể hiện sáng suốt, nhưng trên bình thức thờ phụng, Phật chẳng giữ ví trí độc tôn, tuy vẫn ngự ngay trên bục cao chính diện. Bên cạnh còn có Ngọc Hoàng Thượng Đế, Nam Tào Bắc Đẩu, Long Thần Hộ Pháp và bục dưới tượng thờ Lão Tử.

Hai câu đối ở gian tả hữu :

“Huyền hư hữu tượng tiên thiên địa

Đạo pháp vô đa thống tánh tình”

(Thể huyền hư đã có hình dáng trước trời đất.

Đạo pháp không nhiều chỉ quy về nơi tánh và tình).

Câu hỏi này, cũng là sự dung hợp trí thức của hai triết hệ Phật và Lão. Thể Huyền Hư chính là trạng thái Vô Minh, chính là cái mà Lão giáo gọi là: “Hồn Mang, Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sanh”. Đạo đức kinh cũng như các thái hư, Thái cực của Nho giáo.

Nghiên cứu sự tích chùa Tam Thanh với cách tôn trí thờ phụng đã tìm đến tinh thần tôn tri tín ngưỡng của dân tộc đôi khi cũng là một sự nhầm lẫn, vì biết đâu đó là những thủ đoạn tâm lý chiến giống như Trần Hưng Đạo, muốn cổ vũ lòng tin của binh sĩ, lén sai người vào đền thờ viết mấy câu:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm ……”

Ngài với câu chuyện lập đền thờ, biết đâu chỉ là một truyền thuyết bịa đặt chiếm lòng tin của quần chúng mà chẳng thực hiện nội dung tín ngưỡng thực sự của Ngài. Tuy nhiên, sự tích cũng truyền tụng trong nhân gian đánh dấu một thái độ tín ngưỡng khá rõ ràng.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ