3.4 Khai Nguyên Phật Giáo Quảng Trị
– Phật giáo Quảng Trị khai nguyên từ lúc nào?
– Vị tổ khai tiên là ai?
Đó là những vấn đề đặt ra cho ai muốn tìm hiểu Phật giáo Quảng Trị.
Phật giáo Quảng Trị có nguồn gốc duy nhất, các tăng chúng đều xuất nguyên từ một tổ đình: TỔ ĐÌNH SẮC TỨ TỊNH QUANG. Đây là một giáo hệ có một tôn thống riêng. Tìm hiểu giáo hệ này chúng ta có thể biết nguồn gốc của Phật giáo Quảng Trị.
Căn cứ theo một tài liệu lưu truyền của Tổ đình Sắc Tứ, nội san cổ học Quảng Trị trong một số tết Quý Mão đã đăng bài ký của cụ Hoàng giáp Hoàng Hữu Bính (làng Bích Khê) như sau:
Tổ sư người nước China, cha là Nguyễn Quý Công tức Kỳ thiên hầu, mẹ là Nguyễn Thị Thu pháp danh Phật Thọ. Kỳ thiên hầu sanh hạ 3 người con trai. Người con trưởng và người con thứ đều quý hiển, chỉ một mình tổ sư có tiêu phong đạo cốt, vừa lúc 13 tuổi đã xuất gia, quy y với Phật tổ Kiến Nguyệt ở Hoa Sơn (Trung Hoa).
Tổ sư húy là Tánh Tu, hiệu là Chí Khả, sau qua Việt Nam thọ giới ở chùa Thuyền Tôn núi Thiên Thai.
Sư Thuyền Tôn húy là Thực Diệu, hiệu là Liễu Quán (có người ngờ rằng, Tổ Chí Khả có lẽ thọ giới theo với giống tu ở Trung Hoa chứ không phải giống Thuyền Tôn ở Việt Nam).
Lúc tổ sư mới đến Quảng Trị, người làm ngôi am tại phường Phú Xuân (tục gọi là ) ở huyện Hải Lăng, đệ tử gồm 12 người, thầy Tuyết Phong ở làng Đạo Đầu, thầy Bửu Ngạn làng Thanh Lê là cao đệ.
Giao am ấy cho đệ tử, ngài ra làng Ái Tử, thấy xứ Bàu Voi rừng toàn cây Thị (tục gọi là Tuyệt Tổ Tượng) cảnh trí thanh tịnh bèn làm một gian nhà cỏ để tu.
Tổ sư lại tính về phong thủy, thấy đồi núi Tam Kỳ (tục gọi là Ba Gò) một dãy chạy dài, đoạn cao đoạn thấp, non nước hữu tình, Ngài tin cuộc đất ấy đời đời bất tuyệt, bèn xây cất ngôi am (hướng an tọa khôn hướng cân) triện đà thế tôn Bửu Điện tại xứ ẩn sơn làng Ái Tử, tức là chùa Sắc Tứ ngày nay.
Ngày xưa, vùng đồi núi quanh chùa là nơi rậm rịt thanh vắng, người hái củi vẩn thường sợ cọp, từ khi có ngôi am về sau cọp beo tránh xa, rừng rậm ngày càng được khai quang, xa gần nghe tiếng ngôi am nối rót nhau hành hương quy y ngày càng đông đúc, cầu đạo thường có ứng nghiệm.
Vì vậy cảnh đồi Ái Tử trở nên danh lam thắng cảnh thắng tích Quảng Trị .
Năm Kỷ Sửu niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 5 đời vua Ý-Tôn nhà Lê, chúa Nguyễn là thế tôn Hiếu Võ Hoàng Đế nghe tiếng chùa ngự giá quang đến am và lâm ngự bút viết 5 chữ: “SẮC TỨ TỊNH QUANG TỰ” làm bằng sơn son thiếp vàng để biểu dương ngôi chùa.
Am Tịnh Độ đổi thành Chùa Tịnh Quang từ đấy.
Sau đó được 6 hay 5 năm tổ sư tự hoả táng trên giàn lửa. Ngài mới 24 tuổi, tháp xây gần bên tả chùa hướng khôn, cấn kiêm vị sửu.
Học trò ngài là Tuyết Phong và Bửu Ngạn, 2 vị Hoà thượng kế phiên nhau làm trụ trì, đệ tử càng ngày càng đông, thiện nam tín nữ bổn đạo và thập phương càng ngày càng tấp nập.
Nhân chổ cũ làm lại chùa mới có tiền đường và hậu điện rất trang nghiêm thành một ngôi chùa có danh tiếng nhất trong tỉnh Quảng Trị.
Sau khi 2 ngài Bửu Ngạn và Tuyết Phong viên tịch, tháp 2 Ngài đều xây cạnh chùa (hiện nay 3 tháp đều còn).
Đến đời Lê – Mạt, giữa hai cuộc biến cố Tây Sơn ngôi chàu Sắc Tứ cũng phó thác cho ngọn lữa chiến tranh. Năm Nhâm Tuất hiệu vua Gia Long (1802) Hoà thượng Bửu Châu triệu tập môn đồ cùng với bổn đạo hợp sức lại làm chùa và chỉnh trang Phật tượng.
Năm Tân Mùi, hiệu Gia Long thứ 10 (1811) bà Quốc muội (em vua Gia Long) đến tu tại chùa và mua cúng 3 mẫu ruộng Tam Bảo tại làng Ái Tử và 3 mẫu ruộng tiếp linh hương hoả tại làng Giáo Liêm thuộc quận Triệu Phong. Từ đó nhà chùa mới có công sản thất thiệt tự khá trong chùa đều được sắm sửa đầy đủ trang hoàng.
Đời vua Minh Mạng, vị đại sư là Lê Nhất Đạt hiệu Chiếu Hoa được lãnh tiền Nhà nước để tu bổ chùa. Đời Thiệu Trị trở về sau, quang cảnh ngôi chùa được y như trước.
Đến năm Quý Mùi, hiệu Tự Đức thứ 36 (1883) các tăng đồ tản túc, chùa chiền hư thốt, ruộng chùa và đồ tự khí cầm bán dần, giữa thời quân Pháp xâm lăng, cảnh chùa ngày một suy đồi quạnh vắng.
Năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2, Ưu Bà Di Lê Thị Thanh Tâm và bà Lê Thị Thanh Dật tìm họp người trong tông môn lại, cử ông Trần Chánh Tĩnh pháp danh Thông Quảng làm trụ trì và bắt đầu thành lập Phổ Phước Tuệ, chuộc ruộng tự điền và tự khí.
Năm đó, Phổ Phước Tuệ cử bà Lê Thị Thanh Tâm làm chánh trưởng phổ và bà Lê Thị Thanh Dật làm Phó trưởng phổ.
Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Thành Thái thứ sáu, bổn phổ và thập phương lạc cúng hơn 6.000 quan tiền, bèn khởi công tác đại quy mô, cử một ông Đổng Lý, một Chuyên biện, một Thư ký để làm lại chùa mới, một tháng mới hoàn thành.
Ngày 15-5-Ất Mùi hiệu Thành Thái thứ 7 (1895) làm lễ khánh tán và làm bia ký để ghi lại sự tích.
Bấy giờ, đống võ hoàn toàn đổi mới, quy chế so với ngày trước quang ánh bội phần.
Qua sự tích đã để lại trong bia ký, chúng ta có thể nhận định được tình hình Phật giáo tỉnh nhà qua các biến chuyển lịch sử của dân tộc. Suy thịnh, thăng trầm theo với thế cuộc, theo với nhân tâm và cảnh ngộ.
Trong cuộc phát triển của lịch sử Phật giáo ghi trên, chúng ta ghi nhận một đặc điểm: Phổ Phước Tuệ là hình thức đầu tiên, là tiền thân của Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị và cũng từ năm 1887 trở đi, trong lúc tăng đồ ly tán, giáo thống thất truyền, thì vai trò cư sĩ đành phải cáng đáng công việc xây dựng Giáo Hội mà người cư sĩ đầu tiên lại là một Ưu Bà Di: Bà Lê Thị Thanh Tâm và Lê Thị Thanh Dật.
3.5 Phật Giáo Cận Đại
Năm Nhâm Tuất, hiệu Khải Định thứ 7, Phổ Phước Tuệ trùng tu lại Chùa mời thầy Đại Sư Phước Điền, chùa Long An (Xuân Yên, Triệu Phong) thuộc Phổ Liên Trì làm chủ tự. Từ đó hai Phổ Phước Tuệ và Liên Trì hợp lại làm một.
Năm Giáp-Tuất, Bảo Đại thứ 9 (1934) đạo hữu trong bổn hội phát tâm đại trùng tu. Năm 1935, hoà thượng Hải Đức, phát tâm đến chùa, triệu tập tăng chúng trong tỉnh, mở đại giới đàn, hoằng đường chánh pháp và truyền giới cho tăng ni, lễ trai đàn rất trọng thể.
Đến năm Đinh Hợi, chùa lại bị phá tan hoang, danh lam thắng tích trở thành hoang địa (chiến tranh Pháp – Việt).
Năm 1955, Ban trị sự Giáo hội tăng già Trung Phần nhờ sự giúp đỡ của các Thượng toạ trong Ban trị sự Tổng Hội giáo, lấy ngôi chùa Huệ Lâm cho triệt hạ xếp cất tại Huế, đem về dựng lại và mời thầy Thích Ân Cần (chùa Hải Lộc làm trụ trì, thầy Thích Tâm Chánh làm giám tự).
Theo sự tích trên chúng ta thấy rằng, vị tổ khai nguyên Phật Giáo Quảng Trị là ngài Chí Khả.
Trong Việt Nam Phật Giáo sử lược của thượng toạ Thích Mật Thể, tiểu sử của Ngài không được nhắc đến, có thể tại Quảng Trị ngài Chí Khả đã lập nên một giáo hội biệt lập. Mặc dầu các tăng chúng trong giáo hệ này dần dần đồng hoá với giáo phái Thuyền Tôn (Liễu Quán) Việt Nam.
Tiểu sử của Ngài cũng còn nhiều nghi hoặc. Chúng tôi nêu lên đây một vài nghi vấn:
+ Ngài là người China quốc. China phải chăng là Trung Hoa. Phải biết rằng thời bấy giờ, người Việt Nam hay Trung Hoa thường dùng là Trung Hoa hay Thiên Quốc, chứ không dùng phiên âm China (do chữ Chinois hay Chine mà ra) thế thì China là Trung Hoa hay là tên một liễu quốc Ấn Độ.
+ Về thân thế ngài là con của Nguyễn Quý Công và mẹ là Nguyễn Thị Thu. Tôn thống họ Nguyễn, phải chăng là Tôn thống Trung Hoa? Không lẽ Ngài lại chọn cho cha mẹ một tôn thống có cái từ ngữ Việt Nam thuần tuý thế?
+ Ngài tu hành ở núi Hoa Sơn, thọ giới với Phật tổ Kiến Nguyệt? Trong Phật giáo sử Trung Hoa chúng ta có bao giờ nghe đến cái địa danh Hoa Sơn vị Phật tổ Kiến Nguyệt?
+ Theo trong một tài liệu về gia đình Phật giáo (đặc san Phật Đản năm 1961) Ngài là người Trung Hoa thuộc dòng dõi hoàng tộc, trước theo học tại Nam Nhạc Sơn, tổ đình của phái Phật giáo Tào Động mà tổ sư là ngài Nam Nhạc thuyền sư.
Tài liệu này có thể chứng minh bằng những sự kiện lịch sử. Ngài sang Việt Nam vào trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh là cái thời Minh Mạt sơ thân.
Chỉ có thể trong thời kỳ này, lúc này nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ, con cháu nhà Minh mới phải lánh nạn sang Việt Nam, và cũng lý do đó mà một vị hoàng thân phải xuất gia tu hành từ lúc 13 tuổi và tìm về niết bàn lúc 24 tuổi cái tuổi thanh xuân đầy ý lực sống và phụng sự.
Như thế, sự tích Ngài Chí Khả chưa được sáng tỏ còn đòi hỏi phải nhiều công trình nghiên cứu sâu rộng và bao quát hơn mới có thể có những nhận định chính xác.
Tuy nhiên, về mặt tinh thần, chúng ta thừa hưởng ở Ngài một kho tàng đạo pháp quý giá, mặc dầu trong biến cố lịch sử không duy trì được tính cách chánh truyền giáo thống.
Phải nhìn nhận rằng, trong sinh hoạt Tăng già hiện tại, chúng ta có thể tìm thấy những dấu vết khác biệt của một giáo hệ mà không phải là Giáo hệ thuyền tôn Việt Nam.
3.6 Hệ Thống Truyền Giáo Của Chùa Sắc Tứ Tịnh Quang
Phải nói rằng, từ vị tổ Chí Khả cho đến các vị tổ tương truyền: ngài Tuyết Phong, ngài Bửu Ngạn… Phật giáo đã dần dần lan rộng ra khắp tỉnh. Trong dân chúng bấy giờ mới có một tôn giáo chính thống đúng với danh nghĩa của nó.
Đáng kể, tinh thần Phật giáo lan về các trung tâm sau đây: Trung Kiên, Xuân Yên, Ái Tử, Bích Khê, Hà My, Thanh Lê, Đạo Đầu, Cam Lộ, Gia Độ, Quảng Điền, Cao Hy, Lưỡng Kim, Mai Xá, Lương Điền, Cổ Lũy, nhờ có quý vị tăng già trụ trì ở tại các chùa giữ giềng mối.
Đến ngày nay, Phật giáo Quảng Trị cũng đóng góp nhiều trong công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà như quý ngài thượng toạ Thích Đôn Hậu, Thích Thiện Minh, Thích Mãn Giác và các vị hoà thượng trưởng lão: ngài Từ Hiếu, ngài Kim Tiên. Phần nhiều quý ngài hiện nay đều nằm trong phái Liễu Quán, mặc dầu tổ Chí Khả, theo ước đoán của chúng tôi, có thể nằm trong tôn thống riêng biệt của tỉnh Quảng Trị (danh huý của Ngài không theo hệ thống thế truyền của phái Liễu Quán Thiệt Tế Đại Đạo, Tánh Hải Thanh Trừng, Tâm Nguyên Quảng Nhuận…..
Lướt qua các điểm trên, chúng ta nhận thấy rằng Phật giáo Quảng Trị có một tổ chức vững chải trong truyền thống ý thức cổ truyền, liên kết giữa hai giới tăng già và cư sĩ để tạo nên một căn bản khá vững mạnh, làm đà tiếp cho phong trào chấn hưng Phật giáo về sau.
3.7 Ảnh Hưởng Văn Hóa Phương Tây
Tiếp xúc với nền văn hoá Tây phương (từ khi Pháp đặt chính sách bảo vệ chính phủ Nam Triều, nếp sống nếp sống văn hoá cổ cựu của dân tộc bị đảo lộn, nhất là Nho giáo.
Văn minh Đông Á trời thu sạch,
Này lúc luân thường đảo ngược ru!
Đó là tiếng kêu gào của con nhà Nho khi thấy tư tưởng tự do pha nhiễm ít nhiều tính chất lãng mạn len vào tâm tư của con người thời đại phá vở nền luân lý chật tinh thần cố chấp và bảo thủ của đa số các sĩ phu Nho giáo bấy giờ.
Ảnh hưởng của nền văn hoá này bắt đầu từ năm 29-30, khi hoạt động của các nhóm này ngày nay (Phong Hoá, Tự Lực Văn Đoàn) đã truyền bá rộng rãi những tư tưởng mới và tiêm nhiễm vào các tầng lớp thanh niên hữu học ở trong tỉnh.
Đối với hạng tân học ở Quảng Trị, ngay trong thế hệ trước, chúng ta còn thấy nề nếp thuần tuý, vì sự dung hoà giữa luân lý cổ truyền và nền tư tưởng khoáng đạt ở Châu Âu đã tạo nên một bản sắc trung hoà, hơn nữa cuộc đấu tranh dân tộc đi sâu vào tư tưởng và văn hoá, với sức tác động của cuộc vận động cách mạng Trung Hoa, Nhật Bản. Tinh thần dân tộc xen lẫn với tinh thần đạo lý và ý thức tự do tạo nên một lớp thức gia chân chính của thời đại và chính tầng lớp này về sau đứng ra tổ chức Hội Phật giáo Việt Nam tại tỉnh nhà.
Đối với thế hệ sau, thế hệ 45-55 mới thật sự có xuống dốc nhất là ở trong tầng lớp thanh niên do ảnh hưởng của ý thức duy vật, khoái lạc do hoàn cảnh chiến tranh gây những đổ vỡ về phương diện tinh thần trong nhân dân.
Quan niệm sống bừa bãi theo chủ thuyết Sartre, qua các phim ảnh kể cả phim ảnh Cowboys làm cho thế hệ thanh niên bắt đầu cuộc sống hưởng lạc sa ngã và tạm bợ.