3.8 Công Cuộc Chấn Hưng Phật Giáo Tại Quảng Trị
Trong bối cảnh văn hoá nói trên, công cuộc chấn hưng phật giáo bắt đầu phát triển. Viễn tưởng tai hại của nền văn hoá Tây phương với tinh thần tự do quá trớn thúc đẩy một số nhân sĩ đứng ra tổ chức Hội Phật giáo.
Tinh thần luân lý Nho giáo “Tam cương, ngũ thường” với khuôn khổ chật hẹp, với ý thức cố chấp bảo thủ cũng không làm cho họ thoả mãn.
Chính đó là nguyên nhân làm cho tầng lớp thức giả nói trên tìm đến phật giáo, một tôn giáo có nền tảng lý thuyết tiến bộ, phù hợp với tinh thần khoa học và sống theo những phương pháp tu trì dựa trên căn bản tâm kinh có hiệu quả thực tế mà không có lý thuyết viễn vong.
Chính nhờ ở những đặc tính mềm dẽo, linh động trên mà Hội Phật giáo ở Quảng Trị đã thu hút được đa số thân hào và nhân sĩ ở trong tỉnh.
Những thành phần đứng ra lãnh đạo công cuộc phật giáo là những công chức cao cấp, thâm hiểu giáo lý Phật đà và muốn truyền bá một tinh thần văn hoá mới dung hoà giữa Đông và Tây, giữ đạo lý cổ truyền với tinh thần văn hoá hiện đại.
Năm 1936, khi tổng Tổng Hội A Nan Phật Học hưởng ứng theo chủ trương cải cách phật giáo của ngài Thái Hư Đại Sư đứng ra tổ chức lại hàng ngũ cư sĩ và tăng già, Tỉnh hội Phật giáo Quảng Trị đã được thành lập.
Đầu tiên cư sĩ Tâm Minh (Lê Đình Thám) tại Huế ra tổ chức một buổi nói chuyện về tôn chỉ và mục đích của Hội A Nan Phật học, cùng với giáo lý của đức Phật tại nhà ông Phan Đạm Thanh phường Đệ Nhất thành phố Quảng Trị.
Cuộc nói chuyện đã gây một tiếng vang vô cùng mạnh mẻ ở trong quần chúng, nhất là đối với giới trí thức tại Quảng Trị. Sau đó, một Ban trị sự lâm thời Tỉnh hội A Nan Phật học được thành lập gồm có quý ông: Phan Đạm Thanh, Nguyễn Trung, Trần Đạo Tế (Án sát tỉnh Quảng Trị) ông Nguyễn Hữu Tùng, Lê Khắc Thái (nhân viên toà sứ) cụ Nguyễn Viết Hiệu (lãnh hình tỉnh Quảng Trị) ông Nguyễn Hữu Cầu (chủ sự Ty bưu điện) và bà Lê Thị Viện tức là bà đại tá EDEL với một số hội viên giúp sức trong đó có các ông Nguyễn Văn Triển, Nguyễn Tế, Hồ Ôn, Đỗ Thị Bửu, Lê Văn Trình là thương gia và kỹ nghệ gia của thành phố Quảng Trị.
Hội viên ban đầu gồm 60 người
Sau khi thành lập Ban trị sự (1936) cơ sở văn phòng, chùa chiền chưa có, Ban trị sự phải mướn ngôi chùa Kim Thạch (Thạch Hãn) để làm lễ và đồng thời có hoà thượng Hải Đức chứng minh Đại đạo sư đầu tiên của Tỉnh hội và thượng toạ Thích Mật Nguyện là một vị giảng sư của Tổng trị sự A NAN Phật học hội ra hướng dẫn hội viên trên bước đường tu học.
Cũng trong năm đó giáo hội Phật giáo Đông Hà thành lập do cụ Trương Đình Tường, Trần Quang Bút, Trần Quang Thái đứng ra điều khiển chi hội. Đó là chi hội đầu tiên của Tỉnh hội Quảng Trị.
Sang năm 1937 Tỉnh hội Quảng Trị được chính thức thành lập do cụ Nguyễn Viết Hiệu làm hội trưởng. Trong thời gian kế tiếp năm 38, 39, 40, cơ sở của hội gồm có:
– Thành phố Quảng Trị : 4 phường
– Chi hội Đông Hà :
– Chi hội Hải Lăng có : Diên Sanh, Văn Quỹ, Câu Nhi, Lương Điền.
– Triệu Phong : Cổ Thành.
– Cam Lộ có chi hội Cam Lộ.
– Gio Linh có chi hội Hà Thượng.
– Vĩnh Linh có chi hội Hồ Xá.
Tuy nhiên số hội viên không được đông đảo, chỉ độ trên 300 người công việc điều hành trực tiếp về Tỉnh Hội.
Bây giờ phong trào đã bắt đầu phát triển, dưới sự hướng dẫn của Thượng Toạ Thích Mật Nguyệt triết lý Phật Giáo đã thấm nhuần tâm trí các hội viên và ảnh hưởng sâu xa trong từng lớp dân chúng từ thôn quê cho tới thành thị. Các buổi lễ cầu An cầu Siêu tại thị xã được nhiều người tham gia trong thiện chí đoàn kết cao cả.
Ngày Phật Đản, ngày Thành Đạo, ngày Xuất gia, được tổ chức rất trọng thể, hội viên tại thị xã lúc này đã lên 300 người.
Cuối năm 1936, làng Cổ Thành thuận nhượng cho Tỉnh Hội một mảnh đất 2 sào 3 thước quanh xích (1000m2) để dựng chùa. Thêm vào đó có một số đất hương hoả họ Hồ (Cổ Thành) cúng dường Tỉnh Hội làm chùa.
Đầu năm 1934 sau khi được phép toà công sứ của Tỉnh Hội được xây dựng do công đức của cụ hội trưởng Nguyễn Viết Hiệu và bà đại tá Edel, Ngài Hoà thượng Hải Đức, có bà tri huyện Gio Linh (Nguyễn Văn Tương) cúng ngôi bửu tượng mít thiếp vàng, thời đại chùa Tỉnh Hội Quán.
Qua năm 1942, ông tham sứ toà công chánh Nguyễn Công Tích được cử làm hội trưởng, công việc đạo tiến hành khả quan, hội viên lên tới 1.000 người.
Đang lúc đó thì cách mạng tháng tám 1945 xảy ra Việt Minh lên nắm chính quyền. Hội Việt Nam Phật Học phải đổi ra Phật Giáo cứu quốc. Nhưng bên trong nội dung cuộc hành đạo vẫn tiến hành theo tôn chỉ của đức Phật “tuỳ duyên bất biến” mặc dầu gặp nhiều cam go.
3.9 Ảnh Hưởng Tinh Thần Văn Hóa
Cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945 quả thật đã làm đảo lộn hẳn nếp sống văn hoá cổ truyền của dân chúng trong tỉnh. Đặc biệt tinh thần học Phật được truyền bá phổ cập với một nhận thức hết sức nông cạn lan ra trong mọi tầng lớp dân chúng, nên được quần chúng nghe theo. Những phần tử này chối bỏ tất cả mọi giá trị siêu việt, cao cả chối bỏ luôn cả lòng tin tưởng ở sự tồn tại thể chất thiêng liêng sau khi thiên địa ngục và ngay cả thuyết linh hồn của thiên chúa, tính triệt để tinh thần tín ngưỡng của các tôn giáo.
Đối với hội Phật giáo nhãn hiệu Phật Giáo cứu quốc để làm chiến trường cho tự do tín ngưỡng của họ nhưng bên trong họ cực lực bài xích, phá hoại nhất là làm lũng đoạn tinh thần của hội viên. Ngay cả sự thờ cúng tổ tiên, kỵ giỗ, lễ bái, cũng bị coi như lạc hậu, dị đoan. Chết là hết chẳng cần gì, thì sự cúng bái trở nên vô ích lạy hỳ hục trước bàn thờ là một việc làm hủ hậu.
Sự thờ cúng tổ tiên còn bị công kích như vậy, huống hồ là công việc tín ngưỡng, cầu kinh niệm Phật đối với họ tin Phật, tin Trời là một việc làm không khác gì tin việc tà ma, bói toán.
Đình chùa bị trưng thu, trưng tập làm nơi hội họp, tượng Phật, lư hương bị đập phá vứt bỏ.
Chính sự đảo lộn cả nền móng tín ngưỡng cổ truyền đó khiến cho một số nhân sĩ, tri thức, phần bị lăng mạ, phần bí chèn ép trong các mục cúng bái đã tỏ ra bất mãn và ngấm ngầm chống đối. Nhưng càng phản đối họ lại càng bị công kích kịch liệt và dĩ nhiên họ bị lép vế bởi cường lực của lý thuyết Duy vật và thế lực chính trị của nhà cầm quyền. Sự chống đối trên phương diện tinh thần mạnh từ đó.
Nhờ vậy mà công việc chấn hưng Phật Giáo trổi dậy mãnh liệt khi hoà bình đã trở lại trong phạm vi của chính quyền quốc gia (miền Nam trước tháng 5 năm 1975)
3.10 Phật Giáo Trong Thời Kỳ Chiến Tranh
Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 3 năm 1945, Pháp chiếm chùa Hội Quán Tỉnh Hội phá hoại tất cả tự khí và khí mãnh của chùa: Bàn ghế, chuông, mõ, kinh kệ, của chùa bị phá làm củi đốt, tượng gổ mít thiếp vàng cũng biến thành tro. Cho đến tháng 7 năm 1947, tình thế tạm yên, nhân dân bắt đầu hồi cư và chính quyền quốc gia được thành lập.
Tỉnh hội Phật giáo lại bắt đầu hoạt động.
Ban đầu nhờ có ông Phan Văn Phúc, tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị và ông Hà Thúc Luyện, tổng thư ký toà Tỉnh trưởng phát tâm kêu gọi các hội viên mới hồi cư gia nhập lại và giúp phương tiện tìm lại tự khí của chùa.
Hồi ấy Ban trị sự Tỉnh hội chưa thành hình. Ông Nguyễn Tăng Mỹ trưởng ty công chánh, Ông Nguyễn Văn Tương phó tỉnh trưởng, ông Hà Thục Luyện cùng một số nhân sĩ, trí thức chung nhau lo công việc chùa dưới hình thức một ban quản trị chùa Phật Giáo tỉnh hội.
Trong lúc này, có ngài Tăng Cang hiệu Tôn Thắng làng Hà Mi huyện Triệu Phong phát tâm trụ trì chùa Hội Quán, mặc dầu chùa bị trống rỗng hoang tàn, kinh kệ thiếu thốn và hội viên chỉ độ 30 người.
Đến năm 1948, một biến cố quan trọng xảy ra.
Hội Phật Giáo Chu Sơn Thuyền Lữ do một tăng cang môn đệ của ngài Hải Đức đứng ra thành lập. Ngài là con thứ 13 của ông Nguyễn Thân, phụ chính đại thần triều đình Huế trong thời Pháp thuộc (nên người ta gọi là thầy mười ba) hội này thành lập ban trị sự tỉnh hội do ông Tôn Thất Dương Thanh và ông Tạ Thúc Khải dẫn đạo.
Về sau, vì hội Phật Giáo Thuyền Lữ không giữ vững chủ trương thuần tuý tôn giáo của hội và giữa cao trào đấu tranh của dân tộc các vị lãnh đạo chỉ muốn giữ vị trí tôn hoằng dương chánh pháp để lợi ích quần sanh, thoa dịu những đau thương của dân tộc hơn là tham gia các công cuộc chính trị, làm lợi khí cho Thực dân nên đã chuyển hướng theo đường lối của hội Việt Nam Phật Học và cụ Nguyễn Tăng Mỹ được mời giữ chức vụ hội trưởng Tỉnh Hội Phật Học Quảng Trị.
Mặc dầu chống đối của hội Chu Sơn Thuyền Lữ, mặc dầu những áp lực, khủng bố dựa thế thực dân, các vị lãnh đạo vẫn giữ vững khí tiết, sáng suốt nhận định đường lối chân chính, khôn khéo tổ chức, cho nên hội viên hội Phật Giáo Chu Sơn Thuyền Lữ dần dần tan rã, trong lúc Hội Việt Nam Phật Học càng ngày càng tiến triển mà hội viên đã lên tới 3.000 người.