3.11 Phật Giáo Sau Đình Chiến
Hiệp định đình chiến GENEVE ký kết. Chính thể Việt Nam Cộng Hoà được xây dựng. Trong thời kỳ này Phật Giáo đứng trước một sự kiện phát triển chưa từng thấy.
Từ con số ba khuôn hội trong năm 1955 mà đến năm 1963 số khuôn hội lên tới trên 200, chia ra làm 6 chi hội và từ số lượng 30 hội viên đến nay đã lên đến 30.000 người.
Chúng ta hãy đi sâu vào sự phát triển lạ lùng ấy. Có 2 động lực:
I/ Căn bản tín ngưỡng cổ truyền bị xâm phạm: Thật ra sự phát triển phong trào Phật giáo của tỉnh nhà chỉ là sự phản ứng tự động chống lại những áp lực thống trị tinh thần đi ngược lại với tín ngưỡng cổ truyền của dân tộc. Chúng ta muốn bảo vệ những di sản tinh thần tôn kính thiêng liêng, tín ngưỡng gia tộc mà chế độ duy vật trước đây đã phá.
II/ Niềm tin tưởng thời đại: phải đặt trên một căn bản khoa học, trong một nhận thức sáng sủa, trong ý thức tự do, con người tự nhận lấy trách nhiệm về mình mà không ỷ lại cầu xin kẻ khác.
Đó chính là 2 động lực tư tưởng đã kích thích sự bộc phát của phong trào Phật Giáo trong Tỉnh.
Sức tác động càng mạnh bao nhiêu thì phản động lực càng mạnh bấy nhiêu, cho nên sự phát triển lớn mạnh hôm nay phải là sự tất yếu của hoàn cảnh, tình hình thực trạng của xã hội đã khai sinh ra nó.
Đó là đặc điểm phát triển của phong trào Phật Giáo Tỉnh nhà, một sự phát triển vượt ra ngoài ý muốn của những nhà lãnh đạo Phật Giáo thời bấy giờ.
Từ năm 1950 đến năm 1963 các vị sau đây được lần lượt giữ chức vụ hội trưởng:
– Cụ Phan Uýnh từ năm 1954 đến 1955.
– Cụ Lê Chí Khiêm từ năm 1955 đến năm 1957.
– Thầy Thích Đức Minh từ năm 1957 đến năm 1961.
– Cụ Nguyễn Văn Triển từ năm 1961đến năm 1963.
Về phía các Tăng già phục vụ cho hội: Trụ trì tại chùa Tỉnh hội ta thấy có quý ngài Thích Ân Cần (Trà Lộc) thầy Thủ Tú (Bích Khê), thầy Thích Lương Bật (Trung Kiên).
Lần lượt chùa hội quán được kiến trúc thêm, văn phòng, giảng đường, trường Trung học Bồ Đề..v..v..
Trong các hoạt động lịch sử đáng kể có cuộc cung nghinh ngọc Xá Lợi vào năm 1955 mà quần chúng hội viên và tín đồ trong tỉnh về dự lễ đông kể hàng vạn người đứng chật cả các đường trong thị xã và lan đến Long Hưng, ngoại ô Quảng Trị.
Từ năm 1964 trở đi, phong trào tuần tự tiến phát, cơ sở của hội lan ra, khắp trong cùng ngõ hẻm, từ nơi thâm sơn cùng cốc như Hướng Hoá, Ba Lòng đến các vùng biển xa xôi như Cát Sơn, Thuận Đầu..v..v…
3.12 Vài Nét Đối Chiếu
Để minh thuyết tinh thần kích động của Tỉnh hội Phật Giáo Quảng Trị kể từ sau biến cố Thuyền Lữ, chúng ta thử đặt lại một đoạn trong bài diễn văn đọc trước Đại hội đồng bằng những câu mở đầu rất tha thiết, đạo vị:
“Hôm nay là đại hội thường niên của Việt Nam Phật Học Tỉnh Hội Quảng Trị, trước khi trình bày Phật sự trong năm 1962 này, tôi xin có mấy lời trân trọng cảm ơn quý vị đạo hửu và ban trị sự năm nay cũng như mấy năm trước đã hết lòng giúp sức với chúng tôi trong những lúc phụng hành Phật sự.
Một năm lại có một ngày gần nhau tại giảng đường này không phải là không có nhân duyên tiền định, vì tất cả chúng ta đồng tâm hiệp lực dắt nhau trên đường đạo mục đích là chỉ bày cho một thứ hạnh phúc vĩnh cửu.
Chúng ta đã và đang đi tìm hạnh phúc đó, nhưng càng tìm càng thấy xa dần. Hạnh phúc có khắp tất cả không xa chúng ta, nhưng chúng ta mù quáng, vì tham đắm vì vị kỷ nên chúng ta không tìm thấy hạnh phúc. Nên mỗi con người chúng ta lòng tham, trí mê muội tiêu diệt thì hạnh phúc hiện ra.
Cách ngôn có câu rằng: Người nhặt hạnh phúc chính là người sai khiến được sự mê muội của mình.
Phần đông nhân loại ngộ nhận giá trị hạnh phúc là những hào nhoáng nhất thời, do lòng vị kỷ đem lại. Giàu sang suy tưởng, vật chất đầy đủ gọi là hạnh phúc, ngờ đâu trong đó núp nhiều sự đau khổ, phiền não, bị màn vô hình che đậy nên vọng tưởng là hạnh phúc sung sướng.
Trên đường đời hạnh phúc mà ta nhận thấy đều là giả dối là thất thật. Nên chúng ta cố gắng tìm nó trên đường tu. Tu là cội phúc. Muốn tìm hạnh phúc phải rong ruổi trên đường đạo.
Đạo phật tuỳ cảnh ngộ của con người, giúp cho con người xây tạo hạnh phúc. Đó là lẽ tất nhiên mà không một người nào phủ nhận.
Muốn hạnh phúc thì phải tự phục, cũng như muốn ăn một trái ngọt thì phải gieo giống trái ngọt. Tự nhục là bước đầu tiên của một người tìm hạnh phúc từ bên đường đời bước qua nẽo đạo để tìm chân hạnh phúc, là điều kiện rất quan trọng mà mọi người tu cần phải có, trước khi rão bước trên con đường trí tuệ.
Phải mở rộng lòng thương để tôn trọng sự sống.
Phải trì giới để phát ĐỊNH HUỆ.
Phải bố trí để giúp đỡ kẻ khó trong hoàn cảnh đau thương.
Phải hỷ xả để dũng tiến trên con đường đạo.
Đối với Phật sự cũng như các việc từ thiện, chớ nài công lao và cúng dường bón xén. Xa lìa tham lam dục vọng vị kỷ, không nên để vật chất lôi cuốn vào cuộc đời bê tha, vì chân hạnh phúc không khi nào đến với lòng chật hẹp.
…… Trích diển văn đọc trong Đại Hội.”
Trong hoàn cảnh chiến tranh mà xã hội đầy rẩy những ác ý, những thủ đoạn và âm mưu, tiếng tiền tài danh vọng che lấp tình thương, tiếng hận thù là khủng bố nhiều hơn là tiếng an ủi, mà hội Phật Giáo chúng ta lại nói lên tiếng nói từ bi, hỷ xả, lại kêu gọi tình thương hơn là hờn ghét, thật là một dòng nước Cam Lồ tưới vào cái xã hội còn lao mình trong đấu tranh, chém giết, bạo tàn.
Tính chất đại hội đã hướng trọng tâm vào sự xây dựng bản thân hiện hữu. Kiên định lập trường của Hội để đối phó với tình trạng phức tạp bên ngoài.
Mười năm sau năm 1963, cũng trong bài diển văn khai mạc, cụ Hội trưởng Nguyễn Văn Triết đã trình bày.
Tình hình Phật sự của Tỉnh nhà đã nêu lên bản sắc của một phong trào quần chúng phổ cập và rộng lớn, hội viên lên đến hàng vạn, cơ sở của hội có đến 200 khuông hội rải rác khắp hang cùng ngõ hẹp. Tính chất rộng lớn và có đòi hỏi các cơ quan chỉ đạo mạnh mẽ, một sự điều hành hiệu lực và một chương trình hoạt động tương xứng với tổ chức và thanh danh của Hội.
Chắc quý vị cũng nhận thức rằng, một khi tôn chỉ của Hội được phổ cập, thực lực của Hội càng mạnh mẽ, thì hoạt động của Hội phải đạt đến một tầm kích xa rộng hơn.
Là tập đoàn cư sĩ của hội Phật Giáo Việt Nam, theo tôn chỉ Đại thừa, tinh thần hoạt động bao gồm hai lĩnh vực song hành đối chiếu “Tự giác giác tha” “Tự độ độ tha” và với sự hỗ trợ của mọi tầng lớp hội viên đông đảo, đáng lý ra mọi hoạt động của Hội phải thông suốt đến các đơn vị căn bản, từ các Phật sự có tính cách tự giác tự độ (học hỏi giáo lý thực hành giáo pháp) đến các việc có tính cách lợi tha (công tác từ thiện, xã hội văn hoá, giáo dục..) Nhưng ngặt nổi hoạt động của Tỉnh Trị Sự chưa thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ.
Đoạn diễn văn trên đây đã phản chiếu rõ rệt tình hình hiện tại của Hội, nêu lên thực chất lãnh đạo của một tổ chức rộng lớn, bao quát trên mọi lĩnh vực và hơn nửa đường lối hoạt động không đơn thuần hướng nội như trước mà đã có tính chất hướng ngoại xây dựng lề lối làm việc để phát triển sâu rộng cơ sở vào đại chúng nhân dân, giải quyết những nhu cầu thăng tiến tất nhiên của một phong trào rộng lớn.
Sự đối chiếu trên đây đem lại một nhận thức rõ rệt về sự trưởng thành của tỉnh hội Phật Giáo Quảng Trị và nhìn sâu vào đường lối tinh thần, chúng ta thấy, sau cũng như trước, tinh thần của tổ chức vẫn bất di bất dịch.
Đoạn văn sau đây vẫn là tiếng nói của thời đại chúng ta:
“Hai mươi năm nay hội Phật Học ra đời đã đào tạo biết bao nhiêu Phật tử Minh Tâm Kiến Tánh thấy đường hạnh phúc. Chúng ta mau kín theo dõi, tiến bước theo cho kịp. Cả cuộc đời là giấc mộng, nếu kiếp này chậm bước thì sao cho khỏi hối hận về kiếp sau. Đã chú tâm học đạo thì phải vứt bỏ việc đời, giết quỷ sân si, trừ ma tham đắm, phát tâm cúng dường, vui lòng bố thí, mở tâm thương đời, đời với ta là một, ta với đời là hai….”.