NĂM 1958:
Năm nay, đại hội triệu tập vào dịp tết Nguyên Đán tại chùa Diên Thọ, trong lúc một số ban viên Ban hướng dẫn lên đường đi quân dịch và một số khác thuyên chuyển:
- Anh Nguyễn Văn Châu nhập ngũ.
- Anh Nguyễn Duy Phùng đổi đi Peleiku.
- Anh Nguyễn Ga thuyên chuyển vào Huế.
Vì vậy Ban Hướng Dẫn được tổ hợp thêm những thành phần mới, chức vị Trưởng ban nằm vào tay một vị phó Hội trưởng, tóc tuy đã bạc nhưng khí lực và tâm huyết còn rất thanh niên: Bác Nguyễn Đình Trác.
Thành phần Ban hướng dẫn năm nay gồm có:
- Trưởng ban Bác Nguyễn Đình Trác.
- Phó trưởng ban anh Phan Văn Minh.
- Phó trưởng ban phụ trách Ngành Nữ chị Phạm Thị Na.
- Đặc uỷ quận Nam anh Tư Đồ Minh.
- Đặc uỷ quận Bắc anh Trần Quang Toản.
- Đặc uỷ quận Đông anh Nguyễn Khắc Uỷ.
- Thư ký anh Phan Văn Minh.
- Phó thư ký anh Lê Quang Trung.
- Thủ quỹ Chị Phan Thị Bích Nhuận.
- Văn nghệ anh Nguyễn Công Tý.
Mở đầu nhiệm kỳ, bác Trưởng ban tổ chức ngay một trại huấn luyện để cung cấp Huynh trưởng cho các GĐPT mới thành lập và bổ sung Huynh trưởng đi quân dịch.
Trại này tổ chức từ ngày 20 đến ngày tháng 4 năm 1958 tại Long Hưng do anh Tư Đồ Minh làm Trại trưởng đã huấn luyện 144 trại sinh đáp ứng được một phần nhu cầu để phát triển và cũng cố phong trào GĐPT trong Tỉnh.
Tiếp theo đó một khoá huấn luyện Phật Pháp cấp Trung Thiện được mở để trau dồi giáo lý cho Huynh trưởng.
Trại bắt đầu từ ngày 11 đến ngày 15 tháng 8 do thầy Thiện Châu phụ trách phần giáo lý. Ngoài ra trong chương trình còn bổ túc thêm phần hoạt động thanh niên tạo nề nếp sinh hoạt và điều khiển cho Huynh trưởng.
Vào năm 1958 đợt xếp cấp Huynh trưởng được Tổng Hội ban hành. Trong đợt này có 2 Huynh trưởng được xếp vào cấp Tín.
- Anh Phan Văn Minh.
- Chị Tôn Nữ Thị Phố.
Và 35 huynh trưởng được xếp cấp Dự Tập.
Phong trào GĐPT cũng được phát triển mạnh.
Các GĐPT sau đây được thành lập thêm: Bích La Trung, Việt Yên, Vân Tường, Phú Áng, Linh An, An Trú, An Lưu, Phú Kinh, An Thơ, Hưng Nhơn, Xuân Lâm, Thượng Xá, Cổ Luỷ, Như Lệ, Tích Tường, Quy Thiện, Cam Mai, An Bình, Định Xá, Phú Ngạn, Cẩm Thạch, Lệ Môn, Hà Thượng, Trung An, gồm 24 GĐ.
Nhiệm kỳ Ban hướng dẫn được kết thúc vào tháng 4 năm 1959 trong một đại hội Huynh trưởng họp tại chùa Tỉnh hội với 200 đại biểu đại diện cho 150 GĐ trong Tỉnh đặt dưới quyền chủ toạ của thầy Thích Đức Minh chánh Hội Trưởng Tỉnh hội Phật Giáo Quảng Trị.
Tại Đại Hội này các Huynh trưởng đại biểu đều ghi lại một cảm tưởng tốt đẹp đối với bác Trưởng ban hướng dẫn.
Với giọng đầy cảm xúc, bác đọc một bài diễn văn, nêu lên tình trạng suy nhược của Ban hướng dẫn, thực trạng Huynh trưởng của GĐ mà một vài hiện tượng phản bội, vì danh vọng vì tình ái, hoặc vì bất mãn gây ra những ảnh hưởng không tốt đến thanh danh GĐPT.
Mái tóc bạc phơ, vẽ nghiêm trang trong bộ đồng phục và lòng nhiệt thành biểu lộ qua thái độ của người đọc diễn văn đã tác động sâu xa vào tinh thành đại hội. Một sinh lực mới được phát động, một ý thức phục vụ mới được khởi dậy.
Đại Hội đã cử lại thành phần một Ban hướng dẫn trẻ trung hơn nhưng không thiếu tính cách dung hoà:
- Cố vấn: Nguyễn Đình Trác.
- Trưởng ban: Nguyễn Đức Cự.
- Phó trưởng ban: Phan Văn Minh.
- Phó trưởng ban phụ trách ngành Nữ: Chị Tôn Nữ Thị Phố.
– Thư ký: Anh Nguyễn Lam.
- Phó Thư ký: Đoàn Đình Phúng.
- Thủ quỹ: Lữ Thượng Công.
- Đặc uỷ quận Nam phụ trách Nam Phật Tử anh Tư Đồ Minh.
- Đặc uỷ quận Bắc anh Trần Quang Toản.
- Đặc uỷ quận Đông anh Nguyễn Khắc Uỷ.
- Đặc uỷ quận Trung phụ trách Thiếu niên: Nguyễn Văn Châu.
- Ban viên thiếu nữ: chị Võ Thị Lê, Phan Thị Bích Nhuận.
- Ban viên Oanh Vũ Nữ: Phạm Thị Na, Nguyễn Thị Từ Thanh.
- Ban viên tổ chức Trần Đình Trác, Trần Công Tý, Tăng Thế Đinh, Nguyễn Ái, Lữ Thượng Công.
Đại Hội này đã quyết định tổ chức trại họp bạn ngành tHiếu toàn Tỉnh vào dịp Đản sanh 2503 tại bãi Nhan Biều, tả ngạn bờ sông Thạch Hãn.
Trại này đã tập hợp trên 5000 trại sinh và Huynh trưởng GĐPT trong Tỉnh (và ước độ 400 Oanh Vũ Nam Nữ tham dự trại).
Trại đã diễu hành trong buổi lễ đi rước ánh sáng và biểu dương được lực lượng hùng hậu cũng như tinh thần kỷ luật của đoàn sinh GĐPT.
Sau cuộc đại trại trên, một trại huấn luyện bổ túc Phật Pháp cho Nữ Huynh trưởng được tổ chức do các Ni Cô phụ trách. 87 trại sinh tham dự khoá học được cấp chứng chỉ sau ngày mãn khoá.
Cuối năm 1959 Đại Hội Huynh trưởng các quận được tổ chức liên tiếp theo chủ trương chung của Ban hướng dẫn.
Đây là một đặc điểm đánh dấu sự chuyển hướng về tình hình điều khiển của GĐPT.
Số lượng đơn vị phát triển quá nhiều, khả năng tổ chức của Ban hướng dẫn không thể quán triệt đến hạ tầng cơ sở nên không phân phối quyền hạn, hơn nữa vì hoàn cảnh nhân văn địa lý mà các địa phương còn mang nhiều sắc thái khác biệt, cần phải phát huy sáng kiến điều khiển dựa theo tính chất địa phương mới có thể thúc đẩy được đà tiến chung. Bởi vậy đại hội Huynh trưởng 3 quận Nam, Bắc, Đông (Hải Lăng, Cam Lộ, Gio Linh, Triệu Phong) được tổ chức tại Diên Sanh, Cổ Thành và Đông Hà để sắp đặt lại cơ cấu điều khiển của các quận.
Về tình hình bản tường tình của đại hội Huynh trưởng quận Triệu Phong đã nêu lên những nét khá điển hình:
“Lề lối sinh hoạt của GĐPT quận Đông (Triệu Phong) là một lề lối sinh hoạt hổn hợp, hổn hợp giữa các lứa tuổi và tâm trạng. Trong các vai trò của Huynh trưởng, dường như chỉ có chức vụ Liên Đoàn Trưởng là thực sự nắm quyền điều khiển, còn các chức vụ khác, chỉ là hư vị và thụ động.
Chưa có gia đình nào xây dựng một Đoàn tự trị chưa có một Huynh trưởng ý thức nổi trách vụ và thẩm quyền riêng đối với đoàn sinh của đoàn mình.
Chính vì vậy mà tinh thần sinh hoạt hầu như bế tắc, mặc dầu đoàn sinh vẫn có mặt thường xuyên trong các phiên họp.
Thời gian sinh hoạt của các Gia đình phần nhiều đặt vào buổi tối, tối 14 và tối 30 mỗi tháng. Một số gia đình sinh hoạt hàng tuần, như cũng đặt và ban đêm và cũng không thoát khỏi tình trạng hổn hợp nói trên.
Sự sinh hoạt về đêm tạo thành một tập quán khó lòng thay đổi. Hầu hết những đoàn sinh đều là những thành phần sản xuất, kể từ một em bé lên 10 tuổi.
Vì vậy mà trải qua mấy năm thành lập các gia đình, chưa tạo một mức tiến đáng kể về phương diện trí thức và khả năng hoạt động. các môn học như hoạt động thanh niên, cứu thương, nữ công gia chánh chẳng có thể giảng dạy được.”
Về tinh thần tổ chức bản tường trình cũng đã đề cập đến những nhận xét căn bản và toàn diện:
Tổ chức của các gia đình cũng chưa áp dụng nhất chí theo đúng nội quy quy chế. Các Đội Chúng thưởng vượt lên trên số lượng đã quy định thưởng từ 10 đến 12 em hay hơn nữa. Về Oanh Vũ thì sự tổ chức cũng như bên Thiếu Niên, Thiếu Nữ, danh từ Đàn cũng chưa được biết đến. Về nam nữ Phật Tử thì lấy theo thần phần tuổi tác tổ chức vào đoàn hơn là kết hợp theo trình độ tu học.
Tình trạng này chỉ có thể giải quyết bằng cách đặt chương trình ngành Thiếu rút lại thành chương trình bổ túc cho nam nữ Phật Tử, vì đương nhiên không thể gọi họ là Thiếu Niên khi thể chất, tâm lý, tuổi tác của họ không ở trong giai đoạn thiếu thời nữa.
Về tình hình giáo dục, bản tường trình này cũng đề cập đến:
“Tinh thần giáo dục của chúng ta cũng chưa thể thiết lập được trên những yếu tố tâm lý sinh lý của tuổi trẻ. Huynh trưởng chưa ý thức được vấn đề này.
Trong những giờ Phật Pháp, trong những trò chơi, chúng ta không dựa vào trình độ và sở thích của các em để mà hướng dẫn. Đối với Oanh Vũ, chúng ta cho các em học quá nhiều (có em đã học qua chương trình Sơ Thiện trong lúc tinh thần giáo dục Oanh Vũ chỉ cô đọng trong chữ “Ngoan” và phương châm của các em là “Hoà Tin Vui”.
Phương châm này chỉ đòi hỏi Huynh trưởng tập cho các em sống trong tổ chức chứ không đòi hỏi gì hơn. Tuổi của Oanh Vũ làm sao hiểu được những tư tưởng về triết lý nhân sinh ngay trong phần căn bản và thấy nhất của “ngành Thiếu”là “Hướng Thiện” (kinh sám hối chẳng hạn).
Đối với ngành Thiếu sự giáo dục của chúng ta cũng thiếu phần căn bản, đoàn sinh của chúng ta học như học vẹt. Thậm chí trong kỳ thi Hướng Thiện vừa qua nhiều đoàn sinh chỉ biết chép y nguyên văn.
Sự hiểu biết như vậy phỏng có ích gì cho đời sống.
Điều căn bản và quan trọng nhất trong ngành Thiếu là 3 phương châm, 5 hạnh và 5 điều luật của thiếu niên cũng học trên triết lý mà không ứng dụng vào trong thực hành thành thử tác dụng giáo dục của GĐPT cũng không thể hiện nổi.”
Những phần tường trình trên đây nêu rõ rệt tính chất và hiện trạng của tình hình phong trào chung cho GĐPT trong Tỉnh. Tìm hiểu nguyên nhân, chúng ta hãy nhìn vào chủ trương và đường lối xây dựng của các Ban hướng dẫn trong những năm sau đối với những khuyết điểm căn bản của một phong trào rộng lớn như vậy không phải ngày một ngày hai mà bổ cứu được. Hơn nửa, hoàn cảnh trong và ngoài còn có nhiều yếu tố chằng chịt cần phải giải quyết theo từng bước một.
Nhưng nhìn theo chiều nổi, phong trào vẫn lan ra nhanh chóng:
“Song song với phát triển của phong trào Phật Giáo tỉnh nhà, các GĐPT quận Triệu Phong vẫn phát triển theo một tốc độ nhanh chóng lạ lùng nhưng cũng nhịp nhàng trong một thắng thế đều đặn.
Năm 1955 có 2 Gia Đình.
1956 có 12 Gia Đình.
1957 có 24 Gia Đình.
1963 có 32 Gia Đình.
1969 có 42 Gia Đình.
Hiện tượng phát triển này không phải điển tiến theo quy luật bộc phát, nhất thời, nhưng nó dần dà tuần tự theo sự chuyển hướng lặng lẽ của tinh thần dân chúng, của ý thức giác ngộ sâu kín nhất của tâm hồn.
Đặc điểm của sự phát triển ấy là sức phản ứng tự động chống lại tinh thần Duy vật của chế độ trước, chống lại ách thống trị độc tài về tư tưởng tôn giáo, có thể nói là sự trở về với tín ngưỡng đạo lý, giáo sản cổ truyền.
Trong nhịp triều phát triển GĐPT là một tổ chức được đặt những cơ sở vững chải hơn hết so với bất kỳ tổ chức nào, biểu hiện một lý tưởng tiến bộ hơn hết: Ở đây phần triết thuyết, phần ý nghĩa sự sống được đặt nặng hơn phần lễ bái cầu khẩn, vì vậy nên ít thấy dấu vết của sự mê tín và cũng ít thấy những hành vi hủ hoá, trụy lạc, mặc dầu họ là những con người tuổi trẻ tuổi bồng bột say mê…”
Những lời lẽ trên đây đã làm sáng tỏ tình hình và đặt ra một đường lối xây dựng sáng suốt, dựa theo thực tế hoàn cảnh.
Nêu lên đường lối quy định phương hướng hoạt động, nhìn rõ những khuyết điểm để khắc phục. Đó chính là yếu tố phát triển cho phong trào GĐPT về sau.
Năm 1959, thành lập thêm các GĐPT: An Lộng, Duy Hoà, Hà Xá, Phước Mỹ, Mai Đàn, Cu Hoan, Ba Du, Đa Nghi, Mỹ Thuỷ, Thầm Khê, Hoàn Cát, Trúc Kinh, Lâm Lang, Đình Tổ, Mai Thị, Diêm Hà Trung.