Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Chương III – Cuộc đấu tranh cho 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ Quảng Trị & Sự tham gia của đoàn viên GĐPT tại Quảng Trị

TINH THẦN ĐẤU TRANH CHO 5 NGUYỆN VỌNG

Tinh thần đấu tranh cho 5 nguyện vọng đã ươm mầm Trại họp bạn Tất Đạt Đa, từ ảnh hưởng sâu xa của lễ truy điệu cử hành tại Trại họp bạn.

Đối với buổi lễ, trong phạm vi thuần tuý của một lễ cầu siêu để cầu nguyện cho anh linh kẻ quá cố, Ban Hướng Dẫn nghĩ không phải thông qua Ban trị sự Tỉnh hội.

Tuy vậy, trước dư luận xôn xao, Ban trị sự cũng nhận thấy có một sự gì khác thường. Vào khoảng 20 giờ, Đạo hữu Hội trưởng cùng đi với Đ/h Phó Hội trưởng đến trại để thăm hỏi tình hình. Vừa đến gặp mặt đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn thì trên máy phóng thanh đã tuyên bố khai mạc lễ truy điệu. Đạo hữu Hội trưởng chỉ kịp căn dặn Đạo hữu Trưởng ban nên dè dặt chờ đợi lệnh của Tổng Trị Sự.

Nhưng dẫu sao, tinh thần đấu tranh như mặc nhiên được phát động, mà tuy không nói ra, ai cũng hiểu biết đến đối tượng của cuộc tranh đấu này, cuộc đấu tranh bảo vệ cho giá trị thiêng liêng của Đạo kỳ Phật giáo.

Ba ngày sau lễ bế mạc trại, nhưng bản tuyên ngôn chính thức công bố lập trường và phương pháp đấu tranh mới được chính thức ban hành tại Quảng Trị.

Những bản tuyên ngôn của Tổng trị sự được lẽ tẻ mang về chùa Tỉnh Hội quán, nhưng vẫn chưa có một chỉ thị chính thức nào của Tổng trị sự, ngoài bức điện tín sau đây:

“PHẬT GIÁO ĐÃ VÀ ĐANG CÔNG KHAI TRANH ĐẤU CHO TỰ DO TÍN NGƯỠNG. CÁC TỈNH HỘI TUYỆT ĐỐI BÌNH TĨNH VÀ CHỜ ĐỢI CHỈ THỊ 44”

Những bản tuyên ngôn này bị cấm lưu hành. Chính quyền cho cảnh sát viên lục soát khách bộ hành tịch thu tất cả các tài liệu vận động từ Huế mang ra.

Mặt khác, để ngăn chặn mọi sự phổ biến tài liệu đấu tranh, Tỉnh toà Hành chánh Quảng Trị ra một văn thư cấm dân chúng lưu hành các tài liệu chưa được sự kiểm duyệt của Chánh Phủ. Những sự bắt bớ tra xét, khủng bố gây phản ứng mãnh liệt trong các giới Phật tử.

Tỉnh Trị Sự vẫn dè dặt chờ đợi và chỉ thị cho các khuôn không được tự động nếu không có chủ trương của Tỉnh Trị Sự. Chính vì văn thư này mà Ty thông tin mở một chiến dịch đã kích dữ dội về các tài liệu tự do lưu hành trong Tỉnh của Tổng trị sự, coi như bất hợp pháp đối với Tỉnh hội cũng như đối với chính quyền.

Trước tình trạng đó, Ban Hướng Dẫn tỏ thái độ:

Một mặt, với tính cách hành chánh đương nhiên mà một văn thư của Tổng trị sự đã gửi thẳng tới các ngành liên hệ (Các Tỉnh trị sự, các Gia Đình Phật Tử và Sinh viên Phật tử), Ban Hướng Dẫn không cần phải có văn thư sao đạt của Tỉnh hội cũng có thể thừa hành, Ban Hướng Dẫn cho ấn tất cả các tài liệu đấu tranh: Hiệu triệu, tuyên cáo, tuyên ngôn và chỉ thị về tổ chức lễ cầu siêu trong toàn quốc vào ngày 28-4 Âm lịch.

Đặc biệt trong lễ cầu siêu này, Tổng trị sự chỉ thị phổ biến tuyên ngôn về 5 nguyện vọng và coi như một việc làm có tính cách phát động tinh thần đấu tranh của Tổng trị sự.

Kèm theo các tài liệu này Ban Hướng Dẫn cũng có một văn thư xác nhận ý chí đấu tranh của Ban Hướng Dẫn, kêu gọi sự đoàn kết, đấu tranh và chỉ thị mọi chi tiết cần thiết trong việc tổ chức, nhất là đề phòng các âm mưu phá hoại Phật giáo.

Lưu hành các tài liệu trên, Ban Hướng Dẫn có chủ ý trấn áp các luận điệu xuyên tạc mà ty thông tin đã mở chiến dịch đã phá trước đây.

Ngày 27-4 Âm lịch giảng sư Thích Thiện Bình được Tổng Trị sự phái ra sắp xếp việc tổ chức lễ cầu siêu vào ngày 28-4.

Cuộc họp bất thành vì giữa hai Ban trị sự Tỉnh giáo hội Tăng già và Ban trị sự Tỉnh hội không ai chịu đứng ra đảm nhận trên cương vị pháp lý vị Trưởng ban tổ chức buổi lễ.

Thảo luận và bất đồng ý kiến về tính cách hợp pháp, bất hợp pháp …

Hai ngày sau, Thượng toạ Đôn Hậu mang uỷ nhiệm thư của 2 Tổng trị sự ra tổ chức buổi lễ. Trong uỷ nhiệm thư có nhấn mạnh rằng: Lễ cầu siêu là một hành động có tính cách lịch sử và là hậu thuẩn cho công cuộc đấu tranh công khai hiện tại.

Nhưng thời gian chẳng còn được nhiều để có thể tổ chức rộng rãi vì vậy Thượng toạ chỉ tổ chức tại 2 thị xã Quảng Trị và Đông Hà.

THÁI ĐỘ CỦA CHÍNH QUYỀN VỀ LỄ CẦU SIÊU

Cần nhắc lại thái độ của chính quyền Quảng Trị về lễ cầu siêu này.

Toà đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần, trước yêu sách quyết liệt của Tổng trị sự chấp thuận trong giờ phút cuối cùng. Chính sự khó dễ của Toà Đại biểu Chính phủ tại Trung nguyên Trung phần mà tại Quảng Trị, ông Tỉnh trưởng tìm cách gây khó khăn cho buổi lễ này.

Tại thôn quê, trong một mật điện gửi về các thôn, ông chỉ thị chỉ cho tổ chức lễ cầu siêu thuần tuý mà không cho phổ biến Tuyên ngôn, đọc diễn văn và Hiệu triệu của Tổng trị sự.

Mặt khác, ông còn lưu ý với chính quyền địa phương phải theo dõi các Ban trị sự các Khuôn hội về hoạt động đâu tranh chống chính phủ.

Tại Tỉnh lỵ, với sự lãnh đạo của Thượng toạ Đôn Hậu, chương trình được cử hành đầy đủ, nhưng Toà Hành chánh cũng chứng tỏ đặc biệt lưu ý đến vấn đề tổ chức buổi lễ.

Một cuộc họp song phương được triệu tập giữa Tỉnh hội và các cơ quan an ninh của Chính phủ để quy định phạm vi tổ chức buổi lễ.

Nội dung có các điểm sau đây:

  1. Địa điểm hành lễ trong khuôn viên chùa (ra ngoài chính quyền không chịu bảo vệ an ninh). Nếu có thể nới rộng bằng hình thức gạch vôi, hàng rào danh dự hoặc dây kẽm gai…
  2. Thành phần tham dự: Thị xã và phụ cận. Các hội viên phải sẵn sàng trật tự đem theo quốc kỳ và giáo kỳ (nhỏ hơn) không mang theo biểu ngữ, sau cuộc lễ không được diễu hành.
  3. Biểu ngữ chỉ được trưng tại các địa điểm hành lễ mà thôi.

Cuối cùng, trong biên bản có lưu ý rằng, Tỉnh hội phải đề phòng Cộng sản xen lẫn vào và chịu trách nhiệm hoàn toàn những sự việc xảy ra trong khuôn viên của mình.

Cuộc họp trên đây, tuy với tính cách thiết lập an ninh nhưng Toà Tỉnh trưởng muốn lưu ý tới tình trạng bất bình thường và thật sự là một sự cảnh cáo và đe doạ đối với Phật giáo. Tiếp theo là những sự gay gắt khó dễ làm hoang mang tinh thần Hội hữu.

Ba ngày trước hôm cử hành lễ cầu Siêu (26-4) em Lê Văn Huệ, thư ký văn phòng Ban Hướng Dẫn mang một số tài liệu đi in, vừa đi ra khỏi chùa đã bị bắt giữ.

Đối với chính quyền thì đó là những văn kiện bất hợp pháp: Hiệu Triệu, Tuyên ngôn và 5 nguyện vọng, Tuyên cáo của 5 cấp trị sự giáo hội, thông tư và chỉ thị của Ban Hướng Dẫn… nhưng đối với Phật giáo thì đó là những văn kiện nội bộ của một tổ chức đã được thừa nhận trên pháp lý lưu hành theo hệ thống .

Vì vậy mà Ban trị sự, bắt buộc phải can thiệp với chính quyền.

Một cuộc đụng độ có tính cách pháp lý mà chính quyền phải xử trí:

– Em Lê Văn Huệ đã được tha vì chỉ là một cán bộ thừa hành. Các tài liệu vì chưa được kiểm duyệt nên phải tạm giữ lại.

Thật ra đây chỉ là một việc làm khó dễ cho việc phổ biến các tài liệu đấu tranh của Tổng trị sự trong hành ngũ Phật giáo đồ mà thôi.

Trước thủ đoạn đó Ban Hướng Dẫn không chịu khuất phục. Những tài liệu này được đánh lên giấy sáp khác và cho tức tốc in ra với phương tiện của mình.

Vì vậy, mà chỉ nội trong ngày hôm sau, bao nhiêu tài liệu được lưu hành rộng rãi trong các khuôn hội và chủ trương cử hành lễ cầu Siêu đã về thấu khắp các nơi trong Tỉnh.

Bởi thế mà trong lúc tại Thị xã Quảng Trị hành lễ sáng ngày 28 thì trong lúc đó tại các khuôn hội, các hội viên và GĐPT đã đồng hành lễ tại các Niệm Phật đường với biểu ngữ, Tuyên ngôn, Hiệu triệu được tuyên đọc đầy đủ, ngay cả dưới sự giám sát của chính quyền  địa phương.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ