THÁI ĐỘ CÁC GIỚI PHẬT TỬ
Buổi lễ cầu Siêu tại thị xã Quảng Trị và Đông Hà được toàn thể hội viên hưởng ứng nhiệt liệt. Có lẽ đây là cơ hội duy nhất để họ biểu lộ thái độ và lập trường của họ đối với tổng hội Phật giáo.
Buổi lễ đã gây nên một thái độ căm phẫn, một sự uất ức khôn tả đối với việc làm của chính phủ. Qua những Tuyên ngôn, Hiệu triệu, đến Văn tế, Điếu văn một nỗi chua xót ngậm ngùi len vào tâm hồn mọi người, những dòng nước mắt nóng hổi, những tiếng nấc nghẹn tắc ở cổ họng…
Các Huynh trưởng GĐPT trong Thị xã đã phục vụ tích cực buổi lễ, đặc biệt phụ trách về trật tự và an ninh trong một hoàn cảnh mà những sự phá hoại đều có thể ngăn trước được.
Và sau buổi lễ này, tinh thần đấu tranh đã lan rộng ra khắp mọi nơi, chính quyền mới bắt đầu những cuộc học tập dân chúng để đã phá tinh thần đấu tranh của Phật giáo đồ.
Các bản tài liệu nhận định xuyên tạc của phong trào cách mạng quốc gia, của tỉnh bộ Thừa Thiên được chính quyền cho phổ biến. Những vu khống, xuyên tạc, được tung ra để đàn áp phong trào đấu tranh đang phát khởi.
Nhưng các sự kiện đã quá rõ rệt và càng phổ biến che đầy, sự việc càng hiện ra lộ liễu hơn qua những thắc mắc tinh vi của Phật giáo đồ (về công điện cấm treo cờ Phật giáo, về cái chết của các Phật tử mà họ muốn đổ trách nhiệm lại cho Việt cộng…)
Vì thế mà những luận điệu của chính quyền đưa ra học tập chỉ tố cáo trên sự giả dối của chính phủ và càng giúp thêm điều kiện cho tinh thần đấu tranh bộc phát.
GIAI ĐOẠN II – ĐẤU TRANH THỰC SỰ…
Cuộc tiếp kiến của phái đoàn Phật giáo do Thượng Toạ Thiện Hoa cầm đầu với tổng thống Ngô Đình Diệm không làm thoả mãn nguyện vọng của Phật giáo miền Trung, không được xác định bằng văn minh và chỉ là những hứa hẹn suông, hơn nữa lại phủ nhận trách nhiệm về sự sát hại ở Huế, một sự sát hại quá công khai nên các vị lãnh đạo Phật giáo miền Trung nhất quyết đòi hỏi.
Một phái đoàn do Thượng toạ Đôn Hậu và Thượng toạ Mật Nguyện vào Sài Gòn liên lạc với Tổng hội Phật giáo VN và đến tiếp kiến Ngô Tổng thống nhưng không được Tổng thống nhìn nhận.
Nguyện vọng chính đáng của Phật tử miền Trung không được đếm xỉa. Với ý chí đấu tranh cương quyết, HT Hội chủ chỉ thị cho các cấp lãnh đạo Phật giáo tuyệt thực.
Trước tình thế đó, Phật tử Quảng Trị thấy không thể ngồi yên, nhất là Ban Hướng Dẫn mà ý thức phụng sự trong tinh thần Hỷ – Xả thúc dục họ hành động.
Sau một cuộc họp toàn ban để minh xác thái độ đấu tranh (cuộc họp có ghi vào biên bản). Ban Hướng Dẫn đề đạt đến văn phòng 5 cấp trị sự một văn thư với nội dung: “Trước cao trào đấu tranh của Phật tử toàn quốc, chúng con, Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Trị, với tinh thần trách nhiệm của Huynh trưởng tự thấy cần phải hoạt động để góp sức trong phạm vi của mình vào công cuộc đấu tranh chung của Phật giáo đồ.
Nhưng trong trường hợp của Tỉnh hội Quảng Trị chúng con tự thấy vô vị, không thể hoạt động gì Phật sự trọng đại đó vì lẽ: Ban trị sự Tỉnh hội mãi chờ đợi chỉ thị chính thức của tổng trị sự mà không có một chủ trương hay hoạt động gì để hướng dẫn và cũng cố tinh thần hội viên, không có một văn kiện nào liên quan đến sự tranh đấu nên hội viên coi như bị bưng bít hoàn toàn, trong lúc đó các đoàn thể ở ngoài tung ra những tài liệu xuyên tạc, những chủ trương chống đối và một đôi nơi có những nhóm người đã rục rịch chuẩn bị những cuộc biểu tình chống đối Phật giáo.
Bởi vậy, chúng con thành kính đạo đạt thư này kính xin Tổng trị sự khai mở cho chúng con những điều kiện Pháp lý để hoạt động hoặc chỉ thị cho Tỉnh Trị sự những công việc phải làm, hoặc chỉ thị cho Ban Hướng Dẫn Trung Phần ban hành các chủ trương theo hệ thống để Ban Hướng Dẫn chúng con có đủ tư cách pháp lý và hoạt động hữu hiệu…” (Văn thư số 146HD/QT ngày 27/5/1963)
Đồng thời đưa vào tinh thần pháp lý hành chánh mà thông bạch số 118 đã chính thức gửi thẳng tới các ban Tỉnh trị sự, GĐPT và sinh viên, Ban Hướng Dẫn đã cho ấn loạt các văn kiện đấu tranh bằng phương tiện riêng của mình:
- Tuyên ngôn về 5 nguyện vọng.
- Tài liệu giải thích các sự việc ở Huế.
- Bản giải thích về 5 nguyện vọng và bản phụ đính tài liệu giải thích.
- Thông bạch số 118 quyết định hình thức các cuộc đấu
Kèm theo các tài liệu này, một chỉ thị riêng của Ban Hướng Dẫn nêu lên nhiệm vụ của GĐPT, các công tác và kế hoạch đấu tranh, bảo vệ an ninh và thái độ xử trí trong những trường hợp bị ngăn chặn, đàn áp.
Sự lưu hành các tài liệu trong thời gian này cực kỳ khó khăn. Công an, mật vụ thường trực bao vây quanh chùa khám xét và tịch thu tất cả các tài liệu do Tỉnh hội ban hành.
Chủ trương của chính quyền là ngăn chặn sự lưu hành các tài liệu để chặn đứng công cuộc đấu tranh của Phật giáo. Nhưng càng ngăn chặn thì phong trào càng tìm cách thoát ra, càng học tập xuyên tạc thì càng khơi thêm tinh thần tìm hiểu, càng ngăn chặn đàn áp thì càng un đúc thêm ý chí đấu tranh. Thành thử việc làm của chính quyền vô tình giúp thêm điều kiện cho phong trào đấu tranh.
Bởi những lý do tiềm tàng trước ấy mà khi Thượng toạ Đôn Hậu ra đảm nhận lãnh đạo phong trào đấu tranh tại Quảng Trị thì điều kiện tinh thần đã chính muồi.
CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Ngày 26/5/1963, Đại đức Trị sự trưởng giáo hội Tăng già và Hội trưởng được văn phòng 5 cấp trị sự mời vào Từ Đàm mật nghị.
Và ngày hôm sau, Thượng tọa Đôn Hậu được đặc cử đại diện văn phòng chỉ đạo 5 cấp trị sự tại Quảng Trị.
Phụ tá Ngài có 2 Thầy Quán Tâm và Minh Đàm.
Công việc đầu tiên của Ngài là triệu tập một cuộc họp giữa 2 ban trị sự Tỉnh giáo hội Tăng già và Ban trị sự Tỉnh hội để thành lập ban chỉ đạo.
Thành phần ban chỉ đạo được đặc cử:
- Đại diện văn phòng 5 cấp Trị sự tại Quảng Trị: Thượng Toạ Đôn Hậu
- Tổng thư ký: Đại Đức Thích Tuệ Hải.
- Phụ tá Kế hoạch: Thầy Minh Đàm – Thầy Quán Tâm.
- Uỷ viên ngoại giao: Đ/h Nguyễn Văn Triển.
- Uỷ viên Tài chánh : Đ/h Hoàng Trọng Thuần
- Uỷ viên trật tự: Đ/h Nguyễn Khắc Uỷ.
Các uỷ ban phụ thuộc các uỷ viên do uỷ viên phụ trách thành lập để điều động công cuộc đấu tranh toàn diện.
Sau khi thành lập xong ban chỉ đạo, những cuộc họp của các Ban trị sự các khuôn hội, của các tiểu ban được triệu tập để bàn kết hoạch tổ chức và phát động đấu tranh.
Tại chùa Tỉnh hội, công việc trật tự được tổ chức một cách khoa học, chu đáo với 2 Ban trị sự chìm và nổi, mỗi ngày đều có những phụ hiệu và mật hiệu riêng để phòng ngừa những sự xen lẫn của những kẻ phá hoại bên ngoài.
Phục vụ cho ban này có trên 150 HT và ĐS điều động theo 5 tiểu ban: 2 trật tự và 1 hoả thực.
Về phát động tinh thần, Thượng toạ Đôn Hậu đã tổ chức 2 cuộc nói chuyện, một giới hạn cho các Ban trị sự các Quận và một cuộc nói chuyện rộng rải cho hội viên các khuôn hội trong Thị xã.
Về phía GĐPT, Đ/h Trưởng Ban Hướng Dẫn cũng đã tổ chức hai cuộc nói chuyện công khai, một cho đoàn GĐPT tại Thị xã và phụ cận và một cho đoàn sinh thôn quê vân tập về chùa Tỉnh hội để tham dự cuộc biểu tình thực sự.
Chúng tôi nêu lên đây luận cứ của đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn:
Đối với vấn đề triệt hạ Phật Giáo kỳ:
Ngoài những điểm căn bản nêu lên trong bản giải thích, Đạo hữu nhấn mạnh về ý nghĩa: “Đối với một tôn giáo nhận thế, nhưng đặc biệt có ý hướng xuất thế mà trên ý hướng đó, không thể phủ nhận tinh thần xuất thế của Phật Giáo đồ. Trong những đại lễ, những ngày vía Phật, phải để cho Phật Giáo đồ sống với ý hướng xuất thế, gạt bỏ tâm niệm và ảnh hưởng thế gian để hoàn toàn hiến dâng cho đạo niệm giải thoát. Đó là quyền tự do tín ngưỡng, quyền làm người và được làm người, hiểu theo phương thức hành trả của PG mặc dầu phương thức này chưa được pháp lý thế gian nhìn nhận”.
Đó là quyền hạn được minh định trong Hiến pháp mà không ai có thể ngăn chặn chúng ta đòi hỏi.
Vấn đề thượng Giáo kỳ được đặt ra trong ý niệm của chúng ta, một ý niệm được thoát thai từ tinh thần đạo pháp, từ ý thức về quyền hạn tự do tín ngưỡng của con người.
Có những điều mà tập quán của những tôn giáo nhập thế thừa nhận, có những điều mà luật pháp của nhiều quốc gia nhìn nhận nhưng xét không phù hợp với đời sống tư tưởng của Phật tử, trở ngại cho việc hành trì đạo pháp của chúng ta, thì chúng ta với quyền hạn tự do tín ngưỡng phải có của một con người, chúng ta phải gạt bỏ phải đòi hỏi, miễn là không vi phạm đến quyền tự do căn bản của người khác, không vi phạm đến trật tự đương nhiên của xã hội.
Đó là tính cách hợp lý của nguyện vọng chúng ta.
Đối với vấn đề bình đẳng tôn giáo:
Đối với Thiên Chúa giáo, không thể đặt họ vào vị trí ưu tiên viện lẽ là một tôn giáo quốc tế có một cơ cấu truyền giáo mạnh mẽ uy quyền để được hưởng một quy chế biệt lập.
Phải nhìn nhận ở giá trị tinh thần, ở tính cách khoa học và hiệu lực giáo hóa của tôn giáo đó trong xã hội.
Đừng nhìn tôn giáo theo quan điểm chính trị, đừng liên hệ lý thuyết tôn giáo qua lý thuyết chính trị, nhất là một tôn giáo từ xưa không tự liên hệ mình với chính trị như Phật Giáo, mà chỉ nhận xét Phật Giáo qua ý thức hệ thuần túy tôn giáo.
Và Phật Giáo đòi hỏi bình đẳng tôn giáo đứng trên quan điểm này.
Đó là điểm dị động giữa Phật giáo và Chính phủ.
Đối với vấn đề tự do truyền giáo và chấm dứt bắt bớ:
Vấn đề tự do truyền giáo, hành giáo, nói về phương diện lý thuyết tức là hủy bỏ các thủ tục pháp lý phiền phức trong các cuộc hội họp tôn giáo, hay tự xuyên tạc các cuộc hội họp tôn giáo và mục đích chính trị, rằng buộc, kiềm chế việc phát triển cơ sở tôn giáo và về mặt thực tiển xã hội, phá bỏ những tệ nạn lợi dụng chức vị cầm quyền của những kẻ thiên kiến để ngấm ngầm đe dọa Phật Tử, một tình trạng rất phổ biến ở Tỉnh nhà.
Đối với vấn đề bồi thường và truy tố kẻ giết hại Phật Tử tại đài phát thanh Huế:
Vấn đề này, trên phương diện tinh thần, chúng ta đòi hỏi chính quyền phải nhìn nhận và chịu trách nhiệm về hành vi sát hại của cán bộ chính phủ. Chúng không đòi hỏi phải hà khắc xử trí mà chỉ đòi hỏi không che dấu đổ lổi cho kẻ khác trong lúc chính sự việc xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, quá sáng tỏ mà sự che dấu và đổ lổi cho người khác tức là dung túng những hành vi kỳ thị tôn giáo.
Đừng vì uy quyền cá nhân của những phần tử Thiên Chúa giáo mà miệt thị quần chúng Phật Tử.
Những lời lẽ trên đây, giải thích bằng những lời thiết tha, với tinh thần nóng hổi, nhất là những e dè sợ sệt trước hàng trăm nhân viên công an mật vụ cao cấp trước hàng ngàn hội hữu đã gây niềm tin tưỡng và ý chí phụng sự đạo pháp, tin tưởng ở chính nghĩa đấu tranh mà chúng ta nhận thức như những lý tưởng cao đẹp nhất của con người.
Tâm niệm thành thực trên đã có một sức truyền cảm sâu xa…
DIỄN BIẾN ĐẤU TRANH
Ngày 28-5-1963, một đoàn Huynh trưởng GĐPT được phái mang tài liệu ra Gio Linh bị cảnh sát chặn bắt tại Đông Hà.
Số Huynh trưởng này được dẫn về Ty vào lúc 12 giờ, Thượng tọa Đôn Hậu được phi báo liền đưa thư phản kháng lên tòa Tỉnh trưởng Quảng Trị.
Nội dung thư phản kháng này tỏ rõ cho chính quyền biết rằng: việc bắt giữ các Phật tử trong lúc hành đạo này trái với Hiến pháp, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và can thiệp vào các việc làm nội bộ của các hiệp hội, hơn nữa trong tình trạng đấu tranh của PG là một hành vi đàn áp Phật giáo mà chính quyền phải chịu trách nhiệm về hậu quả của sự bắt bớ này.
Tiếp đó vào khoảng 2 giờ chiều ông Lý Đình Hiệu chánh văn phòng sự vụ tỉnh tòa, xuống chùa Tỉnh hội yết kiến Thượng tọa Đôn Hậu.
Ông Hiệu viện cớ bắt giữ:
1/ Bức thư của Đ/h Trưởng Ban Hướng Dẫn triệu tập đông đảo đoàn sinh về chùa mà không báo tin cho chính quyền, như vậy vi phạm sắc luật số 10 về hội họp.
2/ Những văn kiện các HTr mang đi không có sự kiểm duyệt của chính quyền.
Đối với 2 điểm này, Thượng tọa Đôn Hậu xác nhận:
Văn thư triệu tập đoàn sinh GĐPT về viếng thăm quý thầy tuyệt thực và tham dự lễ cầu nguyện là do thi hành theo mệnh lệnh của Thượng tọa, đối với đạo luật số 10 đạo luật đó không thể sử dụng như một biện pháp pháp lý để ngăn chặn sự đề đạt nguyện vọng chính đáng của Phật giáo đồ. Chính Thượng tọa cũng không muốn bị ràng buộc bởi sắc luật này.
Đối với các văn kiện lưu hành, Thượng tọa cho biết trong tình trạng đấu tranh của Phật Giáo, tiếng nói của Phật giáo đồ phải được đạo đạt thẳng lên chính quyền mà không phải qua một cơ quan kiểm duyệt nào khác.
Lấy ví dụ, một người dân muốn khiếu nại một việc oan ức lên một cơ quan công quyền, có ai phải bắt họ phải đem đến các nhà chức trách kiểm duyệt trước không?
Biện pháp kiểm duyệt mà chính quyền đề ra chỉ là một phương thức ngăn chặn tiếng nói của PG mà thôi, nên không thể bắt buộc Phật giáo chấp nhận thủ tục đó được trước những luận cứ thẳng thắn trình bày dã tâm của chính quyền, tố cáo sự đàn áp dựa vào văn bản pháp luật quốc gia, những mãnh tâm khủng bố dựa vào những ngụy trang dân chủ, vị này chỉ biết xác nhận và yêu cầu Thượng tọa:
1/ Thông báo cho chính quyền về lễ cầu nguyện cho 5 nguyện vọng ngày 1-6-63 để chính quyền hợp thức hóa trên phương diện pháp lý.
2/ Cử đại diện của Tỉnh hội nhận lãnh các Phật tử bị bắt tại Đông Hà.
Thượng tọa chấp nhận lời yêu cầu của vị đại diện ông Tỉnh trưởng.
Về phía các Phật tử bị bắt giữ, tất cả đều biểu lộ tinh thần nhất trí, không nao núng trước áp lực của chính quyền. Tất cả các anh em đều từ chối không ăn uống cho đến khi trả tự do.
Được phóng thích các Phật tử này đòi chính quyền phải trả đủ số tài liệu mang theo, và nếu tịch biên phải ghi lập biên bản để các Phật tử mang đệ trình lên ban chỉ đạo. Thái độ quyết liệt này của anh em chỉ cốt cáo giác những việc làm bất hợp pháp của chính quyền.
Chính sau này, những lời cam kết trước anh em cũng bị xem rẽ, nhất là họ đã hứa trước đạo hữu Phó hội trưởng là sẽ trả lại cho Tỉnh hội.
Với Ban Hướng Dẫn, khi được tin đoàn công tác trên bị bắt, liền cử một phái đoàn khác do anh Lê Văn Huệ hướng dẫn, mang các tài liệu đó về cho các chi hội, Ban Hướng Dẫn không chịu nhường bước trước các thủ đoạn gian manh, cố dìm giữ phong trào tranh đấu bằng cách ngăn chặn sự lưu hành các thông tư tài liệu về các chi khuôn, bưng bít tinh thần hội viên ở nơi xa xôi.
Nhờ tinh thần tích cực của các anh em, không sợ tù tội, mà kết quả ngày hôm sau có hơn 10.000 hội viên đoàn sinh GĐPT triệu tập các miền quê xa xôi về tham dự lễ cầu nguyện và biểu tình của Phật đồ.