Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Chương III – Cuộc đấu tranh cho 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ Quảng Trị & Sự tham gia của đoàn viên GĐPT tại Quảng Trị

LỄ CẦU NGUYỆN VÀ CUỘC BIỂU TÌNH TUẦN HÀNH.

Chiều ngày 31-5-1963, Đoàn sinh GĐPT và Hội hữu các khuôn hội miền xa đều về tập trung tại chùa Tỉnh hội quán, nhiều tin tức dọa dẫm được đối phương tung ra để làm dao động tinh thần, nào là Việt cộng lợi dụng cơ hội lẻn về ném lựu đạn, nào là một số thanh niên du đãng hóa trang làm Phật Tử xen vào quấy rối v.v…

Công việc trật tự và bố phòng được tăng cường. Mọi kế hoạch đối phó đều được dữ liệu và báo trước cho các Phật Tử đang tá túc trong chùa.

Tối hôm đó có gần 5.000 người tụ họp trước sân để nghe thuyết trình về 5 nguyện vọng của Phật Giáo. Sau cuộc nói chuyện 2 em Phật Tử: Lê Văn Huệ và Hoàng Như Đạo xin tuyệt thực để noi gương quý Thầy và nguyện tranh đấu đến cùng cho 5 nguyện vọng tín ngưỡng.

Tinh thần đấu tranh đó được đề cao và được xem như những nghĩa cử hy sinh. Sáng ngày 1-6-63, hội viên và đoàn sinh các nơi tiếp tục kéo đến, ước lượng trên 10.000 người, tập trung tại bãi cỏ trước chùa Tỉnh Hội. Tại đó một lễ đài được thiết lập để quý Thầy phát nguyện tuyệt thực.

Buổi lễ tổ chức rất trọng thể và có một tác dụng sâu xa. Cảm động nhất là những lời thề nguyện sắc son của quý thầy, nguyện tuyệt thực để đấu tranh cho nguyện vọng mà mỗi lời nói được tâm niệm như những di chúc cuối cùng.

Tất cả hội viên, tín đồ đều thương xót quý Thầy cho nên khi quý Thầy đại diện cho Phật Giáo đồ đem bản kiến nghị đến tòa Tỉnh trưởng để nhờ truyền đạt, thì tất cả Phật Tử hàng ngũ chỉnh tề kéo theo sau, biến thành một cuộc biểu tình tuần hành vĩ đại, mà biểu ngữ duy nhất là yêu cầu chính phủ giải quyết 5 nguyện vọng của Phật giáo đồ.

NHỮNG TRỞ NGẠI BẤT NGỜ

Khi đoàn biểu tình sắp xuất phát, thì được tin các ngã đường quanh tòa hành chánh đều bị dây kẽm gai ngăn chặn và có lính phòng thủ. Trước tin đó, thầy Minh Đài phụ trách kế hoạch, cho một số Phật Tử trang bị kềm búa để khi cần, phá hàng rào dây kẽm gai lấy lối đi.

Thật ra việc dùng dây kẽm gai, chính quyền chỉ quyết phòng vệ tòa Thị trưởng, đề phòng những sự báo động cướp chính quyền, chứ  không có ý định ngăn chặn các Phật Tử đi biểu tình.

Số Phật tử trang bị kềm búa nói trên, hiên ngang mở lối cho đoàn biểu tình, có một vài hành động hung hăng (hành hung một số người chực nhiếp ảnh) đã là đầu đề cho các chiến dịch xuyên tạc tinh thần bất bạo động của Phật Giáo mà ông Tỉnh trưởng luôn luôn đã kích về sau.

Trong cuộc tuần hành, đoàn biểu tình đã phải đi vòng quanh thị xã trước khi về tập trung tại ngã ba bưu điện, chổ đi vào phía trước tòa Tỉnh trưởng.

Hai vụ phó Tỉnh trưởng thay mặt ông Tỉnh trưởng ra tiếp quý Thầy và hứa xin đề đạt nguyện vọng của Phật giáo đồ lên Tổng thống.

Sau đó quý Thượng tọa hướng dẫn đoàn biểu tình trở về chùa Hội Quán

Một giờ sau, chiếc xe jeep-wagon đưa quý Thầy : Thích Lương Bật và thầy Thích Ân Cần cùng hai em Huệ, Đạo lên tại khu đất gần công trường ,và anh em trật tự viên đã che trại cho quý Thầy tuyệt thực .

Địa điểm này, sáng hôm sau đã bị dây kẽm gai bọc kín, lính võ trang canh gác nghiêm ngặt, tuyệt đối không cho ai vào kể cả những Phật tử chịu trách nhiệm phục dịch cho quý Thầy trong khuôn viên tuyệt thực.

CUỘC ĐẤU TRANH BẠO ĐỘNG 2-6-63

           Theo bản cáo trạng của Thượng tọa Đôn Hậu trình lên văn phòng đại diện 5 cấp trị  sự tại Từ Đàm, thì sự kiện xảy ra như sau :

                                                     (nguyên văn cáo trạng)

…Trong một đoạn thư đề ngày 2-6-63, tôi đã phản kháng ông Tỉnh trưởng tỉnh Quảng Trị về âm mưu lừa gạt đồng bào Phật Giáo vào trong khuôn viên tuyệt thực do quân đội thiết lập bằng dây kẻm gai để hành hung, gây thương tích, khủng bố trắng trợn đồng bào Phật giáo Quảng Trị.

Để hiểu rõ sự việc, tôi xin gửi đến văn phòng 5 cấp trị sự một bản cáo trạng đầy đủ về nguyên nhân sự vụ và nhận xét của chúng tôi để trình thẫm tường.

  1. Động Cơ Sự Việc:
  2. Động cơ chính: Hai Thầy trị sự trưởng GHTG và cố vấn giáo hạnh đang tuyệt thực gần khu đất gần công trường Quảng Trị. Đối với hội viên và tín đồ Phật giáo, những kẻ mà họ thân cận, trìu mến, sùng kín nhất để tuyệt thực để đấu tranh cho tự do tín ngưỡng đương nhiên bổn phận thúc đẩy họ đến vấn an và thăm viêng quý Thầy. Nhưng họ đã bắt gặp một trở ngại bất ngờ. Tất cả ngỏ đường đi vào khu tuyệt thực đều bị rào chắn bởi dây thép gai, có lính canh gác phòng thủ. Họ bị cấm ngặt ngờ tuyệt đối không có người nào được viếng thăm, điều đó đã gây nên những bất mãn của họ đối với chính quyền.

Đành rằng, nhà chức trách lấy lý do bảo vệ quý Thầy để ngăn cản họ, nhưng họ thấy mâu thuẫn :

Phật tử là những kẻ đã và đang thực tâm bảo vệ quý thầy thị lại bị cấm đoán một cách khắt khe (không được thăm viếng, vấn an, cho dầu họ phải chịu những biện pháp hạn chế, trong lúc những kẻ đứng ra bảo vệ quý Thầy lại là những kẻ tỏ ý thật sự thù hằn đối với Phật giáo một cách rõ rệt. Như vậy, với ý tưởng chất phát, nông cạn, họ đã hiểu ngược lại cái ý nghĩa danh từ bảo vệ mà chính quyền đã nêu ra.

Cũng vì thế mà họ thấy quyền tự do của họ bị xâm phạm, tại sao là Phật giáo họ lại bị cấm đoán trong việc thăm viếng quý thầy là những kẻ họ thờ kính cung phụng.

Quyền tự do tín ngưỡng, quyền tự do công dân bị chà đạp, chính vì ý nghĩa đó mà họ cương quyết đấu tranh cho quyền hạn con người được ghi rõ trong hiến pháp.

Càng bị hăm dọa họ càng phản ứng mãnh liệt hơn.

  1. Động cơ phụ: Những câu đã kích có tính cách xúc phạm đến tín ngưỡng thốt từ miệng đám binh sĩ Võ trang kích thích thêm lòng căm phẫn của hội viên Phật giáo:

“Tuyệt thực chết như chó”

“Mấy đứa Phật Tử cha mẹ chết thì không khóc, còn mấy thằng này chưa chết đã khóc”.

“Tuyệt thực mà đánh nước cam”

“Cho nó tranh đấu, đói nó cũng về, còn mấy thằng nằm trong này cho nó chết”.

“Tranh đấu cho lắm rồi đây cũng chỉ có một đạo mà thôi”.

Còn gì hỗn xược và căm phẫn bằng những hình ảnh thiêng liêng của họ bị công khai xúc phạm. Sự căm hờn phát xuất từ đây.

Nếu như cầm quyền tỏ một thái độ đúng đắn hơn, không cho binh sĩ phỉ báng Phật giáo, hay giải thích với thiện chí mà không kỳ thị thì không bao giờ có phản ứng.

  1. Diễn Biến:

Vào sáng ngày 02/6/63 các Phật Tử Thị xã và thôn quê kéo tới khu tuyệt thực và xin phép được vào thăm quý thầy. Nhưng khi thấy thái độ thiếu hòa nhã của một số anh em Bảo An và Võ Trang đánh đập làm họ căm phẫn, một số đòi dẹp hàng rào để có lối vào.

Từ 8 giờ đến 10 giờ, chỉ có những sự xô xát nhẹ. Khảng 10 giờ hơn, một số công an mật vụ đem máy ảnh chụp hình, khủng bố. Đồng bào phản ứng bằng cách ném đá vào các nhiếp ảnh viên đang trà trộn vào trong đám lính võ trang. Sự xung đột bây giờ trở nên mãnh liệt. Quân đội đã dùng súng bắn đe dọa (4 phát súng lục) và dùng lựu đạn cay (hơn 20 quả) để giải tán.

Lòng căm phẩn lên cao, càng đẩy lùi họ càng nhào tới, vào khoảng 11 giờ, một chiếc xe Jeep Wagon màu xanh (do Ty trưởng công an Nguyễn Phùng) chở đến một số gậy ngắn phân phối cho anh em binh sĩ. Sau đó có tiếng gọi: “Đồng bào hãy yên tâm, chúng tôi sẽ dẹp đường cho đồng bào vào thăm, một lượt 20 người”

Và lần lượt các dây kẽm gai được cuộn lại, mở một lối nhỏ cho hội hữu đi vào. Nhóm người đầu tiên đi sau vào độ vài mươi thước thì có 3 trung đội đứng theo đội hình chữ U ngăn chặn đám hội hữu bằng những giọng hăm dọa và khiêu khích. Đồng bào cự tuyệt và cương quyết đòi cho được vào thăm, trong lúc đó từ vị trí chỉ huy, đại úy Nguyễn Hoành Bảo ra lệnh “cho đánh”.

Anh em binh sĩ và võ trang xông vào đám đồng bào đánh đập một cách cực kỳ tàn nhẫn và hung ác.

Đồng bào Phật Giáo tuy bị thương, nhưng cũng cố gắng đưa những kẻ thương tích trầm trọng ra khỏi phạm vi bố phòng của quân đội.

Những người bị thương nặng: Đỗ Thị Phương Mai.

Đỗ Hà.

Những người bị thương nhẹ: Lê Thị Trâm.

Lê Thị Hạnh.

Lê Thị Liên.

Và nhiều Phật Tử khác bị bầm tím mình mẩy.

Vào lúc 13 giờ, ban chỉ đạo hay tin cuộc tranh đấu có tính cách bạo động, trong đó một số đoàn sinh tự động tham gia, nên ban chỉ huy phái đạo hữu Trưởng Ban Hướng Dẫn đến tại chổ kêu gọi các đoàn sinh trở về và tiếp đó lại phái các Tăng sĩ lên kêu gọi tinh thần đấu tranh bất bạo động và yêu cầu hội viên giải tán.

                                          (Trích trong phúc trình của Ban chỉ đạo).

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ