LẬP TRƯỜNG VÀ THÁI ĐỘ CỦA BAN CHỈ ĐẠO
Bây giờ chính là lúc không còn phải che dấu gì nữa, nhưng xác thật, cuộc đấu tranh ngày 02/6/63 là một cuộc đấu tranh tự động của tín hữu Phật giáo. Nói tự động không có nghĩa là Ban chỉ đạo không biết, biết mà không can thiệp và không tỏ thái độ mà thôi.
Chính buổi sáng hôm ấy, một số đạo hữu trước khi lên thăm quý Thầy Cô ghé chùa Tỉnh Hội Quán và được Ban chỉ đạo giải thích về tinh thần bất bạo động. Trong lúc này, chính Thượng tọa Đôn Hậu cũng không biết khu tuyệt thực bị bao vây và không được vào thăm. Chính vì thế mà phản ánh đấu tranh tự động trên đây chỉ là phản ánh đấu tranh tình cảm tại chỗ, mà không có chủ trương hoặc sắp đặt trước.
Chính quyền Quảng Trị có lý khi rêu rao rằng cuộc đấu tranh bạo động này do Ban chỉ đạo hay Ban Hướng Dẫn xúi dục, nhưng họ đâu có hiểu rằng lý do tình cảm là lý do cốt yếu nhất quyết định thái độ sống chết của họ.
Chúng ta thấy rõ ý nghĩa đó trong đoạn kết thúc bản cáo trạng:
“Chúng tôi cật lực bênh vực cho hội viên Phật giáo trong cuộc đấu tranh hợp lý của họ, mặc dầu cuộc đấu tranh tự động không do mệnh lệnh trực tiếp của chúng tôi”.
Họ chỉ là những kẻ thật thà chất phác, hành động từ những suy xét giản dị nhưng thiết thực, chính vì vậy mà dễ bị kích thích của những kẻ ở ngoài, lợi dụng tinh thần đấu tranh cao độ để gây tình trạng bất hợp pháp.
Họ vì sự chất phác nói trên, nên dễ bị lường gạt, nhẹ dạ mà sa vào cạm bẩy để bị hành hung, trong lúc những phần tử phá rối, gây hại, ném đá dấu tay, lại nằm ngoài và không chịu một tai họa nào.
CHUNG QUANH VỤ 2/6/63 – NGUYÊN NHÂN GÂY RA
+ Khi cuộc đấu tranh mới phát khởi, ông Tỉnh trưởng có lẽ cũng tiên liệu được sự việc phải đến, nên đưa một văn thư xuống Ban chỉ đạo, yêu cầu cử đại diện của Tỉnh hội để lập một bản kiểm chứng hỗn hợp gồm 3 cơ quan: Y tế, Hành chánh và Tỉnh hội để kiểm chứng sự tuyệt thực của quý Thầy.
Đối với đề nghị này, Ban chỉ đạo đã bác bỏ lí lẽ.
– Đối với tuyệt thực có mục đích đòi chính phủ phải giải quyết 5 nguyện vọng của Phật Giáo thì chính phủ phải chịu trách nhiệm về tính mạng của quý Thầy. Phật Giáo không chịu trách nhiệm gì về việc đó.
– Ban này không có thẩm quyền giải quyết việc viếng thăm của các đạo hửu, nên không có tác dụng gì.
+ Giữa lúc tình hình căng thẳng, theo đề nghị của đạo hữu Hội trưởng, Thượng tọa Đôn Hậu chấp thuận mượn xe của ty Thông tin để kêu gọi giải tán đồng bào tụ tập tranh đấu. Nhưng Ty này bắt buộc phải kiểm duyệt trước những lời lẽ phát thanh, hoặc thu sẳn vào băng ghi âm để cho đi truyền bá khắp nơi.
Sự kiện này làm cho ban chỉ đạo khó chịu, vì nhất cử nhất động đều bị chính quyền ước thúc, thiếu thiện chí nhất là thiếu tín ngưỡng. Vì vậy mà ban chỉ đạo đã từ chối mặc dầu xe phóng thanh đã được đưa về túc trực ở chùa.
+ Tinh thần của số trật tự viên tại khu tuyệt thực (đoàn Gia Lam) đáng khâm phục. Bên ngoài đồng bào đấu tranh bị đàn áp, đánh đập, tiếng chưởi rủa, tiếng la ó, đi đôi với tiêng súng nổ, tiếng lựu đạn gầm, họ đã sôi gan nhất quyết liều sống chết với đám lính võ trang kia, dẫu trong tay không có một tấc sắt. Nếu không có sự can ngăn kịch liệt của quý Thấy chắc họ đã giám nổi loạn để chống với những con người bạo tàn.
Bên trong họ bị đe dọa đủ thứ, mật vụ mới chụp hình điều tra nhân mạng, thân thể, cơm nước không tiếp tế vào được, nhịn đói nhịn khát mà không nao núng tinh thần, chỉ làm tròn nhiệm vụ đối với quý Thầy. Uy lực của các nhân viên cao cấp trong chính quyền Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng…) không được tôn trọng bằng uy lực của cấp điều hành trong Phật giáo. Trước cấp điều hành của họ thì họ nhu mì bao nhiêu trái ngược lại trước uy vũ chính quyền, họ càng ngổ ngược khinh thị bấy nhiêu.
Với tinh thần kỷ luật, họ tự động ghép chặt hàng ngũ, tự động tuân theo kỷ luật mà tự họ thiết lập ra.
+ Đội trật tự Gia Lam này, sau đợt 2 tuyệt thực trở về phò tá quý Thầy tại chùa và vẫn giữ riêng nề nếp sinh hoạt và đặc tính phục vụ của mình. Họ phụ trách trật tự trong khu tuyệt thực tại chùa, khu này được bảo vệ hết sức chu đáo và cẩn trọng.
CUỘC BAO VÂY TRONG TÒA TRƯỞNG
Cuộc bao vây chùa khởi sự bằng một đòn tâm lý rất mạnh. Từ 5 giờ sáng, một đoàn thiết vận xa rầm rộ kéo đến bao vây quanh chùa, đóng án ngự trước cổng chùa, tất cả mũi ang đều hướng vào trong như sẵn sàng nhả đạn. Lính tráng lưỡi lê tuốt trần, đứng bố trí theo thế tấn công. Người ta có cảm giác đây là một cuộc công đồn thực sự.
Nhưng nhìn vào sân chùa?
Đoàn Phật tử áo Lam vẫn hiền lành tập họp giữa sân và những bản nhạc vui tươi, hài hước vẫn thanh thản bay ra, như trêu, như ghẹo.
“Nào anh em cùng ra đây xem chúng ta đua nhau chơi kèn…”
Các anh lính kia, các anh nghĩ gì? Có lẽ cũng buồn tình vì thái độ dọa dẫm không gây sợ hãi cho ai, đoàn thiết vận sa lại rầm rộ rút lui sau hơn 1 giờ 30 bố trí.
Nhưng sau đó, cuộc phong tỏa thực sự bắt đầu.
Nhận thấy tình trạng phong tỏa có thể kéo dài, Ban trật tự bắt đầu chỉnh đốn lại tổ chức và thực hiện những kiểm soát tinh vi và khoa học hơn.
Thường xuyên có 2 Ban trật tự, mỗi ban ước chừng 60 người, phân công nhau thường trực canh gác tại cổng, hay túc trực sẵn sàng để ứng phó kịp thời với những gây rối. Ngoài 2 Ban trật tự này còn có Ban Hỏa Vụ lo việc trai soạn cho hơn 150 HTr ngồi trú tại chùa để tham gia cuộc tranh đấu.
CHÍNH SÁCH KHỦNG BỐ CỦA CHÍNH QUYỀN
Phải khách quan mà nhìn nhận rằng, việc phong tỏa chùa Tỉnh Hội nhằm mục đích:
Cắt đứt liên lạc giữa các chi, khuôn với Tỉnh Hội để chặn đứng các cuộc biểu tình từ thôn quê kéo đến.
Tung các dư luận vu khống, chia rẽ để đã phá uy quyền tinh thần của Tổng Hội Phật giáo ở hương thôn.
Đình trệ các việc buôn bán để gây phẫn uất cho lòng dân oán ghét Phật giáo.
Gieo các tin thất thiệt để cho các gia đình có con em tham gia tranh đấu tại chùa phải sợ sệt, hoang mang nhụt tinh thần.
Đại để, các tin tức xuyên tạc như sau được cán bộ công an và thông tin mang ra phổ biến:
– Ban Hướng Dẫn đã ly khai Tỉnh Hội và chia rẽ, chống đối nhau trên chủ trương tranh đấu.
– Đạo hữu Nguyễn Khắc Ủy, Tư Đồ Minh, Trần Quang Toản là những thành phần bất mãn với Chính phủ liên lạc với Cộng sản để tổ chức đảo chánh (vì Đạo hữu Ủy là một cựu huyện ủy viên Cộng sản)
– Đạo hữu Ủy đã bị bắt giam, vì chính phủ bắt được đầy đủ những tài liệu bí mật liên lạc với Cộng sản.
+ Bên ngoài các hội hữu thường xuyên bị các luận điệu vu khống như trên lừa bịp. Mặt khác, những cuộc học tập công khai do các cán bộ thông tin tổ chức, hướng dẫn các tài liệu có tính cách phá hoại cuộc đấu tranh nhất là bản thông báo và hiệu triệu của Đỗ Cao Trí, thông cáo này nhắc lại sự giải quyết của Tổng thống Ngô Đình Diệm với phái đoàn Thiện Hòa trong dụng ý chia rẽ sâu sắc trong các cấp lãnh đạo Phật Giáo và gieo hoang mang cho hội hữu và quần chúng.
Thiết tưởng cũng cần nói đến sự mạt sát của Đỗ Cao Trí đối với thượng tọa Trí Quang, công khai vu khống thượng tọa là Cộng sản, tự phong lên lãnh đạo để gây rối với chính quyền.
Sau các cuộc học tập cán bộ chính quyền bắt buộc phải lập những kiến nghị phản đối công cuộc tranh đấu của Phật giáo.
+ Bên trong không khí khủng bố càng nặng nề hơn:
- Phao tin thất thiệt: Luôn luôn người trong chùa bị những tin thất thiệt tung vào gây hoang mang đến cực độ. Nào là những đoàn thanh niên Công giáo cảm tử hóa trang đột nhập vào quấy rối chùa, nào là Cộng sản lén lút gây ra tại chùa để đổ lỗi cho Chính Phủ, hay ngược lại Chính phủ sẽ sai lính đột kích vào chùa đổ lỗi cho Cộng sản.
Những nguồn tin này làm cho tinh thần Phật tử luôn luôn bị uy hiếp, phải sống trong tình trạng lo sợ thường trực, tính mạng bấp bênh. Trước những đe dọa có thể biến thành sự thực này, anh em chỉ biết phát huy tâm niệm hy sinh cuộc đời cho chánh pháp, siết chặt tình cảm thông trong tình đạo vị để chịu đựng những khắc khổ, những cam go.
Đáng trọng với tâm niệm trên, không ai tỏ ý thối thác và càng cam go, tinh thần phụng sự đạo pháp càng thể hiện mức hy sinh cao cả của anh chị em.
- Luận điệu trấn áp công khai: Mỗi sáng, trưa, chiều, tối, Ty thông tin Quảng Trị thường xuyên dùng máy khoách đại thanh đọc xỏ vào chùa những bài xã luận xuyên tạc tinh thần đấu tranh và đặt tổ chức Phật giáo vào thế đối lập với chính phủ, khởi loạn: Đại để luận điệu tuyên truyền: Đấu tranh cho ai? Đấu tranh để làm gì? Chia rẽ đấu tranh để được lợi cho Cộng sản…tiếp theo là những bản kiến nghị tuyên bố ly khai công cuộc tranh đấu, thỏa hiệp với Chính phủ.
ÁP DỤNG CHÍNH SÁCH CHIÊU HỒI
Chính sách chiêu hồi được đem ra áp dụng đối với Phật tử đang tá túc trong chùa, chính quyền áp dụng những hình thức tiếp diễn như sau:
– Bắt buộc các gia đình có con cái tham gia tranh đấu tại chùa học tập để xác nhận rằng theo Phật giáo tranh đấu với Chính phủ là làm Cộng sản.
– Bắt buộc các gia đình này viết thư gửi đến chùa Tỉnh Hội (nhờ ông Tỉnh trưởng đưa qua) yêu cầu Tỉnh Hội phóng thích những người này ra.
– Viết đơn gửi ông Tỉnh trưởng nhờ ông can thiệp cho các Phật tử này được trở về với gia đình, khỏi bị giam giữ.
– Bắt cóc những phần tử ra ngoài phạm vi kiểm soát của ban trật tự:
Một số Phật tử khinh thường, thiếu đề phòng, sơ hở đi ngoài vi phạm kiểm soát của Ban trật tự bị bắt cóc, một số anh em vùng vẫy trốn thoát được. Số khác được đưa về Ty Công an giam giữ tra tấn… Nữ Phật tử cũng vậy. Những vụ bắt cóc này đã làm cho không khí căng thẳng và anh chị Huynh trưởng càng hoang mang dao động thêm.
Thái độ của người Thiên chúa giáo Quảng Trị: Nếu đồng bào Thiên chúa giáo sẵn sàng tin tưởng ở các linh mục thì nhìn theo thái độ của giám mục Ngô Đình Thục, chúng ta có thể giải thích về thái độ của đa số đồng bào Thiên chúa giáo ở đây. Thái độ đó hàm chứa những điểm phủ nhận 5 nguyện vọng trong một thông cáo ghi ngày 9/7/1963 Phero Martinô Ngô Đình Thục Tổng giám mục Huế. Thông cáo này không công nhận có công điện triệt giáo kỳ, không nhận có chế độ đặc biệt dành cho Thiên chúa giáo, không nhận có việc bắt bớ tín đồ Phật giáo, nói chung phủ nhận tất cả. Trong bản thông cáo gửi cho anh em binh sĩ này có câu: “Anh em binh sĩ thấy 5 điều trên hoàn toàn thất thiệt. Ta không nói cố ý là vu oan” chính vì thái độ mà đồng bào Thiên chúa giáo tại Quảng Trị đã có một quan niệm hết sức lệch lạc đối với công cuộc đấu tranh của tín đồ Phật giáo, thêm vào đó những luận điệu của cấp chính quyền áp dụng chính sách chia để trị, càng khơi thành hố chia rẽ tín đồ giữa hai tôn giáo, biến cuộc tranh đấu với Chính phủ nói chung thành cuộc tranh đấu tôn giáo.
Luận điệu chia rẽ:
Ngày 02/6/1963 Ban chỉ đạo có một mật văn gửi cho ông Ty trưởng tố cáo rằng trong cuộc đấu tranh bạo động tại khu tuyệt thực, có một số thanh niên Thiên chúa giáo của 2 thôn Trí Bưu, Thạch Hãn (mà chỉ Ban chỉ đạo biết sơ qua tánh danh một vài người) đã xen lẫn vào trong đồng bào Phật giáo, gây sự khiêu khích với quân đội (ném đá đập đầu binh sĩ) đáng lý mật văn này có tính cách tố giác để cho chính quyền giám sát, theo dõi, khám phá những thành phần bất hảo giữ an ninh trật tự chung, thì ông Tỉnh trưởng lại cho xe phóng thanh của Ty thông tin loan báo rộng rãi trong dân chúng, gây phản kích của đồng bào Thiên chúa giáo. Do đó mà có những luận điệu dọa dẫm nhau, hờn ghét nhau. (sự kiện này đã được Ban chỉ đạo tố cáo là dụng ý chia rẽ và yêu cầu đính chính)
Dư luận về các cuộc biểu tình của đồng bào Thiên chúa giáo.
Điều đã làm cho Ban chỉ đạo lo âu không ít là nguồn tin về các đoàn thanh niên Công giáo, đạo binh Đức Mẹ cải trang làm Phật tử để đột nhập vào chùa, nguồn tin trên đây có thể xác nhận là đúng nhất sau khi Ty Thông tin đã áp dụng chính sách chia rẽ, gieo phản kích trong đồng bào Thiên chúa giáo của thôn Trí Bưu và Thạch Hãn. Vì vậy mà Ban chỉ đạo còn phải đề phòng các cuộc biểu tình công khai của đồng bào Thiên chúa giáo chống lại Phật giáo.