Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Chương thứ hai – Những nét chính về quá trình phát triển của GÐPT

Phát sinh từ hoàn cảnh lịch sử, địa lý, xã hội hỗn loạn và đau thương nói trên, Gia đình Phật tử từ giai đoạn hình thành đã có quy củ, đường lối, tổ chức sinh hoạt nhất định. Sau 20 năm tồn tại, nhờ kinh nghiệm thực tế, tuy có thay đổi đôi chút về điều hành, nhưng cương lĩnh vẫn không bao giờ đi ngược hay vượt ra ngoài những tiêu chuẩn sẵn có. Những tiêu chuẩn cốt yếu ấy đã bao hàm trong những bài Diễn văn quan trọng của anh Trưởng Ban Hướng dẫn mà “quá trình tổ chức và tranh đấu của Gia đình Phật tử gắn liền với tiểu sử của anh. Suốt trong thời gian Ban Hướng dẫn Trung phần hoạt động, khi ở cương vị Trưởng Ban Hướng dẫn Trung phần, khi nghỉ việc vì bạo quyền áp bức, nhưng lúc nào cũng là nhân vật chịu trách nhiệm về sự hưng vong của Gia đình Phật tử. Trong tổ chức chung, mỗi khi có biến cố, có việc nan giải, chúng tôi đều hỏi ý kiến anh và được anh đưa ra những biện pháp hữu hiệu…”.[1] Những bài diễn văn mà anh đã đọc trong buổi sơ khai của tổ chức đã được in thành sách vào năm 1956 với nhan đề Đây gia đình.

Trong phần đầu chương này, biên giả thấy cần phải trích lại những đoạn thiết yếu và vì muốn cho nhất quán, biên giả sẽ xin lược những đoạn mở đầu có tính cách lễ nghi, giai đoạn và đặc thù.

MỤC ĐÍCH CỦA GÐPT

“…Mục đích của Gia đình Phật tử là thế nào, tưởng cũng cần giới thiệu qua để các đạo hữu rõ.

Nó gồm ba phần:

1) Gây một khung cảnh thuận tiện cho sự tu học của mọi người trong gia đình. Từ trước đến nay Hội Phật học có một khuyết điểm lớn, người già mới vào Hội. Hội viên của Hội, như rời gia đình để đi tu riêng một mình. Gia đình Phật tử thành-lập chính là để bổ khuyết vào chỗ ấy, nghĩa là để mọi người cùng tu, cùng học không kể lớn bé, già trẻ, sang hèn. Ở đây ai cũng cùng một chí hướng như nhau là dìu dắt nhau bước mau về cõi Phật.

2) Gây một mối dây liên lạc, một tình thân hữu đầm ấm giữa các gia đình. Từ trước, gia đình này với gia đình kia thường cách biệt nhau, thiếu tinh thần liên lạc, nhà nào sống riêng nhà ấy, con cái không đi lại với nhau. Bây giờ, nhờ Gia đình Phật tử, gia đình này với gia đình kia không còn xa lạ nữa. Đây là thế giới đại đồng thu hẹp, không thân, không sơ, không giàu nghèo, sang hèn. Đã vào Gia đình Phật tử thì mọi người đều là cha mẹ chung, anh em chung, mọi người đều được bao trùm trong bầu không khí thân yêu, trìu mến của lòng từ bi vô lượng.

3) Gây một không khí thuận tiện cho việc đào tạo Phật tử ngày mai. Không đâu thuận tiện cho bằng Gia đình Phật tử để đào tạo con em thành Phật tử chân chính. Ở trường thì chỉ chuyên về trí dục, ở nhà thì chuyên về tình cảm, ở ngoài đời thì đeo đuổi tiền tài danh vọng. Chỉ có Gia đình Phật tử là nơi chú trọng tới mọi mặt. Nó là một nối ngang giữa gia đình và học đường, giữa Đời với Đạo, giữa xã hội với cá nhân. Đây là một miếng đất rất tốt để đào tạo cho con người về mọi phương diện…”

Đoạn văn trên tuy vắn tắt nhưng cũng đủ vạch ra những nét chính yếu trong mục đích giáo dục Thanh thiếu nhi và đồng thời giải thích nguyên nhân tại sao lại chọn danh từ Gia đình để gọi tổ chức giáo dục này. Dù đã nêu rõ như vậy, một số đông đạo hữu lớn tuổi, một số quần chúng vẫn còn hiểu lầm về dụng ý của người sáng lập nên có đoạn tiếp sau để nói với các đoàn sinh:

ĐÁNH ĐỔ NHỮNG NGỘ NHẬN VỀ GÐPT

a) Gia đình Phật tử không phải là nơi tập luyện cho các em tụng kinh, gõ mõ thật giỏi để đi cầu siêu, cầu an hay cầm tràng phan đi đưa đám ma.

b) Gia đình Phật tử không phải là nơi khuyến khích các em xao lãng bài vở ở trường để tổ chức những trò chơi vô nghĩa, những ca xướng vô ích.

c) Gia đình Phật tử không phải là tổ chức thanh niên có mục đích chính trị hay một tổ chức hướng đạo trá hình. Gia đình Phật tử chỉ mượn một ít phương pháp thanh niên hay hướng đạo thôi. Còn tinh thần thì vẫn là tinh thần Phật giáo, nghĩa là Từ bi, Trí tuệ, Tinh tấn, Hoan hỷ, Thanh tịnh”.[2]

Ba điều trên tối trọng đối với tổ chức vì cho tới nay, một số Tăng Ni, đạo hữu, quần chúng vẫn vô tình hay cố ý hiểu lầm như vậy. Đối với những bậc trưởng thượng mà còn có thể ngộ nhận về Gia đình Phật tử như thế, thì thử hỏi các em thiếu niên, đồng niên làm sao khỏi ngỡ ngàng khi có ý định gia nhập hay đã gia nhập mà không hiểu rõ ý nghĩa việc làm của mình? Vì thế trong hai bài diễn văn đọc trong ngày kỷ niệm Đản sanh năm 1950, đã có đoạn rõ ràng thâm thúy có thể làm tâm niệm cho toàn thể đoàn viên Gia đình Phật tử sau đây:

“… Các em vào Gia đình Phật tử để noi gương đức Phật. Các em được may mắn hưởng thụ tinh thần Phật giáo (Bi, Trí, Dũng) mà không một tôn giáo nào, một học thuyết nào có thể sánh kịp. Nhưng hưởng thụ không phải chỉ để mà hưởng thụ, mà cần phải phân phát ra quanh mình những cái hay cái đẹp mà mình đã thu nhận được. Những Phật tử đàn anh chúng ta thường bị chê trách là thụ động, là tiêu cực, vì đã hưởng thụ một mình mà không muốn phân phát cho ai. Họ biết Phật pháp là hay, là đúng, mà không muốn phân phát cho ai. Họ biết Phật pháp là hay, là đúng mà không chịu hoạt động một cách tích cực để cải tạo cuộc đời, đem an vui cho xã hội. Ngày nay càng cố gắng để tránh xa vết cũ ấy, nghĩa là chúng ta phải tập, phải luyện những phương pháp thiện xảo để thiết thực giúp đời, chứ không phải chỉ ngồi mà hưởng thụ.

Những môn học trong Gia đình Phật tử sẽ giúp các em dễ dàng theo dấu chân đức Phật. Những môn học mà các em đang học tập hàng ngày trong các Gia đình Phật tử là những môn cần ích cho đời, một khi xã hội cần đến. Những ngành văn hóa của Gia đình như múa hát, văn chương, kịch nhạc sẽ giúp các em tô điểm cho đời thêm tươi đẹp. Những môn cứu thương, gút, morse sẽ giúp các em cứu thoát những tai nạn hàng ngày xung quanh các em. Những môn thêu thùa, gia chánh sẽ giúp các em trong những công việc nội trợ và những bài học Phật pháp sẽ giúp các em hiểu thấu ý nghĩa cuộc đời và sống đúng ý nghĩa ấy..”.[3]

Hôm nay, giữa một hoàn cảnh phức tạp hơn xưa, nhưng những lời nhắn nhủ ấy phải luôn luôn cần được các anh chị trưởng nhắc lại cho các em và đồng thời cũng nhận đấy làm tiêu chuẩn cho việc soạn thảo chương trình huấn luyện và tu học. Đó chính là sự hợp nhất giữa tôn chỉ với hành động, giữa lý thuyết với thực hành. Đó là lời tâm huyết của người anh cả vào năm 1950.

Đến năm 1952, cuộc tranh thủ nhân dân của hai chính quyền kháng chiến và vùng tạm chiếm trở nên trầm trọng. Một không khí nghi kỵ bao trùm lấy Gia đình Phật tử, lúc bấy giờ đã lan tràn khắp miền Trung, Bắc, Nam. Nhiều Huynh trưởng đã bị khủng bố. Dù vậy cuộc triển lãm văn nghệ vẫn được tổ chức vĩ đại tại trường Bồ Đề, Huế. Và đây mới là cơ hội kỳ diệu để nói lên thái độ can đảm của cấp lãnh đạo Gia đình Phật tử:

“… Thỉnh thoảng các ngài đã từng thấy một đoàn năm bảy em thiếu nam hay thiếu nữ áo lam đang lướt vội trên các đường phố để đến dự một buổi họp. Các ngài cũng đã từng nghe những tiếng hát trong trẻo vọng qua những bức tường của một ngôi chùa hay một trụ sở Phật học. Màu áo lam, tiếng hát ấy không ai là không biết của Gia đình Phật tử, một ngành hoạt động của Hội Phật học Việt Nam. Danh từ Gia đình Phật tử đã quen thuộc với bà con cố đô này lắm. Tuy thế, ý nghĩa của nó, mục đích và hoạt động, lập trường và triển vọng của nó còn lờ mờ đối với phần đông đồng bào ở Thuận Hóa. Có một số bà con đã có thái độ quý hóa là cố theo dõi công việc của chúng tôi để tìm hiểu mặt thật của Gia đình Phật tử. Nhưng tiếc thay, thái độ quý hóa ấy lại không phải là thái độ của phần đông! Phần đông đồng bào đã mang những cặp kính màu của họ, thôi thì đỏ cũng có mà vàng cũng có, xanh cũng có mà tím cũng có. Lạ nhất là có khi nó biến ra thành ngôi sao vàng trên nền đỏ, có khi thành ra ba sọc đỏ và có khi thành là xanh trắng đỏ! Vâng, người ta đã quả quyết rằng đó là một đoàn thể biến tướng của Việt Minh, vì “bọn đó cứng đầu lắm, không ủng hộ ai cả”. Có người lại bảo: “Chúng nó là của chính phủ. Chúng nó ranh lắm. Bây giờ giả vờ trung lập để câu thanh niên, nhưng một ngày kia khi đủ lông đủ cánh, chúng nó sẽ về với chính phủ bù nhìn cho mà xem.” Có người lại bảo: “Chúng nó là của Tây, vì nếu không phải là của Tây thì làm sao mà hoạt động được trong vùng chiếm đóng.” Có người lại bảo: “Đó là một tổ chức thanh niên bắt chước Hướng đạo mà bắt chước không nên, như thế thì theo quách Hướng đạo còn hơn.” Có người lại bảo: “Đó là một tổ chức tôn giáo lạc hậu có mục đích nhồi sọ, bắt con em đi hộ niệm, cầu siêu, cầu an cho rậm đám.” Đó là những dư luận lớn. Ngoài ra, thỉnh thoảng chúng tôi còn nghe bay trong gió những lời hăm dọa. Chúng tôi chỉ biết mỉm cười. Có những lời ca tụng mà như phản tuyên truyền, những lời chê bai mà chúng tôi lại lấy làm sung sướng.

Những dư luận sai lầm, chúng tôi vừa kể đó, chúng tôi không trách cứ vào ai cả. Chúng tôi chỉ tự trách mình đã thiếu kinh nghiệm, tưởng rằng cứ im lặng mà làm việc thì rồi người ta sẽ hiểu. Nhưng, chúng tôi đã quên rằng chúng ta đang ở trong thời kỳ trắng đen lẫn lộn, sáng tối mập mờ. Những hạt giống nghi ngờ, nẩy lá sum suê quá, che khuất tất cả mọi địa hạt, cho đến cả lòng những người thân nhất. Chúng ta như đang đi trong rẫy tranh, phải luôn luôn hô to “Tôi ở đây! tôi đang làm việc này việc nọ”. Phải luôn luôn gạt tranh mà bước, mà nếu cần đốt hết cả đám tranh nghi ngờ để được thấy rõ nhau hơn. Công việc đốt tranh ấy, từ trước đến nay Gia đình Phật tử chúng tôi chưa hề làm. Trái lại với một ít tinh nghịch, chúng tôi muốn chơi trò cút hùm để chọc những ông thầy bói. Nhưng trò chơi ấy đã đến lúc nguy hiểm, cần phải chấm dứt. Và chính hôm nay, lần đầu tiên trước mặt các ngài, chúng tôi xin châm lửa vào đám tranh nghi ngờ ấy để các ngài được thấy mặt thật của đoàn thể chúng tôi hơn. Công việc có lẽ đã chậm, nhưng chậm còn hơn không…”

“… Gia đình Phật tử chỉ là một tổ chức giáo dục trong Hội Phật học . Nó lấy giáo lý nhà Phật làm căn bản, vì giáo lý ấy có đủ ba điều kiện cần thiết để đào tạo con người theo đúng nghĩa của nó: Phần tình cảm (Bi), phần lý trí (Trí), phần ý chí (Dũng). Thiếu một trong ba phần ấy, con người chưa phải là con người. Ba phần ấy đều phải được phát triển đều nhau và cho đến cùng độ để xứng với con người luôn luôn tiến bộ. Chúng tôi vì mục đích giáo dục mà lựa Phật giáo làm nền tảng, chứ không phải vì Phật giáo mà lôi kéo thanh niên. Đạo là một con đường, một phương tiện, mà con người mới thật là mục đích.

Để đạt được mục đích giáo dục nói trên, Gia đình Phật tử có ngành hoạt động, ngành giáo lý để mở mang trí tuệ, thấy rõ mặt thật của đời. Ngành văn nghệ để trau dồi tình cảm, di dưỡng tính tình. Ngành chuyên môn về thanh niên để thích ứng với hoàn cảnh, nâng cao mực sống. Ba ngành hoạt động ấy đều quan trọng ngang nhau. Trong chương trình học tập, chúng tôi không thiên về phần giáo lý, vì mục đích của chúng tôi không phải để tạo những vị tăng già tương lai. Chúng tôi cũng không thiên về văn nghệ vì chúng tôi không cố đào tạo những nghệ sĩ. Và chúng tôi cũng không quá chú trọng về chuyên môn, vì chúng tôi không muốn đàn em của chúng tôi chỉ là những thanh niên tháo vác, khéo tay khéo chân mà thôi. Về những ngành hoạt động này chúng tôi không muốn nói nhiều. Chúng tôi xin nhường cho cuộc triển lãm tự nói lấy và nó sẽ trình bày với các ngài một cách hùng hồn hơn.

Các điều mà các ngài muốn biết và chúng tôi cũng cần thưa ra, là lập trường của Gia đình Phật tử đối với nước nhà trong giai đoạn hiện tại như thế nào?

Trước khi nói tới thái độ của đoàn thể chúng tôi trong giai đoạn hiện tại, chúng tôi xin phép nói phớt qua lịch trình tiến triển của nó, vì chính cái bài học quá khứ ấy đã vạch cho chúng tôi lập trường hiện tại.

Gia đình Phật tử được thai nghén và sinh nở cách đây mười năm trong thời Pháp thuộc. Nó chưa kịp lớn thì Nhật đảo chính rồi chánh phủ Dân chủ Cộng hòa lên thay, và bây giờ nó bỗng nhiên bộc phát dưới chánh phủ quốc gia. Chỉ có mười tuổi, nó đã chứng kiến bốn cuộc thay đổi chính quyền và nó bỗng sáng mắt. Nó hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ tang thương, nhận chân được cái thâm thúy của bức tranh vân cẩu. Và, do đó nó đã sớm có một lập trường là không nên dựa vào một lực lượng ngoại lai nào cả, nhất là lực lượng chính trị, mà cũng không nhúng tay vào chính trị. Như chúng tôi đã trình bày trên, Gia đình Phật tử chỉ là một tổ chức hoàn toàn giáo dục, tất nhiên là trong giáo dục có cả phần công dân đối với Tổ quốc. Và nếu chúng tôi có trau dồi cho đàn em chúng tôi tinh thần danh dự của dân tộc, lòng yêu đất nước, ý chí quật cường thì đó cũng là việc thường trong mọi thứ giáo dục, chứ có phải đâu vì thế mà trở thành một cơ quan chính trị có màu sắc này, màu sắc khác?…”

… Quí ngài phần đông là những nhà mô phạm, những nhà trí thức lành mạnh, những thủ lãnh thanh niên, chắc các ngài không thấy muốn một đoàn thể giáo dục chỉ đào tạo những con người máy để cho mọi thế lực giựt dây, không tinh thần, thiếu bản lĩnh, thiếu đức hạnh! Vâng, các ngài không muốn như thế, mà chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi chuyên tâm cố gắng đào tạo Thanh thiếu nhi Phật tử có một tinh thần vững mạnh. Đó là điều cốt yếu của Gia đình Phật tử và cũng là vấn đề quan trọng về phương diện giáo dục.

Chúng ta phải thiết thực hơn, những thanh niên, gia đình ở một nơi mà mình ở một ngã, những con thiêu thân sắp lăn vào lửa vật chất.

Chúng ta làm thế nào để cứu vớt những nạn nhân tội nghiệp ấy? Hiện giờ, có những học sinh hễ nghỉ học là đi dạo phố, hết rạp chiếu bóng này lại tiệm giải khát nọ, những em bé vì quá giàu hay quá nghèo mà hư, những thanh niên đang lăn một cách vô tư vào hố trụy lạc. Chúng ta phải làm thế nào để mở cho họ một con đường sáng, hướng họ về đây, tìm cho họ những công việc lợi ích cho đời họ và cho xã hội. Công việc giáo dục lúc nào cũng cần thiết, nhưng lúc này nó cấp bách hơn bao giờ hết. Gia đình Phật tử đã và đang làm công việc ấy. Nhưng với tài hèn sức mọn, đoàn thể chúng tôi không thể làm nỗi hết.

Bởi vậy chúng tôi thiết tha kêu gọi quý ngài nâng đỡ chúng tôi với tinh thần xây dựng, với dư luận đúng đắn công minh của quý ngài. Riêng với các đoàn thể thanh niên, chúng tôi mong cầu được hợp tác chặt chẽ trong công việc giáo dục ấy. Với thanh niên Thiên Chúa giáo mà lòng thương của Chúa đã có sẵn, với thanh niên Hướng đạo mà thành tích làm việc xã hội đã nổi tiếng, chúng tôi chắc rằng chúng ta sẽ thâu hoạch được kết quả đẹp đẽ trong công việc trồng người vĩ đại ấy.

Chúng tôi tin tưởng ở một ngày mai tươi sáng”. [4]

Qua bài diễn văn trên, cương lĩnh lý thuyết và hành động của Gia đình Phật tử đã quy tụ trong ba yếu điểm:

1- Gia đình Phật tử không phải là một tổ chức chính trị.

2- Gia đình Phật tử nhắm mục đích giáo dục con người toàn diện Thân, Tâm, Trí. Hòa đồng cá nhân với cộng đồng xã hội, thực tế với lý tưởng.

3- Gia đình Phật tử góp phần xây dựng nền móng cho tương lai Phật giáo và dân tộc.

Đem thực hiện ba tiêu chuẩn ấy vào thực tế, nhất là thực tế nước nhà thật không phải là chuyện dung dị. Thế nên, ở đây biên giả không thể làm công việc của nhà chép sử theo lối biên niên, không làm gia phả, nghĩa là không chú trọng vào việc ghi rõ năm nào, tháng nào. Gia đình Phật tử nào được thành lập trước hay sau, hoặc kê khai những bước đi tiệm tiến của tổ chức mà chỉ nêu lên những nỗi khó khăn lớn hay những sự kiện thuận lợi mà cấp lãnh đạo phong trào đã phải trải qua để rút kinh nghiệm trong quá khứ, ứng dụng vào hiện tại để xây dựng tương lai. Công việc này sẽ bắt đầu từ ngày thành lập ở Huế cho tới ngày thống nhất huy hoàng hiện tại.

Trong chương đầu, biên giả đã trình bày những nét đại cương về chính trị, xã hội, luân lý. Những điều ấy chỉ là không khí chung chứ không phải là yếu tố cấu thành thực sự của Gia đình Phật tử. Phải nói rằng năm 1948, khi Gia đình Phật Hoá Phổ được tái lập ở Huế nhằm đúng vào lúc người Pháp đã chiếm được phần lớn các đô thị tại ba miền. Riêng ở Trung phần, ngắt với miền Bắc có bốn tỉnh Thanh, Nghệ, Tĩnh và Quảng Bình. Phía nam Trung phần lại ngăn cách ba tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Tuy Hòa. Như thế, phạm vi hoạt động chỉ quanh quẩn tại Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An, Ninh Hòa, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết và Đà Lạt. Thoạt tiên người Pháp nặn ra “Hội đồng chấp chánh Trung kỳ” do cụ Võ Bá Hạp cầm đầu và ông Trần Văn Lý điều khiển công việc hành chánh. Lúc bấy giờ, số người trở về vùng tạm chiếm còn ít và vết hoang tàn của chinh chiến còn ghi đậm trên gương mặt Thần kinh. Núi Ngự Bình trở thành núi trọc và sông Hương bôi lại lớp son phóng đãng thời xưa. Trong hoàn cảnh ấy, người người phải lo xếp đặt lại đời sống riêng mình, bắt đầu chịu nhẫn nhục trước tội ác của kẻ xâm lăng. Thế mà ngay trong hoàn cảnh khó khăn ấy, các anh chị em có tâm huyết cũng đã lo lắng tới việc tái lập phong trào. Vào ngày Tết Nguyên Đán năm Mậu Tý (1948) trong một buổi tiệc trà đơn giản tại chùa Từ Đàm của anh chị em tin Phật, anh Võ Đình Cường đã đọc mấy lời chúc tết và đó cũng là quyết định đầu tiên về việc tái lập phong trào. Cũng trong năm ấy các Gia đình Hướng Thiện, Gia Thiện, Chơn Tri lần lượt xuất hiện. Nếu đem so sánh những Gia đình này với Gia đình thời tiền chiến Thanh Tịnh, Tâm Lạc, Sum Đoàn v.v… thì đã có những đổi mới hợp lý hơn. Chẳng hạn, trước kia, các Gia đình họp tạm nhà các đạo hữu có lòng yêu trẻ thì nay đã có đoàn quán đàng hoàng. Trước kia sau khi lễ Phật thì nghe giảng Phật pháp (nghe chứ không phải học), tập hát, tập múa để trình diễn trong các buổi lễ; thì nay, mỗi buổi họp đều có chương trình rõ ràng: Lễ Phật, học Phật pháp, chuyên môn, học hát v.v… nhất nhất đều có quy củ, có lề lối do một ban lãnh đạo soạn thảo và điều khiển chung. Nhóm ấy cũng là tiền thân của Ban Hướng dẫn Thừa Thiên sau này. Qua tới năm 1949, toàn thể các Gia đình trong tỉnh đã có một trụ sở chung tại đường Nguyễn Hoàng lúc bấy giờ còn gọi là đường Paul-Bert. Nhân ngày lễ Tết Trung Thu năm ấy, một cuộc triển lãm đơn sơ dưới trời mưa tầm tã. Ban Hướng dẫn Gia đình Phật Hóa Phổ Thừa Thiên ra đời. Để tiến tới thành quả ấy, Gia đình Phật tử đã trải qua trăm đắng ngàn cay. Đối với chính quyền Pháp-Việt, Gia đình Phật tử phải tỏ ra biệt lập, không xu phụ, không hợp tác. Đó là một việc khó trong mọi khía cạnh hành chánh và an ninh. Đối với Hội Phật học , thì cần phải gây cho Hội sự thông cảm về chủ trương lâu dài của tổ chức, đồng thời từ chối những công việc tang tế, nghi lễ của người lớn không phù hợp với tuổi trẻ. Đó cũng là trở ngại thứ hai, trở ngại to lớn vì thuộc về nội bộ. Đối với quần chúng thì phải làm theo phổ biến cho được chủ trương đứng đắn, chân chính của Gia đình Phật tử.

Đó là công việc lâu dài. Và sau cùng, đối với thanh thiếu nhi, thì phải làm sao gieo được niềm tin vào tâm hồn của họ.

Nhờ ở khả năng sáng suốt, kiên nhẫn, chính đáng, mềm dẽo, mọi trở ngại trên lần lượt đã được khắc phục. Trong giai đoạn này tưởng cũng nên nhắc tới công lao của các Thầy (ở Huế Gia đình Phật tử gọi các vị các vị cố vấn giáo lý bằng “Chú” thật là thân mật và gói trọn tình thân gia tộc) Minh Châu, Đức Tâm, Thiện Ân, Chân Trí, Trí Không và nhiều anh chị khác. Công trình ấy là công trình khai sáng, tạo cơ sở, gây đường lối. Những người ấy, sau này dù có tiếp tục hay không, dù liên tục hay gián đoạn đều đáng cho ta ghi nhớ và cảm mến. Về sau khi tổ chức đã lớn mạnh, lớp người trẻ dần dần thay thế hay tiếp tục trong công việc lãnh đạo, nhưng thiết tưởng câu “Uống nước nhớ nguồn” không phải là không đáng ghi nhớ, khi mà giọt nước cành dương đã gội sạch bụi trần cho tâm hồn hướng lên đường giải thoát.

Qua các sự kiện trên, người Huynh trưởng hôm nay có thể rút ra những kinh nghiệm nào?

  • Trước hết là về ĐIỀU HÀNH và ĐỐI NGOẠI. Một tổ chức giáo dục chân chính phải đặt dưới một cơ quan lãnh đạo duy nhất có đường lối về thiện chí, có bản lãnh và khả năng, có lương tâm và đức độ. Trong mọi việc đối ngoại nên sắc bén và khoan nhu, cương quyết mà mềm dẻo. Các chính quyền hồi đó thực sự là tay sai của địch. Nhất định Gia đình Phật tử không thể nào hợp tác. Đã không lợi dụng được thì nhất định họ phải phá. Phá không nỗi thì họ nặn ra một thứ Gia đình Phật tử, một thứ ngụy trang của cái hội Phật giáo Thuyền lữ tương tự như lá bài mới bây giờ. Trong trường hợp ấy, một bên thì được chính quyền nâng đỡ, một bên thì bị khủng bố, thử hỏi nếu không sáng suốt và khôn ngoan thì có lẽ Gia đình Phật tử bị tiêu diệt từ lâu rồi. Một chi tiết nhỏ, rất ít người chú ý tới, là trong tất cả buổi lễ của Gia đình Phật tử không hề có bóng dáng “ông chính quyền”. Chi tiết ấy thật khó thực hiện vậy.
  • Cao hơn một bậc là việc liên lạc với Hội Phật học . Trước kia, vào hồi 1937, 1938 mỗi lần có lễ rước Phật thì người ta cho mấy chú nhỏ mặc áo dài xanh, cầm lồng đèn, đi theo đám rước, ca bài “Vui mừng gặp ngày nay, mồng tám tháng tư” theo điệu đăng đàn cung cho rậm đám. Cái quan niệm đem con nít làm trò vui cho người lớn cho tới lúc bấy giờ vẫn còn thâm nhiễm trong trí óc của đa số đạo hữu. Thế mà, hồi đó anh Trưởng Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử đã được thâu nhận là nhân viên thực thụ trong Ban Trị sự Hội Phật học cũng như Tổng Trị sự. Nhận như vậy tức đã mặc nhiên công nhận Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục trẻ, nhưng không phải tổ chức quy tụ toàn trẻ con. Trong mỗi buổi họp anh chị em đã bàn cãi hết lý, nhưng sau lý lẽ bao giờ cũng ẩn hiện tình đoàn kết thâm thiết của Gia đình. Nhờ được trực tiếp tham dự vào Ban Trị sự Hội Phật học mà sức bành trướng của Gia đình Phật tử có phần dễ dàng hơn. Và quan trọng nhất là chính Hội Phật học phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý hộ cho Gia đình Phật tử. Nói trắng ra, Gia đình Phật tử không bội bạc mà lại ghi nhớ công ơn đùm bọc của Hội suốt một thời gian khổ lâu dài. Nhưng có điều đáng tiếc, vô cùng đáng tiếc là một số Huynh trưởng quen sống dưới bóng mát ấy đã quên bổn phận thiêng liêng khi nghĩ rằng “Không có Hội là Gia đình Phật tử phải tan rã”. Tâm lý ỷ lại ấy đã hiện thực, đã là một trở ngại lớn cho công cuộc thống nhất của Gia đình Phật tử. Nhiều anh chị em đã nhầm lẫn ỷ lại với chung thủy, hiểu lầm tự lập với vong ân.

May thay đó chỉ là tâm lý chốc lát của một thiểu số.

*

Trên con đường đi tới sự phát triển toàn diện, Gia đình Phật tử đã phải dùng nhiều phương thế uyển chuyển. Trong thời chiến tranh Việt-Pháp còn tiếp diễn, tâm lý chung của quần chúng, kể cả đại chúng Phật tử là hoài nghi và cực đoan. Hoài nghi vì luôn luôn bị bọn chính khách bất lương lường gạt, cực đoan vì sức chịu đựng bị hao mòn. Trong trường hợp này, gây cho quần chúng một niềm tin về tổ chức của mình – một tổ chức không phải lúc nào cũng nói thẳng thực chất cho mọi người hiểu được – tất phải dùng nhiều thể cách trái ngược. Những thể cách ấy, với những người nông nổi chỉ đưa tới hiểu lầm mà mở lối cho các luận điệu vu khống. Muốn tránh những ngộ nhận chúng ta chỉ có hai phương thế: một là đem tư tưởng chân chính chỉ đạo cho hành động, hai là lấy hành động phân minh để biện minh cho tư tưởng. Các anh chị lãnh đạo phong trào đã chọn phương thế thứ hai. Mọi người đã âm thầm, câm nín để hành động. Những hoài nghi, vu khống ngày một dày đặc như một rừng tranh. Công việc đốt tranh không phải ai cũng làm được và đốt được. Cho nên người Huynh trưởng cần biết kiên nhẫn, dù có oan ức. Hành động mà không có phương châm cũng chỉ là xuẩn động. Lúc bấy giờ Ban Hướng dẫn đã nghĩ tới trước tiên là tạo cho mọi Huynh trưởng một căn bản, một tinh thần. Các trại huấn luyện được lần lượt mở liên tiếp từ Thừa Thiên vào tới Đà Nẵng (Lục Hòa mở cho các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Đà Lạt 12-7-1951, trại Tinh Tấn tại Nha Trang 14-7-1952). Và những cuộc viếng thăm có tính cách tác động tinh thần tại Phan Rang (22-7-1952). Những công tác đầu tiên ấy đã đưa tới sự bành trướng mạnh mẽ của Gia đình Phật tử suốt các tỉnh Trung phần.

Uy tín và sức mạnh của một phong trào là do ở tác phong của cán bộ. Những người lãnh đạo hôm nay mà còn giữ được thái độ khiêm cung, tích cực, phần nhiều đều xuất thân từ các trại huấn luyện sơ khởi ấy cả. Nói đến trại huấn luyện tất phải nhắc tới trại KIM CANG. Đây là một trại huấn luyện Huynh trưởng toàn quốc đầu tiên, thành phần ban quản trại có thầy Minh Châu (Cố vấn Giáo lý) và anh Võ Đình Cường (Trại trưởng), anh Phan Cảnh Tuân (Trại phó), anh Lê Cao Phan lúc bấy giờ làm Trưởng Ban Hướng dẫn Thừa Thiên và nhiều anh chị khác. Kể về trại sinh thì biên giả xin đơn cử vài anh: Bắc Việt có Lê Vinh (thường gọi là Lê Lai), Trần Thanh Hiệp (hắc ín), Đặng Văn Khuê (tiểu thư). Nam Việt có anh Nguyễn Hữu Huỳnh, còn Trung Việt thì chiếm đa số, mà phần đông tới nay đều trên 40 tuổi, hay có người đã khuất như anh Lê Văn Vinh (Đà Lạt).

Năm 1952 là năm đáng ghi nhớ của Phật giáo. Đó là năm thành lập Phật giáo thống nhất, năm thành lập Hội Phật giáo Thế giới mà Thượng tọa Tố Liên (Bắc Việt) được bầu làm Phó Chủ tịch. Việt Nam là hội viên sáng lập và được hân hạnh đón tiếp ông Chủ tịch Malalasekere. Cùng năm ấy, anh Võ Đình Cường hướng dẫn một phái đoàn Gia đình Phật tử ra thăm Hà Nội, vận động Hội nghị thống nhất. Thật ra, giữa tổ chức của ba miền lúc bấy giờ còn có nhiều khác biệt về Hình thức cũng như Điều hành.

Ngày 1 tháng 1 năm 1953, một kỷ nguyên mới đã mở đầu cho Gia đình Phật tử Việt Nam ra đời với một Ban Hướng dẫn Trung ương, một Nội quy, một Chương trình tu học thống nhất.

Trong dịp này, anh Trưởng Ban Hướng dẫn toàn quốc Võ Đình Cường có nhấn mạnh về ý nghĩa Đại hội:

“… Thưa các anh chị em đại diện Gia đình Phật tử Bắc và Nam Việt. Sự hiện diện của anh chị em trong hội trường này làm chúng tôi cảm kích vô cùng. Nó chứng tỏ sự hưởng ứng nồng nhiệt của Phật tử Bắc và Nam đối với phong trào Gia đình Phật tử theo với anh chị em một luồng gió phấn khởi đã bay về quạt vào lòng chúng tôi làm cho chúng tôi thêm hăng hái. Từ đây, trên đường lý tưởng chúng tôi không lẻ loi nữa. Chúng tôi có thể nắm chặt tay anh chị em Bắc và Nam mà tiến mạnh tiến xa, không quản ngại hào sâu và hố hiểm…”

Phái đoàn Gia đình Phật tử Bắc Việt gồm có chị Ni, anh Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, Văn Đình Hy. Nam Việt có anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục. Những người ấy nay người còn kẻ mất. Có những người hiện còn mà tuồng như đã mất, và những người khuất mặt mà chẳng xa lòng. Đó là lòng mến thương ruột thịt, lòng lân ái cùng chung lý tưởng. Mười một năm đã qua, mười một năm thực hiện một lời thề. Trải qua nhiều tang thương biến đổi, đất nước bị chia cắt. Thử hỏi còn ai nỡ cắt đứt nốt tâm hồn khi quê hương đã bị bọn manh tâm chia rẽ.

Ngày 31 tháng 7 năm 1955, một Hội nghị Huynh trưởng toàn quốc thứ hai họp ở Đà Lạt. Trong cảnh sum họp ấy, vắng mặt một người. Chính quyền đã cấm anh Trưởng Ban Hướng dẫn đi họp. Thế nhưng hội nghị vẫn nhận được thư anh và đều dốc hết năng lực vào việc thảo luận kế hoạch phát triển phong trào.

Từ năm 1954, chính quyền Pháp thảm bại phải bàn giao cho Mỹ quản thủ miền Nam và chính quyền họ Ngô đã gieo tang tóc cho Gia đình Phật tử. Đã có những anh chị em bị ám sát giữa đồng vắng, có anh chị em bị chôn sống ở Bình Định, anh Trưởng Ban Hướng dẫn phải vào tù và tị nạn. Mặc dù gặp nhiều trở ngại đó, sức tiến của Gia đình Phật tử vẫn tăng đều. Chỉ nguyên một tỉnh Thừa Thiên cũng đã có hơn 400 Huynh trưởng điều khiển các Gia đình từ thị xã tới nông thôn. Sinh hoạt nông thôn đặt ra nhiều vấn đề mới về huấn luyện và điều hành. Biên giả rất thán phục sự sáng suốt và hy sinh của một số anh chị em lãnh đạo đã đưa ra những chương trình hoạt động hữu hiệu về nội vụ, nhưng cũng xin nhắc thêm là không nên dựa vào một vài kết quả thu hoạch được ở địa phương mà quên lãng cái lý tưởng hướng tới thống nhất thực sự. Một thái độ kiêu kỳ, một tâm lý chủ quan, anh hùng cá nhân rất có hại cho sự tồn tại và phát triển của tổ chức trong giai đoạn hiện tại. Những khó khăn vẫn còn đó, trở ngại vẫn gia tăng, ta không thể bắt chước các nhà chính trị chỉ kêu gọi đoàn kết suông mà phải thật sự cùng làm, cùng nghĩ, cùng nói theo đúng tinh thần thống nhất của Gia đình Phật tử. Hoàn cảnh chính trị xã hội Bắc, Trung, Nam có khác, nhưng đó là biên giới thực tại chứ không phải những ngăn cách tinh thần. Gia đình Phật tử còn rất nhiều sứ mệnh phải hoàn thành. Ta không thể để cho tâm hồn có kẽ hở. Làm như thế là mở lối cho ngọn gió độc len vào phá vỡ sự nghiệp và tâm hồn ta.

Ngày 28 tháng 6 năm 1964, Đại hội Huynh trưởng toàn quốc lần thứ tư họp tại trường Gia Long Saigon sau ngày Pháp nạn. Đây là cơ hội để kiểm điểm hàng ngũ và còn là lối về của những người lạc hướng, lối về của những anh chị em bị nghịch cảnh làm ly cách. Hơn 200 đại biểu của 42 tỉnh nhóm họp trong 3 ngày. Ba ngày dài hơn ba thế kỷ. Những lời cam kết, những lời tâm sự, những lời kể lể về vinh nhục thăng trầm đã biểu lộ một tinh thần sắt đá, một tình thân ái vô biên. Mai sau dù ai có thành kiến mà phủ nhận lời thề thì lịch sử Gia đình Phật tử cũng đã một lần nghe những lời tha thiết ấy! Một Nội quy mới, một Quy chế Huynh trưởng, một Quy chế Ngành nữ đưa tới một cơ quan điều hành dân chủ và tiến bộ. Đại hội này còn nói lên ngày độc lập của Gia đình Phật tử. Thật ra trong tinh thần, Gia đình Phật tử vẫn độc lập từ lâu, nhưng về pháp lý phải chịu ép mình trong khuôn khổ chung. Đàn chim vượt cửa lồng tung bay ra ánh sáng tự do. Một vài con rã cánh vì ngợp nắng nhưng đàn chim vẫn rộn ràng nhịp cánh theo lịch sử. Một vài con cam chịu cảnh lầu son gác tía, gạo trắng nước trong mà quên cả khung trời bao la phóng khoáng. Nhưng trước sau gì cảnh chim lồng cũng không phải là lý tưởng của một đoàn viên Gia đình Phật tử. Người ta, vì có thành kiến có thể trút bỏ tất cả, nhưng màu áo lam một khi đã ghi sâu vào tâm khảm thì không một màu sắc gì có thể nhuộm được nữa…

CHÂM NGÔN VÀ LUẬT

Gia đình Phật tử đã có mục đích hoạt động giáo dục rõ rệt. Điều ấy còn quy định cho đoàn viên một phương hướng cụ thể hơn: Đó là Châm ngôn và Luật.

Trong buổi đầu, khi các Gia đình Phật tử mới thành lập, đoàn viên chỉ hiểu một cách giản dị rằng: “Với ý nghĩ, lời nói, việc làm chân chính của người Phật tử em xây dựng Gia đình”. Đến khi việc tổ chức hoàn thành, thì trong bản nội dung đầu tiên, châm ngôn được ghi là hòa thuận, tin yêu, vui vẻ. Châm ngôn ấy cũng chỉ nhắm tạo nên một không khí gia đình. Trên thì có Bác Gia trưởng, thứ đến các anh chị trưởng, rồi tới đoàn sinh. Công việc điều hành cũng đơn giản. Đoàn trưởng chưa có quy chế nhất định. Đoàn sinh chưa có cấp bậc rõ ràng. Nói chung, cấp lãnh đạo chỉ chú trọng tới việc tạo một không khí thân mật để cùng nhau tu học và san bằng những cách biệt giữa các gia tộc riêng tư. Châm ngôn ấy đã được thể hiện đầy đủ.

Tuy nhiên, Gia đình Phật tử không ngừng lại ở đó. Với đà phát triển tiệm tiến, năm 1953 danh hiệu Gia đình Phật tử ra đời, thì châm ngôn lại chia ra: BI TRÍ DŨNG cho ngành Thanh, Thiếu và giữ lại HÒA THUẬN, TIN YÊU, VUI VẺ cho ngành Đồng. Sự thay đổi ấy hẳn phải có lý do.

Khác với giai đoạn phôi thai từ năm 1940 tới 1954, chỉ gò bó trong phạm vi Gia đình, khi Gia đình Phật tử Việt Nam thật sự thống nhất qua Đại hội toàn quốc tháng 1 năm 1953, châm ngôn của Gia đình Phật tử đã bắt đầu vượt biên giới Gia đình để đi vào xã hội. Trong bài diễn văn đọc trước Đại hội, anh Trưởng Ban Hướng dẫn toàn quốc tiên khởi Võ Đình Cường đã nhấn mạnh vào phương châm hoạt động. ĐẠO trong ĐỜI và ĐỜI trong ĐẠO: “Đạo cần phải tuôn xuống, phải tan ra, phải thấm vào cuộc đời, bồi bổ cho nó, như nước thấm nhuần trong lòng đất. Đạo không thể xa cuộc đời. Hễ xa là cằn cỗi, là ráo khô và không còn nghĩa sống nữa. Đạo phải ở trong Đời, phải phụng sự cõi đời. Nhưng ngược lại, Đời cũng phải ở trong Đạo. Nếu Đạo theo Đời mà không hoán cải được cuộc đời, buông lung theo đời để phải mất gốc, mất bản sắc thì Đạo không còn là Đạo nữa. Vì nó đã mất nhiệm vụ cao cả là hướng dẫn, là chỉ đường. Nói một cách khác, Đạo không thể đi một đường mà Đời đi một đường, Đạo với Đời phải đi sát liền với nhau”. Đi vào đời, đi vào công tác xã hội, tất nhiên các em Đồng niên không kham nỗi nên các em sẽ được giữ lại châm ngôn cũ. Trái lại Thanh Thiếu niên đi vào đời đòi hỏi một lợi khí tinh thần, một chỉ nam. Lợi khí ấy, chỉ nam ấy thu vào ba tiếng BI TRÍ DŨNG. Đây không phải là ba tiêu chuẩn mà còn là ba ĐỨC TÍNH cần thiết cho mỗi Phật tử, cho mọi Phật tử. Về phương diện khách quan, không có TỪ BI thì không có tình nhân loại, nghĩa đồng bào. Không có TRÍ TUỆ thì mọi hoạt động trở thành gian trá, manh động, phản với chính nghĩa, phản chân lý. Không có DŨNG LƯỢC thì sẽ không đủ sức mạnh tinh thần để đưa Đạo vào Đời. Châm ngôn ấy tạo cho Gia đình Phật tử một uy tín, một địa bàn hoạt động rộng lớn và vô vị lợi. Về phương diện chủ quan, không có TỪ BI thì dễ sa vào đường ác. Không có TRÍ TUỆ thì không thể giác ngộ. Không có DŨNG LƯỢC thì dễ thành hèn nhát, xu phụ, thiếu nghị lực. Châm ngôn BI TRÍ DŨNG đã bắt nguồn từ ba tiếng Đại hùng, Đại lực, Đại Từ bi trong Lăng Nghiêm thập chú, nhưng đã được thanh niên hóa, hiện đại hóa.

Đến năm 1961, trong hoàn cảnh bị khủng bố, Đại hội Gia đình Phật tử vẫn họp tại chùa Xá Lợi Việt Nam. Tinh thần BI TRÍ DŨNG đã bộc lộ đến cao độ. Mặc dầu bị chèn ép, Đại hội cũng vẫn có một phút mật niệm anh chị em đã bỏ mình vì lý tưởng. Vấn đề lớn trong Đại hội này là tinh thần đòi hỏi thống nhất qua lời thuyết trình của anh cựu Trưởng Ban Hướng dẫn Nam Việt Tống Hồ Cầm (biên giả xin ghi nhận sự hy sinh rộng lớn của anh chị em Gia đình Phật tử Nam Việt trong công lao chuẩn bị Đại hội rất hoàn mỹ), của đạo hữu Nguyễn Đức Lợi, đại diện hai hệ thống Gia đình Phật tử của Giáo hội Tăng già Bắc Việt tại miền Nam và Hội Việt Nam Phật giáo. Đại hội còn đòi đổi danh hiệu Gia đình Phật tử thành Đoàn THANH NIÊN PHẬT TỬ VIỆT NAM. (Lúc bấy giờ trên đất nước này chỉ có Gia đình Phật tử là tổ chức thanh niên Phật giáo duy nhất). Ý kiến sửa đổi danh hiệu này rất hợp lý, hợp với bước tiến nhanh của Gia đình Phật tử.

Thế nhưng, một số anh chị em vì nặng tình với dĩ vãng đã cố muốn giữ lại. Chính Thượng tọa Thích Thiện Minh cũng khuyên nên giữ lại vì lý do an ninh của tổ chức và tinh thần bất hợp tác của Gia đình Phật tử đối với chính quyền. Cơ hội ngàn năm một thuở đã qua. Đến nay, theo hệ thống đã tổ chức của Tổng vụ Thanh niên trong Viện Hóa đạo thì đã có đoàn Thanh niên Phật tử rồi. Thật ra, nếu vì quá thương yêu dĩ vãng mà không tán thành việc sửa đổi thì thử hỏi trước kia, khi đổi danh hiệu Gia đình Phật Hóa Phổ ra Gia đình Phật tử thì không hiểu tổ chức ta tiến hay lùi? Trong việc giao thiệp với quần chúng ngày nay, việc liên lạc với các đoàn thể thanh niên quốc tế, chúng ta gặp nhiều khó khăn. Trong khi chúng ta hoạt động đến hy sinh cả thân sống thì qua các báo chương, người ta nhầm lẫn chúng ta với các đoàn bạn. Bạn có thể trách biên giả thích bề ngoài nhưng cũng xin hiểu cho là mấy dòng này biên giả viết lên chính vì đã nghĩ tới những hy sinh âm thầm của những anh chị em, nhất là anh chị em đang hoạt động tại nông thôn. Sự có mặt của Gia đình Phật tử phải được biết tới. Trong lúc này, thiếu sự quảng bá cũng là một trở ngại cho việc phát triển phong trào.

Tuy thế trong tinh thần, Gia đình Phật tử vẫn là một tổ chức thanh niên có quy củ, có uy tín. Trong cuộc hội thảo Huynh trưởng miền Khánh Hòa tại Vũng Tàu vào cuối tháng 10 vừa qua, Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa đạo đã tuyên bố: “Giáo hội không có Gia đình Phật tử là Giáo hội chết”.

Trong bản Nội quy mới nhất do Đại hội Huynh trưởng toàn quốc họp tại Saigon ngày 30 tháng 6 năm 1964, châm ngôn của Gia đình Phật tử chỉ còn lại ba tiếng Bi Trí Dũng chung cho các ngành Thanh, Thiếu, Nhi nam nữ. Phải chăng đây là giai đoạn hoàn thành của một lý tưởng đã đeo đuổi từ 20 năm nay? Gia đình Phật tử đã thực sự là một đoàn thể Thanh niên Phật giáo. Thú vị hơn nữa là huy hiệu Hoa Sen đã trở thành biểu tượng chính của các đoàn thể trẻ trong Tổng vụ Thanh niên. Theo Nội quy mới, Gia đình Phật tử không còn là sinh hoạt của một Gia đình. Từ thành phần Ban Hướng dẫn cho tới sự sinh hoạt riêng biệt của hai ngành Nam, Nữ, từ sự thoát ly ra khỏi vỏ tập đoàn, Gia đình Phật tử đã có đủ điều kiện lập thành một tổ chức thanh niên tôn giáo hợp với quy mô tổ chức quốc tế. Hơn nữa “Gia trưởng là một cư sĩ từ 30 tuổi trở lên có uy tín trong Ban đại diện Giáo hội cấp xã, phường hay chi khuôn và hiểu biết về Gia đình Phật tử do Ban Huynh trưởng MỜI và được sự đồng ý của Ban Hướng dẫn Tỉnh”. “Nếu Liên Đoàn trưởng từ 30 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với Ban đại diện Giáo hội cấp xã, phường hay chi khuôn có thể KIÊM chức Gia trưởng”.[5] Như vậy khuôn khổ Gia đình chỉ còn lại là một hình bóng cũ… và trong nội dung Gia đình Phật tử thực sự là một đoàn thể thanh niên. Giàu có hơn nữa là người thanh niên ở đây phải làm hai nhiệm vụ một lúc: hoạt động xã hội và dạy dỗ đàn em. Trên nguyên tắc một đoàn thanh niên không thể có các em dưới 18 tuổi. Nhưng trên thực tế, trong Gia đình Phật tử đã có đủ hạng tuổi. Hướng đạo có Sói con thì ta có Đồng niên. Vấn đề quan trọng ở đây là việc phát triển ngành Nam, Nữ Phật tử, một ngành quan trọng trong việc đào luyện Huynh trưởng và hoạt động xã hội.

Trong hiện tình đất nước, Gia đình Phật tử không thể tự ghép mình trong khuôn khổ chật hẹp và tù túng cho việc bành trướng. Từ châm ngôn Hòa thuận, Tin yêu, Vui vẻ tới Bi, Trí, Dũng, từ Gia đình Phật Hóa Phổ tới Gia đình Phật tử, từ mục đích giáo dục tới mục đích góp phần xây dựng xã hội, Gia đình Phật tử đã tiến những bước dài vững chãi. Để bảo đảm cho con đường đi tới, mỗi đoàn viên phải hiểu rõ sự tiến bộ của châm ngôn. Châm ngôn đúng thì hành động mới đúng được.

LUẬT TRONG GÐPT

Tâm hồn có những nguyên lý, để phân biệt đồng nhất với mâu thuẫn, để lựa chọn điều thiện với ác, hướng đến thẩm mỹ hay thô sơ. Những nguyên lý ấy là động cơ đưa con người đến toàn thiện hay tội lỗi. Là một đoàn thể giáo dục và thanh niên, Gia đình Phật tử đã đặt ra những châm ngôn để làm hướng tiến tới lý tưởng. Đời người có rất nhiều mục đích phải thực hiện. Công danh, sự nghiệp, đời sống. Nhưng có một mục đích vượt cao lên trên mọi mục đích ấy là lý tưởng. Con người sống ở đời như bơ vơ trên thuyền con lạc ra giữa biển đời trong một đêm tăm tối. Muốn vào bờ giải thoát tất phải có định hướng. Trên cảnh tối tăm ấy, người có ý thức phải hướng vào ngôi sao Bắc đẩu. Chẳng phải vì ta không nắm được vì sao trong tay mà ta có quyền không hướng theo nó. Cũng một lẽ ấy, chẳng phải vì lý tưởng khó thực hiện mà ta có quyền đồng hóa nó với ảo tưởng, không tưởng hay bằng lòng với cuộc đời vô lý tưởng. Đời ta có hai lần khóc: khi ra đời ta khóc cho đời và mai kia mất đi đời sẽ khóc cho ta. Việc khóc cho đời thì ta đã khóc từ lâu, nhưng còn đời khóc cho ta hay không thì còn tùy thuộc vào sự nghiệp ta đóng góp cho đời. Có những người đang còn sống mà đời mong cho họ chết để được cười hay sẽ phỉ nhổ khi nghe tin họ chết. Tự nguyện sống cuộc đời lý tưởng là việc dễ, nhưng thực hiện cho được lý tưởng mới là chuyện khó. Người Phật tử may mắn nương theo ánh đạo để thực hành lý tưởng Tự giác, Giác tha. Đến như một đoàn viên Gia đình Phật tử thì lý tưởng ấy bình dị hóa qua châm ngôn Bi Trí Dũng. Nhưng châm ngôn ấy là thực tưởng tàng trung. Người bạn trẻ còn phải hình ngoại châm ngôn ấy. Đó là lý do hình thành các điều luật.

Cũng như quá trình phát triển chung, từ buổi manh nha cho tới hiện tại luật cũng có cải tiến cho phù hợp với lịch trình tiến hóa của tổ chức.

Khi Đoàn Phật học Đức dục ra đời, Gia đình Phật Hóa Phổ đã có mười điều luật nói rõ định hướng quy y Tam Bảo, tự luyện tự tu và kết thúc bằng câu “Phật tử làm tròn bổn phận”. Mười điều luật ấy rất đầy đủ nhưng không phù hợp với tổ chức thanh thiếu nhi. Thế nên, Đại hội Gia đình Phật tử toàn quốc năm 1952 đã sửa đổi:

Luật của Huynh trưởng và Trưởng thiếu niên nam nữ:

1- Phật tử quy y Phật Pháp Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
2- Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống.
3- Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
4- Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
5- Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

Đọc qua 5 điều luật trên, hẵn ai cũng nhận thấy rất phù hợp với lý tưởng Phật hóa và châm ngôn Bi Trí Dũng.

Và luật của đồng niên nam nữ:

1- Em tưởng nhớ Phật.
2- Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.
3- Em thương người và vật.

Những luật ấy không phải là những tiêu chuẩn có công năng duy trì một thứ trật tự giả tạo ở bên ngoài mà chính là những quy luật tinh thần tất yếu và phổ quát. Tất yếu vì không một đoàn viên nào có quyền xao lãng việc khắc ghi và thể hiện; phổ quát vì mọi đoàn viên đều phải tuân theo không phân biệt già trẻ trai gái. Đoàn viên Gia đình Phật tử có thể là em bé từ 7 tuổi cho tới ông già 70, miễn rằng có tinh thần vì Đạo, vì Đời và vì Trẻ. Khác với các luật khắt khe của luân lý, luật Gia đình Phật tử đã dựa trên một nền tảng tín ngưỡng vững chắc chứ không phải do sự ràng buộc của xã hội. Trong một thời đại mà con người chỉ biết sợ hãi uy quyền và sẵn sàng dối mình dối người. Luật Gia đình Phật tử đã tạo ra những nút dây tinh thần căn cứ vào lòng tin sâu xa vào giáo lý và một tính tự giác rất vững chắc. Khi nói tới luật bao giờ người ta cũng liên tưởng tới sự thưởng phạt của xã hội, dư luận hay lương tâm. Nhưng thật ra, rất nhiều triết gia đã chứng minh rằng lương tâm không phải lúc nào cũng có đủ khả năng tất yếu để buộc con người hướng thiện một khi nó đã không dựa trên một nền tảng siêu hình vững chắc. Nhất là trong lúc này, thay vì lương tâm cá nhân là tiếng nói phân biệt thiện ác, thì người ta lại dùng lương tâm của mình để buộc tội kẻ khác và tha thứ cho tội ác của mình. Khi mà luật pháp đôi khi trở thành công cụ của bạo quyền và dư luận chỉ là tổng hợp của những tâm trí vô minh thì lương tâm ấy, dư luận ấy, luật pháp ấy chỉ còn là những mối che đậy hay nguyên nhân của tội ác. Cho nên, nói tới luật Gia đình Phật tử thì phải nói tới đức Tự nguyện, tự giác. Có tự nguyện thì không ai bắt buộc người đoàn viên phải theo một cách cưỡng bức và mù quáng. Có tự giác vì chính người đoàn viên thấy rõ lẽ phải, có lợi ích cho việc tu tập mà tuân theo. Hơn nữa, sự thưởng phạt tinh thần ở đây cũng không ngoài ý nghĩa sám hối.

Để tâm niệm cho những phương thế thực hiện lý tưởng ấy, người đoàn viên Gia đình Phật tử phải cố gắng ứng dụng luật vào ý nghĩ, lời nói và việc làm.

Sau châm ngôn, luật là những thể thức có thay đổi cho phù hợp với lịch sử tiệm tiến của Gia đình Phật tử còn cần phải biết tới những hình thức cố định biểu thị đường lối chính đáng và tiêu chuẩn giáo dục sáng suốt mà những người sáng lập tổ chức đã quan niệm đúng từ phút đầu.

Nếu các Đại hội Huynh trưởng toàn quốc 1952, 1957, 1961, 1964 đã luôn luôn cố gắng cải tiến Nội quy, Châm ngôn, Luật thì có những thực thể tinh thần vẫn được duy trì chung thủy đủ bảo đảm cho nhất trí tính của Gia đình Phật tử. Đó là Màu áo lam, Hoa sen trắng, Khẩu hiệu Tinh tấn và Bài ca chính thức.

MÀU ÁO LAM

Phát xuất từ miền Trung cằn cỗi về địa thế, thiên nhiên nhưng sung mãn về tinh thần, màu áo lam biểu thị đạo hạnh của Gia đình Phật tử.

-Về giáo lý: Màu áo lam là màu phát xuất đi vào đạo (chư Tăng khi còn ở Điệu mặc áo nhật bình màu lam. Thọ giới Tỳ kheo màu nâu và khoác y vàng. Tùy theo cấp bậc cũ: Tỳ kheo Trụ trì, Hòa thượng, Tăng cang, số “Điều” được lần lượt tăng thêm. (Hình thức cũ của Sơn môn Tăng già).

Ngày nay, trong hệ thống mới, chư Tăng không chú trọng tới điều ấy thật cũng đáng tiếc. Màu lam là màu của sự kiên nhẫn, hiền hòa, màu của Bi Trí Dũng.

– Về giáo dục: Là một tổ chức thanh niên, màu lam dễ hòa đồng với nội cỏ, non ngàn. Hình ảnh một thanh niên áo lam, quần xanh đứng giữa khoảng rừng, giữa trại đã dung nhiếp vào sự vật. Màu xanh của lá cây, màu đất, màu trời hòa hợp với màu lam tạo nên một sự dung hợp của con người triền phược với thiên nhiên vô ngã. Suy rộng ra, màu lam là khởi điểm cho sự hòa đồng của “tiểu ngã” vào “đại ngã” vào “bản thể chân như”.

-Về thực dụng: Màu lam thích hợp với sinh hoạt thanh niên: trại, đi đường, công tác xã hội v.v… Màu lam phản ứng đậm với màu sắc lòe loẹt rất dễ bẩn vì bụi đời của y phục thế gian. (Ở miền Bắc, người ta thường dùng màu để chịu tang, nhưng thành kiến ấy đã dứt bỏ. Bỏ được thành kiến ấy là đã hiểu được phần nào ý nghĩa của sự chết tạo ra sự sống).

HOA SEN TRẮNG

– Huy hiệu của Gia đình Phật tử là hoa sen trắng tám cánh: ba cánh dưới tượng trưng cho Tam Bảo, nói rõ thiện nguyện của đoàn viên Gia đình Phật tử là quy y Phật (lìa xa ảo ảnh trở về nương theo con đường giác ngộ của đức Phật), quy y Pháp (phát nguyện nương nhờ giáo lý tự giác giác tha), quy y Tăng (thờ kính chư vị truyền Pháp, truyền giới). Năm cánh trên tượng trưng cho năm đức tính căn bản: Tinh tấn, Từ bi, Trí tuệ, Thanh tịnh và Hỷ xả. Có Tinh tấn mới “tự cường bất túc” từng phút từng giây. Có Từ bi mới tỏa ánh sáng của tình thương lên vạn vật. Có Trí tuệ mới thoát ly mê tín, dị đoan. Có Thanh tịnh mới giữ được thân, khẩu, ý trong sạch, ngay thẳng. Có Hỷ xả mới dứt bỏ phiền não, tu chứng Bồ đề.

Ngày nay, huy hiệu Hoa sen đã trở thành biểu hiệu của nhiều đoàn thể thanh niên Phật giáo. Nhưng chỉ có Hoa sen trắng trên nền xanh (lục) mới đúng là huy hiệu của Gia đình Phật tử.

BÀI CA CHÍNH THỨC

Là tiếng nói của châm ngôn Bi Trí Dũng, của Luật, của khẩu hiệu Tinh tấn, của huy hiệu Hoa sen và của màu Lam đạo vị. Bài ca chính thức của Gia đình Phật tử mang những lời vàng ngọc sau đây:

“…Kìa xem đóa sen trắng thơm.
Nghìn hào quang, chiếu sáng trên bùn.
Hình dung Bổn sư chúng ta
Lòng từ bi, trí giác vô cùng
… Chúng ta nguyện:
Một dạ theo Phật
Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết.
Đến bao giờ được tày sen ngát
Tỏa hương thơm Từ Bi tận cùng.”

Nguyện cầu, lời ca của tâm hồn tự giác ấy sẽ dâng lên, dâng lên mãi giữa rừng đời, vượt ra ngoài rừng người áo lam, bàng bạc khắp không gian, bao trùm trên vạn vật để đi vào tiếng chuông ngân, tiếng kinh cầu của nhân loại! Tiếng ca ấy, màu lam ấy sẽ tạo nên một ấn tượng lung linh muôn âm điệu, khai phóng mọi hào quang đồng vọng mãi trong tâm hồn dân tộc, nhân loại để cùng nhau hướng về nơi giải thoát.

CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC

Với mục đích giáo dục, Gia đình Phật tử dù có tiến nhanh tiến chậm nhưng mỗi sáng kiến hay cải cách đều rất thận trọng. Nhằm cứu cánh giác ngộ, chương trình tu học thỏa mãn yêu cầu tự giác để giác tha. Nói tới giáo dục phải nghĩ tới:

– Một đường lối giáo dục.

– Một chương trình phù hợp.

– Một phương pháp hữu hiệu.

Sinh trong tình cảnh nước mất nhà tan, sống giữa cảnh lạc hậu về kỷ thuật, lịch sử giáo dục nước nhà từ 20 năm nay như chiếc xe đang đổ dồn xuống dốc trụy lạc với một tốc độ kinh người. Kẻ có tâm huyết nhìn theo thở dài, người có manh tâm nhảy theo lợi dụng. Những sự chầm vá của các “cá nhân nhà giáo” từ suốt các chế độ qua đã không ngăn nỗi hiện tượng sa đọa. Tại sao vậy? Nguyên nhân không ngoài những tâm lý ỷ lại, vọng ngoại, vụ lợi. Gia đình Phật tử là một tổ chức tôn giáo chỉ có hai bàn tay trắng và một khối óc, một lòng tin đã kiên nhẫn theo đuổi công việc mình. Trên đường đi tới, số người bỏ cuộc không phải ít. Cảnh chiến chinh liên tiếp đã cướp của Gia đình Phật tử quá nhiều cán bộ. Vấn đề nhân sự đôi khi trở nên nguy ngập. Tuy vậy, nếu “quá khứ đã bảo đảm cho hiện tại thì ta cũng có quyền nhìn vào hiện tại mà tin ở tương lai”. Nhất là, với nhu cầu lịch sử, đạo Phật đang đi vào cuộc đời, các nhà lãnh đạo tinh thần đang nghĩ tới việc hiện đại hóa Phật giáo, thì trong lãnh vực “dạy trẻ”, Gia đình Phật tử cũng cần xét tới vấn đề đưa đạo Phật vào tuổi trẻ. Chương trình tu học của Gia đình Phật tử phải giữ vững cương lĩnh đó, một cương lĩnh có thể trái ngược với một vài xu hướng lẻ tẻ hiện tại. Đường lối tu học phải phá đổ các sức mạnh thần quyền đang khống chế con người bằng mê tín dị đoan, phải tiêu diệt các tâm lý vọng ngoại, vong bản, lai căng và tiếp nhận mọi khai hóa tốt đẹp của nhân loại. Sức mạnh tinh thần của Gia đình Phật tử phải đủ sức sống lôi cuốn bọn vọng ngoại quay về dân tộc, cảnh tỉnh người hướng ngoại phục hồi ánh sáng tự tâm.

Phát khởi từ ý niệm đó, biên giả sẽ bàn đến từ thấp tới cao, từ dễ tới khó các yếu tính trong chương trình tu học của Gia đình Phật tử.

Một nền tảng giáo dục chân chính phải đặt trên căn bản lý thuyết vững vàng. Gia đình Phật tử được thiện duyên quy y Tam Bảo với một rừng bể học thuyết, trăng sao chân lý. Xưa nay, tư tưởng và hành động nhân loại dù có phân hóa muôn mặt, muôn màu nhưng chung quy không thoát ra hai tiếng tri và hành. Tây phương có Triết học; Đông phương có Đạo học. Trước kia, Triết học là “biết để mà biết” (Tri) nên đã có sự ly khai với khoa học, kỹ thuật (Hành). Khoa học lại mâu thuẫn đậm với tôn giáo. Cổ thời, tôn giáo đã ngăn trở và khống chế khoa học và biến triết học thành công cụ. Ngày nay khoa học xé tan dần màn vô minh của thần quyền. Thực trạng thê thảm của Tây phương hiện đại là sự phân hóa và xung khắc giữa ý thức hệ với học thuyết duy linh. Ở Đông phương, Đạo học là “biết để mà làm”. Thế nên một nho sĩ tôn thờ Khổng giáo sẽ chịu chết cho tròn chữ Trung, một tăng sĩ không thể xao lãng giới luật và một bậc cao sĩ đã nghiên cứu học thuyết xuất thế của Lão Trang tất lìa xa danh lợi, lùi về nơi gió mát trăng thanh, mượn thú cầm kỳ thi tửu để di dưỡng tâm thần. Cuối thế kỷ trước, làn gió kỹ thuật xô ngã nền tảng xã hội vị luân lý của Đông phương (Đông phương chỉ mới tiếp nhận kỹ thuật chứ chưa hẳn đã thấm nhuần tinh thần khoa học). Ánh đèn điện chiếu rọi vào tiềm thức Đông phương tạo nên một cảnh giao thời. Quan niệm xây dựng một nền giáo dục Phật giáo  dân tộc cần phân định rõ Tri với Hành. Danh từ Tu học đã minh chứng được yếu tính “Tri hành hợp nhất”. Học giáo lý để đạt chân lý Giác ngộ và Hành để hoàn thành Tự giác (đối với tự thân, bản thể) Giác tha (đối với xã hội, nhân quần). Chỉ có sự dung hợp Đông Tây thành nhân loại tính và hiện đại hóa hệ thống tư tưởng cổ nhân một cách hợp lý mới mong gạt được những mâu thuẫn giữa cá nhân với xã hội, giữa nội tâm với ngoại cảnh để đạt được viên dung. Giáo dục dân tộc quan yếu ở Tu học.

Từ ý niệm sơ khởi đó Gia đình Phật tử sẽ giải đáp dần từ dễ tới khó, từ thấp lên cao (về đối tượng và phương pháp).

*

Mục đích:

Đã ghi rõ trong Nội quy: “Đào tạo Thanh thiếu nhi thành Phật tử chân chính để góp phần xây dựng xã hội”. Phân tích câu trên có hai phần rõ rệt:

– Giáo dục thanh, thiếu, nhi.

– Đào tạo trẻ thành Phật tử chân chính.

Phân tích đối tượng:

Đối tượng chính của giáo dục Gia đình Phật tử là Trẻ.

Trẻ là một con người có đủ 3 yếu tố: thân, tâm, trí.

Nhưng mỗi lớp tuổi có sắc thái riêng. Cho nên cần phải phân biệt rõ:

Những yếu tố chủ quan:

Đối với thanh niên (đến 22 tuổi):

Thân: Đã phát triển toàn vẹn nên dễ bị lôi cuốn theo dục vọng tình cảm. Mang sẵn tâm sự u hoài nên dễ bị chi phối bởi ảnh hưởng khách quan như thời thế loạn ly, tình yêu vơ vẩn, sầu não vô cớ, ham mê vật chất.

Tâm: Tình cảm dồi dào dễ sinh ra mơ mộng. Thích lý tưởng. Biết yêu cái đẹp. Thích sự thật phũ phàng. Dễ sinh ra bi quan yếm thế. Chán chường quá khứ, bi quan hiện tại, vô vọng ở tương lai.

Trí: Thích học hỏi nhưng lại tự cao. Coi thường những gì của đàn anh để lại. Hiếu kỳ, mạo hiểm. Chỉ tin mình, không tin những điều không thể chứng minh.

– Đối với thiếu niên (đến 17 tuổi):

Thân: Chưa phát triển hoặc đang trong thời kỳ nẫy nở. Tuổi dậy thì, những thay đổi về sinh lý đưa tới khủng hoảng tâm lý. Thích ăn diện. Thích trò chơi mạnh (kể cả phái nữ). Sức chịu đựng bền bỉ.

Tâm: Tình cảm trong trắng. Mê tiểu thuyết. Yêu hay ghét đều quá đáng. Dễ đam mê, nhiều sáng kiến. Phái nữ có nhiều thắc mắc về tình cảm, thân phận.

Trí: Đang độ phát triển. Thích cãi lý. Độc đoán. Muốn làm chủ kẻ khác trong khi lại sẵn sàng chịu chỉ huy. Ham học. Hiếu kỳ. Phiêu lưu. Muốn làm người lớn.

– Đối với nhi đồng (đến 12 tuổi):

Thân: Yếu đuối.

Tâm: Ngây thơ, nhiều tưởng tượng. Thích được khen.

Trí: Chưa biết suy nghĩ. Hoàn toàn lệ thuộc tình cảm.

Đó là những ưu khuyết điểm khái quát về 3 lớp tuổi trên, cần phải có 3 lối giáo dục riêng trước khi đưa vào đường lối chung.

Phương pháp:

Ngoài những nguyên tắc sư phạm căn bản giúp cho sự sinh tồn của trẻ, đoàn sinh Phật tử phải được giáo dục theo đúng tinh thần Bi Trí Dũng (dựa vào hệ thống tổ chức châm ngôn, luật).

*Phương diện tình cảm (Tâm): Phải hướng theo lòng Từ bi. Giải tỏa tình cảm mềm yếu thành tình yêu cao thượng. Luyện bằng các bài tâm lý, các câu chuyện thật, những mẫu chuyện đạo, những việc làm trước mắt. Không nhất thiết phải là việc tốt mà phải nói đúng những tật xấu tai hại. Đối với thanh niên không nên có giọng dạy khôn mà phải kích động tâm lý. Đối với thiếu nhi tránh những chuyện xấu có thể làm hoen ố tâm hồn. Tuổi này chưa phân biệt nổi những tình cảm trong sạch hay xấu xa. Đối với nhi đồng nên tỏ ra yêu thương chúng thành thật.

Phương diện thể lý (Thân): Đừng hiểu nhầm thân là thân thể. Đây là toàn bộ dinh dưỡng của cá nhân. Dù đạo Phật ca tụng khổ hạnh, nhưng ngoài những bậc xuất chúng, sức mạnh tinh thần của Thanh thiếu nhi lệ thuộc phần lớn vào khả năng dinh dưỡng. Đa số trẻ thường đòi hỏi một thân thể tráng kiện thì mới có sức chịu đựng dẻo dai, có tinh thần phấn khởi. Đừng bắt trẻ lao nhọc quá sức. Tất cả những hoạt động nào vượt ra ngoài mục đích trau dồi sức mạnh tinh thần sức chịu đựng bền bỉ đều không thể áp dụng cho thiếu nhi. Chính vì điểm này mà những Huynh trưởng đứng đắn không bao giờ cho các em theo lễ nghi, đưa đón đám ma, tụng niệm kéo dài hàng ngày, hàng giờ của các bậc phụ huynh trong các tổ chức người lớn. Làm thế là ta đã bóp chết những mầm non chưa đủ sức, là gieo vào đầu của các em những ấn tượng cằn cỗi về Đạo cũng như Đời.

Phương diện trí tuệ (Trí): Gia đình Phật tử ngoài việc đào luyện thân tâm còn chú trọng đặc biệt tới trí tuệ. Tinh thần đoàn sinh phải đúng là chân tinh thần Phật giáo. Giáo dục của đời có thể giúp con người thấy một phần chân lý, nhưng chỉ có chân lý đạo Phật mới giải đáp trọn vẹn về thân phận con người. Chân lý trong khoa học chỉ phù hợp với hiện tại, chân lý trong triết học chỉ giải quyết được những thắc mắc mà không giải nổi những hoài nghi. Nói như thế không phải là vô căn cứ. Môn Phật pháp có thừa tài liệu và lý luận để biện giải điều này. Tuy nhiên môn Phật pháp trong Gia đình Phật tử không thể theo khuôn sáo cũ, nghĩa là cho nghe thuyết pháp như người lớn mà phải là một tổng hợp giản dị, hợp lý. Hãy tập cho trẻ nhìn Phật pháp qua con mắt triết học và tập cho trẻ chứng minh Phật pháp bằng những phát minh khoa học, những kinh nghiệm về đời. Có như thế trẻ học Phật mới khỏi sa vào con đường mê tín, phản khoa học, phản tiến hóa của bọn tà thuyết, quá khích.

Như vậy những bài giảng cho:

* Thanh niên phải thiên về lý luận.

* Thiếu niên phải thiên về tình cảm.

* Nhi đồng phải là những mẩu chuyện, những ví dụ cụ thể, khêu gợi trí tưởng tượng. Tạo tinh thần đạo cần hơn căn bản giáo lý thuần trí thức.

Những yếu tố khách quan:

Những hệ luận trên mới chỉ đề cập tới những yếu tố cá nhân, chủ quan tự tại. Nhưng mục đích giáo dục của Gia đình Phật tử không phải chỉ đơn giản cá nhân mà phải đặt “cá nhân vào trong giáo dục đoàn thể”. Trong đoàn thể, trong xã hội, trong thời đại con người, dù là thanh, thiếu nhi cũng không thoát khỏi sự chi phối của các yếu tố khách quan. Do đó một nền giáo dục toàn diện như Gia đình Phật tử tất phải đề cập tới vị trí xã hội của đoàn sinh trong đoàn thể.

* Đoàn sinh Phật tử trong thời đại:

Thời này loạn. Từ kỷ cương tới tổ chức, từ chính trị tới xã hội, từ quốc gia tới nhân loại đều hỗn độn. Những chứng cớ một thời đại say máu, vũ khí, trụy lạc, cường quyền, bạo lực, man trá, thủ đoạn cộng thêm 4 cố bệnh của nhân loại: Đói rét, bệnh tật, dốt nát, nghi ngờ là một thực trạng đón chờ trẻ bước vào đời. Là con người trong lứa tuổi của lý tưởng, tưởng tượng tất họ phải chịu khủng hoảng khi đối chiếu nội tâm với ngoại cảnh xấu xa. Gia nhập Gia đình Phật tử là triệu chứng tốt về tâm lý chán ghét, thế tục và thú nhận lòng khao khát muốn được giáo dục. Gia đình Phật tử sẽ có đủ khả năng để đánh tan những u hoài đè nặng tâm hồn, những thắc mắc của con người thiếu đức tin. Lẽ sống sẽ được giãi bày trong không khí tập thể.

* Đoàn sinh Phật tử trong xã hội:

Đơn vị nhỏ nhất trong xã hội là gia đình của trẻ. Nhưng có nhiều gia đình không có đủ điều kiện giáo dục trẻ. Gia đình Phật tử đáp ứng nhu cầu tinh thần ấy. Học đường đang ở trong cơn khủng hoảng trầm trọng. Gia đình Phật tử đáp ứng phần nào sự đòi hỏi của một chương trình giáo dục thích hợp với Trẻ. Xã hội bày ra lắm cảnh trơ trẽn, vô luân. Gia đình Phật tử giải thoát các em ra khỏi không khí xô bồ trụy lạc ấy. Biện pháp tốt đẹp nhất không phải là ngồi giảng đạo đức mà tập cho các em hoạt động xã hội. Một xã hội nghèo khổ, chết chóc, bệnh tật vì chiến chinh, tham nhũng rất cần tới bàn tay xây dựng của thanh niên. Chỉ có con đường trợ tha mới có thể giúp cho thanh niên giác ngộ được. Phật tử phải ý thức bổn phận với tự thân, gia đình, đoàn thể, Tổ quốc và tôn giáo. Chỉ có công tác xã hội mới là phương tiện hữu hiệu giúp cá nhân xa lìa tính nhỏ nhen, ích kỷ để trở thành trong sạch vị tha, cao thượng. Tập cho trẻ biết tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của kẻ khác: Để cho xã hội lôi cuốn vào đường xấu là tự mình hủy bỏ tự do, phủ nhận giá trị làm người. Phải chấp nhận việc khó và khắc phục cho bằng được.

* Đoàn sinh trong tổ chức Gia đình Phật tử:

Là một tổ chức có lý tưởng, có huấn luyện, có kỷ luật, có quá trình hoạt động lâu dài qua nhiều cơn sóng gió, Gia đình Phật tử phải là gia đình thứ hai sau gia tộc. Các anh chị Trưởng, các bạn đoàn sinh, các em oanh vũ, từng ấy người đủ tạo một không khí hòa thuận, tin yêu, vui vẻ là những điều tốt lành rất hiếm ở đời. Tinh thần Bi Trí Dũng là nguyên tắc chỉ đạo cho lý tưởng và hành động. Thanh thiếu nhi không còn lẻ loi cô độc, hăng hái chuẩn bị vào đời một cách hăm hở, vui vẻ. Nghe lời dạy của Thầy, vâng lời anh chị Trưởng, thực hiện Phật pháp từng phút, từng giây trong đời, lo cứu trợ mọi người, nghĩ tới cơ nguy của Tổ quốc, tin vào Đạo cả. Nếu thực hiện được chừng ấy thì cũng đã có muôn vàn ý nghĩa rồi.

*

Trung thành với các tiêu chuẩn sơ đẳng ấy, chương trình tu học của Gia đình Phật tử không phải là sản phẩm của tưởng tượng mà chính là kết quả của nhiều năm tháng cố gắng cải tiến lý thuyết bằng hành động và hoàn thành các bài giảng dạy căn cứ vào thực tế.

Đi sâu hơn vào vấn đề Gia đình Phật tử ngoài việc chia ra các bậc:

– Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng, Tung bay cho Đồng niên, còn có:

– Hướng thiện, Sơ thiện, Trung thiện, Chánh thiện cho Thiếu niên và:

– Hòa, Trực cho Nam nữ Phật tử.

Chương trình lại còn phân chia ra hai ngành nam, nữ sinh hoạt riêng biệt nhằm thích ứng với các điều kiện khả hữu về nhân cách của thanh, thiếu nhi.

*

Ngoài chương trình giảng dạy cho các em, mỗi một Huynh trưởng còn phải theo học các lớp huấn luyện. Chương trình huấn luyện chia ra 4 cấp:

– Lộc Uyển (cho Huynh trưởng sơ cấp)

– A Dục (cho Đoàn trưởng)

– Vạn Hạnh (cho cấp Liên Đoàn trưởng)

– Huyền Trang (cho cấp lãnh đạo Tỉnh)

*

Ngoài việc hoạch định chương trình Tu học. Ban Tu thư còn soạn thảo đầy đủ các tài liệu học tập về các môn: Phật pháp, Hoạt động thanh niên xã hội, Văn nghệ, Nữ công gia chánh hợp với trình độ của các cấp bậc, các ngành Thanh thiếu nhi nam nữ, các trại huấn luyện. Các tài liệu ấy không phải là tác phẩm của cá nhân mà đều đã được Đại hội Huynh trưởng toàn quốc chấp thuận và áp dụng.

________________________

[1] Trích trong diễn văn của Trưởng Ban Hướng dẫn Trung phần đọc trong lễ bàn giao (16 giờ ngày 30-8-64 tại Từ Đàm, Huế.)

[2] Trích trong Đây Gia đình

[3] Trích trong Đây Gia đình

[4] Trích trong diễn văn của Trưởng Ban Hướng dẫn Trung ương  Võ Đình Cường đọc trong lễ khai mạc triễn lãm ngày Phật Đản 2496 tại trường Bồ Đề, Huế (10-5-1952)

[5] Trích Nội quy (1964) mục: Nhiệm vụ

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ