Welcome to LAM THÀNH CỔ   Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ Welcome to LAM THÀNH CỔ
Thứ ba, Tháng mười một 26, 2024
spot_img

Chương thứ tư – Sứ mệnh cứu quốc, kiến quốc và hộ pháp của GĐPT

TƯƠNG QUAN GIỮA GÐPT VỚI LỊCH SỬ, XÃ HỘI VÀ ĐẠO PHÁP

Qua những nét đại cương đã trình bày, không ai phủ nhận tính cách lịch sử, xã hội và tôn giáo của Gia đình Phật tử. Không phải là một tổ chức ngẫu sinh, Gia đình Phật tử thực sự là kết quả về ước vọng của một tình trạng lịch sử, của một nhu cầu xã hội. Và một khi đã do lịch sử và xã hội mà hình thành, Gia đình Phật tử phải có những sứ mệnh đối với lịch sử và xã hội.

Trước khi xác định các sứ mệnh thiết yếu, công việc tiên quyết là phải xác định vị trí của Gia đình Phật tử cho xác đáng.

Gia đình Phật tử với lịch sử:

Từ thời Pháp thuộc, kháng chiến, cho tới cảnh đất nước phân ly hiện nay, Gia đình Phật tử chưa hề từ bỏ sứ mệnh lịch sử của mình. Dưới thời Pháp thuộc, Gia đình Phật tử dù không phải là một lực lượng đối kháng về chính trị nhưng hoạt động của Gia đình Phật tử không đi ra ngoài chính sách bất hợp tác cố hữu. Trong cuộc cách mạng 1945, đa số đoàn viên Gia đình Phật tử đã là những chiến sĩ. Có người đã xung phong vào hàng ngũ giải phóng quân để làm tròn phận sự cứu quốc. Trước mắt thanh niên hồi đó chỉ có một đối tượng chính là diệt xâm lăng. Trong mọi phạm vi hoạt động đều có tiềm ẩn hình bóng của người con Phật. Đến thời kỳ kháng chiến, đa số Huynh trưởng và đoàn sinh của Gia đình Phật tử đã tạm “cởi lam y, khoác chiến bào”. Mười năm chống đối gian khổ, người ở khu, kẻ ở thành, bằng vũ khí, bằng văn hóa; Gia đình Phật tử không phút giây rời bỏ vai trò cứu quốc. Dưới thời Ngô bạo chúa, Gia đình Phật tử chống đối ra sao, cuộc đảo chánh 1.11.1963 đã thuyết minh. Và tiếp sau đó, Gia đình Phật tử tiếp tục đi vào lòng cuộc chiến đấu của người dân đau khổ vì chiến tranh, vì chia cắt. Rút lại trước sau, Gia đình Phật tử chưa từng từ bỏ sự đóng góp bằng cân não, bằng xương máu vào cuộc phục hưng Độc lập và Thống nhất cho dân tộc.

Gia đình Phật tử với xã hội:

Là một xã hội đầy dẫy mê tín, dị đoan, dốt nát, đau khổ về tinh thần; thiếu thốn, bệnh tật, đói rét về vật chất, Việt Nam của chúng ta từ bao lâu nay đã trở thành một cơ thể lâm trọng bệnh. Một mặt chiến chinh xâu xé, mặt khác bọn ngoại nhân và lũ tôi đòi đua nhau bòn rút tủy não của đồng bào ruột thịt để xây đắp tham vọng. Tình trạng khốn khổ đó đã làm cho xã hội trở thành một môi trường đầy rẫy vi trùng. Gia đình Phật tử ngoài nhiệm vụ chống đối các bất công trước mắt còn nghĩ tới việc bảo vệ thế hệ tương lai. Là một tổ chức giáo dục, Gia đình Phật tử nhắm vai trò gìn giữ Thanh thiếu nhi tránh khỏi con đường sa đọa, vong bản. Đương nhiên, trong hiện tại, đường lối giáo dục của Gia đình Phật tử chưa được phổ biến sâu rộng lắm, nguyên nhân chẳng phải là vì nó không kiến hiệu mà chính vì “hoàn cảnh thê thảm trước mắt đã làm cho một số người quên mất tương lai”. Gia đình Phật tử lo cho tương lai tất sẽ bị dèm pha là đeo đuổi ảo vọng! Phải nên hiểu rằng: một lý thuyết muốn thực hiện bao giờ cũng phải chịu “thử lửa” rất lâu. Phải đợi đến Mạnh Tử đời mới biết có Khổng Tử; đến A Dục, Phật giáo mới quảng bá; đến Lénine, Karl Marx mới có chân đứng; đến Trang Tử Liệt Tử, con đường siêu thoát của Lão Tử mới sáng tỏ. Như vậy, chờ đợi một chu kỳ tái hiện không phải là lý do để cho kẻ chưa thấy phải bỏ cuộc. Những điều “chưa thấy” không phải là “không thấy” được. Triết gia, bác học, thánh nhân đâu có thỏa mãn với cái “đã thấy” mà chỉ lo tìm cái “chưa thấy, không thấy” mà thôi. Xin hãy bình tâm, ánh sáng của Gia đình Phật tử trong xã hội sau hai mươi năm đã tinh luyện bắt đầu tỏa sáng rồi đó!

Gia đình Phật tử với văn hóa:

Với mục đích giáo dục, hoạt động của Gia đình Phật tử liên hệ mật thiết với sinh hoạt văn hóa. Trong bao năm qua, với chủ trương rõ rệt, Gia đình Phật tử nhất thiết loại bỏ sự có mặt của thứ văn nghệ diễm tình, trụy lạc. Đọc lại các tác phẩm văn chương của miền Nam Việt Nam ta phải nhức mắt vì một chữ tình diêm dúa, bệnh hoạn. Gia đình Phật tử không hề dung túng loại văn chương sực nức mùi son phấn, căm thù, máy móc, loại tiểu thuyết ca tụng những phóng túng vô trách nhiệm. Còn gì buồn bằng nghe một thiếu nhi tuổi còn giọt máu, tóc hãy còn xanh mà dám viết: “úp mặt công viên, nức nở giữa lòng thế kỷ… tóc ngả bờ vai, đời lên màu tím, ngõ về hun hút đêm thâu!” Thật là sáo ngữ, giả tạo đánh dấu sự trống rỗng của tâm hồn. Thứ đến, Gia đình Phật tử cũng phủ nhận sự hiện diện của loại ca nhạc hạ cấp, ca tụng những mối tình truy hoan sặc mùi “tiền chiến”, những tiếng ca não ruột của người “thương nữ bất tri vong quốc hận, Cách giang do xương Hậu đình hoa”. Biên giả không hiểu cái hồi Chiêm Thành sắp mất nước họ ca hát ra làm sao, chứ như cái thứ văn chương, ca nhạc rầu rĩ của miền Nam bây giờ chỉ là một màu tím. Tím ngắt, tím bầm như một tử thi sắp thối tha rữa nát. Có lẽ tìm một tác phẩm không có màu tím, màu hoa đám tang ấy trong thơ văn bây giờ còn khó hơn tìm một người sống sót giữa đám tử thi ngoài chiến địa.

Gia đình Phật tử với Đạo pháp:

Dù không muốn, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam cũng đã trở thành lực lượng, một sức mạnh lịch sử, xã hội. Trong cơ cấu chung, Gia đình Phật tử nhất là tại miền Trung đã giữ vai trò chủ động trong nhiều công tác to lớn. Nhìn vào trào dâng của dân tộc, người dân miền Trung thấy rõ một lớp đạo hữu trung kiên luôn luôn sát cánh với lớp trẻ đầy nhiệt tình, tâm huyết. Trong hàng ngũ cư sĩ, Gia đình Phật tử đã trở thành một “thành đồng” không có không được. Mặc dù có kẻ tự ái không chịu thừa nhận sức mạnh của Gia đình Phật tử; mặc dù có nhiều Huynh trưởng chưa thấm nhuần đường lối nên không rõ sức mạnh tự cường, tự lập sẵn có của mình, Gia đình Phật tử vẫn là một bức trường thành bảo vệ tín ngưỡng. Hãy nhìn thẳng vào các hoạt động Gia đình Phật tử đã đạt được. Với tinh thần kỷ luật, với đường lối lãnh đạo không sai lệch, nhầm lẫn, với sức mạnh của 100.000 đoàn viên có quy củ, thử hỏi Gia đình Phật tử có thể bị đào thải được không? Các cấp lãnh đạo Giáo hội sáng suốt chắc phải thừa nhận rằng Gia đình Phật tử rất xứng đáng là thế hệ đang lên của Giáo hội. Vậy thì, thay vì thái độ hờ hững, xuyên tạc, vụ lợi, quý vị trưởng thượng nên góp phần tích cực vào việc củng cố, tu chỉnh, giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Nếu Giáo hội coi Gia đình Phật tử là con cháu thì không nuôi con cũng đã có tội, chứ đừng nói là chịu nhắm mắt để cho con hư hỏng. Huống nữa, Gia đình Phật tử lại là một “hiếu tử” của Bổn sư thì không ai có quyền dồn nó vào tâm trạng cô độc trên đường phụng sự.

Gia đình Phật tử với Tăng chúng:

Là tầng lớp thanh niên quy ngưỡng Tam Bảo, Gia đình Phật tử tỏ lòng hiếu phục đối với chư Tăng. Trên huy hiệu Hoa sen trắng, Gia đình Phật tử tôn kính chư Tăng lên cao vị. Trong thành phần Ban Hướng dẫn, Ban Huynh trưởng, chư vị Tăng ni cố vấn giáo lý an vị trên thượng đỉnh. Tôn thờ Tam Bảo, Gia đình Phật tử trước sau vẫn giữ dạ tín thành với chư Tăng. Thế nhưng lòng tin tưởng của thanh niên bao giờ cũng cụ thể và nồng nhiệt. Họ sẵn sàng bắt chước tất cả cái đẹp lẫn cái xấu, cái hay lẫn cái dở. Đối với Đức Tăng Thống, với Thượng tọa Chánh thư ký, Gia đình Phật tử rất mực tôn sùng, thờ kính nhưng nhìn vào hàng ngũ chư Tăng, Gia đình Phật tử không khỏi có đôi phần thắc mắc. Với sự đòi hỏi của lịch sử, của đạo pháp, số tăng chúng bất đắc dĩ đi vào lãnh vực hoạt động quá đông đủ đã tạo nên một thực trạng thiếu kỷ luật và trật tự. Trong các trường học ở thế gian, số tăng ni đi học không phải là ít nhưng số người tài đức gương mẫu thật không đông đảo gì! Trong các cuộc đại lễ, các cuộc vận động. Chư Tăng là những vị “ngoài vòng cương tỏa”. Là phận con cháu, là đệ tử tinh thần, Gia đình Phật tử âm thầm khấn nguyện Tam Bảo, cầu nguyện Viện Tăng thống cấp bách tái tạo, chỉnh đốn hàng ngũ tăng ni. Vẫn biết “phỉ báng Tam Bảo là tội lớn nhất của Phật tử”. Nhưng sự giãi bày một thiện chí sự nhìn nhận một thực trạng không phải là phỉ báng. Gia đình Phật tử rất cần sự dìu dắt của chư Tăng về phương diện giáo lý. Thế mà, số tăng ni thực tâm giúp đỡ quá ít. Có phải vì kỷ luật và đường giáo dục của Gia đình Phật tử là một trói buộc phiền toái và đáng bỉ chăng?

Gia đình Phật tử với Viện Hóa đạo

Sau cuộc viếng thăm các tỉnh vừa qua, Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa đạo đã chứng kiến tận mắt sinh hoạt gian khổ của Gia đình Phật tử. Cho nên, trong cuộc chuẩn bị Đại lễ Phật đản vừa qua, Thượng tọa đã thành thật phát biểu lòng tin cậy của Viện Hóa đạo đối với Gia đình Phật tử. Và đồng thời, Thượng tọa Viện trưởng cũng công nhận tình trạng thiếu hụt Huynh trưởng, điều kiện hoạt động của Gia đình Phật tử. Thật là đáng mừng. Từ lâu, nếu không quá bi quan, ta phải công nhận quý vị trưởng thượng chưa nhận thức được vai trò quan trọng của Gia đình Phật tử trong tương lai của đạo pháp. Những lời khen ngợi, những lời khuyên răn rồi đây chắc sẽ được thực hiện đầy đủ. Chìm ngập vào Tổng vụ Thanh niên, Gia đình Phật tử vẫn cố gắng tạo cho mình một sắc thái đặc biệt. Một tập đoàn có mười vạn đoàn viên phải lâm vào một tình trạng thiếu thốn đủ thứ làm sao có thể duy trì hoạt động thường xuyên nếu không có sự tương trợ? Gia đình Phật tử với tinh thần tự lập cố hữu không bao giờ dám đòi hỏi. Nhưng ngược lại, Gia đình Phật tử không từ chối mọi việc tương trợ cần thiết cho sự sinh tồn của tổ chức.

Gia đình Phật tử với dân chúng

Khắp nơi trên đất nước này, màu áo lam của Gia đình Phật tử đã trở nên một biểu tượng của cảm tình. Trong mọi công tác xã hội, màu áo lam là màu thông hành không ranh giới. Dân chúng đã nhìn anh em Gia đình Phật tử với sự trìu mến và kính phục. Phải nói sau lưng Giáo hội có Gia đình Phật tử và sau Gia đình Phật tử có quần chúng. Đây không phải là đám quần chúng mua danh bán lợi, qụy lụy bề trên để thừa hưởng chút vinh hoa mà chính là đại đa số nhân dân đang phấn khởi đấu tranh đi tới hòa bình và thống nhất. Họ là ai? có những người chưa bao giờ tới chùa. Họ là một sức mạnh trầm lặng, sức mạnh duy trì chính nghĩa và xô ngã bạo quyền. Họ là hạng người tin vào chân lý, tin vào danh dự, tin vào nghĩa sống và hoài nghi hết mọi hình thức man trá, vụ lợi. Gia đình Phật tử trường tồn trên lớp quần chúng ấy. Họ đã đùm bọc bênh vực các đoàn viên Gia đình Phật tử bị bách hại, vu khống, ngược đãi. Họ không nói, họ chỉ biết làm, và trong việc làm của họ không hề vắng bóng dáng của màu áo lam, màu sắc tùy xuất của màu nâu đạo vị. Gia đình Phật tử thấy rằng không có nhà lãnh đạo nào dùng được quần chúng mà chỉ có quần chúng dùng người lãnh đạo. Khi bị áp bức, họ mượn cái trí óc sáng suốt, cái tinh thần sắt thép của người lãnh đạo để đứng lên và một khi nhà lãnh đạo đã xuống chiều là tức khắc họ đào thải. Sự sùng kính của quần chúng trong một giai đoạn không phải là lý do cho nhà lãnh đạo thần thánh hóa mình. Hiểu như vậy, Gia đình Phật tử không bao giờ đi ngược với quần chúng.

Ở trên là những nhận định của Gia đình Phật tử về Quá Khứ. Trong Tương Lai Gia đình Phật tử còn nhiều sứ mệnh phải hoàn thành. Xuất phát từ các ý niệm căn bản đó, Gia đình Phật tử đã nhắm tới con đường viễn kiến, con đường đi tới làm sao cho hữu hiệu mà không phản lại với quá khứ chân chánh của mình.

SỨ MỆNH CỨU QUỐC: PHÂN BIỆT THỰC CHẤT CỦA CHÍNH TRỊ, CHÁNH ĐẢNG VÀ CHÁNH QUYỀN

Phật tử tiên vàng là công dân của Tổ quốc. Người Việt Nam phải yêu nước Việt Nam, phải phụng sự Tổ quốc Việt Nam trước đã. Thế nhưng, từ bao nhiêu năm qua, kể từ cuộc vùng dậy của toàn dân vào mùa thu 1945 cho tới nay biết bao nhiêu người đã phải tiêu tán cuộc đời, rã tan mạng sống một cách oan uổng hoặc lăn mình vào con đường phụng sự một cách hăng say mà rốt cuộc mới thấy là mình chưa bao giờ được yêu nước, cũng như đã bị đi vào con đường tủi nhục một cách vô tình mà không hay biết. Tại sao vậy? Vì tình yêu nước bắt nguồn từ tâm huyết nhưng nó không thể thiếu sự hướng dẫn của kiến thức để phân biệt rõ đâu là Chính trị, Chính quyền hay Chính đảng.

Chính trị: Công việc bàn về lý thuyết, lịch trình của chính trị xin nhường lại cho các nhà luật học. Ở đây, ta chỉ thử hỏi, câu nói đầu lưỡi của đa số Phật tử bây giờ là: “Không làm chính trị, chỉ làm tôn giáo”, có đúng không? – Trước hết, nên hiểu rằng: “Sống là chính trị”. Muốn sống, con người phải tính chuyện sinh tồn. Tính sự sinh tồn là xét sự tương quan giữa quyền quyền sống của mình với mọi người chung quanh. Ta không thể để cho ai tước mất quyền sống và muốn bảo vệ quyền sống của muôn loài. Nghĩ như thế là đã có ý niệm chính trị rồi đó. Xong, đem đặt con ngưòi vào vị trí xã hội, vào cộng đồng, vào cuộc sống tranh đua, ta sẽ cảm thấy cần phải có một chỗ đứng vững chãi. Chỗ đứng ấy không một ai được xâm phạm và khi bị xâm phạm ta phản kháng, ít nhất là trong thâm tâm. Như thế là đã có thái độ chính trị. Ý kiến ấy, thái độ ấy có thể xem là “Bản năng tự tồn” mà cá nhân không hề hay biết. Cho đến khi, được giáo dục, được giao tiếp với thức tế, con người bắt đầu hiểu rõ hơn về những cảnh ngang trái bất công của xã hội, rồi cố gắng tìm căn do, tìm lời giải đáp bằng cách tự suy hay vay mượn óc khôn ngoan của người đã thành công: đó là sự manh nha của ý thức chính trị. Có ý thức, con người muốn lao ngay vào việc tranh đấu để giữ gìn quyền sống của mình, của người. Người ta sẽ cảm thấy lẻ loi và thất bại nếu không liên kết với những người cùng chí hướng. Chính ở cái ý thức tập thể đó đã đẻ ra các lý thuyết, các đường lối, các giải pháp. Và khi đã thấy rõ ưu thế của giải pháp, người ta sẽ đứng vững ở đó với các bạn đồng hành và nhìn thẳng vào đối tượng cần chống đối hay bảo vệ; ý niệm ấy làm phát sinh ra lập trường chính trị.

Ngày nay, con người sinh ra quá trễ giữa một xã hội quá già. Cái gì cũng đã bị sung công hết, kể cả tâm hồn. Đứa trẻ nào cũng ra đời giữa khối tập tục xã hội. Và lớn lên giữa một “nước”, người ta sẽ bị nhồi sọ ngay từ nhỏ về Hình thức chính trị hiện có tại trước mắt. Ham muốn, yêu thương, suy nghĩ, ăn mặc, nói năng, nhất nhất đều bị rập vào cái khung sẵn có của xã hội. Chính vậy mà kẻ nào thích cuộc đời trước mắt sẽ hăng hái “nhập thế”. Kẻ nào chán cảnh gò bó, muốn thoát ly thì “xuất thế”. Tuy nhiên nhập hay xuất, chung quy cũng chỉ là một thái độ chính trị mà thôi.

Cho nên câu nói “nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định” của cổ nhân, nay đã có thể hiểu thành “nhất cử, nhất động giai do chính trị”. Chính trị là sống, con người có ăn, có ngủ, có nói, có thở, có làm là có chính trị rồi. Chính trị là hơi thở của con người. Cấm không cho làm chính trị là cấm thở, là giết chết con người rất nhanh chóng. Vậy, muốn thở, muốn sống phải có chính trị.

Hiểu như vậy rồi ta sẽ thắc mắc: Tại sao có một số người, nhất là Phật tử lại sợ chính trị quá vậy?

Một giải đáp giản dị: Sở dĩ họ quá sợ là vì họ đã nhầm lẫn chính trị với chính đảng, chính quyền.

Chính quyền: Hai chữ “chính quyền” bây giờ được dùng để thay cho hai tiếng “triều đình” dưới thời quân chủ, “nhà nước” dưới thời nô lệ và “chính phủ” dưới thời Diệm. Có một số người cho rằng muốn làm chính trị thì phải đoạt lấy chính quyền. Có chính quyền trong tay thì mới có lực lượng dân chúng, có quân đội, có tài chánh v.v… để thực thi chương trình “Cứu quốc, an dân” của mình. Nói vậy cũng phải.

Song le, ở cái nước Việt Nam nhỏ bé này có một số người chỉ lo “làm chính quyền” mà chẳng nghĩ gì về chính trị cả. Thà họ là những công chức chuyên môn thì không sao. Đằng này, họ dành lấy sức sống của dân, oai linh của tiên tổ, uy thế của ngoại nhân để mưu lợi, cầu danh mà chẳng biết gì đến dân, đến nước cả. Tệ hơn nữa, họ còn lợi dụng sức sống của dân để tiêu diệt những kẻ đối lập, hãm hại các nhà chính trị chân chính. Tội ác của họ còn di lụy cho những người kẹt chân theo họ. Biết bao nhiêu công chức, quân nhân đã phải thi hành những mệnh lệnh trái đời mà vì cảnh sống đã không cho phép ruồng bỏ? Tâm lý làm chính quyền còn đẻ ra các thói tật hối lộ, phong kiến, hưởng thụ, quan liêu, vọng ngoại, mị dân, mãi quốc cầu vinh. Thế thì người dân khi nhìn vào hạng người sống xa hoa phù phiếm ấy luôn luôn tự ý đại diện cho mình trên trường quốc tế, và còn quay lại dạy cho mình cái “bổn phận công dân” thì phải tin là họ làm chính trị rồi chứ còn gì? Thế rồi đảo chính và đảo chính. Kết thúc một cuộc “cách mạng” là điều tra tài sản, truy tố, xử bắn, lần lượt mấy mạng này cách mấy mạng kia là hết. Trước sau thân phận người dân, vận mệnh quốc gia vẫn đen tối như thường. Có đời thuở nào được người ta mời ra chấp chính mà run sợ còn hơn lên máy chém? Sợ là phải. Người có khí tiết bao giờ cũng sợ cái bã chính quyền làm tiêu mòn ý thức chính trị chân chính của mình. Khi có kẻ điên nói: “Hãy đoàn kết sau lưng tôi” hay là “Sau hiến pháp còn có tôi” thì người dân phải ngờ rằng kẻ ấy chỉ làm chính quyền mà chẳng biết gì về chính trị cả. Cho nên, khi Phật tử nói không làm chính trị có nghĩa là không chịu ủng hộ các chính quyền thối nát. Và làm như thế là Phật tử đã sáng suốt gìn giữ ý thức chính trị vững chãi của mình.

Thế còn, những người làm chính trị ở ngoài chính quyền thì sao? Đó là chính đảng.

Chính đảng: Theo ý nghĩa chân chính: “Chính đảng là sự kết hợp các chiến sĩ đấu tranh cứu nước, dựng nước, có tổ chức, lãnh đạo, đường lối, lập trường và chương trình hoặc động” rõ ràng. Dưới thời Pháp thuộc, việc thành lập chính đảng rất gian lao, mạo hiểm. Dưới thời Diệm, các chính đảng tan tác hay rút lui vào bí mật. Bây giờ tình hình các chính đảng “quốc gia” ra sao? “Saigon chúng ta có 54 đảng chính trị!!! Mỗi ‘chính đảng’ có cặp kiếng màu riêng để quan niệm về chính trị và cách mạng”. Chính đảng đông như thế nhưng thực lực chẳng có bao nhiêu. Những sự kết hợp bèo bọt và vội vàng không đủ chất keo lý tưởng để gắn chặt. Hơn nữa, phần nhiều các chính đảng hiện hữu đều không phát xuất từ dân chúng nên thế đứng mới bấp bênh.

Rút lại, suốt mấy mươi năm qua hầu hết các chính đảng đều hoạt động bí mật (!) ngoài cái “đoàn thể” của Nhu. Đến khi Diệm đổ. Chính đảng xuất hiện tua tủa. Đếm sao cho hết. Nhưng xét lại họ đã và đang làm gì? Nhất định là ít thấy ai làm chính trị mà chỉ thấy đảng này phái nọ lăm le cướp chính quyền. Và có đảng đã cướp được. Vài ba tháng lại đảo chánh, lại thay đổi, lại bí mật! Thật là rộn rịp đủ mùi ái, ố, hỉ, lạc. Và trong khi những cánh áo xiêm kéo màn, hạ màn như trò đùa cứ diễn ra mãi như thế, thì dù việc đời chỉ là một cuộc “chơi”, dân chúng, nhất là thanh niên vẫn chết rất nhiều ở khắp các chiến trường. Biết bao giờ, vở tuồng mới chấm dứt.

Trong khi chờ đợi một sự kết thúc, có thể rất bi thảm, Phật tử cũng nên bình tâm suy xét lại, xem từ hai mươi năm nay ta đã có chính quyền nào phát xuất từ quần chúng chưa? Đã có chính đảng nào đủ cho ta tin cậy chưa? Và, còn cần phân tích lại xem cái ý hướng chính trị tự nhiên của con người, của chính mình có còn không hay đã bị phôi phai? Và nếu còn thì cần trau dồi, chuẩn bị để có dịp sẽ đem dạ chân thành mà hy sinh, phụng sự cho Tổ quốc và Tín ngưỡng.

SỨ MỆNH CỨU QUỐC CỦA GÐPT

Sự phân biệt thực chất của chính trị, chính quyền, chính đảng sẽ giúp cho Phật tử thấy rõ thêm: việc cung phụng một cá nhân có quyền chức, việc phục vụ mù quáng cho một chính quyền bất lực, việc dấn thân vào một thành phần thiếu chính nghĩa không những không thể hiện được lòng ái quốc mà đôi khi còn phản lại với Tổ quốc nữa. Là công dân của nước, cá nhân Phật tử có bổn phận góp phần vào cuộc đấu tranh chính trị, ủng hộ chính quyền của dân và tham gia chính đảng hợp chính nghĩa. Cho tới bây giờ, các tiêu chuẩn tối thiểu để xây dựng một lập trường chính trị, một chính phủ của dân, một chính đảng của thực lực vẫn còn ở trong khoảnh khắc chờ đợi. Phương chi, tình cảnh đất nước trong hiện tại đòi hỏi một công dân phải gạt bỏ tâm lý tiêu cực, thở dài, để góp phần tích cực, phụng sự Tổ quốc. Công nghiệp ấy không thể chần chờ khi mà nhân dân đang khắc khoải trong cảnh “phi ngư hỏa điểu”. Giải thoát cho Tổ quốc, đồng bào ra khỏi lầm than là con đường thực hiện gần nhất của Phật tử. Vậy dù muốn, dù không, Phật tử phải nhất tâm tranh đấu cho: Độc lập, Thống nhất, Hòa bình và Nhân đạo.

ĐẤU TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP

Hai tiếng độc lập vang vọng tới tâm hồn dân Việt từ ngày lập quốc. Suốt hàng nghìn năm chịu cảnh đô hộ của Trung Hoa, ngót một thế kỷ quằn quại dưới ách thống trị của thực dân, dân tộc Việt Nam đã vùng dậy hét to hai tiếng Độc Lập vào mùa thu năm 1945. Một số người đã khoan khoái bồng bột. Nhưng thử hỏi từ đó tới nay, ta đã có một ngày nào độc lập thực sự chưa? Sau cuộc cách mệnh của toàn dân vào mùa thu năm ấy, lực lượng lãnh đạo quần chúng đã vì quyền lợi, vì chủ nghĩa mà phân tán; khuynh loát lẫn nhau khiến cho thực dân trở lại chiếm nước. Có người bảo: Sự kiện đó phát xuất từ thế nhược tiểu của Việt Nam trong tham vọng của đế quốc quốc tế. Mười năm kháng chiến hăng say đã đưa tới kết quả là thực dân phải buông tha miếng mồi cũ. Lần thứ hai, dân Việt lại hy vọng để rồi thất vọng. Hội nghị Genève phân chia đất nước làm hai mảnh. Và dù với danh nghĩa độc lập, ta vẫn lệ thuộc vào ngoại bang. Sự lệ thuộc này còn đau đớn hơn xưa bởi lẽ rằng những người đang ở trên mạng sống của ta lại được coi như thầy chứ không phải là bạn! Với danh nghĩa đồng minh, chính thể của mỗi miền tùy thuộc vào sự an bày của ngoại bang. Cuộc tranh đấu, thuận theo biến chuyển của thế giới đã mang không biết bao nhiêu nhãn hiệu, và trình bày dưới nhiều bộ mặt.

Nhưng dù sao chăng nữa, người Việt Nam phải nhận thức rõ rằng: Dù đang đi với ai, dù đang đứng với ai, mục đích cuối cùng phải là tranh đấu cho một nước Việt Nam độc lập trên bản đồ thế giới tại miền Nam Á châu này, hai chữ Việt Nam phải được ghi khắc chói lọi với vẻ oai hùng chứ không thể có chữ Việt màu xanh hay chữ Nam màu đỏ. Những cảnh xấu xa ô nhục, những cảnh ức chế bất công phải vắng mặt nhường chỗ cho dân tộc Việt Nam tự lo lấy thân phận của chính mình. Trong khi chờ đợi một nền độc lập thực sự, người Việt, nhất là Phật tử Việt Nam phải nuôi dưỡng tinh thần độc lập cho sung mãn.

ĐẤU TRANH CHO THỐNG NHẤT

Đất nước Việt Nam là một lãnh thổ thuần nhất. Là nơi giao tiếp của hai nền văn minh Trung, Ấn ngày xưa và Âu, Á ngày nay, lãnh thổ Việt Nam là giao điểm của các nền văn minh nhân loại. Về thủy vận, cũng như biên giới kế cận, nước ta dễ bị ngoại nhân xâm nhập chia cắt. Tuy nhiên, người Việt nhất là Phật tử không có quyền mù quáng bằng lòng thừa nhận cảnh cắt chia hiện tại. Trên đất nưóc này chỉ có một dân tộc Việt Nam, dân tộc ấy có quyền sinh trưởng trên mảnh đất này. Không thể nào có cái cảnh “người Nam ở Nam, người Bắc ở Bắc” như có người đã nói. Là một dân tộc nhỏ bé, từ thời Bắc thuộc, ta đã từng bị phân chia thành quận, huyện của Trung Hoa. Dưới thời Nam Bắc phân tranh Trịnh Nguyễn tranh hùng cũng đã lấy sông Gianh làm giới hạn. Và có sự chia cắt nào vĩnh viễn không? Lịch sử đã trả lời câu hỏi đó. Cho nên dù cố chấp đến đâu. Người Việt hôm nay cũng phải gạt bỏ tâm lý phân ly mà hướng tới thống nhất. Sự phân chia hiện tại chẳng qua là một giai đoạn chịu ảnh hưởng về sự phân hóa của các ý thức hệ, các cuộc tranh đua vũ trang, các cuộc tranh đoạt thị trường của các khối lớn trên thế giới. Mọi biến chuyển gần đây cho ta thấy sự phân hóa của thế giới đã chuyển qua nhiều hình thức khác và như thế, rồi đây ta sẽ còn bị xoay chuyển nhiều nữa vì áp lực xoay chuyển của các luồng gió mạnh đó.

Nhìn xa đã thế, nhìn gần ta phải hiểu rõ hơn là cuộc nội chiến hiện tại không phải là do nhân dân Việt Nam tự ý sát hại nhau mà chỉ tại ở xu hướng vọng ngoại của một số người lãnh đạo. Các nước Ấn Độ, Tunisie, Ả Rập, Algérie khi nhìn về Việt Nam đều đã tỏ lời than trách cho cảnh chiến tranh, chia cắt. Và cả thế giới đều hiểu rằng các cuộc xô xát, tàn hại hiện nay trên mảnh đất này đều không phải do dân Việt khởi xướng. Như vậy, những ai tán thành việc chia cắt vĩnh viễn, những ai không hướng tới thống nhất đều có thể bị nhân dân và lịch sử kết án, nếu chưa có trong hiện tại thì cũng bị phỉ nhổ trong tương lai. Như thế, Phật tử phải luôn luôn đấu tranh cho đất nước sớm được trở lại Thống nhất thật sự.

ĐẤU TRANH CHO HÒA BÌNH

Hai tiếng hòa bình, theo quan điểm của Phật tử không phải để chỉ cho một phong trào, một chiến thuật, một chiêu bài, một kế hoạch, mà là một Tâm niệm. Phát xuất từ trí tuệ và từ bi, Phật tử không chấp nhận cảnh giết chóc, tàn hại. Đi vào thực trạng đất nước. “Hòa bình là tôn giáo thứ hai của Phật tử” không có gì mâu thuẫn bằng tín đồ của tôn giáo trọng tình thương, tôn trọng sự sống của muôn vật mà lại không yêu chuộng hòa bình. Mặc dù Thế chiến thứ hai đã chấm dứt từ 1945, suốt hai mươi năm nay Việt Nam chưa hề có một ngày ngưng tiếng súng. Hầu hết các chính quyền đều tuyên bố tranh đấu cho hòa bình. Và họ đã tranh đấu cho hòa bình bằng vũ khí. Cái mâu thuẫn giữa mục đích và hành động đó ngày nay đã trở thành nan giải.

“Đã bao năm nay, sự hy sinh của chiến sĩ, sự nhẫn nhục chịu đựng của đồng bào đã thấy rõ. Nhưng về phía các nhà lãnh đạo tinh thần, các đảng phái, các chính khách đã tìm được một giải pháp nào chưa? Đã lập xong mặt trận chính trị nào chưa? Hay trái lại, tình hình chính trị mỗi ngày mỗi thêm đen tối: mỗi tuần nghe rục rịch một cuộc đảo chánh, mỗi tháng một cuộc biểu dương lực lượng?

Người ta mượn danh nghĩa này, danh nghĩa khác để đòi hỏi quyền lợi, chiếm đoạt địa vị, mặc cho máu cứ chảy, máu cứ chảy mỗi ngày một nhiều. Tại sao không có một chút tình thương? Tại sao tàn nhẫn đến thế được?

Tình hình thế giới đã đen tối mà Việt Nam lại càng đen tối hơn. Điều ấy ai ai cũng đều biết. Nhưng chúng ta đã hoàn toàn tuyệt vọng chưa? Căn cứ trên các báo chí hàng ngày, nhất là báo chí Việt ngữ và các lời tuyên bố giật gân, vô trách nhiệm của những chính khách đầu cơ tình thế, thì hình như nhân loại sắp rơi vào vực thẳm, chiến tranh nguyên tử không thể tránh được rồi.

Nhưng bình tĩnh mà xét, mà nhân loại không đến nỗi mê mờ đến thế. ít ra bên cạnh những người điên cũng còn có rất nhiều người tỉnh, bên cạnh những người cuồng tín ở bạo lực, thì cũng vẫn còn có những người tin tưởng ở lý trí và nhân nghĩa. Dù sao chúng ta vẫn giữ vững niềm tin ở sự tiến bộ, tiến bộ của giá trị tinh thần, chứ không phải tiến bộ của vũ lực. Bom đạn, dù là bom đạn hạch tâm đi nữa cũng không phải là tiếng nói cuối cùng để giải quyết mọi sự bất hòa trên thế giới.”

Để thể hiện tinh thần độc lập, thống nhất, hòa bình và nhân đạo ấy, Phật tử lại cần phải có những nhận định rõ ràng hơn về con đường hoạt động của mình.

LÒNG ÁI QUỐC CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ LÀ TRƯỜNG CỬU VÀ PHỔ QUÁT

Sống giữa thời loạn, ta đau khổ vì cảnh huống bị đè nén và xót xa cho thân phận của đồng loại. Đã nhìn những cảnh tang thương, đã nghe những lời than khóc, đã nghĩ tới những tai họa, những bất công, thì con người dù vô tâm tới đâu cũng phải xúc động. Nhưng vì xúc động quá đáng về một vài tai nạn, một vài biến cố có thể làm cho người ta đầu hàng nghịch cảnh một cách quá mau chóng. Vẫn biết dân tộc ta đã đau khổ và hiện đang đau khổ quá độ. Nhưng người Phật tử, hiểu được nhân duyên nghiệp quả phải có cái nhìn xa, nhìn rộng hơn. Thấy một kẻ chịu tai ương ta không thể nào không giải cứu nhưng điều cần thiết là phải tiên liệu các hậu quả. Sự xúc động về một vài trường hợp đặc thù lại có thể tạo ra tâm lý thỏa mãn giả tạo. Ví như, khi đang đau khổ vì chiến tranh, ta có gặp được một giải pháp hòa bình nhất thời có thể đưa tới cảnh bình an. Nếu chấp nhận giải pháp nhất thời đó làm vĩnh viễn là tự mình dọn đường cho sự đau khổ lớn lao hơn. Cho nên trong khi đấu tranh, Phật tử phải nhận định, phân biệt thế nhất thời với thế vĩnh cửu. Vì sợ trả thù hay vì cảm động trước thủ đoạn mua chuộc của tên phú hộ, người thiếu nữ nông nổi sẽ bằng lòng đem thân trong trắng đi làm lẽ cường hào để suốt đời ân hận. Nếu cố chấp vào sự đắng cay hay điều thỏa mãn trước mắt mà quên con đường dài, quỵ lụy vào phương tiện mà quên cứu cánh, thì không thể nào tránh được thất bại. Phương tiện không có thì cứu cánh cũng khó đạt. Muốn sang sông thì phải có thuyền. Nhưng khi tới bờ thì phải rời thuyền chứ không ai vác thuyền theo mình khi đã tới bến… Hãy nhìn lại cuộc vận động của Phật giáo. Suốt 10 năm bị áp bức, Phật tử đã biết “quên các nhục nhỏ để trả mối nhục lớn”. Người can đảm là người biết sợ cái đáng sợ chứ không phải là không sợ gì, không sợ ai. Kẻ không biết sợ là kẻ hèn nhát nhất. Người anh hùng nếu không sợ Tổ quốc lâm nguy, nhà tu hành không sợ Đạo pháp tiêu diệt thì đâu còn phải tranh đấu. Kẻ tiểu nhân vì không sợ, vì khinh thường cái tệ hại của lợi danh, khinh thị kẻ địch mà phải chịu ô nhục, thảm bại.

Phải gạt bỏ những cái nhìn giai đoạn, đặc thù mà hướng về vĩnh cửu, bất diệt.

Tình thế ngày nay là của nhân loại chứ không riêng cho một quốc gia, một dân tộc nào. Mọi biến cố, mọi tư trào đều nằm trong thế giới. Sự tiến hóa của tư tưởng và khoa học đã nới rộng thời gian và rút gọn không gian. Người Việt Nam nếu không nhìn tình thế trên cuộc diện chung, không thấy yêu cầu thế giới nhân loại sẽ đi về đâu thì nhất định còn phải chịu đàn áp, nô lệ. Vận mệnh thế giới có khi chỉ cần một cái gạch bút chì đỏ của kẻ mạnh là đảo lộn. Duyệt lại các biến cố chính trị từ sau Đệ nhị thế chiến tới nay ta sẽ thấy các vấn đề cục bộ, quốc gia không thoát ly nổi áp lực của các khối. Việc ngoài đã vậy việc nhà phải là minh mẫn hơn. Sự thay đổi của một triều đại, một chính phủ không phải là một sự tình vĩnh cửu. Phật tử không thể bồng bột dấn thân vào các cuộc đấu tranh giai đoạn. Phật tử chỉ chấp nhận những gì phù hợp với thế trường cửu. Mục đích sau cùng là Tổ quốc độc lập và Đạo pháp trường tồn. Trên con đường đi tới có khi ta phải nhắm mắt trước hoa thơm cỏ lạ, phải nhìn thẳng, phải câm nín trước một vài trạng huống bất bình. Hạnh vô úy không dạy cho ta ngang bướng liều lĩnh. Nếu chỉ nhìn vào chi tiết của tình thế ta sẽ dễ bị hoang mang mua chuộc. Hãy bình tĩnh như đã bình tĩnh. Chính thái độ nhẫn nhục và trầm lặng của người Anh Cát Lợi đã đưa họ tới chiến thắng và đứng yên trên tự chủ dù họ chưa bao giờ trở thành lãnh tụ mạnh nhất thế giới.

LÒNG ÁI QUỐC CỦA PHẬT TỬ PHẢI VƯƠN CAO HƠN THỰC TẾ!

Đạo Phật coi các pháp đều mộng ảo. Chỉ có chân tâm là thực hữu. Phát huy tinh thần đạo lý vào lòng yêu nước là nhắm tới một cứu cánh giải thoát tuyệt đối, chứ không phải chỉ hạn định vào nhân sinh. Đành rằng, thực tế là nền tảng kinh nghiệm cho mọi hiện tượng thăng hóa. Nhưng thực tế không phải là mục đích. Có thể ví thực tại là chân núi, cứu cánh giải thoát là đỉnh núi. Đỉnh núi dù cao, chân núi dù thấp nhưng nếu không chân núi thì làm sao đỉnh núi có thể vươn tới trời xanh. Phủ nhận thực tế là thái độ không tưởng nhưng bám vào thực tế là vô tình hạ thấp giá trị nhân tính. Trước cảnh dầu sôi lửa bỏng của quần chúng, Phật tử không thể bỏ quên công việc giải phóng. Nhưng giải phóng con người thoát khỏi sự gò bó của tham vọng nhân sinh là để hướng tới giải thoát. Giải phóng mà không giải thoát thì kết quả chỉ là giai đoạn, giả tạo. Ta có thể chấm dứt một cuộc chiến tranh mà không thể diệt được tham vọng ức chế. Phải mưu sự hòa bình ngay từ trong tâm niệm. Nếu chấm dứt chiến tranh để rảnh tay chuẩn bị cuộc tranh đoạt khác thì hậu quả còn khốc hại hơn. Chủ trương hủy diệt chiến tranh ngay trong tâm hồn cá nhân có thể bị một số người coi là không tưởng. Nói như thế là nhầm lẫn.

“Vì nhân loại không thể chống chiến tranh, hô hào hòa bình một cách có hiệu quả, nếu trước tiên không diệt trừ những nguyên nhân nội tại. Đạo Phật có thể góp một phần đắc lực trong công cuộc này.

Nhưng công cuộc diệt trừ những nguyên nhân sâu xa của chiến tranh là một công cuộc lâu dài bền bĩ, vĩ đại, cần nhiều thời gian, kiên nhẫn. Vậy ngay từ bây giờ, chúng ta, toàn thể Phật trên thế giới, phải chặt chẽ liên kết lại thành một khối duy nhất sáng suốt, có đường lối, chương trình hoạt động rõ ràng thiết thực. Khối ấy, lấy Từ bi làm động lực chính, lấy Trí tuệ làm phương tiện và lấy hòa bình thế giới làm mục đích trong thế gian này. Những người Phật cũng như những nước mà đại đa số dân chúng là Phật tử phải long trọng tuyên bố và cam kết rằng sẽ không vì một lý do gì mà giết người, hoặc gây chiến tranh hay tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào những khối người hay những tổ chức có thể là những cái ngòi lửa của chiến tranh. Khối Phật tử chỉ hợp tác với những tổ chức, những đoàn thể, những khối người có mục đích phụng sự hòa bình như mình thôi. Đối với Phật tử, hòa bình phải có tính cách thiêng liêng như là một tôn giáo thứ hai của mình.

Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng nếu toàn thể Phật tử thực hiện được những điều nói trên thì Phật giáo sẽ là một nền móng vững chắc cho việc xây dựng tòa nhà hòa bình thế giới.

Nhưng muốn được thế, người Phật tử trước tiên, phải tu, phải học Phật cho chín chắn đã. Nếu không, thì mọi sự hô hào hòa bình chỉ là hô hào suông. Và chính trong ý nghĩa này mà Ngài Tăng thống, trong huấn từ gởi cho Đại hội thường niên vừa qua của Giáo hội Phật giáo đã dạy một câu rất thâm thúy: “Chính sự tu học là hòa bình ngay từ trong tâm niệm”.

Được như thế thì sứ mệnh cứu quốc của Phật tử mới đáng coi là viên mãn.

SỨ MỆNH KIẾN QUỐC: XÂY DỰNG XÃ HỘI THEO TINH THẦN PHẬT GIÁO

Những khái niệm về sứ mệnh cứu quốc không nhắm mục đính bày tỏ tính chất chính trị của Gia đình Phật tử. Vẫn ở trong cương lĩnh “Giáo dục Thanh, Thiếu, Nhi góp phần xây dựng xã hội”. Gia đình Phật tử không có tham vọng vượt qua tầm thước giáo dục và xã hội. Tuy vậy, một vài nhận định về chính trị bao giờ cũng rất thiết yếu. Bởi lẽ, chương trình giáo dục và xã hội không dễ gì thực hiện được khi mà áp lực của chính trị và hoàn cảnh chiến tranh ngày một tàn khốc. Phải hiểu chính trị để bảo tồn sức mạnh, để nuôi dưỡng phong trào. Trong tình trạng một nước có mức thấp kém về kinh tế như nước ta, ảnh hưởng của chính trị hay nói rõ hơn của chính quyền rất to lớn. Chẳng thế mà, chuỗi sự kiện đảo chánh và “cách mạng” vẫn liên tục cho tới khi có sự dung hợp hoàn mỹ giữa lý tưởng và thực tế. Chính trị, xã hội, giáo dục, văn nghệ liên quan mật thiết. Một chính sách tốt đẹp sẽ không thể thực hiện giữa một xã hội rối loạn! Một chương trình hoạt động xã hội nhân đạo sẽ không thể xúc tiến khi áp lực của chính trị quá nặng nề! Một phương sách giáo dục lý tưởng sẽ phải thất bại vì sự đổi thay giai đoạn. Một đường lối văn nghệ chân chính sẽ phải gãy đổ vì thiếu tự do! Cho nên, trình bày qua những nét lớn về hiện tình hình chính trị là một việc cần thiết và hợp lý để đi tới mục đích phục vụ giáo dục và xây dựng xã hội chứ không phải là một việc ngoài lề. Hơn nữa, công tác xã hội, giáo dục bao giờ cũng hướng tới tương lai, tới lý tưởng nhưng thực tại phũ phàng bao giờ cũng là cản trở lớn, là môi trường phát sinh ra tâm trạng bi quan, tiêu cực, giai đoạn, nhất thời. Một thí dụ cụ thể: Trước kia Tự Lực Văn Đoàn là một văn phái (1932). Vì không đứng vững trước trào lưu cách mệnh nên phải biến tướng thành đảng Hưng Việt (1937) rồi đổi thành Đại Việt dân chính (1938). Đảng chính trị lại phải nhắm hoạt động xã hội: Hội Ánh sáng (xây nhà rẻ tiền bán cho lao động). Và sau đó, kết quả là các tác phẩm văn nghệ của Tự Lực Văn Đoàn đã trở thành lợi khí để phổ biến chương trình chính trị, xã hội qua các bài luận thuyết của lý thuyết gia Hoàng Đạo mà thôi. Ngày nay một số nhà văn, nhà thơ đó đã trở thành thiên cổ vì các lý do chính trị, một số khác đi theo ý thức hệ mới và giữa tên gọi Nguyễn Tường Tam với biệt hiệu Nhất Linh đã có hai nội dung cách biệt xa vời.

Xem đó, mục đích giáo dục và xã hội của Gia đình Phật tử sẽ không bao giờ thể hiện được nếu cấp lãnh đạo không có những ý niệm căn bản về chính trị.

*

Dù nhắm mục đích cao, Gia đình Phật tử sẽ không có tham vọng “cải tạo” hay “cách mệnh” xã hội mà chỉ góp phần xây dựng. Những khái niệm căn bản về xã hội học đều quá cao so với hoạt động hiện hữu. Vả chăng, Gia đình Phật tử là một tổ chức giáo dục mà trong đó thành phần nhi đồng (từ 8 đến 16 tuổi) chiếm 70% thì đối tượng chính phải là giáo dục lớp trẻ đó, chứ không phải đem trẻ đi vào xã hội. Hoạt động thanh niên xã hội của Gia đình Phật tử chỉ là một bộ môn trong bốn bộ môn chính của chương trình tu học: Phật pháp, Văn nghệ, Hoạt động thanh niên, Nữ công. Và hoạt động cũng chỉ là thực tập tinh thần hoạt động và thể hiện lòng Từ bi của Phật tử mà thôi. Với một thái độ khiêm nhường như vậy, Gia đình Phật tử sẽ cố gắng bày tỏ sự đóng góp của mình vào lãnh vực: Giáo dục, Văn nghệ, Cứu trợ.

VAI TRÒ GÐPT TRONG LÃNH VỰC GIÁO DỤC

Nhiều người đã phàn nàn cho hoàn cảnh giáo dục nước nhà đang ở độ trụy lạc. Có vài người, vài đoàn thể muốn đem lý tưởng cải cách phần nào tình trạng hủ bại này. Đã có người chê, và cũng đã có người than! Tuy nhiên, ít người dám nghĩ thẳng rằng “muốn thay đổi một cơ cấu giáo dục, muốn cứu vãn một tình trạng xuống dốc, công việc chính là phải đề ra một “Chính sách Giáo dục”. Chính sách ấy không phải chỉ nằm trong vài chi tiết: trường sở, sách giáo khoa, giáo giới!!! Hay cải cách sửa đổi, cắt xén vài phần trong chương trình học. Có thể nói, đề ra một chính sách giáo dục cũng khó khăn như thiết lập một nền luân lý mới. Nếu trong phạm vi đạo đức, một luân lý nào cũng phải dựa vào một nền tảng đạo lý vững vàng thì trong lãnh vực giáo dục, chính sách chỉ là phần thực hiện của một nhân sinh quan, một ý thức hệ, một tổ chức chính trị, xã hội. Ta sẽ không thấy làm lạ rằng nền giáo dục Việt Nam ở tại miền Nam này, sau 20 năm lấy Việt ngữ làm học thừa vẫn chưa thoát được cái vỏ vay mượn của thực dân Pháp. Khốn nỗi, cái vỏ ấy lại còn chứa đựng một âm mưu dùng cái học nhồi sọ, dùng từ chương, khoa cử để lũng đoạn chí khí của thanh niên. Mỗi lần có chính phủ mới là có Đại hội Giáo dục. Và kết quả? Sau những việc cắt xén, chèn phá, hãm hại lẫn nhau để giữ chức vị, công việc cải tổ đôi khi chỉ đưa tới các vụ điều tra ngân sách, hay tài sản của những người chủ sự. Vậy muốn góp phần vào việc xây dựng giáo dục, Gia đình Phật tử cần phải định rõ các vấn đề căn bản, nền tảng, chính sách, phương pháp, tổ chức.

NỀN TẢNG CỦA CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC

Chính sách giáo dục đặt trên nền tảng truyền thống hoặc cách mệnh. Về truyền thống thì cơ sở cương thường của Nho học đã sụp đổ từ cuối thế kỷ trước. Suốt 80 năm Pháp thuộc người Việt nam được nhồi sọ chứ không được giáo dục. Chứng cớ là khi người Pháp ra đi họ đã để lại trên đất nước này một khối trí thức không có thực tài mà lại ham hưởng thụ. Những người có thực tài, có đạo đức lại làm công việc đánh đuổi họ ra khỏi đất nước này. Liên tiếp 20 năm, những thất bại liên tiếp của các lớp trí thức đưa tới cảnh đầu hàng độc tài và quân phiệt. Nền tảng cũ đã thật sự đổ vỡ. Ta chờ đợi gì ở Cách mệnh? Cho tới bây giờ, chưa có một ý thức hệ nào khả dĩ thỏa mãn được nhu cầu của giáo dục. Về việc “dạy chữ” thì phải nhận là Thiên Chúa giáo đã thành công lớn nhờ truyền thống ngót 300 năm. Họ có hẳn một dòng chuyên việc giáo dục. Có điều, việc đào tạo nhân tài không phù hợp với đòi hỏi của các dân tộc mà chỉ phụng sự cho Giáo hội… Việc dạy dỗ ấy đã trở thành lạc lỏng từ khi người Pháp rời bỏ đất này. Nói đến Phật giáo thì còn thê thảm hơn! Trước kia Phật giáo tuyệt nhiên không thèm tranh đua với nho sĩ trong việc trị nước. Dưới thời Pháp thuộc không hề có một trường Phật giáo. Dưới thời Ngô chế đã có khuynh hướng mở các trường Bồ Đề. Nhưng cho tới nay, vì việc chấp hành lệch lạc, ta vẫn chưa có một giáo dục thỏa đáng đáp ứng đúng với nhu cầu của một quốc gia đang vùng lên, đang cần cải thiện từ con người, tới xã hội. Hai năm gần đây, trường Cao đẳng Phật học rồi Viện Đại học Vạn Hạnh ra đời. Qua nội dung bài diễn văn của Thượng tọa Viện trưởng Thích Minh Châu đọc trong buổi lễ đặt đá xây trường vừa chớm nở một hy vọng, một hy vọng chưa được cụ thể hóa thành kế hoạch. Nói như Thượng tọa Viện trưởng Viện Hóa đạo “Toàn dân Việt Nam, có thêm một niềm hy vọng. Hy vọng ở sự xây dựng thiết thực và khế cơ cho một xã hội đang bị tàn phá, đang cần bám vào những gốc rễ truyền thống để đứng vững, để phát triển đồng thời tránh được hiện tượng phân tán và nạn bị tràn ngập bởi những nếp suy tư cảm nghĩ ngoại lai có có hiệu lực làm giảm ý thức và tiềm lực phấn đấu xây dựng xứ sở. Mang hoài bảo xây dựng một nền học vấn và văn hóa khế cơ như thế, Viện Đại học Vạn Hạnh sẽ không tự giới hạn trong việc đào tạo các chuyên viên mà cố nhiên sẽ chú trọng cả về xây đắp cơ sở tinh thần và tất cả mọi hoạt động kinh tế xã hội…”

Như thế, nền tảng giáo dục của Phật giáo đặt trên Truyền Thống. Nhưng truyền thống giải thoát, ly trần phải hiện đại hóa bằng đường lối Cách Mệnh. Quá nệ vào Truyền thống thì có thể trở thành thủ cựu làm chậm mọi cuộc tiến hóa và không phù hợp nổi với thực tế. Quá thiên về Cách mệnh lại có thể sa vào thói tật vong bản, vọng ngoại. Giữa hai cực đoan: thủ cựu với vong bản ấy phải có một Trung đạo: Đó là công cuộc hiện đại hóa mọi truyền thống với tinh thần bảo thủ. (Xin phân biệt rõ thủ cựu với bảo thủ. Thủ cựu là ôm ấp lấy cái xưa dù có lỗi thời cũng mặc. Trái lại, bảo thủ chỉ lấy cái tinh hoa cũ và can đảm gạt bỏ mọi hình thức hủ lậu). Đã làm Tôn giáo thì phải Bảo thủ. Tinh thần bảo thủ sẽ giữ được quân bình. Về đối tượng: truyền thống nhắm vào hư vô, tịch diệt; Cách mệnh đi thẳng vào đời. Về phương pháp: truyền thống dựa vào Trực giác; Cách mệnh vin vào suy luận. Một bên chủ yếu ở cảm thông, hòa đồng; một bên rút gọn vào trau dồi lý trí. Hai con đường ấy ngày nay phải hợp nhất. Một tôn giáo gạt bỏ hết mọi lễ nghi, giới luật, kinh điển thì chỉ còn là một tập đoàn thế tục. Ngược lại quá câu nệ vào dĩ vãng thì sẽ trở thành lạc hậu. Trước kia, Nho giáo không dung hòa được nên phải gãy đổ.

Thế giới có hai nền văn minh cổ hữu: Văn minh Trung Ấn là văn minh lục địa. Sống giữa hai khoảng đất mênh mông, nhìn lên thấy trời cao bát ngát, nhìn xuống thấy đất rộng bao la. Con người mặc cảm mình chỉ là hạt cát bé nhỏ giữa vũ trụ vô cùng. Tinh thần hòa đồng tiểu ngã (người) vào đại ngã (vũ trụ siêu nhiên) đã bắt đầu từ tâm trạng xót xa thân phận ấy. Văn minh Tây phương phát xuất từ Hy La là văn minh duyên hải. Sống giữa thiên tai, thủy hạn liên miên quanh bờ Địa Trung Hải, thiên nhiên đã trở thành một kẻ thù nguy hại cho cuộc sống. Với phản ứng tự nhiên con người phải tận dụng lý trí để chứ ngự kẻ thù tàn ác và to lớn ấy. Cho nên trong Tây phương là gốc của triết học, của khoa học, kỹ thuật lấy trí tuệ khắc phục thiên nhiên thì Đông phương là môi trường hòa hợp êm đềm giữa cái “ta” nhỏ nhoi của con người với cái “ta” to lớn là vũ trụ.

Và cũng trong tinh thần ấy, đất nước Việt Nam là khoảng cuối của hai lục địa Trung Ấn trải rộng thân mình trên bờ Thái Bình Dương dậy sóng nên ý thức truyền thống của Việt Nam vốn có tinh thần Trung đạo cố hữu. Ta không ngạc nhiên khi thấy Việt Nam tiếp nhận đủ mọi ảnh hưởng từ bốn phương mang tới nhưng không hề bỏ mất bản sắc dân tộc của mình. Nếu mục đích chân chính của giáo dục là tạo khả năng cho con người thích nghi với cảnh giới và đẩy mạnh bước tiến của nhân loại từ dã man tới văn minh, từ nô lệ tới tự do, từ đê tiện tới lý tưởng thì trót hai thế kỷ chạy theo khoa học kỹ thuật, nhân loại, đã cô lập con người vào những phạm trù ngược với nhân tính. Nếu ta nhìn vào một Phi châu chìm vào hủ tục, một Á châu đói rét, một Mỹ châu ngây ngô, một Âu châu cuồng loạn thì phải nhận một cách đau đớn rằng hệ thức giáo dục của thế kỷ 20 đã sụp đổ vì tạo ra loại người có óc không tim. Cho nên ta cũng sẽ không ngạc nhiên khi thấy hầu hết các bậc thánh thiện sau khi chán chê linh hồn, ghê tởm vật chất đều quay về với lý tưởng Phật giáo. Sự vay mượn và trùng hợp giữa Phật giáo với các tư tưởng lớn không phải tới bây giờ mới có. Nietzsche, Hégel, Schopenhauer, Plotin… cho tới ông thánh Augustin của Thiên Chúa giáo cũng có nhiều đồng ý với hệ luân giải thích uyên nguyên vũ trụ và lập định luân lý cho nhân sinh của Phật giáo. Và đi xa hơn nữa, có vài ông duy vật cũng ôm luôn Phật giáo vào lòng vì họ nghĩ rằng: âu cũng là một xu hướng vô thần cả!!!

Rút lại nền tảng giáo dục của Phật giáo phải là trung đạo hòa đồng. Hòa đồng giữa hướng nội Đông phương với hướng ngoại Tây phương. Hòa đồng duy tâm và duy vật, hòa đồng khoa học với tâm linh. Có hòa đồng mới có cảm thông, có cảm thông mới có giải thoát.

TRÊN NỀN TẢNG TRUNG ĐẠO HÒA ĐỒNG ẤY, THIẾT LẬP CHÍNH SÁCH GIÁO DỤC THEO TINH THẦN BI TRÍ DŨNG.

Xu thế giáo dục quốc tế nêu ra ba tiêu chuẩn chính yếu trong việc giáo dục con người toàn diện là Nhân bản, Dân tộc, Khai phóng.

* NHÂN BẢN lấy con người làm gốc, làm đối tượng giáo dục. Mỗi chính sách giáo dục phải vì người mà có, do người mà ra và phục vụ đích thực cho người. Nhưng con người là một “tiểu vũ trụ”. Tiểu vũ trụ đó ngày nay đã bị phá vỡ vì cộng đồng. Con người bây giờ đã bỏ mất bản tính của mình để trở thành một hạt bụi trong cuộc trần ai, một cái đinh ốc trong bộ máy đời. Hầu hết các tác phẩm triết học, văn học đều đã cực tả thực tại phân hóa của con người giữa mọi ý thức hệ mọi thể chế xung khắc, hoặc tâm trạng cô độc của con người bất lực trong ý hướng thoát ly. Do vậy, giáo dục phải có nhân bản tính nghĩa là khôi phục lại sinh phận của con người.

* DÂN TỘC: Giáo dục khôi phục sinh phận của con người nhưng phải là con người của một quốc gia, một dân tộc, một thời đại nhất định. Ta có thể gởi ra học ở nước ngoài để mở rộng kiến văn. Nhưng nếu gạt bỏ yếu tố dân tộc thì con ta sẽ thành những ông bác học Tây lai, Mỹ lai chứ không thể là nhà trí thức của dân tộc được. Một nền giáo dục thiếu dân tộc tính là ngược với truyền thống. Ngược với truyền thống là tiêu diệt dân tộc. Cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc không phải chỉ nhắm việc phổ biến các tác phẩm của thế giới để gây nên một không khí đại đồng mà còn cố gắng làm nổi bật sắc thái đặc biệt của mỗi dân tộc bất luận văn minh hay lạc hậu.

* KHAI PHÓNG: Có người hiểu muốn bảo tồn dân tộc tính thì phải gạt bỏ hết mọi hình thức ngoại nhập. Thế là sai nhầm lớn. Muốn bảo tồn dân tộc tính thì phải tìm cách gìn giữ tinh hoa bằng cách tiếp nhận các bằng chứng tiến bộ của thế giới. Nhà Nho muốn muốn giữ cái búi tó, nhà nông ôm chặt cái cày tay vì trót nghĩ rằng đó là quốc hồn, quốc túy! Phải tin vào sự đổi mới, tin vào sự tiến hóa. Anh thợ đàn chỉ biết gảy bầu, kéo nhị nhưng với nhạc sĩ thì phải biết đem cái ánh sáng của văn minh thế giới mà chiếu rọi vào truyền thống cố hữu của mình. Giáo dục cũng thế. Nếu muốn tạo ra hạng người vừa câm vừa điếc, thì phải khai phóng nghĩa là mở rộng trí óc mà đón nhận hết mọi trào lưu tư tưởng văn minh nhân loại. Paris, sở dĩ đưọc gọi là trung tâm của văn minh hiện đại là người Pháp đã biết tiếp nhận hết mọi khám phá của con người Đông, Tây, kim, cổ để xây dựng cho mình.

Vậy thì muốn tránh tội phi nhân vong bản, thủ cựu, ta phải chấp nhận ba nguyên tắc căn bản đó của giáo dục hiện tại.

* GIẢI THOÁT: Tuy nhiên, tạo cho được một con người (nhân bản) Việt Nam (dân tộc) đầy đủ kiến thức (khai phóng) vị tất đã hoàn thành được mục đích toàn thiện của giáo dục. Con người hiện đại là một thứ Tề thiên Đại thánh. Với trí óc tinh vi, rồi đây con người có thể viếng thăm hết mọi tinh cầu. Có điều, ở đâu có vết chân người là ở đó có tham, sân, si tung hoành phá phách. Thay vì đem Trí tuệ minh mẫn, Tình cảm dồi dào, Ý chí to tát để hướng thượng thì con người ngày nay đã lũ lượt kéo nhau vào đọa lạc. Thật sự là vậy! Thực tế đã có những bậc cha mẹ suốt đời tận tụy hy sinh cho con, đã có những bậc thầy xả thân cho việc giáo huấn và rốt cuộc đã được bọn trẻ đáp lễ bằng những thái độ vong ơn. Cho nên phải trao ngay cho lớp trẻ một cái vòng kim cô của Phật Quan Âm (huyền sử), kim cô ấy là Bi Trí Dũng. Xin đừng quá tham lam. Nếu cứ ba chữ ấy mà khai triển, mà xây dựng, mà kiến tạo thành tinh thần, thành chính sách thì nền giáo dục của ta mới mong thoát khỏi tình trạng nguy ngập và nhanh chóng khôi phục lại bản vị của con người để hướng tới Tự do tuyệt đối là siêu thoát.

 GÐPT ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ VỚI TINH THẦN ẤY?

Gia đình Phật tử là một tổ chức ở ngoài học đường, kể các trường Bồ Đề nên ảnh hưởng chưa thực hiện đầy đủ. Song, như đã trình bày, một chính sách giáo dục chỉ có thể thực hiện hoàn mỹ nếu có một cuộc cách mệnh toàn diện theo tinh thần Từ Bi và Bất bạo động của Phật giáo. Vì cơ duyên chưa đủ, những ước nguyện sâu xa của Gia đình Phật tử vẫn còn là ý niệm. Trong phạm vi Gia đình Phật tử đã làm được và sẽ làm tới dù luôn luôn bị phá phách, cản trở bởi nội lực và ngoại lực. Ngày nào trên đất nước này, từ đô thị tới nông thôn từ dinh thự cho tới lều tranh đều phấp phới lá cờ Phật giáo, ngày mà mỗi xã, quận, tỉnh, miền đều có các trường Đại, Trung, Tiểu học do Gia đình Phật tử phụ trách thì ngày ấy mọi sự hiện thực sẽ bảo đảm cho ước nguyện hôm nay. Và trong phạm chật hẹp hiện tại Gia đình Phật tử đã làm gì? Xin cứ nghiên cứu thêm các tài liệu sẵn có của tổ chức Gia đình Phật tử sẽ thấy rõ.

VAI TRÒ CỦA GÐPT TRONG TRÀO LƯU VĂN NGHỆ HIỆN TẠI

Trước cuộc cách mệnh tháng 8 năm 1945, hai tiếng văn nghệ chỉ có nghĩa là “nghề làm văn”. Bây giờ văn nghệ gồm ý nghĩa “văn học và nghệ thuật”. Lãnh vực hoạt động thật rộng rãi: Ngành văn học bao gồm hết mọi ngành văn thi, đủ mọi thể cách, hình thức: phê bình, khảo cứu sáng tác. Về nghệ thuật lại còn bao la hơn: Kịch nghệ, Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Điện ảnh v.v… biểu hiện đủ mọi trường phái: Cổ điển, Lãng mạn, Tả chân, Siêu thực, Tự nhiên, Tượng trưng, Lập thể, Đa đa v.v… Các xu hướng đó phát hiện từ phương Tây ngót ba thế kỷ tuần tự: trường phái này quá độ thì lại manh nha ra trường phái khác. Trường phái nào vững sẽ có quá trình lâu dài. Nhưng một khi không đủ dung tích để chứa đựng rung cảm của nghệ sĩ và nhu yếu của cuộc đời thì lại phải sa vào quá độ và từ đó lại manh nha ra trường phái mới. Một trường phái có hai công tác: Sáng tác ra tác phẩm thể hiện đường lối; Phê bình giới thiệu cái hay của trường phái mình và hội thảo với các môn phái đối lập. Cả một rừng trường phái ấy xếp hàng ngang ùa vào nước ta sau những loạt súng đồng của thực dân xé tan màn “bế môn tỏa cảng” vào cuối thế kỷ trước. Nền tảng văn nghệ cổ truyền bị đào thải dần nhường chỗ cho cảnh hổn loạn. Các giá trị truyền thống, không được bảo tồn hợp lý dần dần tiêu diệt. Các giá trị mới ít được học tập nghiêm chỉnh nên nền văn nghệ của ta trở thành một hiện tượng “quái dị”. Số văn nghệ sĩ ý thức quá ít, số “hành nghề văn nghệ” lai căng, vụ lợi quá đông. Nói riêng về tinh thần của văn nghệ sĩ thì, trước 1946, phần nhiều đều lấy con đường trụy lạc làm nguyên liệu sáng tác nên tác phẩm sặc mùi thuốc phiện, say sưa vô lý tưởng, phóng túng, sa đọa, lãng mạn cuối mùa. Từ 1946 cuộc kháng chiến đột khởi một sắc thái mới. Văn nghệ sĩ đi vào lòng cuộc chiến đấu can trường gian khổ của dân tộc làm phát hiện hào quang bằng những tác phẩm chứa chan sức sống kiêu hùng và tình thương rạt rào của dân tộc vùng lên đòi tự do, độc lập.

Năm 1954, đất nước phân chia, mười năm Văn nghệ sĩ miền Nam là một chuỗi diễm tình. Nhà Ngô muốn biến văn nghệ thành tuyên truyền nhưng vì chánh sách ốm yếu lại thêm đa số văn nghệ sĩ thỏa hiệp đều không thành thực hay quá chất phác nên đã bộc lộ ra những loại tác phẩm so với kháng chiến đã kém xa mà sánh với tiền chiến thì cũng khó lòng theo kịp. Những người có ý thức đã gác bút lại để thở dài tiêu cực. Mười năm văn nghệ diễm tình đã biến hóa đa số thanh niên độc giả thành hạng lai căng hoặc chung thân bất mãn.

DUNG TÍCH CỦA VĂN NGHỆ BÂY GIỜ

Bởi bị bóp nghẹt, văn nghệ miền Nam không thể hiện được sức sống dân tộc. Kể về lượng thì các tác phẩm xuất hiện cũng khá dồi dào nhưng về nội dung thì quả thật đã xa lìa quần chúng.

* Về văn chương, ngoài một số tác phẩm có giá trị hình thức bày tỏ thái độ lẩn trốn thực tại của tác giả, ngoại giả đều ca tụng những cuộc tình duyên nhuốm mùi trụy lạc, vị kỷ. Những tâm tưởng sâu xa của một dân tộc đau khổ hầu như bị bỏ quên. Nhà văn đã không làm tròn sứ mệnh hướng dẫn một ý thức đấu tranh diệt khổ. Nói thế không có nghĩa là bỏ quên một vài tác giả có thiện chí muốn xây dựng, nhưng thực tế họ đã bị bôi nhọ, áp bức và đám quần chúng suy nhược tinh thần cũng không ưa gì loại tác phẩm trong sạch khi mà cuộc đời họ đã bị bao trùm bởi không khí sa đọa. Giữa nhà văn và quần không có sự liên hệ thân thiết như xưa nữa.

* Về ca nhạc, bị tràn ngập bởi các loại ca nhạc kích động Âu Mỹ, âm nhạc của ta lần lần trở thành những loạt hò hét líu lo. Ngoại trừ một “Con đường cái quan” một “Mẹ Việt Nam” của Phạm Duy, còn vương vấn Việt nhạc, các nhạc khúc khác phần nhiều đều tạm bợ chỉ đủ cung ứng cho lạc thú ca xướng ở các trà lâu, tửu điếm. Nhạc tình cảm đã trở thành ủy mị, ốm đau; nhạc quân hành trở thành báo hiệu của các cuộc đảo chính! Mặc dù trường “Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ” đã sử dụng hằng năm những ngân sách lớn nhưng suốt mười năm ta chưa hề thấy một vở kịch được dựng, một tài năng âm nhạc xuất chúng được giới thiệu với đời. Nếu trong văn chương ta phải rùng mình vì cái diêm dúa thì trong ca nhạc, màu sắc hưởng thụ hạ cấp còn ám ảnh nặng nề hơn.

* Về hội họa, dù nghệ thuật còn quanh quẩn, ta cũng phải nhận đây là một bộ môn gây được nhiều uy tín nhất của nước nhà trước con mắt quốc tế. Và cũng vì cái xu hướng quốc tế đó mà hội họa Việt nam đã bỏ mất bản sắc dân tộc. Tìm đâu cho ra những bức sơn mài trứ danh như của Nguyễn Gia Trí, tranh lụa của Tô Ngọc Vân, tranh dầu của Nguyễn Đỗ Cung… Đa số họa sĩ tài danh bây giờ đều trẻ. Họ hăng hái tìm kiếm cái mới. Một vài khám phá của Thái Tuấn, Cù Nguyễn, Duy Thanh v.v… thật đáng ca ngợi. Nhưng nói chung ta vẫn chưa có một nền hội họa biểu hiện cho cái thần trí hùng luyện và hồn tính sâu sắc của dân tộc.

* Riêng về các ngành nghệ thuật khác có liên hệ tới cơ giới, kỹ thuật như Điện ảnh Sân khấu thì tình trạng bán khai về khoa học không cho phép ai kể cả những người có tài năng và thiện chí có thể làm gì hơn được cảnh bế tắc bây giờ.

Vậy thì, văn nghệ của ta quả đang thiếu sức sống. Thiếu sống vì đời sống cộng của văn nghệ sĩ với quần chúng đã phân ly, một sự phân ly sẽ bị hậu bối kết tội.

THỰC TRẠNG CỦA NỀN VĂN NGHỆ PHẬT GIÁO HIỆN TẠI

Không khí chung đã vậy. Thế còn văn nghệ Phật giáo thì sao? Là một tôn giáo, Phật giáo đã có lễ nhạc truyền thống rất uyên áo và giải thoát. Đáng tiếc là truyền thống đã dần dần phai nhạt. Nguyên do là đa số các tác phẩm văn nghệ Phật giáo đều diễn đạt bằng Hán văn, bằng pháp khí cổ điển nên đã trở thành xa vời đối với “trào lưu mới”. Số người thâm hiểu tinh túy quá ít ỏi, ngay cả trong giới xuất gia. Nói đúng ra thì Phật giáo cổ truyền quả không chú tâm tới văn nghệ. Ngoài một số quy điều cố định, Phật giáo nghiêng hẳn về tư duy, diệt dục, không chú trọng tới rung cảm. Các bài kệ thanh thoát của chư Tăng đời Lý Trần đã chứng thực điều đó. Ta chỉ có thể ghi nhận ảnh hưởng tinh thần siêu thoát và diệt khổ của Phật giáo qua các tác phẩm thế gian, qua nếp sống thanh nhàn, nhẫn nhục của dân tộc. Vốn tôn trọng trực giác và thiền học, Phật giáo đúc kết rung cảm đến mức tuyệt đối, “Lục tự Di Đà vô biệt niệm, tốc lao đàn khởi đáo Tây phương”. Quá chú trọng vào cứu cánh, Phật giáo coi nhẹ mọi phương tiện. Cho nên văn nghệ phương tiện thể hiện chân lý tuyệt đối cũng phải nhập diệu. Bây giờ, có còn bao nhiêu người hiểu được các lời: xướng, tán, tụng, thỉnh của chư Tăng, những tiếng trống, bạt, nhạc khí tinh diệu của nhạc công trong một đàn “Tiểu Mông Sơn”? Viết đến đây, biên giả cảm thấy một niềm ngậm ngùi khao khát một hệ thống văn nghệ quí báu đang loãng dần, tan dần vào hư vô, tịch diệt!

Những năm sau này, một số Phật tử đã để ý tới việc gầy dựng một nền văn nghệ mới cho Phật giáo. Về văn chương đã có những hiện thể xứng đáng: Nhất Hạnh, Võ Đình Cường. Về nhạc: Nguyễn Hữu Ba lo bảo tồn cổ tích một cách vất vả. Về hội họa và các ngành khác chưa có gì đáng kể. Những nhạc phẩm trường ca của Văn Giảng, Trần Tâm Hòa, Trần Tâm Trí v.v… đều mới chỉ là những báo hiệu. Dù sao chăng nữa do yêu cầu của lẽ tồn vong, văn nghệ Phật giáo sẽ phải tiếp tục đi vào đời bằng con đường hiện đại hóa, thanh niên hóa.

Trong Gia đình Phật tử, ngoài những sáng tác phù hợp với hoạt động thanh niên, với tinh thần đấu tranh hộ pháp, văn nghệ chưa đủ sinh lực để hấp dẫn và thay thế cho văn nghệ thế gian. Mong rằng các dự án văn nghệ mới của Ban Hướng dẫn Trung ương, các anh chị em văn nghệ sĩ Phật tử sẽ cố gắng thực hiện cho được một nền văn nghệ mới cho Đạo và Đoàn thể. Văn nghệ cũng như giáo dục cần phải giữ vững tinh thần Trung đạo để xây dựng lại một cơ sở mới trên truyền thống tín ngưỡng.

SỨ MỆNH VĂN NGHỆ CỦA GÐPT

Để khởi tiến một nền cho tuổi trẻ cho Phật giáo, cho dân tộc, Gia đình Phật tử phải nhắm thực hiện cho được bốn trọng điểm sau đây:

* LOẠI TRỪ VĂN NGHỆ TRỮ TÌNH, SA ĐỌA. Vì mục đích giáo dục và giải thoát, văn nghệ Gia đình Phật tử phải thẳng tay bài trừ văn chương dâm uế, ủy mị, hoài nghi, phải ly khai với loại ca nhạc vong quốc, kích động, ngoại lai, phải tiết giảm các loại sáng tác vụ hình thức, trốn thực tại có thể làm mất bản sắc dân tộc và giải thoát. Hãy chỉ cho trẻ thấy cái nguy hại của một nền văn nghệ kích thích tâm lý đầu hàng nghịch cảnh, khêu gợi căm thù dục vọng mà chủ trương một đường hướng trong sáng, đạo hạnh, tiến bộ. Hãy đem màu lam đạo vị thay thế cho màu tím chết chóc.

* LÀM KHỞI SẮC DÂN TỘC TÍNH: Văn nghệ Gia đình Phật tử phải cố gắng khôi phục lại truyền thống. Công việc ấy đáng lẽ Giáo hội phải làm trước. Gia đình Phật tử dù không đủ phương tiện để thực hiện, cũng nên quan niệm cho chỉnh đốn về một nền văn nghệ Phật giáo Việt nam. Hãy làm sống lại Lễ nhạc Phật giáo và tinh thần bất khuất của dân tộc qua mọi ngành. Đem màu sắc đạo vị trở về ngay trong tâm hồn và sinh hoạt.

* NGHIÊNG HẲN VỀ HIỆN THỰC: Hãy thể hiện sự thật, những sự thật trong cuộc sống đớn đau của cá nhân, của dân tộc. Văn nghệ Gia đình Phật tử không thể tách rời niềm đau khổ của nhân sinh. Cao hơn, phải cực tả sự thật của chân lý, những sự thật cao siêu chỉ được cảm thông với tinh thần nhập diệu. Muốn đạt được sự thật tương đối của Đời thì phải sống thật. Muốn đạt được sự thật của Đạo thì phải tu chứng. Thực chứng nhân sinh và giải thoát sẽ đưa lại bản sắc thuần thành của văn nghệ Việt Nam.

*NHẰM TỚI CỨU CÁNH SIÊU THOÁT: Văn nghệ Gia đình Phật tử phải phát xuất từ thực tại nhân sinh nhưng không ngừng lại ở cửa đời. Văn nghệ tôn giáo phải vượt ra khỏi không khí giả tạo, mộng huyễn của cuộc đời mà hướng thiện và hướng thượng. Hợp với tinh thần Từ Bi, văn nghệ Phật giáo đem niềm vui tới để cứu khổ cho đời. Và cứu cánh của công cuộc cứu thế là con đường giải thoát. Nếu Phật pháp mở đường tới chân như thì văn nghệ phải là khởi đầu cho niềm cảm thông cao diệu đó.

SỨ MỆNH HỘ PHÁP CỦA GÐPT

Sau những khái niệm căn bản đặt nền tảng cho sứ mệnh cứu quốc, kiến quốc, tập biên khảo này sẽ chấm dứt với thiện nguyện phụng sự Đạo pháp.

Một sự thật hiển nhiên ai cũng phải công nhận là các đoàn thể thanh niên Phật giáo như Sinh viên Phật tử, Thanh niên Phật tử, Học sinh Phật tử, Hướng đạo Phật giáo chưa đầy ba tuổi đạo. Ngoài đoàn Sinh viên Phật tử do anh Trần Quang Thuận thành lập biến cố 11-1963 một năm, còn các đoàn thể kia đều được hình thành trong cuộc đấu tranh bảo vệ Chánh pháp. Bởi do tranh đấu mà có, nên hai đoàn Thanh niên Phật tử và Học sinh Phật tử quá nặng về tranh đấu mà non yếu về công phu tu học. Hai năm qua, việc điều hành và hoạt động của Thanh niên và Học sinh tại thủ đô như thế nào ai cũng đã rõ. Riêng đoàn Hướng đạo Phật giáo thì rút êm về cương lĩnh “chỉ đường” của mình. Trong cuộc cứu trợ đồng bào miền Trung vừa qua, khi lực lượng đấu tranh chính trị chuyển sang xã hội, các đoàn trẻ kia gặp trở ngại nhiều do ở nguyên nhân thiếu tổ chức và cơ sở vững bền.

Cho tới nay, Tổng vụ Thanh niên vẫn chưa có một quy chế chung cho toàn thể Tổng vụ. Trên thực tế, vai trò của các Ủy viên phụ trách các Vụ cũng không rõ rệt mấy, và theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, mọi hoạt động của Gia đình Phật tử phải trực thuộc Tổng vụ Thanh niên của Viện Hóa đạo. Trực thuộc như thế rất hợp ý chí thống nhất nhưng đôi khi Gia đình Phật tử lại phải cáng đáng cả công việc của Tổng vụ, tất nhiên là việc lặt vặt mà thôi!!! Dù sao chăng nữa, là một tổ chức đã có hơn 20 tuổi Đạo! Gia đình Phật tử với quá khứ huy hoàng và lâu dài sẽ cố gắng bảo tồn truyền thống trầm tĩnh nhưng hùng lực, âm thầm mà cương quyết của mình. Trong khi những phần tử bèo bọt lần lần xa lìa tổ chức, vì không thấy lợi lộc gì. Chúng ta, những đoàn viên Gia đình Phật tử, những người mang nặng đạo tâm và chung thủy phải làm gì để hoàn thành ý nguyện?

TÍCH CỰC CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN GÐPT

Xin chớ vội nghĩ đến chuyện đem Gia đình Phật tử đi tìm hoạt động to lớn. Hoàn thành cho được mục đích “Giáo dục thanh thiếu nhi, đào tạo Phật tử thuần thành, góp phần phụng sự xã hội” là đã quá trọng đại rồi. Muốn thành công thì phải tính chuyện củng cố hàng ngũ sẵn có. Từ anh chị cựu Huynh trưởng nay đã thành Đạo hữu mặc áo tràng cho tới cậu Đồng niên nay đã trở thành Huynh trưởng. Đội chúng trưởng đều phải lưu tâm nuôi dưỡng cho Gia đình Phật tử tồn tại vững mạnh. Có vững mạnh mới nên nghĩ tới việc phát triển. Muốn được thế vấn đề chỉ đạo phải tin ở Ban Hướng dẫn Trung ương duy nhất trên đất nước này. Không thể có một Ban Hướng dẫn nào khác có thể thành lập ngoài Nội quy. Về thực hiện, phải nhắm vào vấn đề đào luyện huynh trưởng. Tương lai Gia đình Phật tử còn hay mất, mạnh hay yếu là do ở tác phong và khả năng của Huynh trưởng. Việc phát triển phải tuần tự chú trọng vào phẩm hơn vào lượng, vào tu học hơn là tham gia công tác ngoài Gia đình Phật tử. Hiện thời với ngót 100.000 đoàn viên, với bàn tay trắng Gia đình Phật tử chịu một gánh nặng hơn cả bốn Viện Đại học ở Việt Nam họp lại. Muốn cho tổ chức tồn tại trong sự nghèo khó, mà lại thiếu đức tin, thiếu quả cảm, nhẫn nại, sáng suốt, cương trực, bất vụ lợi, tất Gia đình Phật tử còn phải hy sinh nhiều lắm. Làm sống Gia đình Phật tử là thực sự phụng sự Đạo pháp.

SÁNG SUỐT TRONG VAI TRÒ PHỤNG SỰ

Dù một tế bào của Giáo hội, Gia đình Phật tử lúc nào cũng phải can đảm, sáng suốt chấp nhận thái độ phê bình, kiểm thảo. Kiểm thảo công việc nội bộ để sửa chữa. Phê bình tổ chức chung để khỏi bị lũng đoạn oan uổng. Huynh trưởng Gia đình Phật tử không nên vọng ngoại, gánh vác quá nhiều việc ngoài mà xao lãng việc Gia đình. Khi nào được anh em trách móc: “Sao anh chỉ lo cho Gia đình Phật tử mà thôi?”. Ấy là ta đã thành công một phần rồi đó. Bất cứ hoạt động trên địa bàn nào ta cũng phải nghĩ tới danh dự và tồn vong của Gia đình Phật tử trước đã. Ta lo cho tổ chức được mạnh không phải là ích kỷ. Bỏ cương vị của mình là phá hoại đại sự. Đối với Giáo hội cũng như quần chúng sự đóng góp của Gia đình Phật tử luôn luôn nên vừa phải và hợp lý. Gia đình Phật tử là tổ chức giáo dục trẻ nhưng không phải là nơi quy tụ một bọn trẻ con. Gia đình Phật tử có những Huynh trưởng thừa tuổi để làm việc đời, việc đạo. Hãy bỏ cái mặc cảm “cây tầm gửi”. Trong một tổ chức lớn như Phật giáo làm được công việc giáo dục cũng đã quá vĩ đại rồi. Về sự tương quan giữa Gia đình Phật tử với Giáo hội, với Tổ quốc như thế nào, các chương ở trước đã nói tới, chỉ cần thực hiện cho được là đủ.

 GÐPT ĐÓA HOA ĐẠO NGÁT HƯƠNG

Đoàn viên Gia đình Phật tử phải phụng sự một nhiệm vụ kép: Tín ngưỡng và Tổ quốc. Tu cho mình và Hành cho người. Hiện thời các cấp lãnh đạo Phật giáo đang phát động tư trào cách mệnh Giáo lý, giáo chế, giáo sản. Một số lý thuyết gia đang phát động công cuộc hiện đại hóa và phụng sự xã hội. Công cuộc ấy Gia đình Phật tử đã nêu lên từ năm 1950. Nào là tinh thần Bi, Trí, Dũng, Đạo vào Đời, Đời vào Đạo, những từ ngữ ấy xuất hiện trước tiên trong tổ chức Gia đình Phật tử chứ không phải trong các tập đoàn Tăng già hay đạo hữu. Bây giờ việc lớn đã có ảnh hưởng. Gia đình Phật tử đã đi sâu vào lòng đạo, vào lòng đời. Huy hiệu Hoa Sen không còn là dấu hiệu riêng tư của ta. Châm ngôn Bi, Trí Dũng được nêu cao ở các đoàn thể Giáo hội, ở các trường Bồ Đề. Có ai ngờ đến những hoa quả hôm nay đã được gieo mầm từ cuộc Đại hội toàn quốc Gia đình Phật tử tại Từ Đàm mười lăm năm về trước? Bài “Phật giáo Việt Nam” trở thành nhạc hiệu lễ của các buổi lễ nhạc Phật giáo? Sự đóng góp xương máu của Quách Thị Trang, Đoàn Thị Yến Phi và bao nhiêu anh chị em đã khuất hay đang sống âm thầm tại các nơi giam cầm, tù hãm chưa đủ cho ta tin vào đường lối hoạt động của Gia đình Phật tử hay sao? Gia đình Phật tử chỉ có một lý tưởng là phục vụ cho một nước Việt Nam đậm màu Phật giáo.

Related Articles

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

1,630FansLike
0FollowersFollow
0SubscribersSubscribe
- Advertisement -spot_img

CÁC TIN KHÁC

error: Content is protected !!
Chào mừng quý vị đến với trang Lam Thành Cổ