Ở đời thường có những người làm sai, lại trút giận sang người khác; bản thân mình bất tài không làm được việc gì, lại đùn đẩy trách nhiệm lên vai người khác. Thí dụ như “tự mình không có năng lực để tiến thân, lại đổ thừa chính trị không tốt, xã hội không được an ninh trật tự, có nhiều hiểm nguy rình rập; lại có rất nhiều kẻ ác, mọi người cạnh tranh nhau, người tốt khó làm việc được v.v.”. Họ che đậy sự bất tài của mình, đùn đẩy công việc cho người khác.
Thời Tam quốc có Tào Tháo, phụ thân của ông bị bọn thổ phỉ vùng Từ Châu giết chết. Ông ta lại trút giận vào nhân dân Từ Châu, nên chỉ huy một đại binh kéo đến Từ Châu giết sạch dân chúng. Như thế có đúng không?
Hồng Tú Toàn nói: “Trời sinh muôn vật để nuôi người, con người không có chút đức để báo đáp trời. Giết! Giết! Giết!”. Ông ta hạ lệnh bảy lần giết. Ông đi đến đâu, đều giết sạch nhân dân. Người này có còn nhân tính không? Dân chúng có đáng giết không? Là mệnh lệnh của trời sai ông ta đi giết người chăng? Tự mình muốn làm việc xấu lại mượn cớ là làm theo ý trời.
Ngày xưa có một nông dân cần cù chăm chỉ làm việc đồng áng. Một hôm, ông dắt con trai đi thăm ruộng nhà. Ông có dụng ý vừa muốn con trai biết ruộng nhà, vừa đi giải khuây. Vô tình, hai cha con đi vào rừng, người cha ngồi bên gốc cây nghỉ ngơi, con trai lại đi thẳng vào rừng sâu. Bỗng chú bé chợt thấy mèo rừng, cáo rừng, lại thấy con cọp đuổi theo heo rừng; cuối cùng chú gặp một con gấu đen, vì sợ quá nên chú bỏ chạy. Do chú bỏ chạy, gây lên tiếng động, con gấu biết có người nên đuổi theo, lao tới vồ vai chú bé. Chú sợ hãi chạy lao về phía trước, vừa chạy vừa la lớn: “Gấu đen đến rồi! Gấu đen đến rồi! Hãy cứu tôi với!”.
Chú bé la vang cả khu rừng. Vừa thấy cha, chú thở hổn hển nói:
– Cha ơi! Con vừa bị gấu đen vồ vai. Cha xem thử trên vai con có bị chảy máu không?
Nhìn thấy bả vai con bị thú dữ cào bị thương, người cha tức giận vô cùng, liền cầm cung tên đi thẳng vào rừng. Ông không thấy loài thú dữ nào mà gặp tiên nhân tu đạo, râu tóc dài trắng xóa. Ông ta không hỏi rõ đầu đuôi, liền lắp tên vào cung, chuẩn bị bắn tiên nhân. Chú bé chạy theo sau, liền ngăn lại nói:
– Cha ơi! Vị này không phải thú dữ vừa hại con bị thương.
Người cha hỏi:
– Chẳng phải người này râu, tóc dài đó sao?
– Cha à! Bờm, lông dài là loài thú. Ông này là người, lại là người tốt tu đạo. Tại sao cha lại giết một người tốt như thế?
Gã nông dân này không biết, lại hồ đồ, hoặc trút giận vào người khác. Ông muốn giết tiên nhân mà không phân biệt đúng sai.
Bài học đạo lý
Thế gian có người tốt, cũng có người xấu. Do đó, có một số người xấu thường đổ lỗi cho xã hội. Họ nói: “Xã hội này thật đen tối, đều là người xấu, tôi muốn báo thù; cho nên tôi làm những việc ác để báo thù hết mọi người”.
Một quốc gia, khó tránh được chuyện các quan chức tham ô, đó cũng là chuyện xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng người bị hại thì trút giận hết vào quốc gia. Mỗi gia đình đều có hàng xóm, trong gia đình thì có con cái, những đứa bé chơi đùa qua lại là chuyện bình thường; nhưng khi bọn chúng cãi nhau lại dẫn đến người lớn chửi nhau. Từ đó, người lớn trở thành bất hòa, ở đâu cũng có chuyện này.
Giữa người với người sống với nhau, nói năng, làm việc, mỗi người đều có cá tính của mình. Mỗi người đều có tư tưởng và hiểu biết khác nhau, nên khó tránh được chuyện va chạm xảy ra và xung đột. Từ chuyện cá nhân, lại trút giận vào xã hội; hoặc từ xóm làng với xóm làng, cho đến quốc gia với quốc gia tạo thành oán thù muôn đời, chuyện này ở đâu cũng có. Vì chút sĩ diện mà con người gây nên chiến tranh, người chết như núi, chuyện này nơi nào cũng thấy. Vì sao con người thích đánh nhau như thế, vì sĩ diện phải không? Giành được sĩ diện, lại như thế nào? Họ phải trả giá rất lớn.
Có người không kiềm chế hành vi của mình, khi bị người khác phê bình, hoặc bị người sỉ nhục, họ không kiểm điểm lại mình mà trút giận vào người khác, hoặc đi trả thù cả xã hội, người bị hại đều là người tốt vô tội. Trút giận vào xã hội như thế có công bằng không?
Mỗi đoàn thể có quy luật và ràng buộc của đoàn thể, mọi người phải tuân thủ. Nếu một người nào làm sai thì phá hoại danh dự cả tập thể, tất nhiên người đó phải chịu trừng phạt theo quy luật, nhưng người chịu hình phạt thường trút giận vào tập thể và phỉ báng, phá hoại. Con người thật sự quá đáng thương! Chúng ta làm theo phương diện tốt thì ảnh hưởng rất ít, nhưng làm việc phá hoại thì ảnh hưởng rất nhiều. Trút giận vào người khác cũng thật là đáng thương!
(Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính)