Đầu và đuôi rắn một hôm
Sinh ra tranh chấp om xòm vui thay,
Đuôi lên giọng nói gắt gay:
“Để ta đi trước hôm nay xem nào.”
Đầu bèn phản đối: “Lạ sao
Ta thường đi trước từ bao lâu rồi
Đuôi bò trước thấy ngược đời.”
Cả hai cãi cọ tơi bời kể chi.
Thế rồi đầu rắn cứ đi
Nhưng mà đuôi rắn dễ gì chịu đây
Quấn ngay vào khúc thân cây
Không buông, hét lớn: “Đuôi này thua ai!”
Tất nhiên đầu rắn chịu thôi
Làm sao bò được, đành mời đuôi đi.
Đuôi nào biết đến hiểm nguy
Cứ bò chẳng thiết nghĩ suy thêm phiền
Đuôi đâu có mắt để nhìn
Lần mò bò tới qua bên kia đường
Thấy đâu hầm lửa than hồng
Rơi vào bị đốt thảm thương quá trời
Toàn thân đều bị cháy thui
Đầu đuôi chú rắn đi đời nhà ma!
oOo
Truyện này thí dụ cho ta
Thầy trò nên sống chan hòa tương thân,
Có nhiều đệ tử sai lầm
Chê thầy già cả thiếu phần tinh anh
Cho nên trò lại muốn tranh
Giành quyền lãnh đạo phô danh với đời
Nghĩ mình tài giỏi hơn người
Nào hay kinh nghiệm mình thời còn non
Tính tình bồng bột hãy còn
Nhiều khi giới luật cũng luôn lơ là,
Trò cầm đầu thường xảy ra
Bao nhiêu lầm lạc thấy mà đáng chê
Gánh vào thất bại ê chề
Cùng sa địa ngục não nề bản thân!
———=oOo=———
Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO
Thi hóa phỏng theo Kinh Bách Dụ
(Trích dẫn trong “Sakyamuni’s One Hundred Fables” do Tetcheng Liao dịch).
Cuộc Tranh Cãi Của Con Rắn
Ngày xưa có một con rắn, cái đuôi của nó nói với cái đầu: “Tôi nên dẫn đường.”
Cái đầu đáp: “Tôi đã quen dẫn đường, tại sao bạn lại muốn thay đổi vị trí đột ngột như vậy?”
Khi cái đầu dẫn đường, cái đuôi quấn chặt quanh một cái cây và không chịu di chuyển. Còn khi cái đuôi dẫn đường, con rắn rơi vào một hố lửa và bị thiêu chết.
Điều này cũng đúng với mối quan hệ giữa thầy và trò.
Các học trò thường có ảo tưởng rằng người trẻ nên dẫn đường, vì họ nghĩ rằng thầy quá già để dẫn dắt.
Do sự non nớt của tuổi trẻ, họ thường vi phạm các giới luật mà không nhận ra. Cuối cùng, họ kéo nhau xuống địa ngục.